Tôn Tử binh pháp/IX
IX
Thiên Hành quân
Tào-Công rằng: Nói chọn chỗ tiện lợi mà hành quân.
Vương Tích rằng: Hành quân nên kiếm chỗ thuận tiện, xét rõ địch tình.
Trương Dự rằng: Biết lẽ biến của chín thế đất, rồi sau mới có thể chọn lợi mà hành quân, cho nên thiên này ở dưới thiên Cửu biến.
Tôn-Tử nói: Phàm đóng quân và xét địch.
Vương Tich rằng: Việc đóng quân gồm có 4, việc xét địch gồm có 31.
Trương Dự rằng: Từ câu vượt núi dựa hang đến câu quân phục quân gian ẩn náu, là việc đóng quân, từ câu quân địch gần mà im lặng đến câu tất phải xét kỹ là việc xét địch. Xét là xem xét liệu tính.
Vượt núi dựa hang.
Lý Thuyên rằng: Quân là bên mình, địch là bên giặc. Xem chỗ nương chỗ đóng thì cái số thắng bại, cái thế mình người có thể biết được. Vượt núi để giữ thế hiểm, dựa hang vì gần nước và cỏ. Này dàn dinh lũy tất trước phải chia binh giữ chỗ hiểm yếu, thả lừa ngựa, thu củi đuốc, rồi sau mới yên.
Đỗ Mục rằng: Nói khi hành quân đi qua núi hiểm nên đóng ở chỗ gần hang để có cái lợi cỏ nước. Ngô Tử nói: Không kề bếp giời, chỗ cửa hang lớn, nói không nên kề ở cửa hang nhưng gần hang thì được.
Trương Dự rằng: Phàm hành quân vượt qua núi hiểm, tất phải nương dựa vào ngòi hang mà ở, một thì lợi có cỏ nước, một thì dựa thế hiểm cố. Đời Hậu Hán, Vũ Đô-Khuông làm loạn, Mã Viện đi đánh Khuông ở trên núi, Viện giữ chỗ tiện, cướp lấy cỏ nước, không chịu cùng giao chiến, Khuông cùng khốn phải hàng. Ấy là Khuông không biết cái lợi dựa vào hang đó.
Trông sống, ở cao.
Tào Công rằng: Sống là bóng nắng.
Lý Thuyên rằng: Hướng về phía nắng là sống, ở núi là cao, chỗ đất sống, cao là đáng ở.
Đỗ Mục rằng: Nói nên ở chỗ cao mà ngoảnh về nam.
Trần Hạo rằng: Nếu ở chỗ đất chỉ có thể ngoảnh về hai phía đông tây thì nên thế nào? Đáp rằng: Thế thì nên ngoảnh về phía đông.
Trương Dự rằng: Trông sống là bảo ngoảnh mặt về phía nắng; đóng quân nên ở gò cao.
Trận cao không lên.
Tào Công rằng: Đừng đón đánh kẻ địch từ trên cao xuống đánh mình.
Đỗ Hựu rằng: Đánh nhau ở dưới núi, quân địch nhử lên núi thì đừng lên đuổi.
Đỗ Mục rằng: Nói kẻ địch ở trên cao, ta không nên từ dưới trèo lên đón kẻ địch mà tiếp chiến.
Đó là cách đóng quân ở núi.
Trương Dự rằng: Phàm chỗ cao đều gọi là núi, ở núi mà cự địch, nên biết ba điều trên này.
Vượt nước tất xa nước.
Tào Công, Lý Thuyên rằng: Nhử quân địch sang qua sông.
Đỗ Mục rằng: Tướng Ngụy là Quách Hoài ở đất Hán-trung, chúa Thục là Lưu Bị muốn sang qua sông Hán để đánh. Các tướng bàn bên đông bên vắng không địch nhau được, muốn dựa sông bầy trận cự địch, Hoài nói: Thế là tỏ ra mình yếu không đủ làm nhụt được quân địch, chẳng bằng xa nước bầy trận, nhử cho họ đến, sang sông nửa chừng rồi mình đổ ra đánh, sẽ có thể phá được Bị. Trận bầy rồi, Bị nghi ngờ không dám sang sông.
Mai Nghiêu Thần rằng: Mặt trước có dòng sông ngăn cách thì nên xa sông để nhử giặc.
Vương Tích rằng: Đây nói mình qua sông, lời họ Tào nói là phải.
Trương Dự rằng: Phàm hành quân qua sông muốn đóng, tất phải cách nước khá xa, một thì để nhử giặc sang sông, một thì để tiến lui vững chắc; tức như Quách Hoài xa nước bầy trận mà Lưu Bị hiểu ra không dám sang sông đó.
Khách vượt nước mà đến, mình đừng đón ở bến nước, nên để họ sang sông nửa vời mà đánh, có lợi.
Lý Thuyên rằng: Hàn Tín giết Long Thư ở Duy-thủy, Phù Khái phá Sở-Tử ở Thanh-phát là thế đó.
Đỗ Mục rằng: Sở Hán giữ nhau, Hạng Vũ tự đánh Bành Việt, sai Đại tư-mã Tào Cửu giữ Thành cao, Quân Hán khiêu chiến, Cửu sang sông Ty-thủy để đánh, quân Hán đợi cho sang đến nửa vời rồi đánh cả phá được.
Mai Nghiêu Thần rằng: Quân địch mới đến đón ở bến nước thì họ không sang sông.
Muốn chiến đấu, đừng dựa bến nước mà đón khách.
Đỗ Mục rằng: Nói ta muốn giao chiến, đừng nên đón quân địch ở bên cạnh sông, sợ địch ngờ ta mà không dám sang sông. Nghĩa cũng giống trên, chỉ khác một đàng nói khách, một đàng nói chủ.
Vương Tích rằng: Ta thấy giao chiến là có lợi, thì nên đóng cách xa bờ sông, khiến địch sang qua mà cùng mình giao chiến.
Trương Dự rằng: Ta muốn giao chiến đừng đón kẻ địch ở bờ sông, sợ họ không sang. Ta không muốn giao chiến, thì chống giữ ngay bên cạnh sông, khiến họ không sang được. Tướng Tấn là Dương Xử-Phủ cùng tướng Sở là Tử-Thượng đóng quân ở giáp sông Trì-thủy, Xử-Phủ kéo quân lui, muốn để cho quân Sở sang sông, Tử-Thượng cũng kéo quân lui, muốn để cho quân Tấn sang sông, thế rồi hai bên cùng không đánh nhau nữa mà về.
Trông sống, ở cao.
Tào Công rằng: Trên nước cũng nên đóng chỗ cao, trước mặt trông xuống nước, sau lưng dựa vào gò đống.
Mai Nghiêu Thần rằng: Trên nước cũng nên chiếm chỗ cao, mà ngảnh về hướng nắng.
Trương Dự rằng: Hoặc bầy trận bên bờ, hoặc đỗ thuyền trên nước, đều nên ngoảnh chỗ nắng mà ở chỗ cao.
Không đón dòng nước.
Tào-Công rằng: Sợ họ tưới dội.
Đỗ-Hựu rằng: Sợ họ tưới dội vào mình. Đón dòng nước, tức là mình ở hạ-lưu, không nên ở hạ-lưu người ta, vì sợ dòng nước tuôn chẩy, người ta bỏ thuốc độc ở thượng-lưu chăng.
Đỗ-Mục rằng: Nước chẩy chỗ thấp, mình không nên đóng quân ở chỗ ty-hạ, sợ kẻ địch khơi tháo mà làm ngập mình, tức trên này nói trông sống ở cao đó. Gia-Cát Vũ-Hầu nói: Trận bầy trên nước, không đón dòng xuôi. Đây nói thuyền mành quân ta cũng không nên đỗ ở hạ lưu, sợ quân địch thuận dòng kéo xuống bức-bách.
Giả-Lâm rằng: Chỗ đất nước chẩy, quân địch có thể dội quân ta, có thể thả thuốc độc. Có người nói: Đón dòng mà đóng quân, là điều kiêng kỵ của nhà binh.
Trương-Dự rằng: Đất thấp đừng ở, sợ họ tháo nước vào mình, đánh nhau bằng thuyền cũng không nên ở phía hạ-lưu, vì họ xuôi mình ngược, không được thuận tiện lại sợ họ bỏ thuốc độc ở thượng lưu nữa. Quan Lệnh-doãn nước Sở chống cự nước Ngô, bói việc giao chiến, được quẻ không tốt. Tư-mã Tử-Ngư nói: « Ta được thượng-lưu. việc gì chẳng tốt ». Bèn quyết chiến, quả thắng. Ấy việc đóng quân, nên ở thượng-lưu vậy.
Đó là cách đóng quân trên nước.
Mai-Nghiêu-Thần rằng: Đóng ở trên nước nên biết năm điều ấy.
Trương-Dự rằng: Phàm lập trận gần nước, đều gọi là quân ở trên nước. Cự địch ở trên nước, nên lấy năm điều trên làm phép.
Qua đầm nước mặn, phải đi mau đừng ở.
Trần Hạo rằng: Chỗ nước mặn, cỏ nước đều xấu, lầm lội không thể đóng quân. Sách Tân-huấn nói: Đất đầm nước mặn, không sinh ngũ cốc, là thế.
Giả-Lâm rằng: Chỗ đất mặn, phần nhiều không có cỏ nước, không nên ở lâu.
Nếu giao quân ở trong đầm mặn, tất phải nương cỏ nước mà dựa cây cối.
Tào-Công rằng: Nói bất đắc dĩ mà cùng quân địch gập ở trong đầm mặn.
Đỗ-Hựu rằng: Nói bất đắc dĩ cùng quân địch đánh nhau trong đầm mặn, nên dựa vào chỗ nhiều cây cối làm kế giữ bền, bởi địa lợi có giúp cho việc binh lắm.
Lý-Thuyên rằng: Kíp quá không kịp, phải chiến thì dựa núi nương cây. Chỗ nước có cây cỏ thì không sợ chìm đắm.
Trương Dự rằng: Bất đắc dĩ phải hội binh ở chỗ ấy, tất phải nương gần cỏ nước để tiện kiếm củi và múc nước, dựa bên cây cối để làm thế hiểm trở.
Đó là cách đóng quân đầm mặn.
Mai Nghiêu Thần rằng: Đóng ở đầm mặn nên biết hai cách ấy.
Nơi phẳng cạn đóng ở chỗ dễ.
Tào Công rằng: Chỗ dễ có lợi cho xe ngựa.
Đỗ Mục rằng: Nói nơi phẳng cạn nên chọn chỗ bình thản dễ dàng để đóng quân, khiến xe ngựa của ta được dễ giong ruổi.
Trương Dự rằng: Đồng bằng nội rộng là đất thuận tiện cho xe ngựa, nên chọn chỗ phẳng dễ không có hố vũng để đóng quân, tiện cho xe ngựa ruổi giong.
Mà bên hữu dựa cao, trước chết sau sống.
Lý Thuyên rằng: Sự tiện dùng của người ta đều về phía hữu, vì thế phải có cái dựa. Trước chết là cái chỗ đưa quân địch vào, sau sống là chỗ ta chiếm lấy.
Đỗ Mục rằng: Thái Công nói: Đóng quân tất bên tả sông đầm, bên hữu gò đống. Chết là chỗ thấp, sống là chỗ cao, chỗ thấp không thể chống được chỗ cao, cho nên việc chiến đấu tiện cho quân mã.
Giả Lâm rằng: Gò đống là sống, Gò đống thì đóng quân vững chắc, trước mặt đất phẳng thì dùng binh tiện, phía hữu đất cao thì xoay chuyển thuận.
Vương Tích rằng: Phàm binh nên đóng ngoảnh mặt về phía nắng, và đàng sau tựa núi, vậy đáng nhẽ phải là trước sống sau chết mới phải, câu trên này hoặc có lầm chăng.
Trương Dự rằng: Tuy nơi đất phẳng cũng tất phải có gò cao, nên dựa ở đàng hữu để nhờ làm hình thế; trước thấp sau cao để tiện sự đánh chác.
Đó là cách đóng quân ở đồng bằng.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Đóng quân ở đồng bằng nên biết hai cách ấy.
Ấy cái lợi của bốn cuộc đóng quân.
Lý Thuyên rằng: Bốn cuộc đóng quân là đóng ở núi, nước, đầm mặn, đất bằng.
Phàm quân ưa cao mà ghét thấp.
Mai Nghiêu Thần rằng: Cao thì sảng khải, sẽ được yên hòa, mà cũng tiện thế: thấp thì ẩm ướt, sinh ra tật bệnh cũng khó chiến đấu.
Trương-Dự rằng: Ở cao thì tiện trông ngắm, lợi ruổi giang, ở thấp thì khó giữ bền, dễ sinh bệnh.
Quý dương mà rẻ âm.
Đỗ Hựu rằng: Phía nam núi là dương, phía bắc núi là âm.
Vương Tích rằng: Ở lâu tại chỗ ẩm thấp thì sinh bệnh tật và nát quân khí.
Trương Dự rằng: Đông nam là dương. tây bắc là âm.
Nuôi sống mà ở chắc.
Mai Nghiêu Thần rằng: Nuôi sống là tiện chỗ cỏ nước, ở chắc là lợi đường lương thực.
Vương Tích rằng: Nuôi sống là nói về cỏ, nước lương thực, ở chắc là nói dựa vào hình thế vững chãi.
Trương Dự rằng: Nuôi sống là bảo đóng ở chỗ tiện bề cỏ nước, chăn thà, ở chắc là bảo dựa chỗ cao trội mà đóng.
Quân không trăm bệnh, ấy rằng tất thắng.
Lý Thuyên rằng: Phàm người ở chỗ thấp tất sinh tật dịch, chỉ chỗ cao sáng là nên ở.
Đỗ Mục rằng: Sống là ánh dương, chắc là chỗ cao. Nói ở chỗ cao sáng, không có cái khí ẩm ướt thì trăm bệnh không sinh, sẽ tất thắng được.
Gò đống đê đường ở về hướng dương mà dựa bằng tay hữu.
Đỗ Mục rằng: Phàm gặp chỗ gò đống đê đường, nên ở về phía đông nam.
Mai Nghiêu Thần rằng: Tuy không phải đất cao, nhưng cũng nên mặt trước hướng về phía sáng, tay hữu dựa vào đất chắc.
Vương Tích rằng: Ở về phía nắng thì người thư thái mà đổ sắc tốt.
Ấy là cái lợi của việc dùng binh, nhờ ở sức giúp của đất vậy.
Mai Nghiêu Thần rằng: Dùng binh có lợi, nhờ ở hình thế của đất giúp cho.
Trên mưa, bọt nước đến, muốn sang sông, hãy đợi dẹp hẳn.
Tào Công rằng: Sợ sang nửa chừng mà nước chợt dấy dềnh.
Đỗ Hựu rằng: Sợ sang nửa vời mà nước dềnh, trên mưa, nước phải trong, lại thấy bọt ngàn xô đến, đó là cái điềm quân địch tạm chẹn dòng nước, muốn hại quân mình trong lúc sang nửa vời.
Đỗ Mục rằng: Nói khi qua khe ngòi, thấy ở thượng lưu có bọt chẩy xuống, đó là ở nguồn trên có mưa, nên đợi bọt hết nước yên hãy sang; nếu không, sợ sang nửa chừng mà có nước xô xuống đầy vực.
Phàm đất có suối tật.
Trước sau hiểm tuấn, nước chẩy ngang ở trong.
Giếng giời.
Bốn mặt cao tát, suối khe chẩy về.
Cũi giời.
Ba mặt cách tuyệt, dễ vào khó ra.
Lưới giời.
Cỏ cây chằng chịt, gươm mác khó giở.
Bẫy giời.
Thấp lội trơn bẩn, xe ngựa chẳng thông.
Khe giời.
Hai núi chạm nhau, đường hang chật hẹp. Sáu điều này đều do Mai Nghiêu Thần chua.
Thì phải kíp đi mà đừng gần.
Tào Công rằng: Núi sâu nước lớn là suối tật. bốn bề cao chính giữa thấp là giếng giời, núi sâu đi qua như trùm hum mờ mịt là cũi giời, có thể chăng lưới để bắt người là lưới giời, hình đất trụt hãm là bẫy giời, dòng suối trong núi hẹp hòi, hình đất sâu mấy thước, dài mấy trượng là khe giời.
Đỗ Mục rằng: Sách Quân-sấm nói: Hình đất trụt xuống, nước lớn tràn tới là giếng giời, khe núi hẹp hòi có thể chẹn người là cũi giời, nước khe trong rộng, không lường sâu nông, đường sá trơn lầm, không thông người ngựa là bẫy giời, đất nhiều hầm hố, cây chẹt đá nghẹt là khe giời, rừng cây mịt mù, cỏ lá rậm rạp là lưới giời.
Giả Lâm rằng: Hai bờ sâu rộng, đứt lối người đi là suối tật, đất sâu là giếng giời, bốn bên suối hiểm, cỏ nước lẫn lộn, chính giữa chênh nghiêng, ra vào đều khó là cũi giời, đường sá gập ghềnh, hoặc rộng hoặc hẹp, quắt quéo khó đi là lưới giời, đất nhiều bùn lầy là bẫy giời, hai bên hiểm tuyệt, hình hẹp dài hàng mấy dặm, giữa khó đi thông, có thể chẹn lấp ra vào là khe giời. Đó là đất có sáu cái hại, không nên gần.
Vương Tích rằng: Tích bảo suối tật nên là suối tật giời mới phải, sót mất chữ giời. Sáu cái này đều là hình thế tự nhiên. Cũi là bảo như cái nhà ngục, lưới là bảo như cái lưới chăng, bẫy là bảo chỗ đất khe ngòi lầy lội, khe là bảo chỗ đất đá gỗ khía tách, quân đi qua đó đừng gần. Nếu không, lỡ xảy ra sự bất trắc thì dù có trí lực cũng không thể làm gì được.
Ta xa chỗ ấy, địch gần chỗ ấy, ta hướng vào đấy, địch dựa vào đấy.
Tào Công rằng: Dùng binh nên xa sáu cái hại, nay địch gần và dựa vào thì ta lợi mà địch hại.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Nói sáu cái hại nên khiến cho ta xa mà địch gần, ta hướng vào mà địch dựa vào thì ta lợi mà địch hại.
Cạnh chỗ quân đóng có núi, khe, búi, vũng, giếng mọc lau lạch, rừng núi um tùm tất phải lùng soát cẩn thận, đó là những chỗ quân phục quân gian náu núp.
Tào Công rằng: Đây trở lên là bàn về địa-hình, trở xuống là xét về địch tình.
Trương Dự rằng: Những chỗ rừng hoang búi rậm, cây cỏ um tùm, tất phải lùng soát, sợ có quân phục ở trong, lại sợ quân gian tế lén núp, dò hư thực của ta, nghe hiệu lệnh của ta.
Quân địch đóng gần mà im lặng, cậy có thế hiểm.
Mai Nghiêu Thần rằng: đóng gần mà không động; bởi họ dựa vào thế hiểm.
Vương Tích rằng: Cậy hiểm cho nên không sợ.
Đóng xa mà khiêu chiến, muốn cho người tiến.
Trần Hạo rằng: Kẻ địch đóng gần mà không khiêu chiến là cậy có thế hiểm, nếu xa mà khiêu chiến là muốn nhử cho ta tiến rồi mới thừa dịp tiện lợi mà xông đánh.
Trương-Dự rằng: Hai quân gần nhau mà không động đậy là họ ỷ được thế hiểm cố, hai quân xa nhau mà thường đến khiêu chiến là họ muốn nhử cho ta tiến. Úy-liêu-Tử nói: chia hiểm không chiến tâm, nói kẻ địch trước đã chia được thế hiểm thì ta đừng cùng họ nên đánh nhau. Lại rằng: khiêu chiến không toàn khí, nói cách nhau xa thì họ khiêu chiến để nhử cho ta tiến, ta không nên đem toàn khí để đánh họ. Những điều ấy cũng giống với cách nói ở đây.
Chỗ đóng dễ dàng, lợi.
Đỗ Mục rằng: Nói kẻ địch không ở chỗ hiểm trở mà ở chỗ dễ dàng, tất có sự tiện lợi cho việc.
Trương Dự rằng: Kẻ địch bỏ chỗ hiểm mà ở chỗ dễ, tất có cái lợi. Hoặc có người bảo: Kẻ địch muốn ta tiến, cho nên đóng ở chỗ dễ dàng để tỏ cái lợi mà nhử ta.
Cây cối lay động, đến.
Tào Công rằng: Đẫn chặt cây cối, dọn đường tiến đến, cho nên động.
Trương Dự rằng: Phàm việc quân tất phải phái người nom giỏi lên cao để xem nom kẻ địch, nếu thấy rừng cây rung động thì là họ đẫn cây dọn đường để đến. Hoặc có người nói: Không chỉ dọn đường cũng có khi họ dùng làm binh khí nữa, như người Tấn đẫn cây để thêm làm đồ binh khí đó.
Cỏ rả nhiều chỗ kết lại thành bức bình chắn, ngờ.
Tào Công rằng: Kết cỏ thành những bức bình, muốn làm cho ta phải nghi ngờ.
Đỗ Mục rằng: Kết cỏ thành nhiều bức chắn, muốn khiến cho ta phải nghi ngờ. Phàm chỗ cỏ rậm, thấy kết nhiều những bức bình chắn, tất là quân địch đã tránh đi, sợ ta đuổi theo nên làm ra những bức chắn như thế, để khiến mình phải ngờ là có quân phục.
Đỗ-Mục rằng: Nói kẻ địch hoặc dinh lũy chưa thành, hoặc nhổ quân lén đi, sợ ta đuổi theo hay đánh úp, cho nên kết cỏ lại làm thành những búi như kiểu có người ẩn núp, khiến ta ngờ mà không dám tiến.
Chim bay lên, phục.
Tào-Công rằng: Chim bốc cánh lên, dưới có quân phục.
Đỗ-Hựu rằng: Dưới có quân phục trú ẩn, động chạm khiến chim sợ hãi mà bay lên.
Trương-Dự rằng: Chim đương bay bằng làn đến đấy chợt bốc cánh bay cao, tất là dưới có quân phục.
Muông chạy quàng, úp.
Lý-Thuyên rằng: Bất ngờ mà đến là úp.
Đỗ-Mục rằng: Phàm kẻ địch muốn đánh úp ta, tất do con đường khác cây cối hiểm trở mà đến, cho nên hễ thấy giống muông phục sợ hãi chạy quàng là có quân đến đánh úp đó.
Mai-Nghiêu-Thần rằng: Muông sợ chạy quàng’ cạnh đó có quân đến đánh úp.
Bụi cao mà nhọn, xe đến.
Đỗ-Hựu rằng: Xe đến đi nhanh, bụi xô nhau, cho nên cao.
Trương-Dự rằng: Xe ngựa đi nhanh mà thế nặng, lại những vết bánh nối nhau mà tiến, cho nên bụi cát bốc cao mà nhọn thẳng. Phàm quân đi nên có người thám xét đi ở đằng trước, nếu thấy bụi địch, tất phải ruổi báo với chủ tướng, như Phan Đảng trông thấy bụi Tấn sai người báo cáo đó.
Thấp mà rộng, bộ đến.
Đỗ-Mục rằng: Quân bộ đi chậm, mà đi thành hàng, cho nên bụi thấp mà rộng.
Vương-Tích rằng: Xe ngựa bốc bụi mạnh, quân bộ thì bụi khoan hoãn hơn.
Tan mà vắt vẻo, kiếm củi.
Đỗ-Hựu rằng: Bụi rải rắc mà vắt vẻo đưa lên, là những quân kiếm củi mỗi kẻ đi về một phía.
Đỗ-Mục rằng: Kiếm củi thì mỗi bọn đi về một phía, cho nên bụi cát tản tác vắt vẻo. Vắt vẻo là nói dọc ngang đứt nối.
Ít mà trở đi trở lại, cắm dinh.
Đỗ Hựu rằng: Muốn lập dinh lũy, cho khinh binh đi lại dò thám, cho nên bụi ít.
Trương Dự rằng: Phàm chia đặt dinh trại, tất sai quân khinh kỵ đi ra bốn mặt dò xem thế đất, muốn để biết khắp cái hình hiểm dễ rộng hẹp, cho nên bụi bay lên bé nhỏ.
Lời nhún mà phòng bị thêm, tiến.
Đỗ-Mục rằng: Nói kẻ địch sai sứ đến, nói năng nhún nhường, lại tu bổ thêm cho rào lũy vững chắc, tựa như sợ ta, đó là muốn ta ngông hợm mà sinh trễ biếng, tất họ sẽ đến đánh ta đó. Triệu Xa đi cứu thành Át-dư, đóng lại ở chỗ cách thành Hàm-đan 30 dậm, lập thêm lũy mà không tiến, quân Gián-điệp của Tần đến, thết đãi tử tế mà cho về. Gián-điệp về báo với tướng Tần, tướng Tần quả nhiên cả mừng mà nói: Át-dư không còn là đất của Triệu nữa. Xa đã thả gián-điệp của Tần đi rồi, lập tức gấp đường đi ròng, đánh úp khi Tần không phòng bị, bèn cả phá được quân Tần.
Trương Dự rằng: Sứ đến từ tốn, lại thêm phòng bị, muốn để làm cho ta hợm rồi sau họ mới tiến. Điền Đan giữ ở Tức-mặc, tướng Yên đem quân đến vây. Đan thân cầm xẻng cuốc, cùng quân lính chia công việc, đem cả thê thiếp ghép vào trong hàng ngũ, đem đồ ăn riêng chia cho cả quân sĩ cùng ăn, rồi sai con gái trèo lên mặt thành ước sự đầu hàng, làm cho tướng Yên mừng lắm. Lại thu vàng của dân gồm một nghìn dật, khiến bọn phú hào sai sứ đưa dẫn tướng Yên và gửi bức thư nói: thành sẽ hàng đến nơi, xin khi vào thành đừng bắt những thê thiếp, người Yên lại càng trễ nải. Điền-Đan đem quân ra đánh, cả phá được.
Nhời quyệt mà tiến đánh mạnh, lui.
Đỗ Hựu rằng: Giong ruổi ra bộ không sợ gì, ấy biết là họ muốn lui.
Mai-Nghiêu-Thần rằng: Khi họ muốn lui, sứ giả nói năng đã bạo dạn, quân lại tiến mạnh để chực nạt ta.
Trương-Dự rằng: Sứ đến lời mạnh, quân lại tiến lên, đó là muốn nạt ta để định lui đó. Chức Hành-nhân nước Tần đêm sang nói với quân Tấn rằng: Quân hai bên đều chưa khuyết cả, ngày mai xin gặp nhau. Du Biền nước Tấn nói: Sứ giả mắt chao mà nói ngông, chính là họ sợ ta đấy. Quả nhiên đêm hôm ấy thì quân Tần trốn.
Xe nhẹ ra trước để ở bên cạnh trận.
Tào Công rằng: Bầy trận để định giao chiến.
Đỗ Mục rằng: Đưa xe nhẹ ra, định trước cái bờ cõi của chiến trận đó.
Trương Dự rằng: Xe nhẹ là xe chiến... Ra quân ở cạnh, muốn dàn binh đánh nhau đó. Xét trận Ngưu-ly, trước thiên sau ngũ, nói lấy xe ở trước, lấy ngũ tiếp sau. Thế thì hễ muốn đánh, xe kéo ra trước ở bên cạnh.
Không hẹn mà xin hòa, mưu.
Đỗ Mục rằng: Chưa có ước hẹn mà sứ đến xin hòa, đó là có cái mưu gián điệp.
Đỗ Mục rằng: Năm Trịnh-nguyên thứ 3, thủ lĩnh Thổ-phồn là Thượng Kết Tán nhân xâm lược xứ Hà-khúc, xẩy khi phát bệnh dịch lệ, người ngựa chết mất quá nửa, sợ không về được, bèn vờ cùng quan Thị-trung Mã Toại khẩn khoản, nhờ tâu lên xin giảng hòa. Toại bèn cùng họ hội thề. Bây giờ Hà-trung Tiết-độ-sứ là Hồn-Châm tâu rằng: Nếu nhà nước ta đóng binh trên cõi, định tiến đánh họ, quân rợ xin hòa, thì cũng nên tin. Nay Thổ-phồn tự đến lấn ta, không đòi hỏi gì, tự nhiên lại xin hội thề, e rằng họ không thực thà chăng. Vua không nghe nhời. Hồn Châm đem 2 vạn quân đóng ở huyện Bình-lang thuộc về Hình-châu. Đàn thề ở cách phía tây huyện này 30 dặm. Ngày 13 tháng 5, Châm đem 3 nghìn người đến họp ở đàn sở. Thổ-phồn quả mặc áo giáp ở trong mà cướp đàn.
Trần Hạo rằng: Nhân thề mà cướp, không riêng có việc ở quốc-triều (Đường) mà thôi. Tấn Sở họp ở nước Tống, người Sở mặc giáp ở trong định đánh úp Tấn, người Tấn biết, thành ra thất tín. Đây nói không có ước mà xin hòa, là tổng luận về quân của hai nước, hoặc lấn, hoặc đánh, hai bên chưa bên nào yếu kém, mà vô cố một bên xin hòa, đó tất là kẻ địch trong nước có sự ưu nguy, muốn làm cái kế tạm yên, bằng không thì biết ta có cái thế có thể mưu đồ, muốn khiến cho ta không nghi ngờ, trước hãy cầu hòa, rồi sau mới đánh khi ta không phòng bị. Thạch Lạc phá vỡ Vương Tuấn, trước hết hãy mật xin hòa hiếu, sau rồi thần phục, biết Tuấn không nghi ngờ, bèn xin sửa lễ vào triều cận, Tuấn ưng cho. Khi vào, nhân giết Tuấn mà diệt tan cơ nghiệp.
Trương Dự rằng: Vô cố xin hòa, tất có mưu gian. Hán Cao Tổ muốn đánh quân Tần, sai Lịch Tự-Cơ đem đồ báu ngọc đến lễ người tướng là Giả Kiên, tướng Tần quả muốn liền hòa. Cao-Tổ nhân khi họ trễ nải mà đánh, quân Tần đại bại. Lại tướng Tấn là Lý Củ giữ ở Huỳnh-đương, Lưu Xướng đem 3 vạn người đến đánh. Củ sai sứ đem trâu rượu đến xin hàng, ngầm giấu quân khỏe mà phô những lính yếu. Xướng khao thưởng sĩ tốt, ai nấy đều no say, Củ nhân đêm đến đánh úp, Xướng chỉ còn được một mình chạy thoát.
Chạy chọt mà bầy xe binh, kỳ.
Đỗ Mục rằng: Trên nói xe nhẹ ra trước để ở bên cạnh trân, đó là đưa xe ra trước để định cương giới của chiến trường, lại lập một cây cờ ở đấy làm nêu, nay thì chạy chọt để đến cái nêu ấy. Kỳ là kỳ hẹn, cùng với mọi người hẹn cùng đến dưới cái nêu ấy. Thiên Đại-Sưu ở sách Chu-Lễ nói: « Xe giong bộ chạy, tới nêu thì dừng », tức là như thế.
Giả Lâm rằng: Kỳ hẹn tầm thường không cần phải chạy, tất có quân xa kéo đến, hẹn đúng giờ phút định để hợp thế mà đánh ta, nên kíp đề phòng.
Nửa tiến, nửa lui, nhử.
Đỗ Mục rằng: Giả làm ra bộ lộn không đều, ấy là định nhử cho ta tiến.
Trương Dự rằng: giả làm như loạn là nhử ta đó, như chúa Ngô đem tù đồ tỏ sự lộn xộn để nhử quân Sở vậy.
Đứng dựa đồ binh, đói.
Đỗ Hựu rằng: Tựa vào gươm mác mà đứng là cái lý đói.
Trương Dự rằng: Phàm người không ăn thì lả, cho nên tựa vào binh khí mà đứng ba quân ăn uống, trên dưới cùng lúc, cho nên một người đói thì biết ba quân đều thế cả.
Vục mà uống trước, khát.
Đỗ Mục rằng: Sai đi vục nước, chưa vục về mà uống trước, đó là bởi khát. Xem một người, có thể biết được cả ba quân.
Trương Dự rằng: Kẻ đi vục nước chưa kịp về trại mà đã uống trước, đó là vì ba quân khát vậy.
Thấy lợi mà không tiến, nhọc.
Tào Công rằng: Lính tráng nhọc mệt.
Đỗ Hựu rằng: Kẻ địch đến thấy cái lợi của ta mà không tiến đánh, ấy là vì nhọc mệt.
Chim đậu, rỗng.
Đỗ Hựu rằng: Quân địch lập nhiều dinh lũy để phô trương lực lượng, vậy mà lại có chim đậu ở bên trên, ấy là trong rỗng.
Đỗ Mục rằng: Đặt cái « hình ở » mà trốn đi. Tề với Tần giữ nhau, Thúc Hướng nói: có tiếng chim quạ kêu vui, chắc là quân Tề đã trốn đi rồi. Đời Hậu Chu, Tề vương Hiến đi đánh Cao Tề, sắp rút quân về, bèn lấy lá bách kên làm lều, đốt phân rác cho khói um lên rồi đi. Cao Tề trông hai ngày mới biết là cái trại không, đuổi theo không kịp. Ấy là để « hình ở » mà trốn đi đó.
Trần Hạo rằng: Đây nói kẻ địch nếu đi, dinh lều tất rỗng, chim chóc không sợ, bèn kêu đậu ở trên. Tử Nguyên nước Sở đi đánh Trịnh, sắp chạy, có quân gián điệp nói rằng: Lều Sở có chim, bèn thôi không chạy nữa, vì biết quân Sở đã đặt hình ở để mà trốn đi rồi. Thiên này là Tôn-tử bảo cách phân biệt thực dối của quân địch đó.
Trương Dự rằng: Phàm quân địch ngầm lui, tất bỏ dinh lều, chim chóc thấy trống, kêu đậu ở trên. Nước Sở đánh Trịnh, người Trịnh sắp chạy, quân gián điệp bảo rằng: « Lều Sở có chim », bèn thôi. Lại nước Tấn đi đánh nước Tề, Thúc Hướng nói: « Trên thành có chim, quân Tề hẳn trốn » Ấy là đặt hình ở để mà trốn đó.
Đêm hò, sợ.
Tào Công rằng: Quân sĩ đêm tối hò nhau là tướng không mạnh dạn.
Lý Thuyên rằng: Quân lính nhát mà tướng lười, cho nên sợ hãi mà gọi nhau.
Trần Hạo rằng: trong 10 người có 1 người bạo, tuy 9 người nhát, họ cũng dựa vào một người mà tự yên. Nay quân sĩ đêm tối hò nhau là bởi vì tướng không mạnh dạn. Lời họ Tào nói là phải.
Trương Dự rằng: Ba quân lấy tướng làm chủ, tướng không có đảm dũng, không làm yên ổn được quân, cho nên quân lính sợ hãi mà đêm tối hò la, như là quân Tần suốt đêm không im tiếng đó.
Quân rộn, tướng không oai trọng.
Lý Thuyên rằng: Tướng không oai trọng thì quân rộn.
Trần Hạo rằng: Tướng mà pháp lệnh không nghiêm oai dong không trọng, quân do thế mà rối loạn.
Trương Dự rằng: Trong quân nhiều lúc kinh rộn là bởi tướng không trì trọng. Trương Liêm đóng ở Trường-xã, đêm trong quân chợt loạn, cả một đồn quân đều nhốn nháo. Liêm bảo tả hữu im lặng đó tất là có kẻ gây biến, muốn làm loạn động đó thôi. Bèn truyền cho quân sĩ ngồi im, còn mình đứng ở giữa, chỉ một lúc lại đâu vào đấy cả. Ấy là biết trì trọng đó.
Cờ phướn xao xác, loạn.
Đỗ Hựu rằng: Lỗ Trang-Công đánh bại quân Tề ở Trường-quân, Tào Quệ xin đuổi. Công nói: Xem thấy thế nào? Thưa rằng: Xem thấy bánh xe rối loạn mà cờ lướt, cho nên đuỏi.
Trương Dự rằng: Cờ phướn để làm cho quân chúng đều đặn, thế mà động lay vô định là bộ ngũ đã lộn xộn rồi.
Kẻ lại tức giận, mỏi.
Đỗ Hựu rằng: Kẻ quân lại tức giận chủ tướng đó là do đã mỏi nhọc.
Đỗ Mục rằng: Mọi người đều mỏi mệt cho nên kẻ lại không sợ mà tức giận.
Trần Hạo rằng: Chủ tướng bầy ra những việc phu dịch không cần, cho nên mọi người đều mỏi nhọc.
Trương Dự rằng: Chính lệnh bất nhất lòng người mỏi nhọc, cho nên kẻ lại nhiều người tức giận. Tần Sở đánh nhau, tỳ tướng nước Tấn là Triệu Chiên, Ngụy Y tức giận muốn đánh bại quân Tấn, đều phụng mệnh của nước Sở cả; Khích Khắc nói: hai kẻ giận dỗi đi mất, nếu không phòng bị thì thua, đó vậy.
Cho ngựa ăn thóc, giết bò ăn thịt, quân không treo nồi, không về nhà, giặc cùng.
Đỗ Hựu rằng: Cho ngựa ăn thóc, giết bò ăn thịt, thế là không để dành lại cái gì nữa, không treo nồi lên để bữa khác nấu ăn, ấy là giặc cùng muốn liều chết đánh nhau đó.
Đỗ Mục rằng: lấy thóc lúa để nuôi ngựa, giết trâu ngựa để khao quân, quân không treo nồi, đập vỡ để tỏ không thổi nữa; không thổi nữa, không về nhà ngày đêm chuyên lo việc kết lập bộ ngũ. Như thế đều là giặc cùng, định sẽ quyết một trận tử chiến.
Mai Nghiêu Thần rằng: Lấy thóc ra nuôi ngựa, giết bò để khao quân, bỏ nồi không lại thổi, dãi đầy không về nhà, đó là họ muốn quyết chiến để lấy thắng.
Rì rầm, xúm xụm, lời nói thủng thẳng, mất người.
Trương Dự rằng: Rì rầm là nói, xúm xụm là họp, thủng thẳng là châm rãi, nói quân lính họp nhau mà nói chuyện riêng, lời sẽ mà chậm, để chê trách người trên, ấy là tướng đã để mất lòng người đó.
Thưởng luôn, quẫn.
Đỗ Mục rằng: Thế lực cùng quẫn, sợ quân làm phản, thưởng luôn để cho họ đẹp lòng.
Mai Nghiêu Thần rằng: Thế cùng lo sự phản loạn, thưởng luôn để cho người vui lòng.
Phạt luôn, khốn.
Đỗ Hựu rằng: Thường làm những sự hình phạt, giáo lệnh nát nớt, ấy là làm khốn quân.
Đỗ Mục rằng: Sức người khốn quyện, không sợ hình phạt, cho nên phải phạt luôn để cho phải sợ.
Trước dữ dội mà sau sợ người, không tinh rất mực.
Lý Thuyên rằng: Trước khinh động mà sau e sợ, thế là dũng mà không cương, ấy là người không sành rất mực.
Giả Lâm rằng: Giáo lệnh không phân minh, quân lính không tinh luyện, viên tướng như thế, trước muốn cường bạo đối với mọi người, sau thấy họ bội bạn thì lại sinh sợ, đó là người ươn hèn rất mực.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Trước làm sự nghiêm bạo, sau lại sợ người ta lìa bỏ, đó là huấn luyện và trừng phạt không tinh rất mực.
Trương Dự rằng: Trước khinh địch, sau sợ người. Hoặc nói: Trước thì dữ tợn đối với kẻ dưới, sau lại sợ họ phản mình, đó là rất không tinh trong sự dùng uy và dùng ái, cho nên trên này nói sự thưởng luôn, phạt luôn đó.
Hạ mình đến tạ, muốn nghỉ ngơi.
Đỗ Mục rằng: Phải hạ mình đến xin tạ là thế đã cùng, hoặc có duyên cớ khác, muốn được nghỉ ngơi.
Giả Lâm rằng: Khí cùn mà nói tạ, là muốn cầu hai bên hòa giải.
Trương Dự rằng: Sai người thân ái đến hạ mình xin tạ là thế lực cùng cực muốn thôi binh nghỉ chiến.
Quân giận dữ đến đón mình, lâu không hợp chiến, lại không kéo đi, phải xem xét kỹ.
Tào Công rằng: Phải phòng có quân kỳ quân phục.
Đỗ Mục rằng: Quân kia thịnh nộ kéo ra trận, lâu không giao tiếp, lại không kéo đi, thế là họ có sự chờ đợi, nên dò xét kỹ kẻo sợ có quân kỳ quân phục xô đến ở cạnh.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Giận dữ đến đón ta, lâu mà không tiếp chiến, lại không rút đi, tất có quân kỳ quân phục để đợi ta. Trở lên là luận về địch tình.
Binh không cần phải thêm cho nhiều.
Tào Công rằng: Quyền lực đều nhau thì thôi, không cần phải thêm cho nhiều.
Vương Tích rằng: Tích bảo quyền lực đều nhau là đủ, không cần lấy nhiều làm ích.
Đừng chuyên lấy vũ dũng mà tiến.
Tào Công rằng: Nếu chưa thấy sự thuận tiện, đừng chỉ trông cậy ở sức mạnh mà tiến.
Vương Tích rằng: Đừng nên chỉ cậy mạnh, nên lấy kế trí liệu địch mà làm.
Đủ để gồm sức liệu địch, lấy người mà thôi[1].
Trần Hạo rằng: Nói ta binh lực không nhiều hơn bên địch, lại không có thế lợi-tiện để mà tiến, bất tất phải xin quân nước khác, chỉ ở trong số quân lệ thuộc của mình, gồm sức lại cũng đủ để phá được quân địch.
Trương Dự rằng: Binh lực đã đều, lại chưa thấy tiện, tuy chưa đủ tiến mạnh, cũng đủ lấy người ở trong đám bộ thuộc để gồm binh hợp sức, xét kẻ địch mà đánh lấy thắng, bất tất phải mượn quân ngoài để giúp mình.
Này không mưu tính mà coi khinh kẻ địch, tất bị người bắt.
Đỗ Mục rằng: Không có mưu sâu nghĩ xa, chỉ cậy sức mạnh xấn xổ mà coi khinh kẻ địch, tất bị kẻ địch họ bắt.
Vương Tích rằng: Không biết liệu địch chỉ lấy sức mà tiến, tất bị quân địch bắt, tỏ rằng sự lo ngại không ở chỗ không có nhiều quân.
Trương Dự rằng: Không biết liệu người, lại khinh địch để lấy sức mạnh mà tiến, tất sẽ bị người bắt. Tề Tấn đánh nhau, Tề-hầu nói: Ta hãy diệt họ xong sẽ ăn cơm sáng. Bèn không mặc giáp cho ngựa mà ruổi tràn, bị quân Tấn đánh bại.
Lính chưa theo bám khắn khít mà phạt thì họ không phục, không phục thì khó dùng.
Đỗ Mục rằng: Ân tín chưa thấm khắp, không nên lấy hình phạt mà bắt ép phải đều như nhau.
Trương Dự rằng: Chợt ở vào ngôi tướng súy, ân tín chưa ra khắp mọi người, đã vội lấy hình phạt để bắt phải đều nhau thì họ tức giận mà khó dùng. Cho nên Điền Nhương Thư nói: Thần vốn hèn mọn, lính tráng chưa theo, trăm họ không tin; lại Ngũ Sâm nói: Nước Tấn người tòng chính mới, chưa thể hành lệnh, đó vậy.
Lính đã theo bám khắn khít mà sự phạt không thi hành thì không thể dùng.
Tào-Công rằng: Ân tín đã nhuần, nếu không hình phạt thì chúng sẽ ngông nghênh khó dùng.
Trương Dự rằng: Ân tín thấm khắp, lòng quân đã theo, nếu mà hình phạt khoan-hoãn, thì họ ngông không thể dùng được.
Cho nên lấy văn để ra lệnh, lấy võ để so tầy.
Lý Thuyên rằng: Văn là nhân ân, võ là uy-phạt.
Vương Tích rằng: Ngô Khởi nói: Tóm cả văn võ là tướng quân, gồm có cứng mềm và binh-sự.
Ấy rằng: tất lấy được phần thắng.
Mai Nghiêu Thần rằng: Lấy nhân ân để ra lệnh, lấy uy hình để so-tầy, ân uy tỏ rạng, tất là phải thắng.
Lệnh vốn thi hành, dạy dân thì dân phục.
Mai Nghiêu Thần rằng: Uy lệnh vốn đã có sẵn, dạy bảo dân sẽ nghe phục.
Trương Dự rằng: Tướng lệnh vốn thi hành, người dân đã tin, dạy bảo để dùng, người người nghe phục.
Lệnh vốn không thi hành, dạy dân thì dân không phục.
Vương Tích rằng: Dân không dạy sẵn, sẽ khó sự dùng.
Họ Hà rằng: Người đã ra ngoài khuôn phép thì còn nghe theo sự dạy làm sao được.
Lệnh vốn đúng mực rõ rệt, sẽ tương đắc với mọi người.
Đỗ Mục rằng: Nói làm tướng đương khi vô sự, nên đem ân tín uy lệnh mà ban bố rõ rệt ra với mọi người, rồi đến khi đối với kẻ địch, hành lệnh lập pháp sẽ được người người tín phục.
Mai Nghiêu Thần rằng: Tín phục đã sẵn, việc gì chẳng theo.
Trương Dự rằng: Trên lấy tín mà khiến dân, dân lấy tín mà phục trên, thế là trên dưới tương đắc. Úy Liên Tử nói: Phàm cách ra lệnh, nhầm nhỏ không đổi, ngờ nhỏ không thay, nói hiệu lệnh đã ra không nên thay đổi, trừ ra khi có điều lầm nhớn ngờ nhớn, cốt để cho dân tin vậy. Gia Cát Lượng cùng quân Ngụy đánh nhau, lấy số quân vắng địch với số quân đông, trong binh lính có những người đến hạn được về, Lượng không giữ lại mà cho về, nói: Điều tín không nên bỏ, thế rồi những người lính ấy đều xin ở lại để đánh nhau một trận, kết quả phá được quân Ngụy đó vậy.
Chú thích
- ▲ Câu này nghĩa rất lờ mờ khó hiểu. Trong số mười nhà chua sách Tôn-Tử, có đến tám nhà chua câu này, nhưng xem ra hầu hết là khiên cưỡng. — Lời người dịch.