Bước tới nội dung

Tôi cũng phê bình hát cải lương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tôi cũng phê bình hát cải lương  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 153 (9. 3. 1932)

Ông Vương Kỳ công kích như thế chưa phải là công kích đào Năm Phỉ

Phê bình thì cứ phê bình, việc gì mà "cũng"? Nói vậy là tôi tỏ ý bấy lâu không thèm phê bình làm chi, nhưng nay cũng phê bình. Nay cũng phê bình, là vì thấy một bài phê bình kia chưa được đúng.

Nếu có ai hỏi tôi ở đời chán nhất là cái gì, thì tôi phải trả lời rằng chán nhất là hát cải lương; rồi thứ xuống mới đến cái gàn, cái bướng của ông Nguyễn Khắc Hiếu. Thật thế, cái gàn cái bướng của ông Hiếu, tôi còn chịu được; chứ đến cái lố lăng vô nghĩa của hát cải lương thì tôi phải làm lơ, thuê cũng không buồn nhìn tới.

Ai có đủ sơ cái tri thức về sự diễn kịch một chút, mà cái tri thức ấy không luận về thời đại nào, là cũng không có thể xem cải lương được. Tôi nói thế, nghĩa là người nào đã rành coi hát bội của ta và người nào đã biết mùi diễn kịch của tây cũng đến phải thấy hát cải lương mà chán.

Trước hết thử hỏi diễn kịch, hay là hát bội, hát chèo, hát chi chi cũng vậy, là có ý gì? Nếu muốn trả lời được đúng thì phải trả lời như sau này:

Những việc đã xảy ra, hoặc có thể xảy ra giữa xã hội, ai cũng muốn biết hết. Mà ngặt vì nó thường thường rời rạc ra, bị không gian và thời gian hạn chế, nó không xâu suốt lại được, người ta khó mà xem cho biết. Bởi vậy mới bày ra các lối ấy, đem những việc ấy làm cho nó xảy ra trên sân khấu để người coi. Coi để làm gì? Coi để thích mắt, vừa ý, chứ còn nói để răn đời, thì cái người thật thà có chi nói nấy như tôi, tôi chẳng hề tin, tôi cho ai nói vậy, chẳng qua là nói làm tốt, nói láo.

Đã vậy thì hát nào cũng nên giữ điều này làm gốc: không trái với thời đại, không trái với cá tính (nói cá tính hay là nói cái tính chất của từng người). Đó là cái nguyên tắc của các lối diễn kịch hay là các lối hát. Nếu trái với cái nguyên tắc ấy thì chẳng còn có ích gì cho kẻ coi hết. Như tôi muốn coi cho biết thời đại nhà Hán ra sao, nhân vật của ông Quan Võ, ông Trương Phi ra sao, mà nếu làm trái đi, thì tôi còn coi gì?

Hát cải lương thật đã làm trái tuốt hết. Tại lối y phục của họ và lối ca, nó đã phản cái nghề của họ mà họ không hay! Ai có đời, người nhà Hán mà ăn vận theo người Pháp hồi thế kỷ XVIII hay XIX; ông Trương Phi đã có tiếng rằng "Thanh nhược cự lôi khu hổ báo" mà lại ca tứ đại cảnh hay hành vân, thì có đè tôi xuống mà trút vào tai, tôi cũng không nghe được vậy. Con mắt tôi nó cũng biết điều như lỗ tai tôi.

Hát cải lương, theo như tôi, là cái nghề nó đã hư đi tận gốc rồi, nó không còn có thể thành lập được. Thế mà lại thịnh hành, là nhờ người ta thích xem; họ thích xem, là tại cái óc họ còn non quá, mà lại hiếu kỳ.

Tôi biết vậy, nên lâu nay, tôi bỏ đi mà không nói tới. Người ta họ chưa tới cái trình độ biết chán hát cải lương thì mình có nói cũng chẳng ai nghe.

Đông tây vừa rồi, thấy ông Vương Kỳ phê bình gánh hát Phước Cương mà lập đầu đề như sau này: Đào Năm Phỉ hay là cái mốt lố lăng trên sân khấu.

Mới thấy cái đề, tôi tưởng ông Vương công kích đào Năm Phỉ; đến chừng đọc rồi cả bài thì té ra cũng toàn là ông ấy công kích lối hát cải lương.

Nếu thật là công kích Năm Phỉ thì phải cử ra cái bộ đi đứng, cái ý chỉ, cái giọng hát, tóm lại là về thanh, về sắc, về dáng điệu, như thế mới xứng đáng với cái đầu đề kia. Cái này, về thanh, về sắc, về dáng điệu của Năm Phỉ, người phê bình đã "chịu rằng nhẹ nhàng mềm mại" hết; thế thì sao lại lập cái đầu đề ấy lên, như là nhè "con người" mà công kích?

Đọc cả bài ông Vương, thấy chỗ ông bất mãn nhất là chỗ này:

"Nay đến cái lố lăng cực điểm cô thiếu nữ đời Hán Hiến Đế, con gái nuôi quan Tư đồ họ Vương, lúc ra trình diện Đổng Thái sư, mặc áo đầm chẽn hở tay, hở ngực, mặc váy đầm xoè, đi tất cao đến đùi, đứng trong đám ánh sáng ngũ sắc của đèn trong buồng trò chiếu ra, ưỡn ẹo… nhảy đầm!"

Những cái "bậy" đó, những cái ông kêu bằng "lố lăng" đó, có phải tại chính mình đào Năm Phỉ đâu? Ấy là cái "bậy" cái "lố lăng" của lối hát cải lương, như tôi đã nói hồi nãy đó; chớ không phải cái bậy của "con người" đào Năm Phỉ mà, xin ông Vương và độc giả nghĩ lại coi.

Tôi chẳng hề xem hát cải lương lần nào hết. Chỉ có một lần mà thôi, thì cũng gặp cái tuồng ông Vương nói đây, là gánh Phước Cương hát Phụng nghi đình tại nhà hát thành phố Sài Gòn. Hát sau khi Năm Phỉ đi Tây về, cho nên tôi cũng thấy được mọi trò lố lăng như ông Vương đã tả.

Tôi lấy con mắt biết coi hát bội mà coi buổi hát hôm ấy thì thấy ra nhiều vai hay lắm, như vai Đổng Trác, Vương Doãn và Điêu Thuyền chính đào Năm Phỉ đã đóng. Nhưng tôi phải ngoại trừ: những y phục "ba cha" và những bài ca "bất tử" của họ thì tôi bỏ đi; coi là coi lấy cái màu tuồng, cái ý chỉ của con hát.

Theo tôi thì những vai đóng hôm ấy, giá bỏ những cái gì thuộc về cải lương đi mà làm tinh theo hát bội, thì có lẽ lại hoàn toàn hơn.

Đến như đào Năm Phỉ thì, theo con mắt tôi – mà tưởng ông Vương Kỳ cũng vậy – tôi không chê được cái gì hết. Còn những áo, váy, tất… mà ông chê đó, không nên đem mà trách Năm Phỉ, nên trách gánh Phức Cương và trách hết thảy các gánh cải lương; hay là đem mà đánh đổ luôn cả cái nghề hát cải lương đi cũng được.

Với một ông bầu gánh cải lương, tôi có nói chuyện một lần. Chẳng qua tôi đọc trước cái bài này khi chưa đăng nó lên đây cho ông nghe. Độc giả liệu thử ông trả lời thế nào. Ông nói rằng: "Tôi cũng biết như ông vậy, có điều tại công chúng thích coi như thế thì tôi phải tùy công chúng".

Thế thì chúng ta cũng chẳng nên phê bình hát cải lương làm chi. Đợi ít chục năm nữa, phần lý trí của người nước ta mở mang và tấn tới thì tự nhiên hát cải lương phải chết, không cần phải phê bình công kích làm chi hết. Tôi tin quyết như vậy. Hát cải lương mà còn thịnh hành đến khi nào, ấy là cái biểu hiệu tỏ ra rằng cái trình độ dân trí của ta còn thấp đến khi ấy đó thôi!

PHAN KHÔI