Sử ký Tư Mã Thiên/XIII
XIII. — THẾ GIA THÀY KHỔNG.
Thày Khổng tên là Khâu, tự là Trọng-Ni. Tổ-tiên xưa người nước Tống. Cha là Thúc-Lương-Ngột; mẹ họ Nhan. Lấy năm thứ hai-mươi hai đời Tương-Công nước Lỗ, năm Canh-Tuất, tháng mười một, ngày Canh-Tý, sinh thày Khổng ở ấp Xu, làng Xương-Bình nước Lỗ. Lúc bé chơi đùa, thường bầy các món đồ cúng-tế, cùng đặt các lễ-nghi. Lớn lên làm chức Uỷ-lại, lào gạt công-bằng. Làm chức Tư-chức-lại các giống súc sinh-sôi động. Sang Chu. hỏi Lão-Đam (Lão-tử) về lễ. Khi trở về, học-trò càng tiến. Nước Lỗ loạn, vua là Chiêu-công chạy sang Tề. Vì thế thày sang Tề. Cảnh-Công (Vua Tề) muốn đem khu ruộng Ny-Khê phong cho thày. Yến-Anh cho là không nên. Công tin lời nói đó. Thày bèn trở về Lỗ. Họ Quý (quan nước Lỗ) lúc đó mạnh và lấn quyền. Đầy-tớ nó là Dương-Hổ làm loạn, chuyên chính, cho nên thày Khổng không làm quan, lui về sửa lại các sách Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Học trò càng đông. Đến đời Định-Công, cho thày làm chức Tể đất Trung-Đô. Được một năm, bốn phương đều bắt chước. Thày bèn được lên làm Tư-Không, lại làm Đại-Tư Khấu, giúp Định-Công, làm lễ hội vua Tề ở Giáp-Cốc. Nước Tề phải trả lại đất lấn của nước Lỗ. Thày sai Trọng-Do làm Tể cho họ Quý, phá bỏ ba đô (ấp riêng của ba họ Quyền-quý nước Lỗ), thu lấy các đồ khí giới. Họ Mạnh không chịu phá ấp Thành. Thày vây đánh không vỡ. Thày lên tạm coi việc Tướng-quốc. Giết Thiếu-Chính-Mão. Dự nghe chính-trị cả nước. Được ba tháng, nước Lỗ cả trị. Nước Tề đưa bọn nữ-nhạc sang để làm ngăn trở. Quý-Hoàn-Tử nhận ngay. Tế Giao, lại không đưa thịt phần cho các Đại-phu, thày Khổng bèn đi sang Tống, sang Trần, trở về Vệ. Vệ Linh-Công không dùng nổi, lại sang Trần, sang Sái và Diệp. Sở Chiêu-vương cho người đón, thày Khổng sang đáp Lễ. Chiêu-vương toan đem đất Thư-Xã phong cho thày, nhưng quan Lệnh-Doãn là Tử-Tây không ưng, bèn thôi. Thày lại về Vệ. Quý-Khang-Tử cho vời, thày lại về Lỗ. Khi ấy là năm thứ mười một, đời Ai-công, tuổi thày đã sáu mươi tám. Nhưng nước Lỗ vẫn không biết dùng. Thày bèn sắp kinh Thư, chua Lễ-Ký, bớt Kinh Thi, sửa Kinh Nhạc, định lại Kinh Dịch. Học-trò có đến ba nghìn người. Thông suốt được cả sáu kinh có bẩy mươi hai người. Trong các học-trò, Nhan-Hồi giỏi nhất, chết sớm. Về sau chỉ có Tăng Sâm truyền được đạo của thày Khổng. Năm thứ mười bốn, nước Lỗ săn ở miền Tây, được con Lân. Thày Khổng bèn làm sách Xuân-Thu. Năm thứ mười sáu, Nhâm-Tuất, tháng tư, ngày Kỷ-Sửu, Thày Khổng mất, tuổi bẩy mươi ba, chôn ở trên sông Tứ, phía Bắc thành nước Lỗ.
Thày Khổng sinh ra Lý, tự là Bá-Ngư. Bá Ngư sinh ra Cấp, tự là Tử-Tư, làm ra sách Trung-Dung. Tử-Tư học thày Tăng, mà thày Mạnh thì học lại học-trò Tử-Tư.
Tán rằng:
Kinh Thi có câu: « Núi Cao ta trông! Đức lớn ta theo! » Tuy chẳng đến được nào, song lòng ta thầm mến. Tôi đọc sách họ Khổng, tưởng tượng như trông thấy cách làm người của thày. Sang Lỗ, xem nhà thờ Trọng-Ni, nào xe, nào áo, nào các đồ thờ... Các học-trò thời thường đến nhà đó tập lễ. Tôi bồi-hồi ở lại không dứt ra về được! Trong đời, các vua chúa cho đến các người tài giỏi kể nhiều lắm. Sống thì vẻ vang, nhưng chết thì thôi! Thày Khổng áo vải, truyền hơn mười đời mà học-giả vẫn tôn trọng. Từ Thiên-Tử đến Vương Hầu, ở Trung-quốc này, nói đến sáu Kinh đều phải lấy Thày làm chuẩn-đích! Thật đáng là bậc chí-thánh vậy.
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Tán Phu-Tử, nếu đem chuyện đạo-đức ra mà nói, thì thử hỏi bắt đầu nói từ chỗ nào? Nay thong-thả đem mấy câu Kinh Thi ra thay lời, tỏ ra Phu-Tử là bậc cao sâu khôn lường, mình chỉ biết đem lòng thầm mến... Cho nên đọc đến sách thì thầm mến mà tưởng như trông thấy người; xem đến nhà thờ thì thầm mến mà ra về không được; không có một chữ nào nói đến Phu-Tử hết. Rồi đó mới đem Phu-Tử mà so sánh với các người có ngôi mà cao sang, có đức mà tài-giỏi ở đời, thấy rằng người khác chẳng qua nhất thời được vẻ vang, riêng Phu-tử thì muôn đời vẫn tôn-quý. Cuối cùng nói sáu kinh lấy Phu-tử làm tiêu-chuẩn, cũng là nói cái ý thầm-mến ở tất cả mọi người. Bỗng rưng kết bằng hai chữ « chí thánh » mà đạo cao, đức cả đã gồm cả ở trong, đỡ sức biết là bao nhiêu! Phép bút thật nhẹ-nhàng rất mực!