Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/XLIV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLIV. — Thế gia Lưu-Hầu

XLIV. — THẾ GIA LƯU-HẦU

Lưu-hầu là Trương-Lương, tổ-tiên xưa người nước Hàn Ông là Khai-Địa làm Tướng-quốc giúp các vua Chiêu-Hầu Tuyên-Huệ Vương, Tương-Ai Vương. Cha là Bình làm Tướng-quốc giúp Ly-Vương, Điệu-Huệ-Vương. Năm thứ hai mươi ba đời Điệu-Huệ-Vương, Bình mất. Qua hai mươi năm, Tần diệt nước Hàn, Lương tuổi nhỏ, chưa từng làm quan thờ vua Hàn. Khi nước Hàn vỡ, đầy tớ nhà Lương có ba trăm người... Em chết không chôn, đem hết gia tài tìm người đâm vua Tần để trả thù cho Hàn, vì cớ ông, cha năm đời làm tướng nước Hàn. Lương từng học lễ ở Hoài-Dương, sang Đông ra mắt Thương-Hải-quân, tìm được tay lực-sĩ, đúc chiếc trùy sắt nặng trăm hai mươi cân. Tần Hoàng-đế sang chơi miền Đông, Lương cùng bạn rình, đánh vua Tần ở trong bãi cát Bác-Lãng, lầm trúng xe bên. Vua Tần cả giận, lùng khắp thiên-hạ, tìm giặc rất gấp, ấy là vì chuyện Trương-Lương. Lương bèn thay họ, tên, trốn lẩn ở Hạ-Bì. Có lúc nhàn, Lương từng thong-thả bước chơi ở trên cầu Hạ-Bì. Có một ông già, mặc áo nâu, đến bên Lương, bỏ rơi thẳng giầy xuống dưới cầu. Quay lại bảo Lương rằng:

— Bé con! Xuống lấy giầy!

Lương ngạc-nhiên, muốn đánh cho! Vì lão tuổi già, cố nhịn xuống lấy giầy. Lão nói:

— Xỏ hộ giầy ta!

Lương nghiệp đã lấy giầy rồi, bèn quỳ dài xỏ giầy hộ. Lão lấy chân đỡ giầy, cười mà đi! Lương rất lấy làm lạ, đưa mắt trông theo. Lão đi chừng một dậm, lại trở lại, nói:

— Bé con dậy được rồi! Năm ngày nữa, tảng sáng, gặp ta ở đây!

Lương vì đương kinh-ngạc, quỳ xuống thưa rằng:

— Vâng!

Tảng sáng hôm thứ năm, Lương tới thì lão đã ở đấy trước, giận-dữ mà rằng:

— Hẹn với người già, sao lại đến sau?

Vùng đi và nói:

— Năm ngày nữa phải đến cho sớm!

Ngày thứ năm, gà gáy Lương tới, lão lại đã ở đấy trước, lại giận dữ mà rằng:

— Sao lại đến sau?

Vùng đi mà rằng:

— Năm ngày nữa lại đến cho sớm!

Ngày thứ năm, chưa đến nửa đêm Lương đã đi. Một lát lão cũng tới, mừng rỡ mà rằng:

— Phải như thế!

Đưa ra một quyển sách, nói:

— Đọc cuốn này, sẽ làm thày cho bậc vương giả. Mười năm nữa mới lên... Lại mười ba năm, bé con sẽ gặp ta... Hòn đá vàng ở dưới núi Cốc-Thành bên Bắc sông Tế tức là ta đó!

Bèn đi không nói gì nữa, và cũng không lại gặp. Sớm ngày coi sách ấy, thì là Bình-Pháp của Thái-Công. Lương lấy làm lạ, thường thường nhẩm đọc. Ở Hạ-Bì, làm nhậm-hiệp. Hạng-Bá từng giết người, nhờ Lương giấu cho.

Sau mười năm, bọn Trần-Thiệp khởi binh. Lương cũng họp hơn trăm người trẻ tuổi. Khi ấy Cảnh-Câu ở Lưu tự lập làm vua tạm nước Sở, Lương muốn sang theo, đọc đường gặp Bái-Công. Bái-Công đem vài nghìn người chiếm đất ở miền Tây Hạ-Bì. Liền đi theo. Bái-Công cho Lương làm Cứu-Tướng. Lương thường đem binh-pháp của Thái-Công nói chuyện với Bái-Công. Bái-Công cho là phải, thường dùng mưu của Lương. Lương nói với người khác, họ đều không để ý. Lương nói:

— Bái-Công có lẽ là trời cho.

Vì vậy bèn đi theo, không sang ra mắt Cảnh-Câu. Kịp khi Bái-Công sang Tiết ra mắt Hạng-Lương, Hạng-Lương lập Sở Hoài-Vương, Lương bèn nói với Hạng-Lương rằng:

— Ngài đã lập con cháu vua Sở, mà trong các công-tử nước Hàn, thì có Hoành-Dương-Quân là Thành, người giỏi đáng lập làm vua, để gây thêm bè...

Hạng-Lương bèn sai Lương tìm Hàn-Thành, để lập làm vua Hàn. Cho Lương làm Thân-Đồ nước Hàn, cùng vua Hàn đem hơn nghìn người, sang Tây chiếm đất Hàn. Đánh được mấy thành, thường lại bị quân Tần lấy lại. Đi lại làm quân du-kích. Khi Bái-Công từ Lạc-Dương Nam xuống Hoàn-Viên, Lương đem quân theo Bái-Công, hạ hơn mười thành đất Hàn, đánh vỡ quân Dương-Hàng. Bái-Công bèn sai vua Hàn là Thành ở lại giữ. Dương-Địch cùng Lương đều xuống Nam đánh Hạ-Uyển, quay sang Tây, vào Võ-Quan. Bái-Công muốn đem hai vạn binh đánh quân đóng ở Nghiêu-Hạ của Tần. Lương nói:

— Quân Tần còn mạnh, chưa thể coi thường. Tôi nghe tướng của nó là Giả-Thụ, con nhà hàng-thịt, dễ dử bằng lợi. Xin Bái-Công hãy ở lại giữ trại; sai người đi trước, sắp ăn cho năm vạn người. Lại trăng thêm cờ, xí ở trên các núi, để làm nghi-binh. Sai Ly-Tự-Cơ đem của báu để dử tướng Tần.

Quả-nhiên tướng Tần làm phản, muốn liên hòa để cùng sang Tây đánh úp Hàm-Dương. Bái-Công toan nghe theo. Lương nói:

— Đó chỉ là tướng nó muốn làm phản mà thôi. Sợ khi quân lính nó không theo. Không theo tức là nguy. Chi bằng nhân nó nản, ta đánh!

Bái-Công bèn đem quân đánh quân Tần, phá chúng vỡ to! Bèn sang Bắc tới Lam-Điền, đánh trận nữa. Quân Tần rút lại thua, Bái-Công mới kéo đến Hàm-Dương. Vua Tần là Tử-Anh ra hàng. Bái-Công vào cung Tần, nào đền, đài, màn, trướng, chó, ngựa, các vật báu, đàn bà, con gái kể hàng nghìn! Ý muốn ở lại đó! Phàn-Khoái can Bái-Công nên ra ngoài. Bái-Công không nghe. Lương nói:

— Kìa vua Tần làm điều vô đạo, nên Bái-Công mới đến được đây! Người ra tay trừ kẻ làm tàn-hại thiên-hạ, nên lấy vải trắng làm áo! Nay mới vào Tần, đã yên hưởng sung-sướng. Thế tức là « nối giáo cho giặc »! Vả chăng: « Lời ngay trái tai, lợi cho việc làm! Thuốc độc đắng miệng, hay cho bệnh tật! » Xin Bái-Công nghe lời Phàn-Khoái.

Bái-Công bèn đem quân về Bá-Thượng.

Hạng-Vũ tới dưới Hồng-Môn, toan đánh Bái-Công. Hạng-Bá đêm ruổi vào quân của Bái-Công, gặp riêng Trương-Lương, muốn rủ cùng đi.

Lương nói:

— Tôi vì vua Hàn tiễn Bái-Công. Nay có việc gấp, trốn đi bất nghĩa.

Bèn đem nói hết với Bái-Công Bái-Công cả sợ mà rằng:

— Giờ biết làm ra thế nào?

Lương nói:

— Bái-Công thực muốn phản Hạng-Vũ chăng?

Bái-Công nói:

— Xu-Sinh xui ta đóng cửa Ải, không cho chư-hầu vào, thì có thể làm vua hết cả đất Tần, cho nên ta nghe hắn.

Lương nói:

— Bái-Công tự liệu mình đánh lui được Hạng-Vũ không?

Bái-Công nín-lặng hồi lâu mà rằng:

— Đánh thì vốn không nổi, giờ biết làm thế nào?

Lương bèn cố mời Hạng-Bá. Hạng-Bá vào ra mắt Bái-Công. Bái-Công cùng uống rượu chúc thọ, kết làm thông-gia, nhờ Hạng-Bá nói rõ: Bái-Công không dám phản lại Hạng-Vũ. Sở-dĩ đóng cửa Ải là để phòng giặc khác.

Kịp khi ra mắt Hạng-Vũ, lời phân-giải chép trong truyện Hạng-Vũ.

Tháng giêng năm đầu nhà Hán, Bái-Công làm Hán-Vương, vua miền Ba-Thục. Hán-Vương cho Lương vàng trăm nén, ngọc trai hai đẩu. Lương đem cả để dâng Hạng-Bá. Hán-Vương nhân cũng sai Lương hậu tặng Hạng-Bá, nhờ xin đất Hán-Trung. Hạng-Vương ưng cho, bèn được đất Hán-Trung. Hán-Vương về nước, Lương tiễn tới Bao-Trung. Khi cho Lương về Hàn, Lương nhân nói với Hán-Vương rằng:

— Vương sao không đốt hẳn những đường-cầu đi qua, tỏ với thiên-hạ là không có ý trở về, để giữ bền lòng Hạng-Vương?

Vương bèn sai Lương trở về, đốt hết các đường cầu.

Lương về Hàn. Hàn-Vương Thành vì Lương theo Hán-Vương, nên Hạng-Vương không sai Thành về nước, bắt cùng đi theo sang Đông. Lương nói với Hạng-Vương rằng:

— Hán-Vương đốt hết đường cầu, không có bụng trở về rồi!

Bèn đem phản-thư của Tề-Vương là Điền-Vinh cho Hạng-Vương coi. Vì thế Hạng-Vương không còn lòng Tây lo đến Hán, mà cất quân Bắc đánh Tề. Rút lại Hạng-Vương không chịu cho Hàn-Vương về, rồi giáng xuống làm Hầu, và giết chết ở Bành-Thành. Lương trốn, đi lén về với Hán-Vương.

Hán-Vương khi ấy đã trở về định được Tam Tần rồi. Lại phong Lương làm Thành-Tín-Hầu, theo sang Đông đánh Sở. Tới Bành-Thành, quân Hán thua trở về. Tới Hạ-Ấp, Hán-Vương xuống ngựa, vịn vào yên mà hỏi rằng:

— Ta muốn bỏ các đất từ Ải sang Đông. Đem cho ai thì có thể cùng gây được thành-công?

Lương thưa rằng:

— Cửu-Giang-Vương là Kình-Bá có hiềm với Hạng-Vương. Bành-Việt ở đất Lương, theo Tề-Vương, Điền-Vinh làm phản. Hai người ấy nên dùng ngay. Còn Tướng của Hán-Vương, chỉ có Hàn-Tín là có thể trao được việc lớn, chống giữ một mặt. Nếu muốn bỏ đất, thì nên cho ba người ấy là có thể phá được Sở.

Hán-Vương bèn sai Tuỳ-Hà thuyết Cửu-Giang-Vương. Lại sai người kết liên với Bành-Việt. Kịp khi Ngụy Vương là Báo làm phản, sai Hàn-Tín đem quân đánh, nhân hạ được Yên, Đại, Tề, Triệu. Rút lại phá được Sở là sức ba người ấy.

Trương-Lương hay ốm, chưa từng làm tướng một mình. Thường làm kẻ bầy mưu, và thường theo Hán-Vương.

Năm thứ ba nhà Hán, Hạng-Vũ vây gấp Hán-Vương ở Huỳnh-Dương. Hán-Vương lo-sợ, cùng Ly-Tự-Cơ bàn cách làm giảm quyền-lực của Sở. Tự-Cơ nói:

— Ngày xưa Thang đánh Kiệt, phong con cháu Kiệt ở Kỷ; Vũ-Vương đánh Trụ, phong con cháu Trụ ở Tống. Nay Tần mất đức, bỏ nghĩa, lấn đánh Chư-Hầu, diệt con cháu Sáu Nước, khiến cho không còn tấc đất cắm dùi! Nếu Bệ-hạ lại lập được con cháu Sáu Nước, họ nhận ấn rồi, thì vua, tôi, dân-chúng họ, tất đều đội đức Bệ-hạ, không ai không theo gió mến nghĩa, xin làm thần-thiếp. Đức-nghĩa đã rõ rồi, Bệ-hạ quay mặt sang Nam mà xưng Bá, Sở tất phải khép áo mà đến chầu!

Hán-Vương nói:

— Phải! Mau khắc ấn! Tiên-sinh nhân đi thì mang đi!

Tự-Cơ chưa đi, Trương-Lương từ ngoài vào ra mắt. Hán-Vương đương ăn, nói:

— Tử-Phòng (tự của Lương) lại đây! Có kẻ vì ta bàn cách làm giảm quyền lực nước Sở.

Nhân đem lời Ly-Sinh bảo với Tử-Phòng rằng:

— Thế nào?

Trương-Lương nói:

— Ai bầy cho Bệ-hạ kế ấy? Việc của Bệ-hạ thế là hỏng rồi!

Hán Vương nói:

— Sao vậy?

Trương-Lương thưa rằng:

— Tôi xin theo kế trước, trù cho đại-vương nghe: Xưa kia Thang đánh Kiệt, phong con cháu Kiệt ở Kỷ, là tự liệu nắm được tính-mạnh của Kiệt. Nay Bệ-hạ có nắm được tính-mạnh của Kiệt chăng? Nếu là chưa nắm được, thì đó là một lẽ không nên! Vũ-Vương đánh Trụ, phong con cháu Trụ ở Tống, là tự-liệu lấy được thủ-cấp của Trụ. Nay bệ-hạ có lấy nổi thủ-cấp của Hạng-Tịch chăng? Nếu là chưa lấy được, thì đó là hai lẽ không nên. Vũ-Vương vào Ân, nêu nhà Thương-Dong, tha tù Cơ-Tử, đắp mộ Tỷ-Can. Nay bệ-hạ có thể đắp được mộ thánh-nhân, nêu được nhà hiền giả, cúi được đầu ở trước cửa các người tài-trí chăng? Nếu là chưa được thì đó là ba lẽ không nên. Lại phát thóc ở Cự-Kiều, tung tiền ở Lộc-Đài để cho kẻ nghèo nàn. Nay Bệ-hạ có thể rỡ kho-đụn ra để cho kẻ nghèo-nàn được chăng? Nếu là chưa được thì đó là bốn lẽ không nên. Việc đánh Ân đã xong, phá xe-chiến làm xe-riềm, đặt ngược giáo, mác, bọc ngoài bằng da hổ, để tỏ cho thiên-hạ biết không lại dụng-binh nữa. Nay Bệ-hạ có thể bỏ vũ sửa văn, không lại dụng binh nữa được chăng? Nếu là chưa được thì đó là năm lẽ không nên. Cho ngựa nghỉ ở phía Nam Họa-Sơn, để tỏ rằng không còn dùng làm gì. Nay Bệ-hạ có thể cho ngựa nghỉ không dùng làm gì được chăng? Nếu là chưa được thì đó là sáu lẽ không nên. Đem trâu thả ở phía Bắc Đào-Lâm, để tỏ ra rằng không còn chuyên chở gì! Nay bệ-hạ có thể đem trâu thả, không lại chuyên chở gì được chăng? Nếu là chưa được thì đó là bẩy lẽ không nên. Vả chăng các tay-chơi trong thiên-hạ, lìa thân-thích, bỏ mồ-mả, xa quen-thuộc, đi theo Bệ-hạ, chỉ là ngày đêm mong-mỏi được lấy gang, tấc đất-đai. Nay khôi-phục Sáu Nước, lập lại con cháu Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở; các tay-chơi trong đời, đều trở về thờ vua của họ, gần với thân-thích, trở lại với mồ-mả, với kẻ quen-thuộc. Bệ-hạ cùng với ai để lấy thiên-hạ? Đó là tám lẽ không nên! Vả chăng nếu Sở mà mạnh, thì vua Sáu Nước, lập lên tất lại chịu khuất mà theo Sở, Bệ-hạ có thần-phục họ sao nổi! Nếu quả dùng mưu của khách, thì việc của Bệ-hạ thế là hỏng rồi!

Hán-Vương dừng ăn, nhả cơm ra mà mắng rằng:

— Đồ hủ-nho, xuýt làm hỏng việc của ông!

Liền sai hủy ấn cho mau!

Năm thứ tư nhà Hán, Hàn-Tín phá Tề muốn tự lập làm Tề Vương. Hán-Vương giận, Trương-Lương nói với Hán-Vương. Hán-Vương sai Lương trao ấn Tề-Vương cho Tín. Việc đó chép ở trong truyện Hoài-Âm-hầu.

Mùa thu năm ấy, Hán-Vương đuổi theo Sở đến phía Nam Dương-Hạ, đánh không lợi, đóng trại ở Cố-Lăng. Chư-Hầu hẹn không thấy đến. Lương nói với Hán-Vương. Hán-Vương dùng kế của Lương, Chư-Hầu đều đến. Việc chép trong truyện Hạng-Tịch. Năm thứ sáu nhà Hán, tháng Giêng, phong các Công-thần. Lương chưa hề có công đánh trận. Vua Cao-Tổ (tức Hán-Vương) nói:

— Bầy mưu ở trong màn-trướng, quyết thắng ở ngoài nghìn dậm, đó là công của Tử-Phòng. Cho tự chọn lấy ba vạn hộ ở Tề.

Lương nói:

— Xưa kia tôi ở Hạ-Bì, tới Lưu thì gặp Bệ-hạ. Đó là trời đem tôi mà trao cho Bệ-hạ. Bệ-hạ dùng mưu kế của tôi, may mà có khi trúng, tôi xin được phong ở Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ!

Vua bèn phong Trương-Lương làm Lưu-Hầu, cùng hàng với bọn Tiêu-Hà.

Năm thứ sáu, vua đã phong hơn hai mươi người đại-công-thần. Còn dư ngày đêm tranh công không quyết, chưa được phong gì cả. Vua ở Lạc-Dương Nam-cung, từ đường trên gác trông thấy các tướng thường thường nói chuyện ở trong bãi cát.

Vua hỏi:

— Họ nói gì vậy?

Lưu-Hầu nói:

— Bệ-hạ không biết sao? Họ bàn nhau làm phản đó thôi!

Vua nói:

— Thiên hạ đã yên, cớ sao lại phản?

Lưu-Hầu nói:

— Bệ-hạ đứng lên là một kẻ áo vải, đem bọn họ lấy thiên-hạ. Nay bệ-hạ làm vua, mà phong-tước đều là bọn Tiêu, Tào, hoặc bạn cũ, hoặc người thân yêu. Còn giết hại đều là những kẻ thù oán ngày thường. Nay Quân lại tính công cho là thiên-hạ không đủ để phong cho khắp. Bọn họ sợ bệ-hạ không thể phong cho hết, lại e bị nghi về những lầm lỗi ngày thường mà bị giết, cho nên họp nhau mưu việc tàm phản mà thôi!

Vua bèn lo rằng:

— Thế làm thế nào được?

Lưu-Hầu nói:

— Người mà Nhà-vua ngày thường vẫn ghét, mà các quan đều biết cả thì nhất là ai?

Vua nói:

— Úng-Xỉ cùng ta có thù cũ, thường làm quẫn-nhục ta! Ta muốn giết nó, vì công nó nhiều nên không nỡ.

Lưu-Hầu nói:

— Nay phong ngay Úng-Xỉ trước để cho các quan biết. Các quan thấy Úng-Xỉ được phong, thì ai nấy tự chắc dạ rồi.

Thế là Nhà-vua liền đặt rượu, phong Úng-Xỉ làm Thập-Phương-hầu. Và dục gấp Thừa-Tướng, Ngự-Sử, việc định công, phong tước. Tan tiệc rượu, các quan đều mừng rỡ mà rằng:

— Úng-Xỉ còn được phong-hầu, bọn ta chả lo!

Lưu-Kính nói với Cao-Tổ rằng:

— Nên đóng đô Quan-Trung. Vua lấy làm ngờ. Các đại thần gần vua đều người Sơn Đông, phần nhiều khuyên vua đóng đô Lạc-Dương: Lạc-Dương Đông có Thành-Cao, Tây có Hào-Mãnh, tựa Hoàng-hà, quay sang Y, Lạc, hiểm-trở cũng đáng tin-cậy...

Lưu-Hầu nói:

— Lạc-Dương tuy có những hiểm-trở ấy, nhưng trong hẹp chẳng qua vài trăm dậm; ruộng, đất xấu; chịu địch bốn mặt, không phải là nước dụng-vũ. Còn Quan-Trung bên tả có Hào, Hàm; bên Hữu có Lũng, Thục; đồng lầy hàng nghìn dậm; Nam có của Ba, Thục; Bắc có lợi Hồ-Uyển; đón ba mặt mà giữ, chỉ dùng một mặt mà chuyên-chế Chư-Hầu. Chư-Hầu yên ổn thì sông Hà, sông Vị chở của thiên-hạ để sang Tây nộp cho Kinh-đô. Chư-Hầu có biến thì thuận dòng mà xuống, việc chuyên-chở có thể đủ. Ấy thật là một nơi kho-trời, thành vàng nghìn dậm! Lời của Lưu-Kính là phải.

Thế rồi Cao-Tổ ngay hôm ấy ngự sang Tây đóng đô ở Quan-Trung. Lưu-Hầu cũng theo vào trong Ải.

Lưu-Hầu tính hay ốm, thường tu-luyện không ăn cơm; đóng cửa không ra ngoài. Hơn năm sau, vua muốn bỏ Thái-Tử mà lập con Thích phu-nhân là Triệu-Vương Như-Ý. Các đại-thần phần nhiều đều can-ngăn, song chưa được quyết hẳn. Lã-Hậu sợ, không biết làm ra sao! Có người bảo Lã-Hậu rằng:

— Lưu-Hầu khéo bầy mưu-kế, vua vẫn tin dùng.

Lã-Hậu liền sai Kiến-Thành-Hầu là Lã-Trạch dọa Lưu-Hầu rằng:

— Ông thường làm mưu-thần cho nhà-vua. Nay nhà-vua muốn đổi Thái-Tử, ông có cao gối nằm khểnh sao được!

Lưu-Hầu nói:

— Xưa kia nhà-vua thường ở trong vòng khốn gấp, may dùng kế của tôi. Nay thiên-hạ đã yên rồi, vì cớ yêu thương, muốn đổi thái-tử. Tình trong cốt-nhục, tuy có đến hơn trăm người như tôi nữa mà có ích gì!

Lã-Trạch cố nài rằng:

— Thì bầy kế hộ tôi!

Lưu-Hầu nói:

— Chuyện đó khó lòng lấy miệng lưỡi mà cãi được. Thế nhưng trong đời có bốn người là hạng nhà-vua không sao vời nổi. Bốn người ấy già rồi, đều cho là nhà-vua hay khinh người, nên trốn lẩn vào trong núi, giữ nghĩa không làm tôi nhà Hán. Thế nhưng nhà-vua vẫn chuộng bốn người ấy. Nay ông nếu có thể không tiếc lụa, là, vàng, ngọc; bảo Thái-Tử viết bức thư thật nhũn nhặn; sắp xe cho êm; nhân sai tay biện-sĩ cố mời đến; đến thì đãi là bực khách; thời thường để theo vào chầu cho nhà-vua trông thấy. Tất nhiên phải lấy làm lạ mà hỏi. Hỏi rồi nhà-vua biết bốn người ấy là giỏi, thì là một cách giúp-đỡ đó...

Lã-Hậu bèn sai Lã-Trạch, cho người đem thư của Thái-Tử, hạ lời, hậu lễ, đón bốn người ấy. Bốn người đến, làm khách nhà Kiến-Thành-Hầu.

Năm thứ mười một nhà Hán, Kình-Bá làm phản. Nhà vua ốm, muốn cho Thái-Tử đem quân đi đánh. Bốn người mới bảo nhau rằng:

— Ta lại đây cốt để giữ cho còn Thái-Tử. Nay Thái-Tử đem quân đi, việc nguy mất rồi!

Bèn bảo Kiến-Thành Hầu rằng:

— Thái-Tử đem quân đi, có công ngôi cũng không tôn thêm, mà không công thì từ đây sẽ chịu vạ! Các tướng cùng đi với Thái-Tử, đều là những tướng giỏi, từng định thiên-hạ với nhà-vua hồi xưa. Nay cho Thái-Tử làm tướng họ, khác nào cho dê làm tướng đàn sói! Họ đều không chịu hết sức, tất là không được thành công. Chúng tôi nghe: « Mẹ được yêu thì con được ẵm »! Nay Thích-phu-nhân ngày đêm hầu-hạ, Triệu-vương Như-Ý thường ẵm ở trước mặt. Nhà-vua nói: « Sao cũng không để đứa con hư ở trên đứa con yêu! » Rõ ràng thế nào cũng sẽ thay ngôi Thái-Tử. Ông sao không gấp xui Lã-Hậu lựa dịp khóc nói với nhà-vua: « Kình-Bá là tướng mạnh trong đời, giỏi dùng binh. Nay các tướng đều là hạng bạn cũ của nhà-vua. Cho Thái-Tử làm tướng bọn họ, khác nào cho dê làm tướng sói, không ai chịu để cho dùng. Mà để cho Bá nghe chuyện ấy, thì hắn dóng trống kéo sang Tây mà thôi! Nhà vua tuy đau, gượng chở lên xe, để nằm mà săn-sóc, các tướng không ai dám không hết sức. Nhà vua tuy khổ, vì vợ, con mà gắng làm mạnh. »

Thế rồi Lã-Trạch đêm vào ra mắt Lã-Hậu. Lã-Hậu lựa dịp khóc-lóc mà nói với nhà vua theo như ý bốn người.

Nhà-vua nói:

— Ta nghĩ thằng nhỏ cũng chả đáng sai! Thôi để ông đi lấy thôi!

Thế rồi nhà-vua tự đem quân sang Đông. Các quan ở lại, đều tiễn đến Bá-Thượng. Lưu-Hầu ốm cũng gượng rậy đến Khúc-Bưu, ra mắt nhà-vua mà rằng:

— Tôi nên đi theo, nhưng ốm quá! Quân Sở liều-lĩnh, xin nhà-vua đừng tranh-phong với quân Sở.

Nhân lại nói với nhà-vua rằng:

— Nên cho Thái-Tử làm Tướng, coi quân ở Quan-Trung.

Nhà-vua nói:

— Tử-Phòng dù ốm, gượng nằm mà giúp lấy Thái-Tử! Lúc ấy Thúc-Tôn-Thông là Thái-Phó. Lưu-Hầu làm vào việc Thiếu-Phó.

Năm thứ mười hai nhà Hàn, nhà vua theo đám quân phá Kình-Bá trở về, bệnh càng nặng, càng muốn thay Thái-Tử, Lưu-Hầu can không nghe. Vì ốm không coi việc, Thái-Phó Thúc-Tôn-Thông bèn dẫn các chuyện xưa nay, cố chết tranh ngôi cho Thái-Tử. Nhà-vua giả vờ nhận lời, nhưng vẫn muốn thay. Kịp khi đặt tiệc rượu, Thái-Tử ngồi hầu, bốn người đi theo Thái-Tử đều ngoài tám mươi, râu mày trắng xóa, áo, mũ rất đẹp. Nhà-vua lấy làm lạ mà hỏi:

— Họ làm gì vậy?

Bốn người tiến lại thưa, đều kể họ tên, là Đông-Viên-Công, Giác-Lý Tiên-sinh, Ỷ-Lý-Quý và Hạ-Hoàng-Công. Nhà-vua bèn cả kinh mà rằng:

— Ta tìm các ông mấy năm, các ông trốn-tránh ta! Nay các ông từ đâu lại chơi với con ta?

Bốn người đều nói:

— Bệ-hạ khinh người hay mắng. Chúng tôi nghĩa không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn lẩn. Trộm nghe Thái Tử là người nhân, hiếu, cung-kính, biết yêu kẻ sĩ, thiên-hạ không ai không vươn cổ, sẵn lòng vì Thái-Tử mà chết, cho nên chúng tôi đến mà thôi.

Nhà-vua nói:

— Phiền các ông làm ơn che-chở cho Thái-Tử.

Bốn người chúc thọ xong, rảo ra. Nhà-vua lấy mắt đưa theo; vời Thích-phu-nhân, chỉ bốn người ấy bảo rằng:

— Ta muốn đổi nó, nhưng bốn người kia giúp nó. Lông cánh đã thành, khó mà lay được rồi! Lã-Hậu thật là chúa nàng!

Thích-phu-nhân khóc. Nhà-vua nói:

— Múa lối Sở cho ta coi! Ta hát lối Sở cho nàng nghe.

Hát rằng:

« Hồng-nhạn bay cao,
« Muôn dậm xem thường!
« Cánh lông đã đủ,
« Bốn bể dọc-ngang!
« Bốn bể dọc-ngang,
« Thôi làm thế nào?
« Dù có dò, bẫy,
« Dễ dùng được đâu! »

Hát mấy lượt, Thích phu-nhân nức-nở chẩy nước mắt. Nhà-vua đứng rậy quay vào, bãi tiệc rượu. Rút lại không thay Thái-Tử. Ấy là nhờ sức Lưu-Hầu bầy kế vời bốn người kia.

Lưu-Hầu theo nhà-vua đánh Đại, bầy kế lạ, hạ được Mã-Ấp. Kịp khi lập Tiêu-Hà làm Tướng-Quốc, thong-dong đem việc thiên-hạ nói với nhà-vua rất nhiều. Mà phi việc có quan hệ đến sự còn, mất của thiên-hạ, không bàn đến.

Lưu-Hầu bèn nói rằng:

— Nhà tôi đời đời làm tướng nước Hàn. Kịp khi Hàn mất, chẳng tiếc món của vạn lạng vàng, vì Hàn mà báo thù với Cường-Tần! Thiên-hạ phải rung-động! Nay lấy ba tấc lưỡi, làm thày bậc đế-vương! Được phong muôn hộ, ở ngôi liệt-hầu! Đó là tột-bực của kẻ áo vải, đối với Lương đã đủ rồi! Muốn bỏ việc nhân-gian, mong đi chơi với Xích-Tòng-Tử mà thôi!

Bèn học kiêng cơm, tu-luyện lấy nhẹ mình. Kịp khi Cao-Tổ mất, Lã-Hậu cám ơn Lưu-Hầu, bèn ép phải ăn mà rằng:

— Người ta sinh trong khoảng một đời, như bóng câu qua kẽ hở, tự khổ chi như thế! Lưu-Hầu bất-đắc-dĩ, phải gượng nghe mà ăn. Sau tám năm mất, thụy là Văn-Thành hầu. Con là Bất-Nghi lên thay.

Hồi xưa, Tử-Phòng gặp ông già ở trên cầu, đưa cho bộ sách của Thái-Công. Sau mười ba năm, theo Cao-Tổ qua miền Bắc sông Tế, quả thấy viên đá vàng ở dưới núi Cốc-thành, liền đem về thờ phụng. Lưu-Hầu mất chôn theo viên đá vàng vào mả. Thường khi tuần-tiết, kẻ lên mả lại cúng cả viên đá vàng. Bất-Nghi tập tước Lưu-Hầu, năm thứ năm đời Văn-Đế, mắc tội bất kính, nước bị xóa!