Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/XLIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLIII. — Thế gia Ngô-Thái-Bá

XLIII. — THẾ GIA NGÔ-THÁI-BÁ

Ngô Thái-Bá cùng em là Trọng-Ung đều là con của vua Thái-Vương nước Chu, mà anh vua Quý-Lịch. Quý-Lịch giỏi mà có con là Xương có thánh-đức. Thái-Vương muốn lập Quý-Lịch để kịp tới Xương. Thế là Thái-Bá, Trọng-Ung hai người bèn trốn sang Kinh-Man, chổ mình, cắt tóc, tỏ ra là người không đáng dùng, để tránh Quý-Lịch. Quý-Lịch lên ngôi, ấy là Vương-Quý, mà Xương thì là Văn-Vương. Thái-Bá chạy sang Kinh-Man, tự gọi mình là Câu-Ngô. Dân Kinh-Man cho là người có nghĩa, theo về ông hơn nghìn nhà, lập làm vua Thái-Bá nước Ngô. Thái-Bá mất không con, em là Trọng-Ung lập. Ấy là vua Trọng-Ung nước Ngô. Trọng-Ung mất, con là Quý-Giản lập. Quý-Giản mất, con là Thúc-Đạt lập. Thúc-Đạt mất, con là Chu-Chương lập. Khi ấy Vũ-Vương nhà Chu, đánh được nhà Ân, tìm con cháu Thái-Bá, Trọng-Ung, được Chu-Chương. Chu-Chương hiện đã làm vua Ngô, nhân phong cho ở đấy. Lại phong em Chu-Chương là Ngu-Trọng ở miền Bắc, đất của vua Hạ cũ, ấy là Ngu-Trọng, kể là chư-hầu. Chu-Chương mất, con là Hùng-Toại lập. Hùng-Toại mất, con là Kha-Tướng lập. Kha-Tướng mất, con là Cương-Cưu-Di lập. Cương-Cưu-Di mất, con là Dư-Kiều-Nghi-Ngô lập. Dư-Kiều-Nghi-Ngô mất, con là Kha-Lư lập. Kha-Lư mất, con là Chu-Do lập. Chu-Do mất, con là Khuất-Vũ lập. Khuất-Vũ mất, con là Di-Ngô lập. Di-Ngô mất, con là Cầm-Xử lập. Cầm-Xử mất, con là Chuyển lập. Chuyển mất, con là Pha-Cao lập. Pha-Cao mất, con là Câu-Ty lập, Lúc ấy Hiến-Công nước Tấn diệt nước Ngu ở phía Bắc nhà Chu để mở Tấn và đánh Quắc. Câu-Ty mất, con là Khứ-Tề lập. Khứ-Tề mất, con là Thọ-Mộng lập. Thọ-Mộng lập mà nước Ngô mới lớn, tự xưng là Vương. Từ khi Thái-Bá dựng nước Ngô, năm đời mà Vũ-Vương mới đánh được nhà Ân, phong con cháu Thái-Bá làm vua hai nước: một là nước Ngu ở Trung-Quốc, hai là nước Ngô ở mường-mán. Lại mười hai đời mà nước Tấn diệt nước Ngu ở Trung-Quốc. Nước Ngu ở Trung-Quốc bị diệt hai đời thì nước Ngô ở mường-mán thịnh. Từ Thái-Bá đến Thọ-Mộng gồm mười chín đời.

Năm thứ hai đời vua Thọ-Mộng, quan Đại-Phu nuớc Sở là Thân-Công Vu-Thần, oán vua Sở, đem Tử-Phản trốn chạy sang Tấn. Rồi từ Tấn sang sứ Ngô, dạy Ngô dùng binh xa sai con làm hành-nhân nước Ngô. Ngô từ đó mới giao thông với Trung-Quốc. Ngô đánh Sở, Năm thứ mười sáu, Sở đánh Ngô đến rẫy Hành-Sơn. Năm thứ hai mươi lăm, vua Thọ-Mộng mất.

Thọ-Mộng có bốn người con: trưởng là Chư-Phàn, thứ là Dư-Tế, thứ nữa là Dư-Muội, thứ nữa là Quý-Trát. Quý-Trát giỏi, Thọ-Mộng lập làm vua. Quý-Trát nhường, không cho là phải. Vì thế bèn lập con trưởng là Chư-Phàn, thay coi việc trị nước.

Năm đầu vua Chư-Phàn, Chư-Phàn đã xong tang, nhường ngôi cho Quý-Trát. Quý-Trát chối rằng:

— Khi Tuyên-Công nước Tào mất, Chư-Hầu cùng người Tào cho vua Tào là bất nghĩa, muốn lập Tử-Tang. Tử-Tang trốn đi, để tác-thành cho vua Tào. Người Quân-Tử cho là biết giữ tiết. Anh theo nghĩa được nối ngôi, ai dám ngăn trở anh? Có nước chẳng phải là tiết của tôi, Trát này tuy không giỏi, xin theo nghĩa của Tử-Tang.

Người nước Ngô cố ý lập Quý-Trát. Quý-Trát bỏ nhà đi cầy, họ mới chịu thôi.

Mùa thu. Ngô đánh Sở, Sở đánh Ngô thua.

Năm thứ tư, Bình-Công nước Tấn mới lên ngôi. Năm thứ mười ba, vua Chư-Phàn mất, có di-mạnh trao ngôi cho em là Dư-Tế; ý muốn truyền theo thứ tự, tất có lúc giao nước cho Quý-Trát thì thôi, để vừa ý vua Thọ-Mộng ngày xưa. Lại khen lòng nghĩa của Quý-Trát, anh em đều muốn dần dần đến lượt giao nước cho. Quý-Trát phong ở Duyện-Lang, cho nên gọi là Duyên-Lăng Quý-Tử.

Năm thứ ba vua Dư-Tế, tướng nước Tề là Phong-Khánh có tội, từ Tề chạy sang Ngô. Ngô cho Phong-Khánh huyện Chu-Phương, để làm phong-ấp, lại đem con gái gả cho, giầu hơn là ở Tề.

Năm thứ tư, Ngô sai Quý-Trát sang sứ Lỗ, xin xem nhạc nhà Chu. Hát cho nghe các thơ Chu-Nam, Thiệu-Nam. Khen rằng: « Đẹp thay! Mới gây nền thôi, còn chưa... Thế nhưng khó nhọc mà không oán » Hát cho nghe thơ các nước Bội, Dung, Vệ. Khen rằng: « Đẹp thay! Đau đáu lo mà không đến nỗi khốn! Tôi nghe đức của Khang-Thúc, Vũ-Công nước Vệ là thế! Vậy, có lẽ thơ Vệ chăng? » Hát cho nghe thơ Vương. Khen rằng: « Đẹp thay! Nghĩ mà không sợ, có lẽ khi nhà Chu sang Đông chăng? » Hát cho nghe thơ Trịnh. Nói rằng: « Nhỏ nhen quá! Dân không chịu nổi! nước ấy có lẽ mất trước cả! » Hát cho nghe thơ Tề. Khen rằng: « Đẹp thay! Đùng đùng như gió lớn tràn ra bể Đông! Có lẽ là Thái-Công chăng? Nước của ngài chưa thể lường được! » Hát cho nghe thơ Mân Khen rằng: « Đẹp thay! Thư thả vui mà không đắm, có lẽ khi Chu-Công sang Đông chăng? » Hát cho nghe thơ Tần. Khen rằng: « Đó gọi là tiếng Trung-Quốc. Biết theo Trung-Quốc thì sẽ lớn mà lớn rất mực! Có lẽ là ở đất cũ của nhà Chu chăng? » Hát thơ Ngụy. Khen rằng: « Đẹp thay! Lồng lộng lớn mà dịu dàng, sẻn mà dễ làm; lấy đức phụ thêm vào, có thể làm minh-chủ được! » Hát thơ Đường. Nói rằng: « Nghĩ sâu thay! Có lẽ có di-phong của vua Đào-Đường, không thì sao mà lo xa thế? Phi con cháu bậc đại đức, ai được như vậy? » Hát thơ Trần. Nói rằng: « Nước không vua có bền sao được! » Từ Cối trở xuống, không nói gì cả. Hát thơ Tiểu-Nhã, nói rằng: « Đẹp thay! Nghĩ mà chẳng sinh lòng, oán mà không ra miệng... Có lẽ đức nhà Chu lúc đã suy chăng? Còn sót có hạng dân của các vua đời trước. » Hát thơ Đại-Nhã. Khen rằng: « Rộng thay! vui vẻ thay! Cong mà có thể thẳng, có lẽ là đức của Văn-Vương chăng? » Hát thơ Tụng, khen rằng: « Thật tuyệt vời! thẳng mà không kiêu; vẹo mà không khuất; gần mà không bức; xa mà không nghi; dời đổi mà không đắm đuối; trở lại mà không chán nản; buồn thương mà không sầu; vui vẻ mà không hoang toàng; dùng mà không thiếu thốn; rộng mà không khoe khoang; cho mà không phí; lấy mà không tham; ở mà không đọng; đi mà không trôi; năm tiếng hòa; tám gió bình; tiết-chế có điều-độ; giữ gìn có thứ tự; đức đều thịnh cả! » Thấy múa các bài Tượng Thiều Nam-Thược, (của Vũ-Vương), khen rằng: « Đẹp thay! nhưng còn có điều ân-hận. » Thấy múa bài Đại-Vũ, khen rằng: « Đẹp thay! Khi nhà Chu đương thịnh, có lẽ như thế chăng? » Thấy múa bài Thiều-Hộ (của vua Thang đời Thương) nói rằng: « Có vẻ rộng lớn của thánh nhân, nhưng còn có chỗ đáng thẹn. Đó là điều khó xử cho thánh nhân. » Thấy múa bài Đại-Hạ (của vua Vũ đời Hạ), nói rằng: « Đẹp thay! khó nhọc mà không lấy làm công, trừ vua Vũ ra, ai có thể theo kịp? » Thấy múa Tiêu-Thiều (của vua Thuấn), nói rằng: « Đức lớn thật tuyệt vời! như trời không nơi nào là không che, như đất không vật gì là không chở... Dù đức tốt đến đâu cũng không thể hơn được! Xem thế thôi! Nếu còn nhạc khác, tôi cũng không dám xem nữa! »

Dời khỏi Lỗ, sang sứ Tề, bảo Án-Bình-Trọng rằng:

— Thày mau nộp trả thực-ấp cùng chính-quyền. Không thực-ấp, không chính-quyền, họa mới thoát nạn! Chính-quyền nước Tề, sắp có nơi về... Chưa có nơi về, nạn còn chưa yên...

Vì vậy, Án-Tử nhờ Trần-Hoàn-Tử, nộp trả thực-ấp củng chính-quyền, mới thoát được cái nạn Loan, Cao.

Qua Tề, sang sứ Trịnh, gặp Tử-Sản, tưởng như bạn cũ. Bảo Tử-Sản rằng:

— Kẻ cầm quyền nước Trịnh càn-rỡ quá, nạn sắp tới rồi! Quyền sẽ tới thày! Thày cầm quyền, phải cẩn-thận giữ lễ. Nếu không, nước Trịnh sẽ hỏng!

Qua Trịnh sang Vệ, nói với Cừ-Viện, Sử-Cẩu, Sử-Du, Công-Tử-Kinh, Công-Thúc-Phát, Công-Tử-Triều rằng:

— Nước Vệ nhiều bậc quân-tử, chưa có gì đáng lo.

Từ Vệ sang Tấn, định ở lại Túc, nghe tiếng chuông, nói rằng:

— Lạ thay! Ta nghe: « Tranh-dành mà trái đạo-đức, tất chịu tội, chịu chết! » Nhà thày (Tôn-Văn-Tử) được tội với nhà vua, ra ở đây, sợ-hãi còn chưa đủ, lại còn có thể làm phản sao! Nhà thày ở đây, cũng như con én làm tổ trên đình màn! Vua chưa chôn, mà vui được sao?

Bèn bỏ đi! Văn-Tử nghe nói, suốt đời không nghe đàn nữa. Sang Tấn, bảo Triệu-Văn-Tử, Hàn-Tuyên-Tử, Ngụy-Hiến-Tử rằng:

— Nước Tấn sẽ vào tay ba nhà chăng?

Khi sắp đi, bảo Thúc-Hướng rằng:

— Nhà thày nên cẩn-thận! Vua thì càn-rỡ; các đại-phu thì nhiều người giỏi mà giầu, chính-quyền sẽ sang tay ba nhà! Nhà thày thẳng tính, tất phải nghĩ cách để khỏi mắc nạn!

Hồi Quý-Trát mới đi sứ, lên phía Bắc, qua thăm vua Từ. Vua Từ thích thanh gươm của Quý-Trát, miệng không dám nói. Quý-Trát biết bụng vậy. Vì cớ sang sứ các nước lớn chưa tiện dâng. Khi về đến Từ, vua Từ đã mất, bèn cởi thanh gươm báu của mình, buộc lên cây trên mả vua Từ mà đi.

Bọn theo hầu nói rằng:

— Vua Từ mất rồi, ông còn cho ai?

Quý-Tử nói:

— Không phải thế! Lúc trước, lòng tôi đã định cho rồi! Há lại lấy cớ sống, chết mà ở trái lòng mình hay sao?

Năm thứ bẩy, Công-Tử-Vi nước Sở giết vua là Giáp-Ngao mà chiếm lấy ngôi, ấy tức là Linh-Vương.

Năm thứ mười, Linh-Vương nước Sở họp Chư-hầu, đánh đất Chu-Phương của Ngô để giết Khánh-Phong nước Tề. Ngô cũng đánh Sở, lấy ba ấp rồi trở về.

Năm thứ mười một, Sở đánh Ngô, quân tới Vu-Lâu.

Năm thứ mười hai, Sở lại sang đánh, quân tới Can-Cốc, rồi thua chạy.

Năm thứ mười bẩy, vua Dư-Tế mất, em là Dư-Muội lên ngôi.

Năm thứ hai đời vua Dư-Muội, Công-tử-Khí-Tật nước Sở giết Linh-Vương và thay làm vua.

Năm thứ tư, vua Dư-Muội mất, muốn trao ngôi cho em là Quý-Trát. Quý-Trát xin nhường, trốn đi. Vì vậy, người nước Ngô nói: « Tiên-vương có dối lại: Anh chết, em thay, tất phải đến lượt Quý-Tử. Quý-Tử nay trốn ngôi, thì con vua Dư-Muội lên. Nay nhà vua mất, con nên lên thay ». Bèn lập Liêu là con vua Dư-Muội làm vua.

Năm thứ hai đời vua Liêu, Công-Tử-Quang sang đánh Sở, thua bỏ mất thuyền vua. Quang sợ, lại đánh úp Sở, lấy lại được thuyền vua mà về.

Năm thứ năm, tôi nước Sở là Ngũ-Tử-Tư trốn sang Ngô, Công-Tử-Quang đãi là khách. Công-Tử-Quang là con vua Chư-Phàn, thường cho là: « Cha ta, anh, em bốn người, đáng lẽ truyền đến Quý-Tử. Quý-Tử nếu không nhận nước, thì cha Quang làm vua trước, ngôi vua chẳng tới Quý-Tử, thì đáng phải lập Quang »!..

Liền chứa ngầm các tay hiền-sĩ, muốn để đánh úp vua Liêu.

Năm thứ tám, Ngô sai Công-Tử Quang đánh Sở, bại được quân Sở, đón người mẹ của thái-tử Kiến nước Sở ở Cư-Sào đem về. Nhân sang Bắc, đánh bại được quân của Trần, Sái. Năm thứ chín, Công-Tử Quang đánh Sở, cướp được Cư-Sào, Chung-Ly.

Nguyên trước, con gái họ Ty-Lương ở biên-ấp nước Sở, tranh dâu với con gái ở biên-ấp nước Ngô. Nhà hai người con gái tức giận diệt lẫn nhau. Các quan coi biên-ấp hai nước cũng tức giận đánh nhau. Biên-ấp bên Ngô bị diệt! Vua Ngô giận, nên đánh Sở cướp lấy hai thành mà về.

Ngũ-Tử-Tư khi mới chạy sang Ngô, đem cái lợi đánh Sở nói với vua Liêu. Công-Tử-Quang nói:

— Cha, anh của Tử-Tư bị giết ở Sở nên muốn tự báo lấy thù đó thôi, chưa thấy gì là lợi.

Vì thế Ngũ-Viên (tức Tử-Tư) biết Quang có bụng khác, bèn đi tìm tay dũng sĩ Chuyên-Chư, đem vào ra mắt Quang. Quang mừng, bèn đãi Ngũ-Tử-Tư là khách. Tử-Tư lui về cầy ở nội, để đợi việc của Chuyên-Chư làm.

Mùa Đông năm thứ mười hai, Bình-Vương nước Sở mất. Mùa Xuân năm thứ mười ba, Ngô muốn nhân Sở có tang mà đánh, sai hai công-tử là Cái-Dư, Chúc-Dung, đem quân vây Lục-Loan của Sở. Sai Quý-Trát sang sứ Tấn, để xem xét ý Chư-Hầu. Sở ra quân chặn sau quân Ngô. Quân Ngô về không được, thế rồi công-tử Quang nói:

— Dịp này không thể bỏ lỡ được!

Bảo Chuyên-Chư rằng:

— « Không tìm sao có được »! Ta thật là con vua, đáng được làm vua, ta muốn tìm cái đó! Dù Quý-Tử về, cũng chẳng bỏ ta!

Chuyên-Chư nói:

— Vua Liêu có thể giết được! Mẹ già, con yếu, hai công-tử lại đem binh đánh Sở, Sở chặn mất đường về. Hiện nay Ngô, bên ngoài khốn với Sở, mà bên trong trống rỗng, không có hạng bầy tôi cứng-rắn, có làm gì nổi ta!

Quang nói:

— Thân ta là thân của ngươi!...

Tháng tư, ngày Bính-Tý, Quang phục các giáp-sĩ ở nhà-hầm mà mời vua Liêu uống rượu. Vua Liêu sai dàn quân ra đường, từ cung vua đến cổng, ngõ, thềm, chiếu nhà Quang đều là người thân của vua Liêu, ai nấy đều cầm dao hai lưỡi đi kèm. Công-Tử Quang vờ làm chân đau, vào trong nhà-hầm. Sai Chuyện-Chư để cây chủy-thủ (thứ gươm nhỏ hình như mũi thìa) vào trong con cá rán. Khi dâng ăn, cầm chủy-thủ đâm vua Liêu, mũi trúng giữa ngực, bèn giết vua Liêu. Công-tử Quang liền tự lập làm vua, ấy là vua Hạp-Lư nước Ngô.

Hạp-Lư cho con Chuyên-Chư làm quan Khanh.

Quý-Tử về nói rằng:

— Nếu các vua trước có người thờ; nhân dân có người làm chủ; xã-tắc có người coi sóc; thì tức là vua của ta, ta nào dám trách ai! Thương kẻ chết, thờ kẻ sống, để đợi mạnh trời! Không phải ta gây loạn! Kẻ nào lên thì ta theo! Ấy là đạo của người trước!

Trả mạnh, ra khóc mả vua Liêu, về ngôi cũ mà đợi. Các công-tử Chúc-Dung, Cái-Dư của Ngô, đem quân đi đánh, bị vây ở Sở, nghe Công-tử Quang giết vua, cướp ngôi, bèn đem quân hàng với Sở. Sở phong cho ở Thư.

Năm đầu vua Hạp-Lư, cử Ngũ-Tử-Tư làm Hành-Nhân, cùng mưu toan việc nước. Sở giết Bá-Châu-Lê, cháu là Bá-Bỹ trốn sang Ngô. Ngô cho làm Đại-phu.

Năm thứ ba, vua Hạp-Lư nước Ngô cùng Ngũ-Tử-Tư, Bá-Bỹ, đem quân đánh Sở, cướp đất Thư, giết hai tướng trốn của nước Ngô. Quang toan vào Sính (Kinh đô Sở), Tướng-quân là Tôn-Vũ nói:

— Dân mệt chưa thể được! Hãy đợi!

Năm thứ tư đánh Sở, lấy Lục-Loan.

Năm thứ năm, đánh bại nước Việt. Năm thứ sáu, Sở sai Tử-Thường, Nang-Ngõa đánh Ngô. Ngô đón đánh, đánh cho quân Sở thua to ở Dự-Chương, lấy Cư-Sào của Sở mà về.

Năm thứ chín, Vua Hạp-Lư nước Ngô bảo Ngũ-Tử-Tư và Tôn-Vũ rằng:

— Trước nhà-ngươi nói Sính chưa thể vào được, nhưng nay thì thế nào?

Hai người thưa rằng:

— Tướng nước Sở là Tử-Thường tham lam, vua hai nước Đường, Sái đều oán. Nhà vua nếu muốn đánh to, phải lấy lòng Đường, Sái mới được!

Hạp-Lư theo lời, đem hết quân cùng Đường Sái qua phía Tây đánh Sở. Tới sông Hán, Sở đem quân chống Ngô, giáp sông bầy trận. Em vua Hạp-Lư là Phù-Khái muốn đánh. Hạp-Lư không cho.

Phù-Khái nói:

— Nhà vua đã giao quân cho tôi! Quân cốt nhất được lợi, còn đợi gì nữa!

Bèn đem quân bản-bộ năm nghìn, đánh úp quân Sở. Quân Sở thua to bỏ chạy. Vua Ngô bèn tung quân đuổi theo. Gần tới Sính, năm trận đánh, Sở thua cả năm! Chiêu-Vương nước Sở bỏ Sính chạy sang Viên. Em Viên-công muốn giết Chiêu-Vương. Chiêu-Vương cùng Viên-Công chạy sang Tùy. Quân Ngô bèn vào Sính. Tử-Tư, Bá-Bỹ đánh roi vào xác Bình-Vương để báo thù cha.

Mùa Xuân năm thứ mười, Vua Việt nghe vua Ngô ở Sính, trong nước trống rỗng, bèn đánh Ngô. Ngô sai quân riêng đánh Việt. Sở cáo-cấp với Tần. Tần cho quân cứu Sở đánh Ngô. Quân Ngô thua. Em Hạp-Lư thấy Tần, Việt xúm lại đánh Ngô, vua Ngô ở Sở không về, Phù-Khái bèn trốn về Ngô, tự lập làm vua Ngô. Hạp-Lư nghe tin, bèn đem quân về đánh Phù-Khái. Phù-Khái thua chạy sang Sở. Chiêu-Vương nước Sở tháng chín mới lại về được Sính, phong Phù-Khái ở Đường-Khê, ấy là họ Đường-Khê.

Năm thứ mười một, vua Ngô sai Thái-Tử là Phù-Sái đánh Sở, lấy đất Phiên. Sở sợ, bỏ Sính, dời đô sang Nhược.

Năm thứ mười lăm, thày Khổng làm tướng nước Lỗ.

Mùa Hè năm mười chín, Ngô đánh Việt. Vua Việt là Câu-Tiễn đón đánh ở Tuý-Lý. Việt sai hạng tù án-chém ra khiêu chiến. Ba hàng kéo tới quân Ngô, hò-reo rồi tự đâm cổ chết! Vua Ngô sai quân ra xem. Việt thừa thế đánh bại Ngô ở Cô-Tô. Vua Hạp-Lư bị thương ở ngón tay, quân lui bẩy dậm. Vua Ngô chết vì vết thương. Hạp-Lư sai lập Thái-Tử là Phù-Sai, bảo rằng:

— Mày mà quên Câu-Tiễn nó giết cha ông mày chăng?

Thưa rằng:

— Không dám! Ba năm sẽ báo thù quân Việt!

Năm đầu vua Phù-Sai, lấy Đại-phu là Bá-Bỹ làm Thái-Tể; rèn phép bắn tên, thường lấy việc trả thù nước Việt làm lòng. Năm thứ hai, vua Ngô đem hết tinh-binh để đánh Việt, được trận ở Phù-Tiêu, tức là báo lại trận Cô-Tô. Vua Câu-Tiễn nước Việt bèn đem năm nghìn giáp sĩ, đậu ở Cối-Kê, sai Đại-phu là Văn-Chủng, nhờ Thái-Tể Bĩ nước Ngô mà giảng hòa, xin dâng nước và làm tôi-tớ. Vua Ngô toan cho. Ngũ-Tử-Tư can rằng:

— Xưa kia vua Hữu-Qua giết Châm-Quán, đánh Châm-Tầm, diệt vua Đế-Tướng nhà Hạ. Vợ vua Đế-Tướng họ Mân, đương có mang, trốn sang nước Hữu-Nhưng, sinh ra Thiếu-Khang. Thiếu-Khang làm chức Mục-Chính nước Hữu-Nhưng. Hữu-Qua lại muốn giết Thiếu-Khang. Thiếu-Khang chạy sang Hữu-Ngu. Vua Hữu-Ngu nhớ ơn nhà Hạ, gả cho hai con gái và phong cho ở Luân, có một thành ruộng (mười dậm vuông), một lữ quân (năm trăm người); sau bèn thu dân của nhà Hạ, sửa sang lại các quan-chức; sai người dụ giết vua Hữu-Qua; lập lại công vua Vũ; thờ nhà Hạ sánh với Trời, không bỏ mất ngôi cũ Nay Ngô không mạnh bằng Hữu-Qua mà Câu-Tiễn thì lớn hơn Thiếu-Khang. Chẳng nhân dịp này mà giết đi, lại toan rộng cho nó, chẳng cũng khó lắm sao? Vả chăng Câu-Tiễn là người chịu được cực-khổ. Giờ không giết nó, sau này sẽ phải hối-hận. Vua Ngô không nghe, nghe Thái-Tể Bỹ, cho nước Việt hòa, cùng nhau thề rồi đem quân về.

Năm thứ bẩy, vua Phù-Sai nước Ngô nghe Cảnh-Công nước Tề mất, các quan đại-thần tranh quyền mà vua mới thì yếu, bèn cất quân sang Bắc đánh Tề.

Tử-Tư can rằng:

— Vua Việt là Câu-Tiễn, ăn không hai món, áo không hai mầu, thăm kẻ chết, hỏi kẻ đau, lại muốn có ý dùng đến dân-chúng. Người ấy không chết, tất gây tai-vạ cho nước Ngô. Nay nước Việt là bệnh ở tim, bụng, vậy mà nhà-vua chẳng lo trước, lại tính đến nước Tề, chẳng cũng lầm sao!

Vua Ngô không nghe, bèn sang Bắc đánh Tề, đánh bại quân Tề ở Ngải-Lăng. Đến Tăng, vời Ai-Công nước Lỗ, đòi trăm trâu, bò! Quý-Khang-Tử sai Tử-Cống đem lễ nhà Chu thuyết Thái-Tể Bỹ, mới được thôi! Ngô nhân để lại những đất đã lấy ở miền Nam Tề, Lỗ.

Năm thứ chín, vì Trâu đánh Lỗ. Tới nơi, thề với Lỗ rồi đi. Năm thứ mười, nhân đó đánh Tề rồi về. Năm thứ mười một, lại sang Bắc đánh Tề. Vua Việt là Câu-Tiễn đem quân sang chầu Ngô, dâng cống nhiều lắm. Vua Ngô mừng rỡ. Chỉ có Tử-Tư là sợ, nói:

— Thế là nó dử Ngô! Bèn can rằng:

— Việt ở ngay tim, bụng!.. Nay đắc-chí ở Tề, cũng như ruộng sỏi không dùng gì được! Vả chăng thiên Bàn-Canh có dậy: « Sa, đổ chớ bỏ sót, nhà Thương vì thế mà lên... »

Vua Ngô không nghe, sai Tử-Tư sang sứ Tề. Tử-Tư sai người gửi con cho họ Pháo nước Tề. Người sai về báo với vua Ngô. Vua Ngô nghe tin cả giận, cho Tử-Tư thanh gươm Chúc-Lâu để mà tự-tử! Khi sắp chết, nói rằng:

— Trồng cây tử lên trên mả ta, để có thể làm được đồ dùng! Móc mắt ta, đặt lên cửa Đông đô-thành nước Ngô, để xem Việt nó diệt Ngô!

Họ Pháo nước Tề, giết Tề Điệu-Công. Vua Ngô nghe tin, khóc ở ngoài Quân-Môn ba ngày. Bèn theo đường bể đánh Tề. Người Tề đánh bại quân Ngô. Vua Ngô bèn dẫn quân về.

Năm thứ mười ba, Ngô triệu vua Lỗ, Vệ, hội ở Hác-Cao. Mùa xuân năm thứ mười bốn, vua Ngô sang Bắc, hội Chư-Hầu ở Hoàng-Trì, muốn bỏ Trung-Quốc để giữ toàn cho nhà Chu.

Tháng sáu, ngày Mậu-Tý, vua Việt là Câu-Tiễn đánh Ngô. Ngày Ất-Dậu, năm nghìn người Việt đánh nhau với Ngô. Ngày Bính-Tuất, bắt Thái-Tử Ngô là Hữu. Ngày Đinh-Hợi vào thành Ngô. Người nước Ngô báo tin thua trận với vua Phù-Sai. Vua Phù-Sai ghét tin ấy đồn-đại ra. Có kẻ để hở tin ấy, vua Ngô giận, chém bẩy người ở dưới màn! Tháng bẩy, ngày Tân-Sửu, vua Ngô ganh hơn với Định-Công nước Tấn.

Vua Ngô nói:

— Với nhà Chu, tôi là ngành trưởng!

Định-Công nước Tấn nói:

— Với họ Cơ, tôi là tước Bá!

Triệu-Ưởng giận, toan đánh Ngô, bèn để Tấn Định-Công sáp-huyết trước. Vua Ngô thề rồi, từ-biệt với vua Tấn, muốn sang đánh Tống.

Thái-Tể Bỹ nói:

— Đánh được cũng không thể ở được,

Bèn dẫn quân về nước. Nước mất thái-tử, trong trống rỗng. Vua ở ngoài lâu, quân đều mỏi-mệt, bèn đem nhiều của-cải để xin hòa với Việt.

Năm thứ mười lăm, Điền-Thường nước Tề giết Giản-Công.

Năm thứ mười tám, Việt càng mạnh, vua Việt là Câu-Tiễn đem quân đánh bại quân Ngô ở Lạp-Trạch.

Năm thứ hai mươi, vua Câu-Tiễn nước Việt lại đánh Ngô. Năm thứ hai mươi mốt, vây kinh thành Ngô.

Năm thứ hai mươi ba, tháng mười một, ngày Đinh-Mão, Việt đánh bại quân Ngô. Vua Câu-Tiễn nước Việt muốn dời vua Phù-Sai nước Ngô sang Dũng-Đông, cho ở đó ăn thuế của trăm nhà! Vua Ngô nói:

già rồi! Không thể thờ được nhà vua! Ta hối không dùng lời Tử-Tư, tự hãm mình đến nỗi này!

Bèn tự đâm cổ mà chết!

Vua Việt diệt Ngô rồi, giết cả Thái-Tể Bỹ, cho là hạng bất trung...

Thái-Sử-Công nói: Thày Khổng cho « Thái-Bá có thể gọi là người rất có đức! Ba lần đem thiên-hạ mà nhường, dân không còn tiếng gì để mà khen cho được! » Tôi đọc văn cổ Xuân-Thu, mới biết Ngu ở Trung-Quốc với Ngô ở Kinh-Man là hai nước anh em. Lòng nhân của Duyên-Lăng Quý-Tử, mến nghĩa vô cùng... Thấy thoáng mà biết rõ trong, đục, sao mà xem rộng thế? Thực đáng bực quân-tử học nhiều vậy!