Bước tới nội dung

Sự học chữ Hán thuở xưa với bây giờ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sự học chữ Hán thuở xưa với bây giờ  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 159 (14. 7. 1932)

Số mới rồi, trong mục Ý kiến đối với thời sự, chúng tôi có bàn đến chữ Hán là nên học và lược kể cái phương pháp học nó ngày nay nên thế nào. Vả sự học một thứ chữ thì bao giờ cũng vậy cả, sao lại có phân ra ngày nay với ngày xưa? Chúng tôi đã phân ra như vậy, chẳng phải là vô cớ.

Ngày xưa người Việt Nam ta chưa có quốc văn, lấy chữ Hán làm quốc văn. Người không học thì thôi; còn người có học thì cả đời cũng chỉ học một thứ chữ ấy. Gia dĩ sự học bấy giờ chuyên về một đường khoa cử, lấy sự thi đậu làm mục đích; người nào nhắm không có thể thi đậu thì mới nhờ sự biết chữ của mình mà xoay qua làm làng làm tổng hoặc các phương thuật khác, như là thầy thuốc, tướng, số, địa lý, bói khoa.

Như vậy, sự học chữ Hán của ta ngày xưa là một sự xài phí thì giờ quá lẽ và cũng gần thành như một sự không có ý thức. Phần nhiều người có cơm có tiền cứ theo học hoài học huỷ, may có đỗ đạt được thì khá, không thì cũng cứ ôn đi ôn lại mấy cuốn sách cũ đó thôi. Họ không kể thì giờ, tính niên hạn như chúng ta ngày nay; tới đâu hay đó. Vả chăng, phàm học cái gì phải quyết định đường đi nước bước của mình từ đầu; cái nầy, mấy người về sau ôm dao cầu thuyền tán hoặc xách bàn địa la, mà hồi trước cũng cằm cục tập làm kinh nghĩa, thi, phú cho tốn công tốn của, như thế, cho rằng làm một việc vô ý thức, cũng không phải là quá đáng.

Huống chi hồi đó sự dạy lại rất là minh mông nữa. Chẳng hề nghe nói có ông thầy nào dạy học trò bằng một cái phương pháp nào khác. Ông nào cũng cứ theo cách cũ rích mà đòi nhận[1] chữ vào trong óc học trò.

Mới vỡ lòng thì họ bắt học sách Tam tự kinh. Sách nầy tiếng là cho trẻ con học vỡ lòng, chớ kỳ thiệt mắc lắm, không phải rẻ. Nực cười cho tác giả cuốn Tam tự kinh đó, gồm bao nhiêu những triết học, lịch sử, thường thức và dật sự của cổ nhân mà viết ra, lại bảo rằng để làm sách giáo khoa cho đồng ấu, mới thật lạ đời cho chớ!

Mới mở đầu ra đã đem triết học mà nói chuyện với con nít nên sáu nên bảy rồi! "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện; tánh tương cận, tập tương viễn"; ấy là nói về cái vấn đề rất cao xa bí yếu, bao nhiêu nhà triết học kiện nhau xưa nay, chưa giải quyết xong, vậy mà đem nói với đứa miệng còn hôi sữa thì nó hiểu cái gì?

Rồi ta nghe mấy ông thầy họ cắt nghĩa thử ra sao: "Nhân, người; chi, chưng; sơ, đầu: tánh, tánh; bổn, vốn; thiện, lành..." Trời ôi! cho hạng bác sĩ đời nay họ nghe, họ cũng còn chẳng biết nói gì thay, chớ đừng nói thứ con nít chưa sạch mũi!

Cứ vậy mà nhận[1], mà nhét, mà chôn mãi vào trong đầu thì lâu rồi cũng phải biết ít nhiều. Nhưng trong sự học như vậy có lý thú gì đâu, cho nên nhiều đứa trẻ thuở xưa hay đút vở vào bụi tre mà đi đánh khăng đánh đáo cũng không trách.

Đến chừng trộng lên, biết "nghe sách", thì thầy cũng có đổi cách dạy đi một chút, nghĩa là không "học một" nữa mà cắt nghĩa cả câu. Nhưng "Đại học chi đạo" mà giảng nghĩa là "Chưng đạo đại học" thì cũng hoàn toàn không hiểu. Không hiểu là tại cái tiếng "chưng" ấy. Tiếng "chưng" đó của ta, hình như nó đã chết đâu mấy ngàn mấy trăm năm về trước, lâu nay trong tiếng nói của ta không còn dùng nó nữa, vậy mà sao khi cắt nghĩa sách lại nhè đem nó ra dùng? Đừng nói học trò làm chi; hỏi đến chính mình mấy ông thầy: tiếng "chưng" đó là nghĩa gì? đố có ông nào hiểu được!

Nói chi đến văn pháp (grammaire) thì thôi, thuở trước chữ Hán đã đành không có. Ôi! học một thứ chữ mà không có văn pháp thì bảo làm sao cho mau thông mau biết được? Cho nên những người giỏi chữ Hán từ xưa trong xứ nầy, ta cũng nên bái phục cái khiếu thông minh của họ, chớ chẳng phải chơi đâu!

Nói mà nghe chớ hạng người ấy đâu có phải là số nhiều. Ước lược mà tính thì trong một trăm người đi học, may lắm được một vài người trở nên tay giỏi; còn kỳ dư cũng phải liệt vào hạng tầm thường hay hạng dốt mà thôi, vì người ta được mấy kẻ có thiên tài?

Sự thành tựu không ra chi như vậy, phải đổ cho tại cách dạy không ra chi. Ta thử xem ngày nay những kẻ học các trường Pháp -Việt, nếu lên đến bực cao đẳng tiểu học vài ba năm rồi thì mạt nào cũng viết một cái thơ bằng tiếng Pháp được, hay là dùng tiếng Pháp mà kỷ thuật[2] một việc gì được dầu dở dầu hay; chớ không như học trò chữ Hán hồi xưa, có người thi rớt trường nhì trường ba mà bảo viết cái thơ nhà, viết còn không chạy.

Không phải tôi đặt điều mà nói cho quá, thật quả như vậy. Bởi sự học của ta hồi trước không có cầu cho biết những sự vật chung quanh mình như sự học ngày nay, nên có nhiều kẻ làm kinh nghĩa được, làm thi phú được, hoặc đến bậc hay nữa, mà bảo viết cái gì khác, ra ngoài sự luyện tập lúc bình thường, thì viết không trôi. Những người ấy, bắt họ thuật lại một vụ ăn trộm hay là một đám đánh lộn bằng chữ Hán, thì hẳn là không bằng những anh làm trùm làm xã là người ít học hơn họ, có điều quen việc hơn.

Tôi có nói láo thì ma mà bắt tôi đi! Chính mắt tôi đã thấy một ông cử nhân làm quan Hậu bổ ở tỉnh kia, viết thơ về cho vợ ở nhà tự xưng là "Thiểm chức" ( 忝 職 )!

Cách dạy như trên kia mà đào tạo tác thành ra hạng nhân tài như mới vừa nói đó, là phải lắm, tôi đâu có trách?

Duy ngày nay ta nếu muốn học chữ Hán thì không có thể dùng cách dạy ấy được nữa.

Sự học chữ Hán ngày nay là cầu cho biết chữ. Muốn sau nầy ứng dụng ra việc to tát thì cầu biết chữ nhiều hơn; còn ứng dụng ra việc tầm thường thì biết chữ ít hơn. Thế nào cũng phải lấy sự đọc hiểu, viết thông làm cái giới hạn rất thấp cho sự học của mình.

Khép cái giới hạn cho hẹp hơn nữa thì sự học lại càng dễ. Như anh tính về sau làm báo, học chữ Hán để coi báo Tàu mà dịch ra tiếng ta, thì anh chỉ cầu đọc hiểu là đủ, không cầu viết thông cũng vô hại. Còn anh muốn học để làm thuê vặt vặt cho người Khách ở đây mà kiếm tiền, như dịch cái giấy gì đó bằng chữ Pháp hoặc quốc ngữ ra chữ Tàu, hay là đặt bằng chữ Tàu một cái quảng cáo vắn vắn, thì anh lại không cần đọc cho hiểu cả các sách, anh chỉ tập viết cho thông là đủ.

Cái mục đích của người học nếu cao hơn nữa, muốn học cho đọc được những sách Tàu cũ đời xưa cùng là những sách của người mình đã trứ thuật bằng chữ Hán, để mà khảo cứu hoặc về văn học, hoặc về triết học, hoặc về lịch sử, làm nên một nhà văn học, thì lại phải dụng công nhiều hơn bội phần. Sự dụng công ấy về sau, chớ còn ban đầu thì phải lấy sự đọc hiểu viết thông làm cái bước thứ nhứt.

Sự học chữ Hán thuở xưa với bây giờ còn một điều khác nhau rất xa nữa, là thuở xưa đeo đuổi theo cái mục đích cầu danh cầu lợi mà bây giờ thì chuyên cầu tri thức. Khi cầu tri thức đã được rồi, chẳng phải chẳng có danh lợi theo sau; có điều cái bổn tâm hồi đầu không có chăm bẵm vào danh lợi như thuở xưa. Sự đó làm cho cái tâm địa của người học được sáng suốt trong sạch, là một điều rất tốt, vì dùng cái tâm địa ấy mà học một thứ chữ thì ắt là dụng tâm chuyên nhứt và không quản công phu khó nhọc.

Cái địa vị của chữ Hán ở nước ta ngày nay ra thế nào, hiện nay thật còn ít người hiểu cho đúng. Có người thấy chữ Hán bị bỏ mà than tiếc, bứt đầu bứt cổ, người ấy chẳng nhằm chi; nhưng những người mạt sát chữ Hán quá, cho là "chữ chết", vô dụng, học nó vô ích, cũng lại không nhằm chi nữa.

Còn có kẻ nói chữ Hán khó học, khó nhớ, không dễ học bằng chữ Pháp, kẻ ấy vì chưa hiểu nên nói vậy đó thôi. Họ thấy dạy như cách hồi xưa mà không có văn pháp gì cả thì họ lấy làm khó cũng phải. Kỳ thiệt, hễ dạy cho có phương pháp, như ở nhà trường dạy chữ Pháp đó, thì chữ gì cũng dễ học hết, không chữ gì là khó.

Số tới tôi sẽ nói tới cái phương pháp dạy và học chữ Hán ra sao.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. a ă nhận: ấn, đè xuống (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).
  2. kỷ thuật: tường thuật, kể lại.