Tản Đà tùng văn/Ở đời thế nào là phải

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Ở đời thế nào là phải
TẢN-ĐÀ TÙNG-VĂN

Ở đời thế nào là phải

Hòn đá tảng nặng hơn cái lông chim, cột giây điện cao hơn cây cỏ may, nước hồ Tây nhiều hơn trong lọ nhật-nguyệt-thủy, như thế thời thực dễ đoán-định. Người ta ở đời, nói một nhời, làm một việc, muốn đoán-định thế nào là phải, nghĩ mà khó thay! Các vật có hình chất ở trong thế-gian, đã có những phép cân, đo, lường có hình của thế-gian để xem biết nặng nhẹ, giài ngắn, cáo thấp, nhiều ít; các vật không có hình chất ở trong thế-gian, muốn xem biết thế nào là phải, thế nào là không phải, cũng phải đợi thế-gian có phép cân, đo, lường vô hình. Hiện nay thế-gian chưa có phép cân, đo, lường vô hình thời người ta ở đời, nói một nhời, làm một việc, thế nào là phải, muốn đoán-định nghĩ mà khó thay! Ý bởi thế cho nên từ xưa đến nay, những ý-tưởng cùng sự-công của người đời, phải hay không, thường không có định-luận. Trong thế-gian thường có một hạng người không cần thế nào là phải, lại thường có một hạng người trái cưỡng lấy làm phải, lại thường cũng có một hạng người thế nào cũng là phải, ba hạng người ấy, không thể lấy cái phải mà nói; nói những người thật yêu quí cái phải, nhiệt-tâm cầu lấy phải, mà thế nào cho là phải, thực khó. Ở đời quả không có thế-nào là phải thời thế-gian không có một chữ « phải »; nay thế-gian đã có một chữ « phải » thời ở đời tất cũng có thế nào là phải. Vậy thế nào là phải, ta ở đời, ta thử phải luận.

Muốn biết ở đời thế nào là phải, trước nên lấy những ý-tưởng, sự-công của người đã ở đời, xét cho đến những chỗ khó phải. Nay tạm lấy ba điều để xét, như sau này:

1Tự mình nghĩ làm phải mà chưa hẳn đã phải. — Một điều này, ở mọi người thường không nói chi, càng những người tai mắt trong xã-hội xưa nay, càng có như thế lắm. Nay như thiện, là người đời lấy làm phải; ác, là người đời lấy làm không phải. Đông tây các sách vở lưu-truyền, từ đạo-học, triết-học, sử-học, cho xuống đến tiểu-thuyết, kịch-bản, thuật những sự-tích, tâm-lý, ngôn-luận của người thiện, là có ý để khuyên người đời nên làm thiện; thuật những sự-tích, tâm-lý, ngôn-luận của người ác, là có ý để răn người đời đừng làm ác. Tuy vậy, những sự-tích, tâm-lý, ngôn-luận của người thiện ở trong sách, chưa dễ đã khuyên được người đời làm thiện; những sự-tích, tâm-lý, ngôn-luận của người ác ở trong sách, chưa dễ đã răn được người đời đừng làm ác mà thường lại khiến cho những kẻ bất-lương vô-đạo theo đó mà bắt-chiếc, cùng nhau chuyền-tập, bồi thêm cái phong-khí sấu của thế-gian. Nếu từ xưa đừng có những sách-vở lưu-truyền thời thế-gian đến nay chưa hẳn đã nhiều những ác-đức như thế vậy. Vậy thời tự những người làm ra các sách-vở đó, nghĩ lấy làm phải mà quả đã là phải chưa? Lại thử xem như các đạo-giáo lưu-hành trong thế-giới, đạo Nho, đạo Thích, đạo Gia-tô..., ấy đều bởi các vị thánh-nhân đời xưa, mỗi đạo có một đạo-lý riêng mà đều lấy cứu đời làm chủ-ý. Vậy thời những môn-đồ trong các đạo nên cứ đạo mình mà học-tập, mà chuyền-bá, can chi công-kích đạo khác du? Ông Mạnh là môn-đồ đức Khổng, ra sức để công-kích đạo Dương, đạo Mặc, bảo những đạo Dương, Mặc là cầm thú; đế nho-đồ đời Đường là Hàn-Dũ thời lại ra sức để công-kích đạo Phật, đạo Lão, muốn đốt hết các sách của Phật, Lão; đến nho-đồ đời Tống lại xưng dương Hàn-Dũ, cho là « công ông Dũ không kém ông Mạnh ». Ấy là sự thuộc về Á-châu. Thái-tây từ khi tôn-giáo chưa tự-do, các giáo-đồ cũ ra sức để công-kích giáo mới. ở nước Anh, giáo-đồ cũ công-kích giáo Ma-Mông, đuổi chạy sang cõi Mỹ-châu, lại còn muốn theo sang để công-kích. Ôi! những sự công-kích đó mà được thời đã là phải chưa? những sự công-kích đó lại không đuợc thời nghĩ có là phải chưa? Vậy mà tự những người công-kích xưa kia vẫn tự lấy làm trung với đạo mình, nhiệt-tâm cầu lấy cái phải vậy. Vậy thời ở đời chưa dễ biết thế nào là phải!

2° Tự mình làm thật phải mà không được là phải. — Một điều này, xưa nay đông tây các anh-hùng hào-kiệt thường gặp như thế nhiều. Ông Nhạc-Phi, người Trung-quốc, là một vị thiếu-niên danh-tướng đời Nam-Tống, sau lưng thích bốn chữ « Hết trung báo nước » để tỏ chí bình-sinh, cầm quân chống nhau với Kim, lấy quân bộ năm trăm người đánh tan mười vạn giặc, gần có thế khôi-phục được trung-nguyên; vậy mà trong một ngày tiếp mười hai cái lệnh của vua Tống bắt phải lui quân về. Nhạc-Phi lui quân về mà bị chết ở trong ngục. Nhạc-Phi chết mà rồi Tống đến mất. Ông Kha-Luân-Bố, người Bồ-Đào-Nha, là người phát-hiện ra Mỹ-châu. Mỹ-châu phát hiện mà Kha-Luân-Bố bị xích tay đem về Tay-Ban-nha bỏ ngục. Kha-Luân-Bố chết ở Tây-ban-nha mà cái tên Ă-Mỹ-lợi-Gia của châu kia, ấy là tên người khác. Vậy thời ở đời biết thế nào là phải!

3° Tự mình biết là không phải mà phải lấy làm phải; tự mình biết là phải mà phải lấy làm không phải — Điều này, xem như một câu chuyện đức Khổng giả nhời quan Tư-bại họ Trần. Cứ ở Lễ, không lấy vợ cùng họ. Vua Chiêu-công nước Lỗ lấy vợ người nước Ngô, cùng là họ Cơ. Vậy mà đức Khổng giả nhời quan Tư-bại, phải nhận vua Chiêu-công là người biết lễ. Sau nghe quan Tư-bại cười trách là bằng-đảng, ngài chỉ tự nhận lỗi mà thôi. Đức Khổng là người nước Lỗ mà Chiêu-công là vua Lỗ khi trước vậy. Đó thời biết là không phải mà phải lấy làm phải. Lại xem như truyện Ông Galilée. Ông Galilée là người Ý-Đại-lợi, làm ra sách nói rõ về nhẽ « mặt giời là gốc của các hành-tinh; địa-cầu cũng chỉ là một vì hành-tinh xoay chung-quanh mặt giời mà cũng chịu ánh sáng của mặt giời. » Ông ấy đến năm đã bẩy-mươi tuổi, bị tòa-án tôn-giáo[1] đòi đến quì trước sân tòa, bắt phải tự nhận rằng những nhẽ của mình nói ra đều là không thực; nếu không tự nhận như thế thời sẽ phải tội thiêu. Ông Galilée khi ấy phải nhận rằng những nhẽ của mình nói ra đều là không thực cả. Đó thời biết là phải mà phải lấy làm không phải. Vậy thời ở đời biết thế nào là phải!

Người ta ở đời khó phải đến như thế, một là tự mình, một là tự đời. Tự mình mà khó phải, có nhiều nhẽ (nguyên-lý): trí-thức của mình không thấu đến cái phải, cho nên nghĩ là phải mà thực thời không phải; bụng xấu của mình che lấp mất cái phải, cho nên nghĩ dẫu phải mà làm thời không phải; tài sức của mình không theo được cái phải, cho nên làm gần phải mà rồi lại không phải. Tự đời mà khó phải, cũng có nhiều nhẽ: trí-thức của đời không thấu đến cái phải, cho nên mình dẫu phải mà đời không biết là phải; bụng xấu của đời đem đối với cái phải, cho nên đời dẫu biết là mình phải mà không lấy làm phải; sự-thế của đời không thế nào là phải, cho nên mình dẫu muốn phải mà không thể được phải. Bởi thế cho nên người ta ở đời, thường có một câu nói, một việc làm, phải với mình mà không phải với người, phải với người này mà không phải với người khác, phải với đời này mà không phải với đời sau; thường lại có một câu nói, một việc làm, không Phải với mình mà phải với người, không Phải với người này mà phải với người khác, không phải với đời này mà phải với đời sau. Ôi! đã gọi là phải thời phải có nhất-định; phải mà không nhất-định như thế thời còn biết thế nào là phải du! Người ta ở đời, phải có nói, phải có làm, nói với làm đều không biết thế nào là phải thời ở đời còn biết thế nào là phải du! Ay chỉ là bởi thế-gian chưa có phép cân, đo, lường vô hình, cho nên chưa lấy gì chuẩn-định cái phải để trỏ cho người ta cái cách ở đời vậy.

Nay cái phải đã chưa có chuẩn-định, nếu tất muốn tìm cách ở đời cho được phải, chẳng cũng nhọc lòng mà vô ích lắm du? Dẫu thế, nếu ở đời mà không cần thế nào là phải thời cũng không cần luận; nay đã luận ở đời thế nào là phải thời dẫu chưa tìm được cách ở cho thật phải, cũng phải tìm lấy một cách có thể tạm lấy làm phải mà ở đời. Cách ở đời có thể tạm lấy làm phải, ý kẻ luận này trộm nghĩ rằng: nhời thị phi phó mặc thiên-hạ, cuộc thành bại theo ở tự-nhiên; một câu nói, một việc làm của ta, ngoài mong có ích cho xã-hội, trong không mang thẹn với lương-tâm thời dẫu chưa biết có là phải với đời mà tự ta cũng có thể tạm lấy làm phải với ta vậy. Da vàng cát xạm, vận đỏ khôn tìm; ngày xanh tên đi, lòng son dễ nhạt. Tuổi vô-dụng giục người tóc bạc, trận phong-sương giồn-dã cuộc trăm năm; bút hữu-tình dúng nước mực đen, kiếp văn-tự hẹn-hò duyên bốn bể. Giời chiều bóng sế, con đường xa lắc, đi dẫu không đến, cũng cố mà đi.


  1. Âu-Châu từ khi tôn-giáo chưa tự do, có toà án tôn-giáo là toà án của phái tôn-giáo lập ra để sử-đoán những người phản-đối với tôn-giáo.