Bước tới nội dung

Tôn Tử binh pháp/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

X

Thiên Địa hình

Tào Công rằng: Muốn đánh nhau phải biết rõ hình đất để lập thế thắng.

Vương Tích rằng: Địa lợi nên biết khắp cái hình hiểm ải vướng chẹn.

Trương Dự rằng: Phàm quân đi, phải sai đi dò thám hình thể núi sông cùng quân phục ở trước 50 dặm, rồi tướng mới tự đi xem xét thế đất nhân rồi đồ tính để biết chỗ hiểm chỗ dễ. Cho nên ra quân vượt cõi phải xét rõ hình đất để lập thế thắng, vì thế thiên này ở dưới thiên Hành-quân.


Tôn Tử nói: Hình đất có chỗ thông.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đường lối thông đạt.


Có chỗ vướng.

Mai Nghiêu Thần rằng: Chỗ đất lưới bẫy, đi thì vướng mắc.


Có chỗ chống.

Mai Nghiêu Thần rằng: Cái đất chống giữ nhau.


Có chỗ hẹp.

Mai Nghiêu Thần rằng: Khoảng giữa trái núi có cái hang thông.


Có chỗ hiểm.

Mai Nghiêu Thần rằng: Chỗ núi sông gò đống.


Có chỗ xa.

Tào Công rằng: Sáu cái trên này là hình đất.


Ta có thể đi, họ có thể lại, là thông.

Đỗ Hựu rằng: Bảo đều ở đất bằng, đi lại thông lợi.


Hình thông, mình chiếm trước lấy chỗ cao sáng giữ được đường lương thuận tiện để đánh thì lợi.

Tào Công rằng: Thà khiến người đến đừng đến với người.

Đỗ Hựu rằng: Thà khiến người đến, đừng đến với người. Mình giữ trước lấy chỗ đất cao, chia đặt đồn giữ ở đường về, đừng để cho quân địch cắt đứt đường lương của mình.

Giả Lâm rằng: Hình thông, không có gò đống, cũng không có chỗ yếu hại, cho nên hai bên đều đi lại thông. Ở chỗ cao thì dễ xem nom, ngoảnh vào phía nắng là nhìn vào chỗ sống, thông đường lương thì dễ vận tải, như thế thì lợi cho sự chiến đấu.

Trương Dự rằng: Đến đóng trước ở chỗ chiến địa, thế là làm cho người đến chứ không đến với người. Ta tuy ở chỗ cao, ngoảnh phía nắng, ngồi chờ cho quân địch đến, nhưng cũng sợ quân địch không đến, cho nên phải khiến cho đường lương không đứt rồi mới là lợi.


Có thể đi, khó sự về, là vướng.

Đỗ Hựu rằng: Vướng là vướng mắc.


Hình vướng, quân địch không phòng, ra quân sẽ thắng; nếu quân địch có phòng, ra quân không thắng, khó trở về, không lợi.

Đỗ Mục rằng: Vướng là cái đất hiểm trở, cùng bên địch có cái thế như nanh chó xen lẫn vào nhau, hễ cử động là có vướng mắc. Đi đánh quân địch, nếu họ không phòng bị, đánh thì tất thắng, tuy cái thế hiểm trở xen lẫn vào nhau, nhưng họ đã thua, cũng không thể đón đường về của ta được. Nếu đi đánh mà họ có phòng, không thể thắng được, thì bị họ giữ chỗ hiểm trở, đón chẹn đường về, khó mà trở lại được.

Trần Hạo rằng: Bất đắc dĩ hãm vào bước ấy thì nên làm cái kế trì cửu, cướp lấy lương của quân địch, chờ lúc tiện lợi rồi sẽ đánh.


Ta đến mà chẳng lợi, họ đến mà chẳng lợi, là chống.

Đỗ Hựu rằng: Chống là lâu vậy. Đều không tiện, cầm giữ nhau lâu.

Trương Dự rằng: Đều giữ chỗ hiểm cố để giữ nhau.


Hình chống, quân địch tuy nhử cái lợi cho ta, ta đừng ra; dan quân đi, khiến địch kéo ra nửa vời thì ta đánh, lợi.

Đỗ Mục rằng: Chống là ta cùng quân địch đều giữ chỗ cao hiểm, đối lũy đóng quân, giữa có đất bằng, hẹp mà lại dài, ra quân thì không thể dàn bầy thành trận, gặp với bên địch thì từ dưới đánh lên, cái thế của hai bên đều không lợi tiện. Như thế thì nên đường đường kéo đi, phục quân để đợi, địch nếu theo ta, đợi ra nửa chừng, phát binh đánh ngay thì lợi. Nếu địch đi trước để nhử ta, ta không nên ra.

Trần Hạo rằng: Thuyết trên này lý rậm mà lời ngược. Chỉ có rằng cái chỗ hai bên xuất quân, hình đất không tiện, địch nếu bầy cái lợi nhử ta mà đi, ta rất chớ nên đuổi theo; bằng ta kéo đi, địch im thì thôi, hễ địch úp ta thì ta đợi cho ra nửa vời, quay lại gấp đánh.

Mai Nghiêu Thần rằng: Hai bên đều riêng đóng ở chỗ hiểm, hễ ai ra đánh trước thì thua. Lấy lợi nhử ta, ta không nên tham, vờ đi để nhử, họ ra nửa vời thì ta đánh.


Hình hẹp, ta đến đóng trước, tất lấp đầy vào để đợi địch.

Đỗ Hựu rằng: Lấp đầy là lấy quân dàn bầy đầy cái hình hẹp, muốn khiến kẻ địch không thể lui tới được.


Nếu địch đóng trước, đầy thì đừng theo, không đầy thì ta theo.

Tào-Công rằng: Hình hẹp là cái hang thông ở khoảng giữa hai núi. Ta đóng trước, nên đóng cho bằng cửa hang, chặn giữ để đánh lối xuất kỳ. Địch nếu đóng trước ở đấy, họ đóng đầy cửa hang thì ta đừng theo, nếu chỉ đóng lửng chừng nửa hang thì ta theo vào, để cùng địch cùng chia cái lợi.

Đỗ Hựu rằng: Đầy là nói đóng đầy miệng hang, như nước đầy sét cái đồ đựng. Nếu ta ở đấy, thì bình dị, hiểm trở đều khiến tự ta, ta sẽ xuất kỳ để đánh kẻ địch. Nếu kẻ địch chiếm cứ nửa hang, không biết chèn đầy đến tận miệng, thì ta cũng vào theo. Bởi địch cũng ở hang, ta cũng ở hang, cùng được địa hình thì được thua ở ta chứ không phải ở địa hình nữa. Này cái cách đóng lấp đầy miệng, không những chỉ ở chỗ hình hang mà thôi, ví như chỗ bãi phẳng đầm cong, xe ngựa không thông, thuyền bè không tiện, trong có một lối đi suốt, cũng nên đóng ở chỗ cửa đường, khiến kẻ địch không thể tiến được. Các điều khác có thể suy ra mà biết.


Hình hiểm, ta đóng được trước tất ở chỗ cao sáng để đợi kẻ địch.

Đỗ Hựu rằng: ở chỗ cao sáng để đợi kẻ địch, địch từ chỗ thấp và chỗ tối mà đến, tất mình phải thắng.


Nếu địch đóng trước, ta nên dẫn quân đi đừng theo.

Đỗ-Mục rằng: hiểm là chỗ núi cao hang sâu, không phải sức người có thể làm ra được, tất phải ở chỗ cao, chỗ sáng để đợi quân địch. Nếu quân địch chiếm trước tất không thể tranh, nên kéo đi là hơn. Sáng là phía có nắng, tức là phía nam. Sợ quân địch giữ lâu ta ở phía râm thì sẽ sinh bệnh. Nay nếu gặp kẻ địch ở khoảng Hào Miện, thì nên trước giữ lấy Bắc sơn, đấy thì lại ngoảnh về phía râm mà trái với phía nắng. Cao và sáng chỉ có thể bỏ sáng lấy cao, chứ không thể bỏ cao lấy sáng, Tôn-tử ở đây chỉ là nói tóm lược.


Hình xa, thế đều khó khiêu chiến, chiến thì không lợi

Họ Mạnh rằng: Thế quân đã đều, ta từ xa đến khiêu chiến thì không lợi.

Đỗ Mục rằng: Ví như ta cùng lũy địch cách 3 nghìn dặm, nếu ta đi đến lũy địch để khêu họ ra đánh, thế thì ta nhọc mà địch mạnh, đánh nhau không lợi; nếu địch đến lũy ta, nhử ta ra đánh thì ta nhàn mà địch nhọc, họ cũng không lợi. Vậy thì gặp hình ấy nên như thế nào? Nói rằng nếu định đánh nhau thì phải đi lại gần.

Trương Dự rằng: Dinh lũy xa nhau, thế lực lại đều, chỉ nên ngồi đợi cho quân địch tự đến, không nên đến khiêu khích để cần đánh nhau.


Phàm sáu điều ấy là cái đạo đất, làm tướng gánh vác không nên không xét.

Lý Thuyên rằng: Ấy là cái thế của hình đất, làm tướng không biết thì phải bại.

Giả-Lâm rằng: Giời sinh ra hình đất, có thể lấy mắt mà xét.

Trương Dự rằng: Hình của sáu đất, làm tướng không nên không biết.


Cho nên binh có chạy, có rão, có hãm, có đồ, có loạn, có thua. Phàm sáu cái ấy không phải tại của giời mà là lỗi của tướng.

Giả Lâm rằng: Chạy, rão, hãm, đổ, loạn. thua, đều là những tên gọi của sự thua vỡ mà có đổi thay nhớn nhỏ.

Trương Dự rằng: Sáu điều ấy lỗi ở nhân sự.


Này thế đều nhau mà lấy một đánh mười là chạy.

Tào Công rằng: Không liệu sức.

Đỗ Mục rằng: Này cái cách lấy một đánh mười, trước cần phải so sánh kẻ địch với ta, trí mưu của tướng, mạnh yếu của quân, thời giời, lợi đất, đói no, nhàn nhọc, đều phải cách nhau mười lần mới có thể lấy một mà đánh mười được. Chứ nếu thế lực ngang nhau mà không tự liệu lấy một của ta đánh mười của địch, tất sẽ phải chạy mà không thể trở về trại được.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Thế tuy đều mà binh rất ít, lấy ít đánh nhiều là cái cách tất chạy.


Quân mạnh tướng yếu là rão.

Tào Công rằng: Tướng không thể thống được quân cho nên rão nát.

Đỗ Mục rằng: Nói binh lính hung hăng, tướng súy ươn đụt không khu xuất được, cho nên chúng rão nát tan giã. Nhà nước (Đường) khoảng đầu năm Trùng-khánh, sai Điền Bố đem quân xứ Ngụy đi đánh Vương Đình-Tấu, Bố ở Ngụy lâu, người Ngụy khinh rẻ, mấy vạn người đều cưỡi lừa đi ở trong dinh, Bố không ngăn cấm được. Ở mấy tháng muốn hợp chiến nhưng binh sĩ tan vỡ đi cả, Bố phải tự đâm cổ mà chết.

Trương Dự rằng: Binh lính hung hăng, tướng tá hèn đụt không thống quản ràng buộc được cho nên quân chính hư nát. Ngô, Sở đánh nhau, công-tử Quang nước Ngô nói: quân Sở được nuông, chính lệnh bất nhất, tướng hèn mà không thu vén được không có uy mệnh gì cả, nước Sở có thể đánh thua được. Quả rồi đánh cho quân Sở đại bại.


Tướng mạnh quân yếu là hãm.

Tào Công rằng: Tướng mạnh muốn tiến nhưng quân yếu, bèn phải hãm bại.

Đỗ Mục rằng: nói muốn làm sự công thủ nhưng quân lính khiếp nhược, không lượng sức mà cứ gượng tiến thì sẽ sa hãm vào đất chết.

Giả Lâm rằng: Quân lính yếu gầy, thúc giục không tiến, tướng gượng đánh nhau một mình, chỉ tự hãm thân mình mà thôi.

Trương Dự rằng: tướng sĩ cứng khỏe muốn đánh nhưng quân lính thiếu sự huấn luyện, không thể đều sức cùng tiến, nếu dùng, tất phải hãm vào sự thua lụi.


Tiểu-tướng giận mà không phục, gặp giặc hờn oán cứ tự chiến đấu, tướng không biết năng lực của mình là đổ.

Trần Hạo rằng: Đại-tướng cáu giận với tiểu-tướng, khiến họ trong lòng không phục, sinh ra oán tức, gặp giặc liền đánh, chẳng đoái nên chăng, vì thế phải đại bại.

Trương Dự rằng: Đại phàm trăm tướng một lòng ba quân cùng sức mới có thể thắng được bên địch. Nay tiểu-tướng tức giận không phục lệnh của đại-tướng muốn cho cùng thua, gặp giặc liền đánh, chẳng tính nên chăng, cho nên tất phải đổ sụp. Nước Tấn đánh nước Tần, Tuân-Yển ra lệnh, nói gà gáy trở dậy, cứ theo đầu ngựa của ta mà đi. Loan-Thư giận nói: Mệnh của nước Tấn chưa hề có như thế bao giờ, bèn bỏ về. Lại Triệu-Xuyên ghét Du-Biền mà đuổi Tần. Ngụy-Ỷ giận quân Tấn mà theo Sở.


Tướng yếu không nghiêm, dậy bảo chẳng rõ, sĩ tốt không thường, bầy binh ngang dọc là loạn.

Tào Công rằng: Làm tướng như thế là cái đạo loạn.

Lý Thuyên rằng: Tướng có một trong những điều ấy, là cái đạo loạn.

Giả-Lâm rằng: Uy lệnh đã chẳng nghiêm binh, quân lính lại không phép thường, đạo quân như thế, làm gì chẳng loạn. Nói vì cớ, tướng không có nghiêm-lệnh và sự thưởng phạt không thi hành.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Lười mà chẳng nghiêm thì quân không có nết thường, dạy mà chẳng minh thì ra trận dọc ngang không chỉnh, ấy là cái cách loạn vậy.


Tướng mà không biết liệu định, lấy ít đương nhiều, lấy yếu đánh mạnh, binh không tuyển người tinh-nhuệ, là thua.

Tào Công rằng: Tình-thế như vậy, tất phải thua chạy.

Đỗ-Mục rằng: Binh-pháp của Vệ-công Lý-Tĩnh, có đội chiến-phong, nói kén chọn lấy những người dũng cảm, mỗi trận đánh đều làm tiên phong.

Đời Đông-Tấn, Đại-tướng-quân Tạ-Nguyên trấn ở Quảng-Lăng. Bấy giờ Phù-Kiên cường thịnh. Nguyên mộ nhiều những người mạnh-mẽ để giúp. Bọn Lưu Lao-Chi, Hà-Khiêm,G ia-Cát-Khản, Cao-Hành, Lưu-Qũy, Điền-Lạc, Tôn-Vô-Chung, đều là những người khỏe-mạnh đến ứng mộ. Nguyên lấy Lao-Chi lĩnh quân tinh-nhuệ đi làm tiên-phong, trăm trận trăm thắng, gọi là quân Bắc-phủ, làm cho bên địch phải sợ.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: không biết lượng địch tình lấy ít đương nhiều, không biết tuyển tinh nhuệ, lấy yếu đánh mạnh đều là cái lẽ phải thua chạy.

Trương Dự rằng: Nếu đem số ít đánh số nhiều, xua quân yếu để đánh quân mạnh, lại không tuyển những kẻ kiêu dũng, khiến làm tiên-phong, binh tất phải thua vậy. Phàm đánh nhau tất dùng tinh nhuệ làm tiên phong, một thì để mạnh mẽ chí ta một thì để cùn nhụt oai giặc. Cho nên Úy-liêu-tử nói: Võ sĩ không tuyển thì quân không mạnh. Tào Công lấy Trương Liêu làm tiên phong mà đánh bại được Tiển-Tỵ. Tạ-Nguyên lấy Lưu-Lao-Chi lĩnh quân tinh nhuệ đi trước mà chống được Phù-Kiên là thế đó.


Phàm sáu điều ấy, là cái đạo bại.

Trần-Hạo rằng: Một là không lượng nhiều ít, hai là vốn thiếu hình đức, ba là không đủ huấn luyện, bốn là gây giận trái nhẽ, năm là pháp lệnh không hành, sáu là chẳng chọn kiêu dũng, đó gọi là lục bại.


Làm tướng gánh vác không nên không xét.

Trương-Dự rằng: Sáu việc trên này là cái đạo tất bại.


Này hình đất là có giúp cho việc binh.

Đỗ-Mục rằng: Này điều cốt chủ ở việc binh, chỉ ở nhân nghĩa tiết chế mà thôi. Như những hình đất đây, có thể làm sức giúp cho việc binh, để mà thủ thắng.

Trương-Dự rằng: Xét rõ được hình đất, chỉ là giúp cho việc binh mà thôi, đó là phần ngọn; liệu địch chế thắng mới là phần gốc của việc binh.


Liệu địch chế thắng, tính sự hiểm ách xa gần, đó là cái đạo của viên thượng tướng.

Đỗ-Mục rằng: Cái khoản lương thực, cái sức người ngựa, cái tiện đánh giữ, đều ở sự hiểm ách xa gần mà ra cả. Nói nếu biết liệu những điều ấy để chế trị kẻ địch, tức là cái đạo rất mực của viên tướng.

Họ Hà rằng: Biết địch biết đất là chức phận của tướng quân.

Trương-Dự rằng: Đã liệu được cái tình hư thực cường nhược của địch, lại lượng được cái hình hiểm ách xa gần của đất, gốc ngọn đều biết, ấy là đã hết cái đạo làm tướng vậy.


Biết những điều ấy mà chiến tranh, tất thắng, không biết những điều ấy mà chiến tranh, tất bại.

Đỗ-Mục rằng: Nói biết những cái hình hiểm ách xa gần.

Mai Nghiêu Thần rằng: Tướng biết hình đất, lại biết việc quân, thì thắng, không biết thì bại.


Cho nên sự chiến mà có thể thắng, vua bảo không chiến tất cứ chiến là phải; sự chiến mà không thể thắng, vua bảo phải chiến, tất không chiến là phải.

Họ Mạnh rằng: Thà trái với vua, không trái với quân sĩ.

Đỗ Mục rằng: Hoàng-Thạch-Công nói: Việc ra quân hành binh, viên tướng phải được tự chuyên; tới lui mà phải theo cái quyền cầm ở bên trong thì khó mà thành công được. Cho nên những bậc thánh chúa minh-vương quỳ xuống đẩy bánh xe mà nói: « Việc ở ngoài cửa khổn, thuộc quyền tướng quân quyết định ».

Mai nghiêu Thần rằng: Tướng ở quân, mệnh vua có khi không chịu.


Cho nên tiến chẳng cầu danh, lui không tránh tội.

Họ Hà rằng: Tiến há cầu danh, thấy lợi cho nhà nước binh dân thì tiến; lui há tránh tội, thấy cái sự nguy nước hại dân, tuy mệnh vua bảo tiến cũng không tiến, tội đến thân cũng không quản gì.


Cốt giữ cho dân mà lợi hợp với chúa, ấy là cái báu của nước.

Đỗ Mục rằng: Tiến không cần cái tiếng chiến thắng, lui không sợ cái tội mệnh, viên tướng như thế là một vật báu của nước, ý bảo niêm được vậy.

Trương Dự rằng: Tiến lui trái mệnh, không phải vì mình, đều cốt giữ mệnh dân mà hợp lợi chúa người tôi trung ấy là của báu của quốc-gia.


Coi quân như trẻ nhỏ, cho nên có thể cùng xuống khe sâu, coi quân như con yêu, cho nên có thể cùng chết.

Lý Thuyên rằng: Nếu vỗ về như thế sẽ thu được cái sức liều chết của quân. Cho nên một lời nói của chúa Sở, khiến ba quân đều thấy như ôm bông[1] cả.

Đỗ Mục rằng: Đời Chiến Quốc Ngô Khởi làm tướng, cùng với hạng quân lính rất thấp chung ăn chung mặc, nằm không trải chiếu, đi không cưỡi ngựa, thân bọc lương theo, cùng binh lính chia sự cam khổ. Có người lính phải bệnh nhọt, Ngô Khởi hút cho, mẹ người lính nghe tin mà khóc. Có người hỏi: con bà là lính mà được tướng quân hút nhọt cho, sao bà lại khóc? Người mẹ nói: năm trước ông Ngô hút nhọt cho cha nó, rồi chẳng bao lâu cha nó chết với giặc, nay ông lại hút cho nó, tôi còn biết nương nhờ vào đâu?[2]

Mai Nghiêu Thần rằng: Vỗ về mà chăn nuôi thì thân mà không lìa, yêu dấu mà khuyến khích thì tin mà không ngờ, cho nên nếu chết thì họ cùng chết, nếu nguy thì họ cùng nguy.

Họ Hà rằng: Như đời Hậu Hán, Đoàn Cảnh làm Phá Khuông tướng quân đi đánh rợ Tây-Khuông, hành quân nhân ái, quân lính người nào bị thương thì thân tự xem xét và bọc rịt cho, ở ngoài biên cương hơn mười năm, chưa từng một ngày nào nằm đệm, cùng với tướng sĩ cùng chịu khổ, cho nên ai nấy đều vui lòng tử chiến. Tấn-vương Toàn làm Thái thú ở Ba-quận, quân giáp đất Ngô, binh lính phải làm việc khổ sở, nhiều người sinh con giai không thể nuôi được. Toàn bèn nghiêm về điều luật, nói về phu dịch, người đến kỳ sinh sản đều cho nghỉ ngơi vì thế cái số sống toàn được có đến mấy nghìn. Đến sau đánh Ngô, những người sống toàn ở Ba-quận khi trước, bấy giờ đã làm được phu-dịch, cưng được binh lính, cha mẹ chúng bảo rằng: Vương phủ quân sinh ra con đấy con phải cố đi, đừng nên tiếc chết. Cho nên Ngô-tử nói có thứ quân gọi là quân cha con.


Chỉ tử tế mà không biết sai, chỉ thân yêu mà không biết khiến, để loạn phép mà không biết trị, ví như đứa con nuông, không thể dùng được.

Họ Mạnh rằng: Chỉ chuyên làm ơn, thế ơn đã thành, phạt tội họ sẽ oán, chỉ chuyên phạt tội, hiềm oán đã sâu, làm ơn họ không theo. Tất phải ân uy xen lẫn, thưởng phạt gồm dùng, rồi sau mới có thể làm tướng được, có thể coi quân được.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Hậu dưỡng mà không sai, yêu mến mà không dạy, loạn phép mà không trị, ví như đứa con nuông, dùng làm sao được.

Trương Dự rằng: Ân không nên chuyên dụng, phạt không nên riêng làm. Chuyên dụng ân thì lính như đứa con nuông, không thể sai được, cho nên Tào Công cắt tóc để tự phạt, Ngọa-Long ứa lệ khi dụng hình, Dương Tố lưu huyết đầy trước mặt mà vẫn nói cười như không, Lý Tĩnh mười người giết ba khiến sợ mình chứ không sợ giặc. Riêng làm phạt thì quân lính không thân cận mà không thể dùng, cho nên tướng đời xưa hòa rượu xuống nước, chúa nước Sở trao lời ôm bông, Ngô Khởi chia áo cơm, Hạp Lư cùng nhàn nhọc. Ở quẻ sư trong Kinh Dịch, Hào Sơ-lục nói: Quân ra có luật, bảo phải lấy phép để so tầy mọi người; Hào Cửu-nhị nói: Hành quân, giữ mực trung, được giời yêu mến, bảo phải lấy thưởng để khuyến khích binh sĩ. Xem đó thì quân của vương giả cũng xen dùng cả đức lẫn hình, hình phạt, mà gồm ra cả ân lẫn uy vậy. Úy-liên-Tử nói: Không làm cho lòng chúng sợ thì ta không khiến được. Cho nên người giỏi làm tướng chỉ yêu với sợ mà thôi.


Biết quân mình có thể đánh mà không biết quân địch không thể đánh được, là nửa sự thắng.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Biết mình mà không biết người, hoặc cũng có khi thắng được.


Biết quân địch có thể đánh mà không biết quân mình không thể đánh được, là nửa sự thắng.

Đỗ Mục rằng: Có thể đánh là mạnh dạn coi khinh cái chết, không thể đánh là lười nhát ươn hèn.

Trần Hạo rằng: Thuyết ấy không phải có thể đánh và không thể đánh là nói binh lính đằng nào mạnh mẽ tướng sĩ đằng nào tinh luyện, thưởng phạt đằng nào nghiêm minh.

Trương Dự rằng: Hoặc biết mình mà không biết người, hoặc biết người mà không biết mình thì có được có thua.


Biết quân địch nên đánh, biết quân mình có thể đánh được, mà không biết hình đất, không thể giao chiến, là nửa sự thắng.

Tào Công, Lý Thuyên rằng: Nửa sự thắng nghĩa là chưa thể biết được.

Đỗ Hựu rằng: Hình đất là hiểm dễ, xa gần, ra vào, cong thẳng.

Vương Tích rằng: Tuy biết người biết mình có thể giao chiến được, nhưng không thể thiếu được cái đia lợi.

Trương Dự rằng: Đã biết mình lại biết người. Nhưng nếu không được sự giúp của địa-hình thì cũng không thể toàn thắng.


Cho nên kẻ biết việc binh, động mà không nhầm, làm mà không cùng.

Đỗ Mục rằng: Chưa động chưa làm, thắng phụ đã định, cho nên động thì không nhầm, làm thì không cùng. Hoặc bảo: Động mà không khốn, làm mà không quẫn.

Mai Nghiêu Thần rằng: Không điều gì không biết cho nên động không nhầm lẫn, làm không khốn cùng.


Cho nên nói rằng: Biết người biết mình, phần thắng sẵn dành.

Trương Dự rằng: Hiểu được cái thuật đánh giữ thì chỉ có thắng mà không nguy gì cả.


Biết đất biết giời, phần thắng vẹn mười.

Lý Thuyên rằng: Nhân sự, thiên thời, địa lợi, ba điều cùng biết thì trăm trận trăm thắng.

Trương Dự rằng: Thuận thời giời, được lợi đất, sẽ lấy được sự thắng không cùng.

   




Chú thích

  1. Chúa Sở đi đánh nước Tiêu. Thân-Công Vu-Thần nói: Quân nhiều người rét. Chúa bèn đi tuần trong ba quân, vỗ về khuyến khích, quân lính thấy khỏi cả rét, như ôm bông bên cạnh mình.
  2. Ý bảo được chủ tướng hết lòng thương yêu thì sẽ sẵn lòng chết cho chủ tướng.