Sử ký Tư Mã Thiên/VI-1
VI. — NGUYỆT BIỂU VÀO KHOANG TẦN, SỞ
Ông Thái-Sử đọc sử vào khoảng Tần, Sở nói rằng:
— Bắt đầu gây việc tự Trần-Thiệp; Hung-hăng giệt nhà Tần do họ Hạng; rẹp đời loạn, giết kẻ dữ, bình định trong bể, lên được ngôi vua, thành công là nhà Hán. Trong khoảng năm năm, hiệu lệnh ba lần đổi. Từ sinh ra loài người đến giờ, chưa có bao giờ chịu mạnh mau gấp như thế. Xưa kia nhà Ngu, nhà Hạ lên, đều tích lũy công-đức mấy mươi năm, thấm nhuần ra trăm họ; tạm cầm quyền chính để xét xem lòng Trời, rồi mới lên ngôi... Thang, Vũ làm vua, là do Tiết cùng Hậu-Tắc sửa điều nhân, làm việc nghĩa hơn mười đời, Buổi họp ở Mạnh-Tân, Chư-hầu không hẹn mà tới đến tám trăm, Vũ-vương còn cho là chưa được. Mãi sau mới đánh giết vua Trụ... Nhà Tần bắt đầu từ Tương-công. Thịnh từ Văn, Mục. Sau đời Hiến, Hiếu mới dần dần ăn lấn Sáu Nước. Hơn một trăm năm, đến Thủy-Hoàng mới gồm nuốt hẳn được đám dân đội mũ thắt đai...
Đức phải gây thế ấy, sức phải dùng thế kia, cho biết thống-nhất khó-khăn là như vậy... Nhà Tần đã làm vua rồi, lo chiến-tranh không ngớt, cho là vì có Chư-Hầu, vì thế không phong cho ai thước đất nào! Phá bỏ các thành to; hủy hoại giáo, mác; giết bọn hào kiệt, giữ gìn nền trị-an muôn đời! Vậy mà dấu vết đế-vương, nổi lên từ thôn-quê; góp sức đánh phá, dễ hơn là Ba Đời! Những lệnh-cấm của Tần hồi trước, vừa hay chỉ là để trừ bỏ những sự khó-khăn giúp cho người tài giỏi mà thôi! Cho nên phát-phẫn mà làm tức là bậc anh hùng ở đời! Nào Phải đâu « không sẵn đất thì không làm nổi vua! » Sách gọi là bậc đại-thánh, có lẽ là thế chăng? Há chẳng phải trời sao? Há chẳng phải trời sao? Phi bậc đại-thánh, trong lúc ấy ai dễ đã chịu mạnh mà làm vua được?
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Khoảng Tần-Sở tức là lúc Tần đã mất chính quyền, Hán còn chưa nối ngôi, các anh-hùng còn đương đua sức « săn nai! » Thế nhưng nghiệp Hán do đó mà lên, vậy phải lấy chuyện Trời cho nhà Hán làm cốt. Bắt tay nhắc qua Trần-Thiệp, Hạng-Võ, rồi vào luôn chuyện nhà Hán lên ngôi, coi đã đắc thể rồi. Kế đem sự gây dựng khó khăn của các đời trước mà so-sánh, cho biết nhà Hán làm vua thật là dễ dàng, xưa nay chưa từng có. Xét ra chỉ bởi nhà Tần bỏ lối phong-kiến, tự rỡ phá rào dậu, khiến cho kẻ từ chỗ thôn quê nổi lên, có thể không cần lấy thước đất kê chân mà cũng làm nổi vua! Cho nên cái thuyết « không sẵn đất không làm nổi vua », chỉ là để nói lúc thường, chứ bậc đại-thánh thì có cứ gì phải thế! Thực là Trời kia cũng có ý định đâu trong đó. Thế nhưng Trời kia tuy có ý định làm mất nhà Tần, song nếu không phải là bậc đại-thánh như vua Cao-Tổ, thì bất-quá chỉ làm được như Trần-Thiệp, như Hạng Võ mà thôi, chứ đương lúc các anh-hùng đua sức, đã dễ gì một mình chịu mạnh mà làm vua? Đoạn trên nói « chịu mạnh mau gấp », tỏ ra rằng Trần-Thiệp và Hạng-Võ nổi ên cũng là bởi mạnh trời, chỉ vì không phải bậc đại-thánh, nên không được làm vua đó thôi. Ý văn rất là khúc chiết.