Sử ký Tư Mã Thiên/XI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XI. — Niên-biểu các Vương, Hầu, công-thần của Cao Tổ

XI. — NIÊN-BIỂU CÁC VƯƠNG, HẦU, CÔNG-THẦN CỦA CAO TỔ.

Các người làm tôi ngày xưa, công gồm có năm bực:

Lấy đức lập nên Tôn-miếu, định được nước nhà, gọi là « huân »;

Giúp bằng lời, gọi là « lao »;

Bằng sức gọi là « công »;

Tính rõ đấng-bậc của công, gọi là « phạt »;

Tích lại nhiều ngày, gọi là « duyệt ».

Lời thề khi phong-tước thế này:

« Dù cho non Thái còn bằng viên đá!

« Sông Vàng còn bằng cái giải!

« Truyền cho dòng-dõi về sau,

« Nước vẫn vững yên mãi mãi!

Ban đầu nào phải không muốn làm cho bền gốc, chặt rễ đâu! Vậy mà cành lá cứ suy-vi, tàn-rụng dần đi!

Tôi đọc truyện Cao-Tổ phong các công-thần, xét duyên-cớ sao ngay các đời phong-đầu lại có kẻ mất nước ngay, liền than rằng:

— Lạ thay là chuyện! Kinh Thượng-Thư nói: « Hiệp hòa muôn nước... » Muôn nước ấy, qua đời Hạ, đời Thương, có nước còn đến mấy nghìn năm. Nhà Chu phong tám trăm nước. Sau đời U, Lệ, chép trong Thượng-Thư, Xuân-Thu, có những nước Hầu, Bá từ đời Đường, Ngu, trải qua Ba-Đời, hơn nghìn năm vẫn còn toàn vẹn, để phụ vệ Thiên-Tử. Đó há chẳng phải là những nước dốc lòng nhân-nghĩa, vâng giữ phép vua đó sao? Nhà Hán lên, hạng Công-Thần được phong hơn một trăm người. Thiên hạ mới yên, cho nên các thành to, đô lớn, số nhân dân lưu-tán có thể tính được chỉ hai, ba phần mười. Vì thế nước Hầu lớn chẳng qua muôn nhà; nhỏ thì năm, sáu trăm hộ. Sau đó vài đời, dân đều về làng cũ, số hộ càng đông. Bọn Tiêu, Tào, Giúng, Quán, có nước đến bốn vạn. Các nước Hầu nhỏ cũng đông gấp bội. Giầu có cũng theo đó. Con cháu kiêu căng, xa xỉ, hư hỏng, bậy-bạ, quên cả ông-cha. Đến đời Thái-Sơ (đời Vũ-đế) mới khoảng trăm năm, hiện còn có năm nước Hầu! Ngoài ra đều bị tội mất mạng, mất nước hết cả. Lưới phép kể cũng hơi ngặt... Song cũng bởi không ai biết lo-sợ về những cấm lệnh đương thời...

Ở vào đời nay, nhớ đạo đời xưa, cốt để tự soi mình, chưa chắc đã giống hết cả. Các đời Đế, Vương, lễ đều khác mà việc không giống nhau; cốt lấy thành-công làm trọng. Diềng-mối có thể chắp-nhặt được đâu! Xem bọn họ sở-dĩ được tôn-quý, cùng sở-dĩ bị truất-bỏ nhục-nhã, cũng là cái rừng hay dở ở đời này đấy, hà tất phải chuyện cũ!

Vì vậy kính xét trước sau; nên rõ vào sách. Cũng có những chuyện không biết hết được gốc ngọn. Chỗ nào rõ thì chép. Chỗ nào ngờ thì bỏ thiếu. Các quân-tử đời sau, muốn suy mà sắp lại, có cái để mà xem...

Lời bình của Lâm-Tây-Trọng

Phong tước, chia đất, là để đền kẻ có công. Các bầy-tôi được phong, sẽ đời đời làm phên-dậu cho quốc-gia. Đó là phép nhất-định của các vua mở nước đời trước. Nhà-Hán dùng sức mạnh lấy Thiên-hạ, nào ghét ghen, nào ngờ-vực, đãi công-thần rất là bạc. Các vua Chư-Hầu đời ấy cũng phần nhiều không rõ nghĩa lớn. Trong khoảng trăm năm, mắc tội, mất nước hồ hết. Đó là thế tất nhiên. Ông Long-Mon dẫn đời xưa ra để so sánh, kém, hơn khác hẳn, cảm khái vô cùng! Thế nhưng chỗ bạc-bẽo của Bản-Triều, nói rõ không tiện, đành phải đem ý « xưa nay bất tất việc gì cũng giống nhau » để bênh-vực qua quết. Rồi nói ngay sang cái cớ các công-thần sở-dị được tôn-quí hay bị truất bỏ, để khuyên răn người đời.

Xếp-đặt kể đã rất là khổ-tâm vậy.