Bước tới nội dung

Tại sao Trương Học Lương không kháng cự Nhựt?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tại sao Trương Học Lương không kháng cự Nhựt?  (1932) 
của Phan Khôi

Bài được đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6636 (12.1.1932).

Bởi sợ mất ba chục triệu đồng!

Từ ngày Nhựt Bổn đem binh xâm lược Mãn Châu, người thay mặt cho Trung Huê dân quốc làm chủ xứ đó là Trương Học Lương không hề dám chống trả một chút nào, cứ hễ quân Nhựt tới một bước thì Trương ra lịnh cho quân Tàu thùi lui một bước. Thấy cái tình trạng lạ lùng ấy, quốc dân Tàu cho đến người ngoại quốc đều phải nhìn nhau mà ra vẻ ngạc nhiên, chẳng hiểu cái người đương cuộc ấy có ý kiến thế nào hay là có kế hoạch gì thần diệu mà người phàm không thể biết chăng? (...)

"Non-résistance" dịch ra kêu là "bất để kháng", ấy là một cái chủ nghĩa của ông Tolstoi nước Nga (...)

Cái bất để kháng của ông Tolstoi, chớ ai lầm tưởng là cái hộ phù của kẻ khiếp nhược. Không phải đâu. Ông chẳng chống cự là không phải thiếu sức chống cự; dư sức chống cự ra, có điều nghĩ vì đối với kẻ ác không thèm chống cự làm chi. Chẳng chống cự mà bao giờ mình cũng vẫn thắng, có thế thì mới nên chủ trương bất để kháng. Chẳng chống cự mà được thắng, ấy là lấy điều thiện thắng điều ác. Điều thiện đã đủ thắng điều ác rồi, cho nên không cần lấy sức mạnh mà chống cự.

Xưa kia Jésus-Christ cũng dạy rằng nếu bị ai vả cái má bên nầy của mình thì hãy đưa luôn cái má bên kia ra cho họ. Ấy cũng là một cách đối đãi cùng kẻ ác. Cái chủ nghĩa của Tolstoi là do ở câu ấy của "Con người" mà ra.

Vậy nếu kẻ nào không đủ sức địch lại cùng người, mà điều thiện của mình cũng không đủ thắng nổi điều ác, thì trong khi thấy người ta có sức mạnh hơn mà mình nhịn thua đi, ấy là tại nơi mình bất lực, nó rõ ràng là "liệt bại", khác hẳn với cái bất để kháng của ông Tolstoi. Giả sử như anh Amadou ghẹo đánh đấm chơi với một chú bếp nào đương đi mua ăn ngoài chợ, chú bếp ấy thùi lui rồi đi mất, nhưng lại nói với người ta rằng "tôi không thèm đánh nó", thì là nói láo quá, ai nghe?

Trương Học Lương trong khi không chống cự lại với quân Nhựt, cũng rêu rao lên rằng mình thiệt hành cái chủ nghĩa bất để kháng; ấy là Trương mượn cớ để lót miệng, chớ cái bất để kháng ấy không phải của Tolstoi và Jésus-Christ mà là của chú bếp kia.

Lạ thay! Trong tay có hơn 30 muôn binh sĩ, súng lớn có, máy bay có, xe tăng có, khí giới không tinh nhuệ bằng Nhựt Bổn chớ chẳng đến nỗi tay không; đường đường làm một ông Phó Tổng tư lệnh coi ba tỉnh biên thùy, mà giặc đến đâu cứ ngồi yên mà coi cho đến đó; thế thì dầu có dựa vào cái học thuyết tư tưởng hay đến bực nào, cái chủ nghĩa cao thượng đến bực nào cũng khó cho người ta tin được vậy.

Phải chi sự bất để kháng nầy do cha chàng va là Trương Tác Lâm, người thân thiện với Nhựt Bổn hồi trước, thì còn dễ nghe. Chớ Học Lương lâu nay đã đi khác đường với cha mình rồi, đã có cái thủ đoạn ghê gớm diệt được Dương Vũ Đình hầu có quy phụ về trung ương, thì làm sao lại điềm nhiên tọa thị được trong cơn địch quốc xâm lăng, dân tình phẫn khích?

Đánh với nhau trong hai chục năm thì được, sao đến khi có giặc lại đành để mấy khẩu súng nằm yên, không bắn lấy một phát? Yếu đuối hèn mạt như cuối đời Mãn Thanh, giữa trào Quang Tự mà còn đánh được với Nhựt một trận năm giáp ngọ thay. Thua thì thua, nhưng Mãn Thanh vẫn còn có đánh, chớ không như Trương Học Lương là tướng tài của Trung Huê dân quốc, lại cứ thụt lùi rồi hô lên rằng bất để kháng!

Thứ họ đánh với nhau, có lợi lộc gì cho mình đó mà ao ước làm chi? Có điều thấy sự lạ lùng như vậy, nó trái hẳn với tâm lý loài người, thì tưởng dầu cho Phật trên bàn cũng phải mở miệng ra mà hỏi tại cớ gì?

Cho được giải điều nghi ngờ ấy, mới có bức điện tín ở Bắc Bình, thấy đăng trong báo Tàu như vầy :

"Trương Học Lương trước kia có gởi trong một nhà băng Nhựt Bổn tại Thiên Tân 30 triệu đồng. Đang lúc xảy ra vụ Mãn Châu, chánh phủ Nhựt lấy chỗ đó mà hiếp chế Trương, dọa rằng nếu kháng cự thì sẽ không trả ra số tiền ấy. Lại sau đó, quân Nhựt gây việc ở Thiên Tân, cũng còn một lần nữa đem sự đó doạ Trương".

Bất để kháng, không chống cự. Chẳng phải không chống cự với Nhựt Bổn, mà là không chống cự với ba chục triệu đồng!

Chủ nghĩa! Chủ nghĩa kim tiền!

T. R.