Bước tới nội dung

Tại sao tôi mạt sát ông Tôn Thất Thuyết?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tại sao tôi mạt sát ông Tôn Thất Thuyết?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 46 (6 Aout 1935), trang 1.

TRẢ LỜI CHO CÁC BÁO: THANH NGHỆ TĨNH, ĐÀN BÀ MỚIIMPARTIAL ANNAMITE

Tràng an số đặc biệt ra ngày 21 Juin, chuyên nói về việc thất thủ Kinh đô ngày 23 tháng năm 50 năm trước, tôi có viết bài xã thuyết cắt nghĩa rằng ngày 23 không phải ngày quốc sỉ, vì cái việc trong ngày ấy chỉ bởi một mình ông Tôn Thất Thuyết gây nên.

Sau đó hoặc sớm hoặc chầy, có ba tờ báo kể tên trên đây đăng bài phản đối tôi. Người thì bảo tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết là mạt sát một nhà ái quốc, người thì bảo tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết để được lòng chánh phủ Pháp.

Người nào công kích tôi bằng cái ý sau đó là công kích không phải đường. Tôi quyết không thèm biện luận về việc ấy với họ làm chi.

Vả chăng cái chuyện đã đem nói trên báo là chuyện công. Chuyện công thì phải hay trái ta nên cứ vào lẽ công mà nói, không nên xoi xỉa đến chỗ dụng tâm của kẻ nói là sự tây riêng của một người. Ai biện luận bằng cách xoi xỉa đó là tỏ ra mình có ác ý.

Như tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết mà ông không đồng ý với tôi thì ông chỉ nên tìm chứng cứ để tỏ ra sự tôi mạt sát là không đáng, đủ rồi. Chứ còn ông nói tôi mạt sát ông Thuyết để được lòng người Pháp hay để dua nịnh nguời Pháp thì sự đó đã vượt ra ngoài đề mất, và cũng không ích chi cho câu chuyện.

Vậy trong việc này, ai đã lấy lẽ công mà nói với tôi, tôi xin nói với người ấy, vì như thế, tôi nghĩ là có ích cho sự phê bình trên lịch sử, cho cuộc tương lai của dân tộc. Còn ai công kích tôi về sự riêng tây, đại khái như bảo tôi là dua nịnh với chánh phủ Pháp, thì tôi nhất định không nói với họ, bởi tôi nghĩ rằng sự tôi dua nịnh hay không dua nịnh chẳng có ích gì cho ai, tôi cãi cho tiêu cái án dua nịnh đi cũng chẳng có ích gì cho ai.

*

* *

I

Người nào bảo tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết là mạt sát một nhà ái quốc, thế là người ấy đã nhận cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Nhưng tôi thì tôi không nhận như thế. Tôi không cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Vậy cái chỗ cốt yếu của việc chúng ta đương biện luận đây chỉ ở đó mà thôi.

Việc ngày 23 tháng năm, tôi đã nói rằng chỉ bởi một mình Tôn Thất Thuyết gây nên. Trong chữ “một mình Tôn Thất Thuyết” ấy hàm có cái nhân cách của con người ấy nữa. Cũng tiện cho tôi, hôm nay nhân có sự biện luận này  mà tôi mới được nói rõ thêm hơn.

Tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Gia Định là bởi một mình Nguyễn Tri Phương, tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Hà Nội là bởi một mình Hoàng Diệu, nhưng việc thất thủ Kinh đô tôi lại nói được rằng bởi một mình Tôn Thất Thuyết; như thế, bạn đọc cũng nên nhìn cho tôi là có lý lắm rồi: chính bởi cái nhân cách của Tôn Thất Thuyết không bằng cái nhân cách của Hoàng Diệu và của Nguyễn Tri Phương làm cho tôi nói được như thế.

Nói rõ hơn nữa, tức là Tôn Thất Thuyết không phải là người ái quốc như hai ông kia. Thuyết không ái quốc mà lại “ái thân”, chỉ biết có một mình mình,  nên tôi mới nói được rằng “một mình Tôn Thất Thuyết”.

Thuyết có ái quốc hay không, là do ở trong lòng ông ấy, tôi làm sao biết được? Vậy tôi phải căn cứ ở việc làm của ông ta mà đoán là ái quốc cùng chăng.

Giá như cái thân thế ông ấy chỉ thỏn lỏn có ngày 23 mà thôi, ông Thuyết chỉ làm một việc trong ngày ấy mà thôi, thì hoặc giả tôi còn nhắm mắt mà nhận ông ấy là ái quốc được. Nhưng cái lịch sử của ông còn dài, còn có trước và sau  nữa, những việc ông làm trước và sau đó đều tỏ ra rằng ông chỉ vị một mình ông, cho nên cái việc ông làm ngày 23 ấy cũng chỉ vị một mình ông.

Như thế thì bao  nhiêu quan lính dự vào cuộc tập công quân Pháp ngày 23 tháng năm đều như là bị hiếp mà phải theo cả; vai chủ động là ông Thuyết mà ông Thuyết lại cốt vì một mình ông, thì cả dân tộc Việt Nam có trách nhiệm gì vào ngày ấy đâu?

Tôn Thất Thuyết là người chỉ có cái oai danh hão. Mà sở dĩ lập được cái oai danh ấy lại chỉ tại ông hay giết người. Đánh giặc Bắc bao nhiêu năm, kể chiến công của ông còn thua các tướng, nhưng chỉ được cái đến đâu gà chó không yên đó mà làm cho người Bắc tới nay còn nhắc đến tên.

Đã có cái oai danh hão, lại thêm cái khiếu gàn, không chịu hòa Tây, làm cho đức Dực Tôn tưởng là người tin cậy được, lúc lâm băng, ngài phó cho cái trọng trách “bình Tây trấn Bắc, nhất dĩ ủy chi”, sự ngộ dụng ấy thật là đáng tiếc!

Sau khi Bắc Kỳ giảng hòa rồi, ông Thuyết về ở Thanh Hóa, cạo đầu đi tu.  Năm Tự Đức 35, vua đòi về Huế, cho làm Thượng thơ bộ Binh. Ông liền mộ riêng hai đội binh “Phấn dõng” và “Phấn nghĩa”. Người ta nói rằng ông Thuyết có chí đánh Tây từ buổi ấy.

Đức Dực Tôn băng tháng sáu thì tháng bảy tàu chiến Pháp đến Thuận An. Bấy giờ ông Nguyễn Văn Tường chủ hòa nhưng ông Thuyết thì chủ chiến. Theo tôi, ông Thuyết chủ chiến cũng phải, nhưng đã chiến thì chiến cho đến nơi đi, thua thì chạy, thì chết đi.

Phải biết rằng cái chức Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân là cầm cả binh quyền lúc bấy giờ, cái trách nhiệm chiến thắng hay chiến bại không còn đổ cho ai nữa. Mà thắng, đành là công của mình; bại cũng phải nhận tội của mình.

Nhưng sau khi hai viên đại tướng Lê Sĩ và Lâm Hoành cùng sứ thần Trần Thúc Nhẫn tử tiết tại cửa Thuận, bảy tám ngàn quân chết sạch hết, triều đình phải kéo cờ trắng xin hàng, bấy giờ ông Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân Tôn Thất Thuyết làm gì? đi đâu?

Ông chẳng đi đâu hết! chẳng làm gì hết! Ông vẫn làm Điện tiền đại tướng quân! Ông vẫn làm Thượng thơ bộ Binh vậy! Nghĩa là ông không biết nhục, vẫn còn ăn lương vua, vẫn còn xưng quan lớn!

Bạn đọc nên biết cái sử liệu này nữa. Trước khi đánh ở cửa Thuận, ông Thuyết lấy cớ điều binh về hộ tang, tư vào Sơn phòng Quảng Nghĩa rút ra Kinh bốn ngàn lính. Bốn ngàn người ấy vừa đến, ông bắt kéo xuống cửa Thuận giữ hai cái đồn lớn Hòa Duân và Cáp Châu. Những lính này quen đường núi chứ không quen đường nước, bảo đánh sao được mà không chạy chết dồn đống với nhau? Trong khi ấy thì hai đội Phấn dõng và Phấn nghĩa vẫn gươm bén súng tường phòng vệ riêng một mình quan Điện tiền đại tướng quân, Thượng thơ bộ Binh, Tôn Thất Thuyết!

Cái sử liệu ấy chỉ cho chúng ta thấy ông Thuyết chẳng biết dụng binh lại còn lo giữ mình hơn giữ nước.

Mạt lắm, ông tướng bại tận rồi mà không dám thắt cổ, không dám uống thuốc độc, là cách tự tử hèn nhát của người An-nam; lại còn không dám từ chức, khư khư giữ lấy phú quý để hãnh diện với đám dân vong quốc!

Giá phải người Pháp đại xá cho ông đi thì ông cũng cứ vậy mà làm quan cho tới già tới chết. Hiểm thay vì cái khiếu gàn của ông không dung với người Pháp được thì họ phải căm ông. Ông biết thế nào mình cũng không thoát nên mới làm liều để tháo thân.

Vì đó mới có việc tập công ngày 23 tháng năm vậy. Và vì đó tôi mới nói ông Thuyết làm việc ấy chỉ vì một mình ông mà thôi vậy.

Nếu ông Tôn Thất Thuyết đánh Tây là để giữ giang sơn của tổ quốc, cùng không nữa cũng giữ danh dự cho dân tộc thì ông nên đánh nốt lúc Tây còn ở cửa Thuận kia. Sao để đến kéo cờ trắng lên, Tây vào chiếm Trấn Bình Đài rồi mới đánh? Vả để Tây đồn binh ở Mang Cá rồi, hơn hai trăm khẩu đại bác trên thành bị đóng nõ rồi mới đánh thì còn đánh cái mốc xì!

Việc làm như thế rõ là quá trẻ con chớ không những trẻ con! Mà sở dĩ ông Thuyết làm được cái việc trẻ con như thế là tại ông quá vì cái thân ông, ông không có lòng ái quốc.

Phải chi ông Thuyết khi bỏ thành chạy trốn rồi ở thủy chung với đức Hàm Nghi, có lo phục thù được càng hay, không cũng trước sau cho trọn tiết, thì tôi còn dung thứ cho mà chẳng nỡ nói nào! Cái này, ông Thuyết đểu quá! ông Thuyết hèn mạt quá!

Theo sự thế lúc bấy giờ, việc ở nhà một người cần vương, điều binh khiển tướng, trong thì bảo hộ đức Hàm Nghi, ngoài thì kháng cự với quân Pháp, là việc cần nhất cho ông Thuyết. Còn việc chạy qua nước khác, lạy lục mà cầu cứu, chỉ là việc nên phó cho một viên sứ thần bặt thiệp cũng đủ xong, đã là con người chủ trương đại cục, có ai lại cất thân ra mà đi việc ấy bao giờ? Vậy mà ông Thuyết đã từ chối việc trên, lãnh làm việc dưới, đủ biết ông chỉ vì cái thân ông, chỉ cầu đi đi cho khỏi  chết.

Quả nhiên ông qua Tàu ông còn cầm đậu cái thân nhục nhã của ông đến vài ba mươi năm nữa mới chịu vùi giập ở Long Châu.

Thế mà cho là ái quốc thì khối người ái quốc. Tôi không muốn trong lịch sử Việt Nam có người ái quốc nào như ông Thuyết.

Trong đám dấn thân ra làm việc nước, hoặc cần vương ngày trước, hoặc cách mạng ngày nay, cũng có nhiều hạng người, người có thực tâm, người không có thực tâm, ta nên chọn người mà sùng bái, thì sự sùng bái của ta mới có giá trị. Tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết cũng như tôi mạt sát mấy tay cách mạng giả dối cận thời.

PHAN KHÔI

II

Dưới cái đề này tôi đã viết một bài rồi, nhưng thấy chưa hết ý, nhất là chưa trả lời trọn cả những điều mà các báo vin lấy công kích tôi, cực chẳng đã tôi phải viết thêm bài nữa.

Tôi nói “cực chẳng đã” có hai ý. Một là tôi nghĩ mình chẳng làm được như người ta, bây giờ lại đem cái việc người ta đã làm ra mà chỉ trích, tuy mình chỉ trích có đáng chăng nữa cũng không khỏi mang lấy tiếng văn sĩ lắm mồm. Hai là những người viết bài phản đối tôi đó, học thức của họ kém quá, mỗi một lần tôi nhắc lại những lời của họ ra đây là mỗi một lần làm cho tôi khó chịu.

Té ra các ông ấy đã đọc cái bài xã thuyết trên số Tràng an đặc biệt của tôi mà không hiểu hết nghĩa. Như thế, sao đã vội viết bài công kích tôi?

Ông Nễ Hành ở Đàn bà mới[1] làm một câu đề cương cho bài xã thuyết của tôi rằng: “Nội trong bài ấy, ông Phan Khôi cố ý mạt sát ông Thuyết là người không biết liệu sức mình, sao lại đem sức trứng chọi với sức đá”.

Thật là quái! Trong bài của tôi chẳng hề có ý nào như thế bao giờ. “Tây Nam bất dịch diệc đồng tri”, ấy là câu thơ của ông Nguyễn Duy Hiệu, thủ lãnh đảng Cần vương ở Quảng Nam, sau ông ấy bị chém bêu đầu mà tôi vẫn lấy làm kính phục. Vì bao giờ tôi cũng nghĩ rằng một dân tộc yếu bị chinh phục mà có kháng cự lại là một sự vẻ vang. Tôi chỉ trách ông Thuyết không có thực tâm vì nước mà đánh giặc, cho nên trước thì hàng Tây để bảo toàn phú quý, sau biết không bảo toàn được mới biến kế làm liều. Thế thì sao người công kích tôi lại đặt điều ra mà bảo rằng tôi mạt sát ông Thuyết là người không liệu sức?

Đến ông Phạm Văn Ký người viết ở báo Impartial annamite[2] cũng lại không hiểu nghĩa bài tôi như thế. Ông nói rằng trong bài xã thuyết ở số Tràng an đặc biệt, tôi đã cáo ông Tôn Thất Thuyết là phản quốc (Nguyên văn là: Il..., accuse Tôn-thất-Thuyết d’avoir trahi la patrie). Rõ thật người ta ưa nói dối! Mà không phải nói dối thì là dốt đến nỗi đọc một bài văn quốc ngữ không thông! Tôi mà có cáo ông Thuyết là phản quốc khi nào?

Lấy cái sức hiểu kém cỏi của các ông ấy như thế mà đọc một bài văn; nghĩa lý của bài văn ấy vốn thế này nó cũng phải thành ra thế khác, rồi nắm lấy cái gậy sai lầm ấy, các ông phang ngang phang dọc trên đầu bất kỳ ai, rủi gặp phải tôi! Tôi chịu phang một cách vô lý rồi còn phải buộc mình trả lời cho các ông, thật là đến chán!

Đến người viết trong báo Thanh Nghệ Tịnh[3] là ông Thúc Nhuận mới thật là điếc không sợ súng. Chính bài của ông bảo cho tôi biết rằng ông không biết một chữ nào trong sử hết thì cũng đòi đứng ra biện luận một việc trên lịch sử làm chi? Thúc Nhuận ông ấy chưng ra câu này để tô điểm cho ông Thuyết mới dễ bật cười cho: “Chống cự với chiến thuyền Pháp trong ba ngày ba đêm mới mất Trấn Bình Đài thì cũng là khá”. Ôi! chuyện đâu mà ông nói thế? Thật ra trong lịch sử, từ ngày người Pháp sang đánh xứ ta, hầu như chẳng có lần nào quân ta cự lại tới ba ngày ba đêm hết; và Trấn Bình Đài mất cũng chẳng phải mất ngay vì trong lúc đánh nhau.

Một người đã là mù lòa trước lịch sử, ắt phải tự nhận mình không có quyền lợi nói về lịch sử thì mới là biết điều chứ! Sao Thúc Nhuận ông ấy lại không chịu để người ta khen ông ấy biết điều?

Còn có điều đáng trách hơn nữa là, cho được công kích tôi, các ông ấy đã không tiếc chữa lại những lời trong sách hay bịa đặt những lời trong sách để làm hộ phù cho các ổng. Mà sách ấy lại là sách của một người Pháp làm ra.

Ông nào cũng có một cái óc nô lệ chung, họ nghĩ rằng rất đỗi người Pháp còn khen ông Tôn Thất Thuyết, sao tôi lại mạt sát? Nhưng, thật ra Tôn Thất Thuyết, cái ông ấy không ai mà khen được hết, dù người Pháp người Nam cũng vậy. Chỉ các ông viết báo quốc ngữ ngày nay muốn chứng thực Phan Khôi là người dua nịnh với chánh phủ Pháp nên mới niết tạo ra những lời người Tây khen ông Thuyết mà thôi.

Đàn bà mới nói rằng “Đại úy Gosselin là người Pháp, chép sử Việt Nam, đến đoạn ông Tôn Thất Thuyết, cũng phải khen ông Thuyết là có tài thao lược, có nhiệt tâm với tổ quốc”.

Impartial annamite cũng nói: “Sử gia Gosselin há chẳng từng kính phục ông Tôn Thất Thuyết vì sự tận tâm và lòng ái quốc của ông?” (Nguyên văn là: L’ historien Gosselin n’ a-t-il pas rendu à Tôn-thất-Thuyết un juste hommage pour son dévouement et son patriotisme?) Thế thì ra các ông chỉ nghe người ta nói có quyển sử “L’ Empire d’ Annam” của ông Gosselin rồi các ông cũng chưng ra cho rột đám đó thôi, chớ kỳ thực các ông chưa để mắt qua sách ấy. Phải chi các ông có đọc qua lấy một bận thì các ông sẽ không còn có gan bịa đặt ra mà nói ông Tôn Thất Thuyết được kính phục, được khen ngợi bởi sử gia Gosselin! Đáng trách nhất là ông Phạm Văn Ký, sao người học tiếng Pháp khá mà cũng nhắm mắt nói mò như ông Nễ Hành của Đàn bà mới?

Sử gia Gosselin chẳng có khi nào khen Tôn Thất Thuyết cả. Trái lại, có một chỗ ông ấy thống trách ông Thuyết về sự bỏ vua Hàm Nghi mà chạy qua Tàu một mình để thoát thân. Ông Gosselin có khen là khen hai người con trai ông Thuyết vì hai người này đã tận trung phò chúa; mà trong khi khen hai con như thế cũng chính để mà chê cha đó vậy.

Các ông đã sẵn cái óc nô lệ, lại thêm cái tài khéo phao vu, các ông định viện ông Gosselin ra để đàn áp tôi, có ngờ đâu cái việc các ông làm đó không núng gì ai hết mà chỉ đủ tỏ ra các ông là bất học!

Ưa nô lệ đến nỗi ông Thúc Nhuận trong báo Thanh Nghệ Tịnh đã viện lấy lời của Cha Lý phê bình Tôn Thất Thuyết đăng ở số đặc biệt Tràng an[4] mà cho rằng người có đạo vẫn phục ông Thuyết. Phải biết câu của Cha Lý nói thế này: “Nói cho đúng Thuyết cực kỳ ghét đạo Gia-tô, tuy thế chúng tôi còn ưa Tôn Thất Thuyết hơn Nguyễn Văn Tường”. Vả một câu như thế có gì đâu mà cho là họ “phục”? Tường với Thuyết ở trong con mắt Cha Lý đều là người không xứng đáng cả, chẳng qua đem so sánh nhau thì Thuyết còn khá hơn mà thôi, ý Cha Lý chỉ là như thế, chứ có phục gì. Mà phải, họ không phục là phải, dư luận người Nam ta hồi đó cũng không phục cả ông Tường lẫn ông Thuyết, cho là một người thì gian mà một người thì ngu, có lẽ người ngu thì cũng còn dễ chịu hơn người gian một chút.

Ấy là tôi căn cứ ở câu ca dao truyền tụng hồi cuối trào Tự Đức: “Nước Nam có bốn anh hùng: Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết  ngu”.

Tôi cho câu ấy thật là đúng. Ông Thuyết chỉ vì ngu mới làm được những việc ông đã làm.

Tôi chưa hề nghe một người ngu mà biết ái quốc. Tôi mạt sát ông Thuyết chỉ là mạt sát một người ngu vậy.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đàn bà mới – tuần báo, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 12/1934 đến tháng 1/1937.
  2. Impartial annamite – báo chữ Pháp, xuất bản tại Sài Gòn.
  3. Thanh Nghệ Tịnh – ban đầu là Thanh Nghệ Tịnh tân văn, tuần báo xuất bản tại Tp. Vinh từ tháng 7/1930 đến tháng 3/1936.
  4. Điều này có trong bài của Tiêu Diêu Tử hỏi chuyện Cha Lý, cũng đăng Tràng an số đặc biệt về sự kiện Kinh thành Huế thất thủ.