Bước tới nội dung

Tôi đi xem diễn thuyết hồi hôm nầy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tôi đi xem diễn thuyết hồi hôm nầy  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6756 (17. 6. 1932)

Bảy giờ rưỡi,... tám giờ rưỡi.

Còn đang ở Chợ Mới, chực xe "tô-bút" đi nghe diễn thuyết trên Tân Định, lòng tôi nó xao xiếng làm sao! Sợ trễ giờ.

Một cuộc diễn thuyết có ý nghĩa: diễn thuyết về vấn đề công cử một ông "đại biểu" đi dự "Hội đồng Thượng nghị" bên Pháp. Ai lại không muốn nghe, nhưng nghe rồi nó sẽ chán như cơm nếp mắc mưa.

Chín giờ mấy… mới tới trước nhà hát của thầy đội Có. Trễ mất rồi. Công chúng đi xem đông thật là đông. Chật trong chật ngoài, trên lầu cũng không có chỗ nào trống: đàn ông, đàn bà, con nít, đủ các hạng người. Tính phỏng cũng trên số ngàn.

Trạng sư Dương Văn Giáo làm chủ tọa, đứng lên mở đầu câu chuyện nói lẩm bẩm trong miệng những gì không ai nghe được hết, nhưng có lẽ đó là ông Giáo cám ơn đồng bào đến dự đông đảo. Công chúng la rùm lên biểu ông nói lớn một chút.

Mấy ông "trí thức", mà ban sắp đặt cuộc diễn thuyết đã có tư tờ mời, như bác sĩ Trinh, Thinh, nghị viên Nguyễn Phan Long, cụ Bùi Quang Chiêu, đều cáo từ, kẻ nói mắc việc nầy, người nói mắc việc nọ, nên không đến được. Nghe ông Giáo tuyên bố như vậy, phần đông công chúng tuy không nói ra, chớ cũng đã chán chê cái cuộc diễn thuyết hôm nay. Ai đời muốn đi nghe các ổng diễn thuyết, nghe các ổng bày tỏ ý kiến mà các ổng lại vì việc tư bỏ việc công không chịu đến.

Thôi các ông "lớn" không đến thì mình được nghe anh em thanh niên lên diễn đàn nói, có hại gì.

Ông Diệp Văn Kỳ bước lên diễn đàn; cái tài diễn thuyết của ổng ai nấy cũng đều biết. Vỗ tay chào mừng. Nói qua loa vài câu chuyện "giáo đầu", ông Kỳ bày tỏ rằng việc chánh trị không được "mơ hồ" mà phải "thiệt tế" mới được, phải xin quyền tuyển cử, v.v… Ông nói càng ngày càng lớn, nói chuyện ngân sách Đông Dương… nói… nói rồi ông bắt đầu công kích nhiệt liệt đảng Lập hiến của cụ Bùi.

Ông Kỳ nói xong được công chúng hoan nghinh vỗ tay; trạng sư Dương Văn Giáo đứng ra mời bác sĩ Lân, nghị viên quản hạt lên "sân khấu". Người của bác sĩ Lân ột ệt, mặt bánh phồng, chống một cây gậy to tướng, ngậm điếu thuốc, vẽ nụ cười mơn trên khoé miệng rộng, thốt nho nhỏ rằng: "Tôi không dè nên…" Công chúng cười rầm cả lên.

Đến phiên ông Sâm, người của đảng Lập hiến, xin lên diễn đàn để trả lời về một vài câu nói thất thiệt của ông Diệp Văn Kỳ lúc nãy. Đại ý ông Sâm nói rằng: "Đã hai chục năm nay, ông lãnh tụ đảng Lập hiến, xin xỏ nọ kia, nên ngày nay chánh phủ Pháp mới cho một người Việt Nam làm "cố vấn" tại hội đồng Thượng nghị. Cái công đó là cái công của đảng Lập hiến". Ông Sâm nói mà quên xưng tên, nên có người vọt miệng hỏi: "Ông là ai ?" – Tôi là nghị viên quản hạt hội đồng Nguyễn Văn Sâm chớ ai!? – Ông Sâm nói… nói nào là Dân nguyện, Dân… chi chi, rồi ông bắt qua nói việc Canh nông. Ông lại tự nhận mình là người "ở chợ" nên không thông thạo về việc canh nông là một việc có quan hệ đến cả toàn thể quốc dân Việt Nam. Công chúng phiền và nhao nhao lên. Tuy đã rào trước đón sau rằng ông không phải là người của ông Bùi Quang Chiêu sai đến, nhưng thấy ông Kỳ nói sai với sự thật, nên chi ông mới đứng lên biện bạch đôi lời. Ông Sâm cắt nghĩa mà nào có được mấy người nghe.

Tới đây lại có một chuyện đáng buồn cười, là có một anh lùn lỏng khỏng xin lên diễn đàn, hỏi ông Sâm một câu gay như vầy: "Ông Sâm nói không biết việc canh nông, sao trong tờ Đ.N.N. là cơ quan của ông lại nói ròng về việc canh nông?" Anh nầy tuột xuống, ông khác bước lên, ông Sâm xuống "sân khấu" rồi lỏn ra đi mất.

Ông Tạ Trung Thâu, được anh em đi xem mời lên diễn đàn, nói láp dáp rồi tới ông giáo sư Nguyễn Văn Bá ra chào anh em bằng hai tiếng "Citoyens". Tưởng đâu ông Bá hát một bản "mạt-xây-de" nào dè ông đi luôn một hơi những câu tiếng tây là tiếng tây. Đại để ông Bá thay mặt cho hạng người lao động trí thức cũng như ông Kỳ thiên về phái "trung nhơn". Tới ông bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, người thấp bé, tóc xấp xải bước ra diễn đàn thì đồng hồ đã chỉ 10 giờ 25 phút. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, cũng như mấy ông diễn giả trước cũng "gà cồ… cối xay" rồi thôi.

 Ông Vân Trình ở báo Sài Thành, Nguyễn Văn Tạo dân lao động, Trần Văn Thạch thay phiên lên nói. Kẻ nói vầy, người bàn khác, đại để đều cho ông "cố vấn" tại Hội đồng Thuộc địa là một cái hình "nộm". Sau lại có ông Võ Thành Cứ, một ông hiện đương thất nghiệp, ông Lê Văn Tốt, ông Trần Mạnh Nhẫn, ông nào cũng kéo giây kéo nhợ bàn ra khỏi vấn đề công cử một ông "cố vấn" tại Hội đồng Thượng nghị.

Đêm lần lần khuya, ông chủ tọa Dương Văn Giáo cầm đồng hồ, nhắc chừng cho các diễn giả mãi. Công chúng tỏ ý bất bình, có nhiều người chán "cơm nếp", "gà cồ" ra về không thèm nghe nữa. Mà thật vậy, có một hai ông diễn giả bướng bỉnh quá, người ta cho có một cái bánh sữa bằng bụm tay rồi mừng quýnh mừng quíu. Họ mừng rồi họ tưởng cái bánh sữa lớn… lớn lắm nên họ xin dân hãy đòi cái nầy cái kia, đòi quyền còn hơn người Pháp nữa.

Nãy giờ nói chuyện dông dài, nó cũng có hơi lạc đề một chút, tôi xin thuật lại cho anh em, những người không có đi xem biết rằng: "Phần đông hay là hết cũng được, mấy ông diễn giả nói rằng: thà là phổ thông đầu phiếu không được, thì mình cũng chẳng "đếm" thèm biết chi đến việc nầy". Ai cũng có cái ý kiến như thế, nhưng có một điều là các ổng "nhập đề" có hơi dài một chút.

Cái hy vọng khi mới đi xem diễn thuyết bao nhiêu, thì giữa lúc nghe diễn thuyết lại thất vọng bấy nhiêu…

Họ còn nói "láp dáp" nữa… nói… nói tới khuya, rồi cũng không có chuyện gì đáng để ý thêm hầu kể lại cho bà con biết.

Người đi xem thì đông, mà cũng chẳng thấy ai bằng bụng về cái cuộc diễn thuyết tối hồi hôm nầy.

Rồi đây họ còn sẽ dọn miệng nói nữa, nhưng trước khi chờ có cuộc diễn thuyết khác cho họ nói, chúng tôi sẽ bày tỏ ý kiến chúng tôi trong số báo ngày mai.

12 giờ khuya… từ Tân Định kéo bộ về Sài Gòn, rồi chong đèn viết những sự "nghe thấy" của tôi trong buổi diễn thuyết hồi hôm.

Tôi rán viết mà sao lòng lại lạnh ngắt như đồng. Sự thất vọng vẫn nằm mãi trong quả tim nầy.

T. R.