Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/X-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng.

Bắt tay nêu ngay ra chữ « dữ tợn », đó là lời bình xác-đáng về cả đời Hạng-Võ. Cả thiên lấy chữ đó làm cốt. Chỗ dẫn truyện mắt vua Thuấn chồng con ngươi cũng không phải là nói chơi. Chẳng qua mượn một ông vua rất nhân-đức để so với một người rất dữ-tợn mà thôi! Nguyệt-biểu Tần Sở cũng nói: « Hung hăng diệt nhà Tần do họ Hạng ». Đó tức là câu chua nghĩa cho chữ « dữ-tợn ». Ý nói: Nếu quả Võ là dòng-dõi vua Thuấn, thì lúc lên không nên ngổ-ngược làm vậy! Lời tán về truyện Kình-Bá cũng có câu: « Bá có lẽ là dòng dõi Cao-Rao chăng? Sao rấy lên dữ-tợn làm vậy. Lại nói đến việc họ Hạng chôn sống lính đầu hàng, mà Bá thì ra tay làm ác trước. Ý cũng là nói: Nếu Bá quả là dòng-dõi Cao-Rao, thì không nên bạo ngược làm vậy; Cũng giống với ý bài tán này, chả có gì đáng ngờ cả. Thế nhưng cái chỗ dữ-tợn nhất của Võ là việc đuổi Nghĩa-đế mà tự lập mình lên. Cho nên trịnh-trọng nhắc ra, để cho rõ cái cơ diệt-vong của họ Hạng: Đã vì dữ-tợn mà lên, lại vì dữ-tợn mà mất! Kể với lối « lấy nghịch nhưng giữ thuận », rất là thất-sách! Ông Long-Môn định án bằng một chữ, thật là cây bút sắt nghìn xưa!