Sự nghị luận sai lầm bởi dùng chủ quan
Đính chánh một bài lai cảo
Theo triết học, về sự người ta quan sát và phán đoán điều gì trong khi tư tưởng đến nó thì có dùng hai cách: một là dùng chủ quan; một là dùng khách quan.
Hai danh từ nầy đều dịch bởi tiếng tây ra: Theo tiếng Pháp thì chủ quan tức là point de vue subjective, khách quan tức là point de vue objective.
Subjectif bởi chữ sujet mà ra. Chữ subjectif ấy, tự điển giải nghĩa là: điều chi thuộc về bên người tư tưởng. Chữ objectif bởi chữ objet mà ra. Objectif, tự điển giải rằng qui se rapporte à l'objet pensée, nghĩa là: điều chi thuộc về bên vật bị tư tưởng. Như thế là hai bên đối nhau vậy.
Chữ sujet có nghĩa như là chủ, hay chủ động; nhưng vào trong câu trên đó không nói như thế được (vì nói chủ tư tưởng hay chủ động tư tưởng thì khó nghe quá) nên phải nói là người tư tưởng. Tuy không đúng hẳn, nhưng duy có người mới tư tưởng được thôi, cho nên dịch chữ sujet là người cũng không đến nỗi sai. Chữ objet đó không phải là vật hẳn, như khi tôi tư tưởng về người nào thì người đó là cái objet[1] của sự tư tưởng tôi, nhưng theo nghĩa rộng cũng có thể nói là vật được, vì chữ vật có khi dùng để chỉ hết thảy cái ngoài mình, đối với mình.
Như vậy, một bên là người, làm chủ để mà tư tưởng, cũng kêu tắt đi là chủ; một bên là vật, là cái bị mình tư tưởng, cũng có thể kêu, để cho đối với chủ, là khách.
Trong Hán văn, người ta dùng chữ chủ và chữ khách vào hai cái danh từ nầy là có ý như vậy.
Tôi thường lấy làm lạ rằng những cái khái niệm về sujet và objet như vầy đều là cái rất dễ dàng và cũng cần kíp trong triết học, thì sao người Tàu xưa nay không có chữ gì để biểu thị mà lại phải đợi đến dịch của người Tây? Sau nghiên cứu lần lần rồi mới biết những khái niệm ấy chữ Tàu xưa kia vẫn có, song vì họ dùng chữ thường quá, không đủ đứng lên thành một cái danh từ đặc biệt, hóa bây giờ không dùng được mà phải đặt ra chữ mới.
Như trong sách Mặc Tử nói: Biện, tranh bỉ dã 辯 爭 彼 也. Theo tiếng bây giờ thì dịch là: Biện là tranh nhau một cái đối tượng. Đồng một cái đối tượng mà người nầy nói vầy, kẻ kia nói khác, cho nên kêu là biện. Như vậy, Mặc Tử dùng chữ bỉ chỉ cái đối tượng, tức cái objet; và nhơn đó suy ra: đối với bỉ là ngã 我 , thế thì ngã là sujet vậy.
Lại cũng có dùng chữ năng 能 chỉ về sujet, chữ sở 所 chỉ về objet nữa. Hai chữ nầy trong những sách người Tàu làm ra để giảng về kinh Phật hay dùng đến luôn. Như trong sách "Đại thừa khởi tín luận giảng nghĩa" nói năng tín, chỉ về cái người tin điều gì; sở tín, chỉ về cái điều mà mình tin đó.
Xem đó, ngã, bỉ đều là tiếng pronom personnel, sở là pronom relatif, năng là verbe, không phải là nom cho nên nghĩa nó lỏng chỏng mà không vững vàng chi hết, thành ra đến khi muốn dịch những chữ sujet hay là subjectif, objet hay là objectif, người ta không có thể đem những chữ có sẵn ấy ra mà dùng được, phải đặt chữ mới là chủ hay chủ quan, là khách hay khách quan.
Nãy giờ tôi nói nhiều như thế là cốt muốn độc giả hiểu thật rõ chữ chủ và chữ khách trong hai cái danh từ đó là thế nào. Chưa lấy làm đủ, tôi còn muốn lấy ví dụ như vầy nữa: Như khi tôi tư tưởng về Nguyễn Du là người làm ra Truyện Kiều, về cây bút đương cầm trong tay đây hay là về con mèo đương nằm bên góc bàn đó thì tôi là chủ; còn Nguyễn Du, cây bút, con mèo là khách. Vì tôi là người làm chủ để tư tưởng, còn ba cái kia có thể cho là vật được hết, là vật bị tư tưởng.
Chủ và khách là nghĩa thế; ta hãy giải đến quan.
Quan là xem. Trong khi xem, thế nào cũng có sự nghĩ ngợi nẩy ra, cho nên quan cũng có ý là quan niệm. Trong khi tư tưởng đó, cái quan niệm nào bởi bên người là chủ làm cho nẩy ra thì gọi là chủ quan; cái quan niệm nào bởi bên vật là khách làm cho nẩy ra, thì gọi là khách quan.
Trong khi tư tưởng về Nguyễn Du, giả sử tôi chỉ nghĩ đến cái bình sanh của ông ấy, cái tài học của ông ấy, cho đến cái thời đại của ông ấy rồi tổng quát lại mà được một cái kết luận về Nguyễn Du là như thế, như thế: thế là dùng khách quan. Trái lại, trong khi ấy, tôi có điều cảm khái riêng về thân thế mình, cầm mình cũng như Nguyễn Du, hay lắm đỗi, tôi có lòng ganh ghét về cái văn tài của Nguyễn Du, rồi do sự cảm khái hay ganh ghét ấy mà suy diễn ra được một cái kết luận về Nguyễn Du theo như ý riêng tôi: thế là dùng chủ quan.
Nói một cái, suy ra thì biết: khi tư tưởng về cây bút, con mèo, cũng vậy.
Như vậy, khi tôi dùng khách quan tư tưởng về Nguyễn Du, toàn nhờ ở chứng cớ tài liệu mà được kết luận, là cái kết luận bằng lối quy nạp (induction); còn khi dùng chủ quan tư tưởng về Nguyễn Du, chỉ cậy ở cái tình cảm hay cái kiến giải của mình mà được kết luận, là cái kết luận bằng lối diễn dịch (déduction). Dùng tài liệu chứng cớ mà quy nạp thành ra kết luận, miễn cho tài liệu chứng cớ được xác thật thì kết luận không bao giờ sai; nhưng dùng tình cảm kiến giải mà diễn dịch thành ra kết luận, phải nhớ rằng tình cảm và kiến giải nhiều khi hay thiên lịch, khó đúng được, mà nó đã không đúng thì kết luận cũng không đúng. Bởi vậy, trong sự nghị luận, dùng chủ quan bao giờ cũng có nguy hiểm hơn dùng khách quan.
Nói vậy thì ra người ta hằng ngày xem xét mọi sự mọi vật đều phải dùng khách quan hết cả sao? Vả chủ quan là cái nguy hiểm có thể bỏ đi được sao? Cũng không phải vậy.
Đại để hai cái, công dụng của nó đều như nhau hết, không nên bỏ chích một cái nào; có điều khi đáng dùng cái nào thì dùng cái nấy. Gặp những việc chỉ có dùng chủ quan mới phán đoán được thôi, mà không dùng chủ quan thì còn dùng cái gì?
Nói những việc rất thiển cận mà nghe: như có người cho mình tiền, mình nên từ hay nên nhận; tôi đương giữ nghề làm báo, bỗng có người bàn với tôi nên bỏ mà ra làm nghị viên hoặc ra làm quan, thế thì tôi có nên nghe lời họ chăng: những điều ấy thế nào cũng phải dùng chủ quan mà phán đoán thì mới mong được cái kết luận khỏi sai lầm.
Coi như trên đó, về sự dùng chủ quan hay dùng khách quan, chúng ta có thể hội thông lại mà tạm lập ra một cái nguyên tắc: Khi nào cái việc chúng ta nghị luận đó là thuộc về vật, ở ngoài chúng ta, thì nên dùng khách quan; còn khi cái việc ấy thuộc về mình, ở trong chúng ta, thì nên dùng chủ quan.
Vậy nhưng xem ra người Tàu và người mình từ xưa đến nay, phần nhiều hay dùng chủ quan hết trong bất kỳ việc gì. Cái điều thiên lịch ấy, tôi nghiệm thấy là cái kết quả của Nho học.
Chẳng những đến Tống nho, Minh nho mới cho tâm, tánh của người ta là cái gốc của mọi sự mọi vật trong thiên hạ, mà từ hồi Khổng Mạnh cũng đã có ý như vậy rồi. Trong sách Đại học nói: 1/ cách vật, 2/ trí tri, 3/ thành ý, 4/ chánh tâm, 5/ tu thân, 6/ tề gia, 7/ trị quốc, 8/ bình thiên hạ, mà cũng cho chánh tâm là cái công phu suốt dưới suốt trên: cọng là tám điều mà bảy điều kia đều lấy điều chánh tâm làm gốc. Lại Mạnh Tử cũng nói: "Muôn vật đều đủ hết ở nơi ta" (vạn vật giai bị ư ngã hĩ). Đổng Trọng Thơ cũng có nói như vầy: "Lòng vua chánh thì thiên hạ chẳng ai là chẳng chánh" (quân tâm chánh tắc thiên hạ mạc bất chánh). Còn nhiều những câu có ý như vậy, không có thể kể hết ra được, tóm lại một lời là Nho học chỉ lấy có chữ "ngã" và chữ "tâm" làm trọng.
Theo danh từ triết học ngày nay thì sự chủ trương của Nho học đó kêu là duy tâm luận (Idéalisme), mà là duy tâm luận đến cực đoan.
Bởi vậy, khi luận về hình tượng của trời đất, là khi đáng dùng những sự thiệt khách quan để chứng nghiệm, chớ không có thể dùng cách nào được nữa hết, vậy mà các ông Tống nho cũng cứ lấy cái như cái thần thông ở trong tâm mình ra mà luận, chẳng hề cậy dựa vào sự thiệt một chút nào. Trong tâm ông nầy hiểu trời đất như cái trứng gà thì nói như cái trứng gà; trong tâm ông kia hiểu trời tròn đất vuông thì nói trời tròn đất vuông, chớ không cần phải có chứng cớ nào hết. Ai có đọc qua sách Tánh lý thì đều thấy sự nói ức chừng của các ổng là vốn không có giá trị từ hồi mở miệng ra kia, chớ không phải đợi đến ngày nay nhờ khoa học khám phá cái chơn hình của trời đất ra rồi lời nói của các ổng mới mất giá trị đâu.
Cho nên, miệt thị khách quan, chuyên trọng chủ quan, ấy là một cái bịnh lớn của Nho học. Theo nó thì về sự làm người ở đời vẫn được đúng đắn; nhưng đến về sự tri thức về võ trụ vạn vật thì mù mịt chẳng biết gì. Các khoa học như là toán học, vật lý học, sanh lý học, thiên văn học, địa chất học... mà không nẩy nở ra được trong nhà nho, là vì đó mà thôi vậy, vì chuyên trọng ở ngã và tâm mà thôi vậy, vì miệt thị khách quan mà thôi vậy.
Ngày nay người mình muốn mở mang cái óc ra, muốn học muốn biết như người Âu Mỹ mà còn cứ giữ thói cũ, mỗi cái mỗi dùng chủ quan thì hẳn là trái ngược với sự muốn của mình lắm; vì cái chủ quan là cái lòng ấy nó sẽ làm cho con mắt mình đui đi, lỗ tai mình điếc đi, thì còn trông mong gì mở óc ra mà học mà biết như họ được dư?
Tôi lấy điều đó làm lo lắm, nên cứ lăm le mãi, chờ có dịp nào thì đem mà viết ra trên báo để đánh thức người mình. Mãi đến nay mới gặp được bài ông Q.T., là bài "Cảm tưởng đối với bài "Năm năm cay đắng" của Cù Vân nữ sĩ" đã đăng ở số trước. Tôi bèn viết nên bài nầy, cốt là thừa dịp để tỏ ra sự chuyên dùng chủ quan là có hại, chớ không có ý biện bác cùng tác giả làm chi. Huống chi ông Q.T. lâu nay có gởi nhiều bài lai cảo đã được đăng trong bổn báo; đối với ông, chúng tôi vẫn có cảm tình rất tốt...
Trên đầu đề đây, tôi nói rằng "đính chánh" tức là đính chánh cái chỗ toàn dùng chủ quan trong bài ông Q.T. đó thôi, chớ không có gì khác.
Bài ông Q.T. mở đầu như vầy:
"Trong tập P.N.T.V. số 160 ra ngày 21 Juillet 1932, có đăng bài "Năm năm cay đắng" của Cù Vân nữ sĩ. Trong bài đó, nữ sĩ đã tả những nỗi cay nghiệt của mẹ chồng đối với nàng dâu, mẹ ghẻ đối với con chồng và mẹ ghẻ chồng đối với nàng dâu.
Bỉ nhân rất khen Cù Vân nữ sĩ có can đảm, không sợ những lời dị nghị, đã đem những chuyện xấu trong nhà mình, trong nhà chồng, phô bày trên báo chương, để cho các bà làm mẹ chồng, làm gì ghẻ ác đức ở trong xã hội ta ngày nay, xem thấy lỗi mình mà ăn năn cải quá".
Đoạn mở đầu đó, thấy tác giả dùng khách quan mà phán đoán. Nghĩa là chỉ nhắm vào cái bài "Năm năm cay đắng" mà nói về công dụng và hiệu lực của nó thế nào thôi.
Theo thường tình, đem chuyện xấu trong nhà mình hay nhà chồng ra mà nói, thì ai cũng phải cho là không tốt. Nhưng ở đây ông Q.T. đã lượng thứ điều đó rồi, ông đã khen Cù Vân nữ sĩ có can đảm rồi. Như thế tỏ ra rằng ông nhìn cho cái công dụng hiệu lực của bài văn ấy là lớn, phát biểu nó ra là có bổ ích, thì không nên phi nghị nữ sĩ về sự nói xấu chuyện nhà ấy làm chi.
Một đoạn đó hiệp với ý chúng tôi lắm; chúng tôi cũng vì có cái khách quan như ông vậy mà đã cho đăng bài "Năm năm cay đắng" lên báo nầy.
Nhưng tiếc thay, dưới đoạn ấy, tác giả trở lại toàn dùng chủ quan mà chỉ trích chỗ dụng tâm của Cù Vân nữ sĩ, thành ra sự dùng khách quan hồi nãy là sự làm mặt, và mấy lời khen hồi nãy cũng là lời không thiệt tình!
Tiếp đó ông Q.T. nói rằng:
"Nếu bài của Cù Vân nữ sĩ mục đích chỉ có thế thời bài ấy không phải là không có giá trị. Nhưng nữ sĩ viết bài nầy vì người thời ít mà chỉ cốt vì mình".
Như vậy có kỳ không? Sao ông Q.T. biết được rằng Cù Vân nữ sĩ viết bài nầy mục đích không phải "chỉ có thế"? Sao ông ấy lại biết rằng "vì người thì ít, chỉ cốt vì mình"?
Đó có phải là do trong cái tâm của ông đề chừng mà nói ra không? Trong bài của ông, ông dùng chủ quan bắt đầu từ đó; mà cũng từ đó sanh ra bao nhiêu điều sai lầm và có mâu thuẫn nữa.
Ông nói Cù Vân nữ sĩ viết bài ấy là "mượn trương báo để đăng những chuyện xấu của những người thù đặng rửa hờn, thật là một việc không nên làm". Hay chưa? Nếu đã là việc không nên làm thì thà trước kia ông bảo đừng làm đi, sao ông lại khen nữ sĩ có can đảm? Trong thiên hạ còn có cái mâu thuẫn nào lớn cho bằng cái mâu thuẫn: trước thì khen người ấy làm việc ấy là có can đảm, mà sau lại bảo việc ấy là việc không nên làm?
Những chuyện xấu của mẹ ghẻ và bà gia đối đãi con ghẻ và nàng dâu, chép trong bài Cù Vân nữ sĩ, ta nên đem gióng với tục tình trong xã hội, coi thử có thể xảy ra được thì ta nên nhận nhìn là sự thật; lựa là phải bắt bẻ đến cái chỗ nói ra sau khi hai bà ấy chết rồi, không ai đôi chối? Ngộ như Cù Vân nữ sĩ là một cái tên giả, chuyện xấu của hai bà ấy là chuyện bịa đặt ra, mà ông Q.T. lại đi bắt bẻ như vậy, có phải là lẩn thẩn không?
Nơi rốt bài, Cù Vân nữ sĩ có những lời cầu nguyện Thượng đế Diêm vương tha tội cho mẹ ghẻ và bà gia mình, chẳng qua là một cách nói đưa đẩy trong khi hành văn, chẳng phải là hệ trọng gì đó; vậy mà ông Q.T. cũng chỉ trích, đem sánh với "những nhà đạo đức giả", thật là quá nhỏ mọn lắm vậy.
Những lời chỉ trích mà không chánh đáng ấy bởi đâu mà ra? Đọc bài ông Q.T., tôi thấy rõ là bởi ông dùng chủ quan đến hai phương diện. Một phương diện là cái chủ quan trực tiếp. Tức là do ở cái tâm của ông suy ra, không dựa vào chứng cớ nào hết mà ông dám nói quyết cho người viết bài ấy vì người thì ít mà chỉ cốt vì mình. Vả chăng, đọc cái bài thì chỉ nên hỏi cái bài ra sao, chớ có phép nào lại hỏi đến sự dụng tâm của tác giả? Mà dầu cho tác giả quả có cốt vì mình đi nữa, ông cũng chẳng nên nói tới làm chi; ông nói mà nhằm cũng chẳng ai phục ông, huống chi là chưa chắc nhằm.
Ấy là bởi cái chủ quan của ông mạnh quá. Khi đó ông Q.T. coi mình như quan tòa, dùng cái tâm của ông làm pháp luật, và coi Cù Vân nữ sĩ như người bị cáo, ông cứ chiếu luật định tội, mà hiểm thay cái luật chỉ là nơi gang tấc của ông, thì lấy đâu làm công bình!
Về phương diện ấy, tôi kêu là chủ quan trực tiếp, vì ông Q.T. lấy ngay cái quan niệm nẩy ra ở ông là người tư tưởng mà phán đoán thẳng đến Cù Vân nữ sĩ là vật bị tư tưởng.
Một phương diện nữa là cái chủ quan gián tiếp. Trong khi ông tư tưởng về bài "Năm năm cay đắng" những cái quan niệm nào đã nẩy ra bởi ông thì ông cũng muốn cho Cù Vân nữ sĩ là người viết bài ấy phải theo đồng một quan niệm ấy với ông. Khi bấy giờ ông chỉ hỏi Cù Vân nữ sĩ có theo đồng với ông hay không, không đồng thì ông chỉ trích, chớ ông không thèm ngó đến bài "Năm năm cay đắng" là vật bị tư tưởng ra sao nữa. Bởi vậy trong bài của ông, đoạn nào ông cũng chú trọng bên người mà quên lửng bên vật.
Tôi kêu rằng chủ quan gián tiếp, bởi vì về phương diện nầy, ông Q.T. làm người tư tưởng, bài "Năm năm cay đắng" làm vật bị tư tưởng, nhưng ông không phán đoán thẳng bài ấy, ông cứ bắt Cù Vân nữ sĩ đứng vào quãng giữa mà theo đồng một quan niệm với ông, thành ra cái chủ quan nầy của ông phải đi quanh.
Do sự dùng chủ quan cả hai phương diện đó mà kết cuộc lại, sự phán đoán của ông Q.T. thành ra sai lầm như tôi đã chỉ trên kia, nhứt là có điều mâu thuẫn rất lớn ai ai cũng thấy. Thế thì ta nên biết: Trong sự nghị luận mà mỗi mỗi đều dùng chủ quan thật là có hại.
Phải chi theo khách quan thì cái bài ông Q.T. không đến sai lầm như vậy. Đối với bài "Năm năm cay đắng" dầu ông có cảm tưởng không tốt đi nữa cũng chẳng nỗi hại chi. Theo tục tình mà nói, ông cứ nói ngay rằng Cù Vân nữ sĩ đem việc nhà mình, việc kẻ bề trên mình đã chết rồi ra mà phanh phui trên báo, thế là không đáng, như vậy mà chẳng ai trách ông được hết. Cái nầy, ông cậy ở chỗ không đáng cậy là cái tâm ông mà ông đoán ức chừng đến chỗ dụng tâm của người khác, rồi cứ nhắm theo đường ấy mà đi, thành ra đi càng ngày càng xa với chỗ hồi đầu mới bước chưn ra!
Theo phép nghị luận cho đúng thì khi phê bình bài của Cù Vân nữ sĩ đó chỉ nên coi lời lẽ trong bài ra sao mà thôi; chớ còn chỗ dụng tâm của tác giả thế nào, mình không nên nói đến. Chỉ có ai dùng chủ quan thì mới dám nói đến chỗ đó; mà hễ nói đến thì thế nào cũng phải sai lầm. Nó sai lầm mà chính mình không biết cho, bởi vậy trên kia mới nói là nguy hiểm.
Ấy là một cái gương cho sự chuyên dùng chủ quan, tôi đem bày ra đây cho độc giả cùng soi thấy; soi thấy đặng dùng chủ quan một cách dè dặt thì đỡ được nhiều điều lầm lỗi.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Chữ objet này thường dịch là đối tượng. (nguyên chú của PK)