Bước tới nội dung

Sao chúng tôi không bài trừ cái dịch khiêu vũ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sao chúng tôi không bài trừ cái dịch khiêu vũ  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 14 (17. 12. 1933), trang 1.

Số báo vừa rồi có bài “Khái luận về khiêu vũ”. Báo vừa ra, một vị độc giả bấy lâu đã tự dán lấy cho mình cái nhãn ưu thời mẫn thế, thấy bài ấy, vội vàng đến trách chúng tôi.

‒ Quý báo là một tờ báo phụ nữ mà lại cổ động cuộc khiêu vũ ư? Không nghe người ta cho nó cũng là một thứ dịch hay sao?

Vị độc giả này trước kia có lai cảo cho Bản báo, công kích cái phong trào khiêu vũ rất kịch liệt; nhưng bài ấy không được đăng; mà nay chúng tôi lại đăng bài khái luận này, biểu thị rằng đối với khiêu vũ không có ý phản đối gì hết; thế là trái với cái sơ tâm của người, nên người trách chúng tôi cũng phải.

Giải đáp mấy lời trách ấy, hôm nay chúng tôi phải tỏ bày cái ý kiến và cái thái độ của chúng tôi đối với một cái mốt đương lưu hành mà người ta cho là dở, là xấu ấy.

Trước hết chúng tôi xin nói rằng chúng tôi không hề cổ động cho cái phong trào khiêu vũ ‒ xin đọc kỹ lại bài khái luận ở số trước; ‒ chỉ duy chúng tôi không phản đối nó.

Dưới con mắt những người ưu thời mẫn thế thì khiêu vũ là sự có hại cho phong hóa, cho nên họ muốn bài trừ đi.

Nhưng chúng tôi thì lại không thấy như họ. Bởi vậy, đối với khiêu vũ, chúng tôi không phản đối, chứ đừng nói bài trừ nữa.

Chúng tôi thấy khiêu vũ là một môn mỹ thuật, lấy cái đẹp cái vui mà đào dưỡng tánh tình người ta, cùng một ý nghĩa với lễ nhạc của thánh hiền đời xưa vậy, chẳng có gì đáng phản đối hết, nên chúng tôi không phản đối.

Bảo rằng nhân trai gái gần nhau, sợ dễ sinh ra sự dâm đãng ‒ thì lại là một điều nghĩ xằng, chúng tôi không dám có cái bụng nghĩ như thế!

Nghĩ vậy thì ra hễ đàn ông đàn bà gần nhau một cái, tức nhiên là có sự ám muội xảy ra sao? Chứ không phải rằng ai nấy đều có lương tâm, đều có lễ độ, tuy gần nhau mà vẫn giữ được sự cao khiết sao?...

Đàn ông đàn bà ngày nay luôn luôn có cơ hội tiếp cận nhau. Chúng ta nên tập lấy sự cao khiết, dù có gần nhau cũng không đến sinh ra dâm đãng. Thế thì ta nên coi khiêu vũ là một dịp để tập lấy cái đức tốt ấy mới phải chứ.

Ở Hà Nội này thiếu gì nơi trai gái tụ hội nhau để làm sự ám muội, là như các nhà xăm đó. Đó mới là điều làm thương phong bại tục, mới là điều đáng cho kẻ ưu thời mẫn thế lo mà bài trừ đi. Còn khiêu vũ, nếu làm cho cái thực nó xứng với cái danh nó, thì chỉ là một môn mỹ thuật, hoặc một môn thể thao, chẳng có gì hại đến phong hóa hết mà phải bài trừ.

Nếu nhân khiêu vũ mà sinh ra dâm đãng, thì ấy là sự dâm đãng, đã không còn phải là khiêu vũ nữa rồi, chính mình sự khiêu vũ cũng vẫn không có tội. Mà cái thói dâm đãng thì trước khi có phong trào khiêu vũ, nó vẫn có rồi, nó không cần khiêu vũ làm môi giới; thế thì có phản đối hay bài trừ khiêu vũ làm chi?

Theo chúng tôi, “nhảy đầm” cũng như hát ả đầu. Bao giờ hát ả đầu đáng tuyệt diệt đi trong xã hội Việt Nam thì nhảy đầm mới đáng tuyệt diệt.

P. K.