Bước tới nội dung

Sự Phi-líp-bin độc lập coi còn chung chinh lắm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sự Phi-líp-bin độc lập coi còn chung chinh lắm  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6707 (18. 4. 1932)

Hạ nghị viện dầu đã thông qua nghị án, thượng nghị viện dầu có người hứa sẽ chuẩn y, song ông Thủ tướng Mỹ quốc phản đối riết lắm

Về việc nước Huê Kỳ cho nước Phi-lip-bin độc lập, trong 20 năm nay, ở nghị viện Huê Kỳ cứ soạn sành nói tới hoài, nhưng lần nào cũng không yên. Vừa mới đây lại đem ra bàn nữa, rốt cuộc Hạ nghị viện Mỹ quốc thông qua cái nghị án ấy. Tuy còn lên Thượng nghị viện chưa biết ra sao, song thấy nói một ông nguyên lão có thế lực ở đó có hứa rằng đến chừng đem ra thảo luận tại Thượng nghị viện, theo ý ông thì sẽ chuẩn y.

Cái tin đó có đăng ở Trung lập nầy cách đây không lâu. Có người đọc tới rồi vội tưởng rằng như thể là Phi-líp-bin chắc sẽ độc lập.

Một việc trọng đại như thế, đã không nói đến thì thôi, chớ ở Hạ nghị viện Mỹ đã biểu đồng tình thì chẳng sớm thì muộn nó cũng sẽ thiệt hiện được. Song xét kỹ tình hình mà coi thì cuộc độc lập của Phi-líp-bin dầu có chăng nữa cũng còn lâu mới thành, chớ chẳng phải một ngày một bữa mà nên đâu. Chúng tôi tin rằng nước ấy sẽ nhờ nước Mỹ mà độc lập thật, có điều việc ấy sẽ thấy sau năm mười năm nữa, chớ hiện bây giờ thì không chắc.

Mà cho đến cái nghị án đã được thông qua đó, cũng không phải cho độc lập liền tay đâu, còn phải đeo một cái kỳ hạn trong 8 năm nữa kia mà. Ai không biết đến đầu đến đuôi, cứ nghe độc lập rồi tưởng độc lập liền, thành ra sai bét hết.

Việc ấy phần đông người Mỹ ưng thuận lắm, mà nhứt là bọn nông dân. Bởi vì nếu cho Phi-lip-bin độc lập thì bọn nầy có lợi nên họ thích.

Số là, lâu nay những đồ nông sản của Phi chở bán qua Mỹ nhiều lắm, mà vì là thuộc địa, không đánh thuế nhập cảng nên nó ăn chận trên đồ nông sản của người Mỹ. Nếu một mai độc lập Phi-lip-bin cũng sẽ bị coi như ngoại quốc mà đánh thuế nhập cảng, thì tức nhiên đồ nông sản của họ vào nước Mỹ phải giảm bớt đi, nông dân nước Mỹ bấy giờ sẽ chuyên cái lợi một mình một chợ.

Vậy nhưng các phương diện khác thì lại nhiều kẻ phản đối việc cho Phi độc lập. Mới rồi quan Thủ tướng nước ấy có viết trên báo mà nói giống y như ông Albert Sarraut mới nói bên Pháp về việc Đông Dương, nói rằng: "Nước Mỹ nếu bỏ cái địa vị dìu dắt nước Phi, thế tất phải làm cho chánh trị, kinh tế, xã hội của nước Phi trở nên rối loạn lập tức. Rốt cuộc lại rồi nước Phi sẽ bị nước khác chiếm đoạt, bị Trung Huê hay Nhựt Bổn gì đây chưa biết chừng. Mỹ mà thả Phi ra, thì là một cái chánh sách nhút nhát, làm cho cái oai vọng và sự che đỡ cho mình ở Viễn Đông mất đi chớ chẳng được việc chi.

Hạ nghị viện mà đã thông qua cái nghị án ấy là bởi trong đó phần nhiều theo ý kiến của bọn nông dân. Bọn nầy họ chỉ ngó chăm vào kinh tế chớ thây kệ chánh trị. Nhưng đứng về phía chánh trị mà xem thì thế lực Mỹ quốc ở Thái Bình Dương chỉ có cậy chút Phi-lip-bin đó; nay thả ra cho độc lập đi, thì còn biết vớ vin vào đâu? Huống chi dạo nầy Thái Bình Dương đương còn sóng gió, cuộc chiến tranh Huê-Nhựt chưa biết sẽ lan ra đến đâu, giây dưa đến bao giờ, thì nước Mỹ lại càng phải giữ chặt lấy Phi-lip-bin lắm. Chúng tôi cho mấy lời của ông Thủ tướng đó là lời thiệt tình mà cũng là thiệt sự nữa vậy.

(Kiểm duyệt bỏ)[1]

Bổn nghị án ấy khi chưa thông qua vốn định trong 5 năm cho Phi-lip-pin độc lập; nhưng sau mới sửa lại làm 8 năm.

Bởi cách họ trù bị cho cuộc độc lập ấy như vầy: Trước hết định cho người Phi ở trong nước mình vời nhóm một cuộc hội nghị, kêu là "Hiến chánh hội nghị" ; do Hội nghị ấy chế tạo ra một cái hiến pháp độc lập; rồi mới trưng cầu ý kiến của nhân dân coi thử đối với bổn hiến pháp ấy có đồng ý hay không; khi nào cái gốc hiến pháp đã vững chãi rồi, khi ấy mới nói đến sự tuyên bố độc lập. Theo sự trù bị đó thì công việc nhiều lắm, trong 5 năm làm chưa chắc rồi, huống chi còn nhiều việc khác nữa, cần phải rộng thời giờ mới đủ làm, sở dĩ đổi ra 8 năm là vì cớ ấy.

Nhưng coi như sự thể nói trên kia thì dầu cho dài kỳ hạn ra đến 8 năm cũng vẫn là việc không chắc, vì coi nó còn chung chinh lắm.

T. R.

   




Chú thích

  1. Đoạn bị kiểm duyệt bỏ khá dài, khoảng 10-12 dòng, tức chừng 40-50 từ.