Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/XLV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLV. — Truyện Liêm-Pha và Lạn-Tương-Như

XLV. — TRUYỆN LIÊM-PHA VÀ LẠN-TƯƠNG-NHƯ

Liêm-Pha là tướng giỏi của Triệu. Năm thứ mười sáu đời Huệ-Văn-Vương nước Triệu, Liêm-Pha làm tướng Triệu đánh Tề, cả phá Tề lấy Tấn-Dương, được cất làm Thượng-Khanh, nổi tiếng khỏe với Chư-Hầu.

Lạn-Tương-Như là người Triệu, làm xá-nhân cho viên quan hoạn nước Triệu tên là Lệnh-Mục-Hiền. Đời vua Huệ-Văn, được viên ngọc bích của họ Hòa nước Sở. Chiêu-vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười lăm thành để đánh đổi viên ngọc. Vua Triệu cùng Đại Tướng-quân là Liêm-Pha, các đại-thần, bàn toan cho Tần, thì sợ chỉ bị lừa, chứ các thành nước Tần e không thể được; toan không cho thì lại lo quân Tần sang đánh. Kế chưa quyết. Tìm người có thể sai sang trả lời Tần, chưa được. Viên hoạn-quan Lệnh-Mục-Hiền nói rằng:

— Xá-nhân của tôi là Lạn-Tương-Như có thể sai được.

Nhà vua hỏi:

— Sao biết vậy?

Thưa rằng:

— Tôi từng có tội, bàn trộm muốn chạy trốn sang Yên. Xá-nhân tôi là Tương-Như ngăn tôi rằng: « Sao ông biết vua Yên »? Tôi nói: « Tôi từng theo Đại-vương hội với vua Yên ở trên cõi. Vua Yên nắm riêng tay tôi mà nói rằng: Xin kết làm bạn! Vì thế tôi biết nên muốn sang. » Tương-Như bảo tôi rằng: « Triệu mạnh mà Yên yếu, mà ông được vua Triệu yêu, nên vua Yên muốn kết bạn với ông. Nay ông lại trốn Triệu chạy sang Yên, Yên sợ Triệu, thế tất không dám chứa ông. Rồi trói ông mà trả về Triệu! Chi bằng ông trần mình, phục bên lưỡi dìu mà xin tội, thì may ra được thoát! » Tôi theo kế ấy. Cũng may mà Đại-Vương tha cho tôi. Tôi trộm nghĩ cho người ấy là hạng dũng-sĩ, lại có mưu trí, nên có thể sai được!

Thế là nhà-vua vời Lạn-Tương-Như vào, hỏi rằng:

— Vua Tần đem mười lăm thành xin đổi viên ngọc của Quả-nhân, có thể cho được không?

Tương-Như nói:

— Tần mạnh mà Triệu yếu, không cho không được!

Nhà-vua nói:

— Lấy ngọc ta mà không cho thành ta thì làm thế nào?

Tương-Như nói:

— Tần lấy thành đổi ngọc mà Triệu không cho, lỗi ấy ở Triệu. Triệu cho ngọc mà Tần chẳng cho thành, lỗi ấy ở Tần. Cứ hai chước đó, thà cho, để Tần chịu lỗi!

Nhà vua hỏi:

— Ai có thể sai được?

Tương-Như nói:

— Nhà-vua nếu thiếu người, tôi xin đem ngọc đi, sao cho thành về Triệu ngọc mới ở Tần. Thành không về thì tôi xin giữ nguyên vẹn ngọc đem về Triệu.

Vua Triệu liền sai Tương-Như mang ngọc Tây sang Tần. Tần-Vương ngồi trên Chương-đài ra mắt Tương-Như. Tương-Như nâng ngọc dâng vua Tần. Vua Tần cả mừng, đưa truyền cho các mỹ-nhân cùng các quan-hầu coi. Các quan-hầu đều hô: Vạn tuế! Tương-Như coi vua Tần không có ý trả lại thành cho Triệu, bèn tiến lên mà rằng:

— Viên ngọc có vết, xin chỉ vua coi.

Nhà vua trao lại viên ngọc. Tương-Như liền cầm viên ngọc, đứng lùi tựa cột, tóc giận chỉ ngược lên mũ, bảo vua Tần rằng:

— Đại-Vương muốn được ngọc, sai người đưa thư đến vua Triệu. Vua Triệu vời hết các quan để bàn, đều nói: « Tần tham mà cậy khỏe, đem lời nói hão mà cầu ngọc. Thành trả lại kia e không thể được ». Bàn không muốn đem ngọc cho Tần. Tôi thì cho là hạng bạn áo vải, còn không nói dối nhau, huống chi là nước lớn. Vả chăng vì cớ một viên ngọc, làm mất vui của Cường-Tần, không nên! Vì thế vua Triệu bèn ăn chay, nằm mộng năm ngày, sai tôi đem ngọc đi, lậy tiễn thư ở sân. Sao vậy? Trọng oai của nước lớn để tỏ lòng tôn-kính. Nay tôi tới, Đại-Vương tiếp tôi, xem ra lễ tiết rất xoàng! Được ngọc đưa cho các mỹ-nhân, để bỡn-cợt tôi! Tôi coi Đại-Vương không có ý trả thành-ấp cho vua Triệu, cho nên tôi lại lấy ngọc về. Nếu Đại-Vương tất muốn nạt tôi, khi đầu tôi và viên ngọc đều vỡ về cái cột này!

Tương-Như cầm viên ngọc, lườm cái cột toan đập vào cái cột! Vua Tần sợ vỡ viên ngọc, bèn từ tạ cố xin! Vời quan hữu-tư, theo địa-đồ, chỉ từ chỗ này trở đi, cắt mười lăm thành cho Triệu. Tương-Như đoán vua Tần chẳng qua lừa dối, vờ là cho Triệu thành, nhưng thực ra không thể được, bèn bảo vua Tần rằng:

— Ngọc bích của họ Hòa là của rất báu, thiên-hạ ai cũng biết. Vua Triệu sợ, không dám không dâng. Lúc vua Triệu đưa ngọc, ăn chay nằm mộng năm ngày. Nay Đại-Vương cũng nên ăn chay nằm mộng năm ngày, đặt lễ Cửu-Tân ở triều-đình, tôi mới dám dâng ngọc. Vua Tần tự liệu dù sao cũng không cướp ép được, bèn hứa trai-giới năm ngày, cho Tương-Như ở lại quán Quảng-Thành. Tương-Như đoán vua Tần dù trai-giới, quyết phụ ước không trả thành; bèn sai kẻ đi theo mình, mặc áo nâu, bọc viên ngọc, theo đường tắt, đem ngọc về Triệu. Vua Tần chay-tịnh năm ngày, sau lại đặt lễ Cửu-Tân ở triều-đình, để tiếp sứ nước Triệu là Lạn-Tương-Như. Tương-Như đến, nói với vua Tần rằng:

— Nước Tần từ đời vua Mục-Công tới nay, hơn hai mươi nhà vua, chưa từng có ai giữ được lời hứa! Tôi thực sợ bị Nhà-Vua đánh lừa mà phụ lòng vua Triệu, cho nên sai người cầm ngọc lén về tới nước Triệu rồi. Vả chăng, Tần mạnh mà Triệu yếu, Đại-Vương sai một người sứ mọn đến Triệu, Triệu lập tức đem ngọc sang dâng. Nay lấy thế mạnh của Tần, mà cắt trước mười lăm thành cho Triệu, Triệu đâu dám giữ ngọc để được tội với Đại-Vương! Tôi tự biết lừa dối Đại-Vương tội đáng giết. Vậy cho tôi vào vạc nước sôi! Đại-Vương và các quan bàn bạc-cho kỹ!

Vua Tần cùng các quan nhìn nhau mà phát cáu! Các quan-hầu có người muốn lôi Tương-Như đi! Vua Tần nhân nói:

— Nay giết Tương-Như nữa, cũng vẫn không thể được ngọc! Mà làm dứt mất giao-tình của Tần và Triệu. Chi-bằng nhân đó mà đãi cho thật hậu, rồi sai về Triệu. Vua Triệu há vì cớ một viên ngọc mà lừa dối Tần sao?

Rút lại vẫn tiếp Tương-Như ở Triều-đình, đủ lễ rồi cho về. Tương-Như về rồi, vua Triệu cho Tương-Như là một ông quan giỏi, đi sứ không chịu nhục với Chư-Hầu, liền cho Tương-Như làm Thượng-Đại-phu,

Sau, Tần cũng không cắt thành cho Triệu; Triệu cũng không đem ngọc cho Tần. Rồi đó Tần đánh Triệu, giết hai vạn người. Vua Tần sai Sứ-giả sang nói với vua Triệu, muốn giảng-hòa cùng nhau, hội ở Miện-Trì ngoài Tây-Hà. Vua Triệu sợ Tần muốn không đi. Liêm-Pha và Lạn-Tương-Như bàn rằng:

— Nhà-vua không đi, tỏ ra nước Triệu yếu và nhát.

Vua Triệu bèn đi. Tương-Như theo Liêm-Pha tiễn đến ngoài cõi, từ-biệt nhà-vua mà rằng:

— Nhà vua sang, tính đường lối cùng lễ hội-họp, chẳng qua độ ba mươi ngày thì xong. Ba mươi ngày mà không về thì xin lập Thái-Tử làm vua, để cho Tần hết ngóng!

Nhà-vua ưng cho, bèn hội với vua Tần ở Miện-Trì. Vua Tần uống rượu say, nói:

— Quả-nhân trộm nghe vua Triệu ưa âm-nhạc, vậy xin gẩy đàn sắt cho nghe.

Vua Triệu gẩy đàn sắt. Ngự sử nước Tần tiến lên chép rằng:

— Ngày, tháng, năm mỗ..., vua Tần cùng vua Triệu họp nhau uống rượu, sai vua Triệu gẩy đàn sắt!

Lạn Tương-Như tiến lên mà rằng:

— Vua Triệu trộm nghe vua Tần giỏi về âm nhạc nước Tần, xin dâng chậu, chĩnh lên vua Tần gõ, để làm vui lẫn cho nhau!

Vua Tần giận không cho! Thế nhưng Tương-Như cứ tiến đến dâng lên chiếc chĩnh, nhân quỳ xuống mời vua Tần. Vua Tần không chịu gõ chĩnh!

Tương-Như nói:

— Trong năm bước, Tương-Như xin phép được đem máu cổ mà vẩy vào đại-Vương!

Các quan-hầu toan đâm chết Tương-Như. Tương-Như trừng mắt quát, các quan-hầu đều xô-dạt! Thế rồi vua Tần không vui cũng phải gõ chĩnh qua loa! Tương-Như quay lại gọi Ngự-Sử nước Triệu chép rằng:

— Ngày, tháng, năm mỗ... vua Tần gõ chĩnh cho vua Triệu nghe!

Các quan nước Tần nói:

— Xin lấy mười lăm thành nước Triệu để chúc thọ cho vua Tần!

Lạn-Tương-Như cũng nói:

— Xin đem Hàm-Dương của Tần chúc thọ cho vua Triệu!

Trọn tiệc rượu, vua Tần không sao tranh hơn được với Triệu. Triệu cũng đặt nhiều binh-bị để đợi Tần, Tần không dám động. Tan hội về nước, Tương-Như vì công to, được cất làm Thượng-Khanh, ngôi ở trên Liêm-Pha.

Liêm-Pha nói:

— Ta làm tướng Triệu, phá thành, đánh trận, vốn có công to! Nay Tương-Như chỉ khó nhọc có miệng lưỡi, mà ngôi cao hơn ta!.. Vả chăng Tương-Như vốn hèn, ta xấu-hổ không nỡ lòng ngồi dưới hạng người ấy!

Rồi rêu-rao:

— Ta thấy Tương-Như, tất làm cho nó nhục!

Tương-Như nghe vậy, không chịu hội-họp với nhau bao giờ. Mỗi phiên chầu thường cáo ốm, không muốn tranh thứ-vị với Liêm-Pha.

Sau đó Tương-Như đi ra, trông thấy Liêm-Pha. Tương-Như quay xe lánh trốn. Thế rồi các Xá-Nhân cùng nhau can rằng:

— Chúng tôi sở-dĩ bỏ thân-thích đến thờ ông, chỉ là mến cao-nghĩa của ông. Nay ông ngang hàng với Liêm-Pha, ông Liêm rêu-rao nói hỗn, mà ông lẩn tránh ra vẻ sợ-hãi lắm! Người thường còn lấy làm xấu-hổ, huống nữa là các bậc Khanh, Tướng! Chúng tôi chả ra gì, thôi xin từ dã ra về!

Lạn-Tương-Như cố giữ lại mà rằng:

— Các ông coi Liêm Tướng-quân có bằng vua Tần không?

Thưa rằng:

— Không bằng!

Tương-Như nói:

— Lấy oai của vua Tần, mà Tương-Như này dám thét ở giữa Triều-đình, làm nhục cả các quan-hầu nữa! Dù hèn nhát, Tương-Như có lẽ lại sợ riêng Liêm Tướng-quân sao! Thế nhưng tôi nghĩ: Cường-Tần sở-dĩ không dám đem quân lấn Triệu, là chỉ vì còn có hai chúng tôi. Nay hai hổ đánh nhau, thế tất không sao sống được cả. Cho nên tôi phải như thế, là nghĩ đến việc cần-kíp cho nước-nhà trước, mà nghĩ đến thù riêng sau đó thôi!

Liêm-Pha nghe chuyện, trầy thịt, vác roi, nhờ khách đưa đến cửa nhà Lạn-Tương-Như xin lỗi mà rằng:

— Kẻ hèn mọn này thực không biết Tướng-quân có lượng đến thế!

Rút lại cùng nhau thân-thiết làm bạn cắt-cổ.

Năm ấy, Liêm-Pha lại đánh Tề, phá tan một đoàn quân. Qua hai năm, Liêm-Pha lại đánh Tề, lấy được thành Cơ. Năm thứ ba, Liêm-Pha đánh Ngụy, hạ được Phòng-Lăng, An-Dương.

Sau bốn năm, Lạn Tương-Như làm tướng đánh Tề, đến Bình-Ấp rồi về. Năm sau, Triệu-Xa phá được quân Tần ở dưới Ứ-Dữ.