Bước tới nội dung

Tản Đà tùng văn/Tình lụy/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Tình lụy, II của không rõ, do Tản Đà dịch

II

Tháng ngày thấm-thoát, chốc đã ba đông, giời như ghen cái phúc thanh-nhàn, không cho Mạc-Biên-Địa-Thuận một mình được hưởng-thụ. Bấy giờ mới sinh ra một sự biến không ai ngờ. Vào khoảng tháng sáu năm ấy, sắc giời dữ-dội luôn ba ngày, sang đến ngày thứ tư, bỗng tạnh hẳn như không. Trên bể không có chút hơi gió; mặt giời gác núi, lãng-đãng bóng vàng; nước bể lồi gương như đĩa dầu, dáng đỏ chiếu lộn xuống, thành ra sắc hồng-nhạt; bãi cát ở bến bể, nước trào mới lui, những giòng nước con chẩy giọc chạy ngang, như có trăm con rắn bằng vàng quặn-quạy đùa chơi ở mặt cát; cái núi trọi ở đằng sau nhà cũng ngoảnh lưng vào mặt giời mà hiện ra một vẻ xinh đẹp, uyển-nhiên như một bức họa-đồ. Giời đã gần tối, xa trông về mạn bể cực đông, ở trên mặt nước bằng có nhiều những đám mây họp, liệu biết tất sắp có gió to từ phương đông nổi lên. Quả nhiên, chín giờ đêm, gió bể nổi to, thế dữ lắm, dần dần càng nhớn, đến mười một giờ thành bão, núi kêu bể động, như có thiên quân vạn mã vây kín ở quanh nhà. Quá nửa đêm, thế bão càng mạnh, lay đến cái nhà đá, như muốn bốc hẳn mà đem đi. Sức bão đánh mạnh, ngọn sóng nhớn ở dẫy đá Lam-lũ tóe ra làm hột nước, vượt qua nóc nhà mà bay đi; các cửa sổ đều bị vỡ hết; hoa sóng như mưa, đem cả những rêu bể sỏi con, ném vào trong nhà. Tiếng gió thổi như người kêu, tiếng sóng kêu như trống vỗ, làm rối loạn bên tai; dẫu Mạc-sinh là người hiểu lý đến đâu, đêm hôm ấy cũng không ngủ yên được. Trận gió ấy, trong hai ba năm về trước chưa từng thấy, song cái nhà đá đủ có sức chống lại, không đến nỗi nguy-hiểm, Mạc-sinh cũng đã liệu được trước, cho nên yên tĩnh như thường, nằm gan không dạy. Người vú già sinh trưởng ở bờ bể, những trận gió như thế, không lấy gì làm lạ. Mạc-sinh dẫu nằm gan không dạy, nhưng cũng không ngủ được. Cái đồng-hồ ở trên bàn, thỉnh-thoảng lại báo chuông; một lúc đã một giờ, lại một lúc nữa đã hai giờ, lại đã ba giờ. Bỗng thấy có tiếng gõ cửa gọi rất cấp-bách thời là người vú già. Mạc-sinh đương trong lúc không ngờ, vội ở giường nhẩy dạy, hỏi là việc gì. Thấy người vú kêu nói rằng: « Có chiếc tầu đập vào rẫy đá, không cứu mau thời đắm mất! » Mạc-sinh gắt lên, bảo rằng: « Chỉ quấy bận người ta thôi! Tầu đắm hay không đắm, không việc gì đến vú. Đi ngủ ngay đi! » Nói xong, lại kéo chăn nằm, mặc-kệ cái tàu đắm. Mạc-Biên-Địa-Thuận không phải là người nhẫn, không phải là người lười, không phải là người hèn, không phải là người vô-tình, không phải là ngừời chỉ giữ cái chủ-nghĩa ích mình, vậy thời sao mà tự-nhiên được như thế? Nguyên triết-lý của người ấy, theo về phái chán đời, cho là: « Người ta ai cũng có chết, cái chết thật là chỗ hết của đời người. Sống là gửi, chết là về; sống cũng có vui gì, chết cũng có thương gì. Huống chi những người kia đương ở trong cái tầu gần đắm, phần sợ hãi đã chịu đến quá nửa, nhân thế mà ngủ dài luôn một giấc, không phải ở lại đời mà chịu thêm những cái đau khổ, như thế chẳng hay lắm du? Vớt lên mà làm cho sống, ở những người ấy có ích gì. Đời người đều có một cái chết, bây giờ may mà không chết, rồi sau cũng vẫn cứ phải chết. Bây giờ vớt những người ấy cho ra khỏi cái chết, chỉ làm cho những người ấy sẽ lại phải nếm thêm cái vị đau khổ trong khi gần chết một phen nữa. Sao bằng để cho họ chỉ phải chịu một lần đau khổ mà chết, chẳng bớt được bao nhiêu cái phiền não sau này du? Cho nên mình bây giờ lật-đật chạy ra mà cố vớt cho họ khỏi chết, thật là sinh sự lôi-thôi. » Mạc-Sinh đương tựa gối lờ mờ ngủ mà nghĩ về các nghĩa trong triết-học, bỗng nghe đoàng một tiếng, động đến tâm-thần, biết là cái hiệu cáo-cấp của chiếc tầu đương bị đắm. Nghe một tiếng ấy, nhà triết-học cũng không thể gan được nữa, mới sóc áo đứng dậy.

Mạc-Sinh đứng dậy, không phải là có ý ra cứu người, chẳng qua ra xem cái tầu ấy ra làm sao. Bấy giờ mới ung-dung mặc quần áo, lấy cái điếu hút thuốc lá, bỏ đầy thuốc, đốt lửa ngậm vào mồm, rồi mở cửa đi ra. Cánh cửa vừa mới mở, gió ở ngoài kêu hót, giời tối đen như mực, thuốc ở trong điếu theo gió bay lên, như một đường tơ đỏ, kéo lên đầu góc nhà mà tản đi. Mạc-Sinh lấy tay áo che mắt, từ-từ đi ra. Nghe tiếng sóng dần-dần càng to, biết là đã gần đến mé bể. Cầm nghiêng mũ giơ lên đằng trước trán, để ròm xem tình trạng trên mặt bể. Chỉ nghe thấy tiếng gió với nước đánh vào nhau, tối đen xì, chẳng biết cái tầu bị đắm ra làm sao. Bấy giờ nhận hướng cái rẫy đá, rờ trong tối đi ra; đương đi lờ-rờ có cái ánh sáng xanh biếc ở mặt bể chiếu lại, làm cho Mạc-Sinh tự-nhiên cũng hăng-hái. Một lát, cái ánh sáng chuyển quanh, soi khắp cả trong bến, quả-nhiên thấy một cái tầu nhớn nằm gác lên ở giữa rãy đá. Cái ánh sáng chính ở trên mạn tầu chiếu ra, tức là cái hiệu để báo-cáo bị đắm. Tầu cách bờ bể ước chừng hai trăm thước Anh, ở trong bờ xem ra, những người đứng trên tầu có thể đếm được cả. Cái tầu có hai cột, những đồ trang-thiết dự-bị trông nhiều cái không phải của nước Anh, biết là một cái tầu nước ngoài. Sóng cao như núi, đằng trước đánh, đằng sau đánh, hột nước phùn bắn lên, các người trên tầu như đứng trong mưa cả. Hơn mười người thủy-thủ, tay đều nắm vững lấy giây thang, miệng kêu to để cầu-cứu, tiếng đã khàn, sức như gần hết, bộ-rạng rướch thế-thảm; trong có năm sáu người nghển đầu trông lên bờ, như là trông thấy Mạc-sinh đứng ở bờ mà vẫy tay cầu cứu. Lại có một người cao nhớn, không vào hạng với những người kia, đứng riêng ra một chỗ ở gần cái xà-lan mà nhìn lên bờ, dáng rất nghiêm-nghị trầm-trọng, như không có sợ-hãi chút nào. Mạc-sinh rất lấy làm kính-phục. Phút chốc, một cái sóng rật-mình như cái bình-phong đổ lộn, thân tầu đã chìm mất; thoáng mắt lại như một con cá thật nhớn nổi lên ở mặt nước thời thấy cái cột ở đằng trước tầu đã gãy, hơn mười người thủy-thủ đã không thấy tăm bóng đâu cả. Một người cao nhớn kia, toàn thân ướt hết, vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, khôrg hề động mình. Sóng đánh chìm, gió đánh bạt, tự kẻ kia coi như không có gì. Trong thiên-hạ có người con giai thú tuyệt đến như thế, Mạc-sinh trông thấy, không xiết nỗi phục thầm. Chính trong lúc đương nhìn, thấy thân tầu dần dần chụt về đằng sau, những tiếng lát-chát ở dưới nước đưa lên thời là thân tầu cùng những chòm đá nhọn đánh vào nhau vậy. Người con giai can đảm ấy, lúc bấy giờ mới chạy vội lại đằng cột sau, lấy một cái túi nhớn, mở ra, đem cái vật đựng ở trong túi để ra ngoài. Cái vật đó là gì? Té là một người con gái! Ấy mới lại càng lạ! Mạc-sinh lại cứ đứng im mà xem cho thật hết.

Chỉ thấy người con giai nhìn mặt vào người con gái, như có nói những câu gì; bỗng ôm lấy người con gái ấy, làm cái cách yêu nhau một lần sau cùng. Không ngờ người con gái kia cố sức trống lại, lại lấy tay đánh vào trán người con giai, miệng nói nhời gì không nghe thấy, thực-tình không biết ra làm sao; nhưng chỉ là chán ghét người con giai thời có thể đoán được. Người con giai lại cứ đến gần, cưỡng ôm lấy mà hôn vào trán. Cái môi người con giai chưa lìa khỏi cái trán người con gái thời cái sóng nhớn như núi đã lại đánh ngang lên sườn tầu, một đôi giai gái ấy thôi đã chìm cả theo làn sóng. Người con giai, thân dẫu chìm ở trong sóng, còn giơ được hai tay đỡ người con gái lên trên mặt nước. Một lát, sóng hơi lui, cái tầu lại nổi lên, chỉ thấy người con gái mặc đồ trắng, nằm ruỗi thẳng ở dưới cái cột buồm; còn người con giai kia đã đâu mất, hẳn đã theo hơn mười người thủy-thủ trước kia, cùng về nơi thủy-phủ vậy. Cứ lấy tình-thế đó mà lượng, cái tầu một lát nữa sẽ đắm hẳn, người con gái đó cũng không có nhẽ nào mong sống được một mình, sẽ lại cũng theo cái tầu ấy chôn vào làn nước nhớn, chỉ trong một nháy mắt. Ôi! cũng đáng thương vậy.

Dẫu vậy, người ta ai chẳng chết, chết là một sự thường. Theo nhẽ tự-nhiên mà chết thời còn có cần gì. Tự nhà triết-học hiểu thấu đạo-lý kia, có đâu trông thấy thế mà động lòng thương-sót. Tự nhẽ chính thời thực có như thế, song tình con người ta thường không đúng với nhẽ. Phàm là người, ai cũng có cái cảm-tình như nhau. Cái cảm-tình như nhau ấy đã khích-động, có thể khiến cho người ta phát-sinh cái nhiệt-tình phi thường, thường có khi quên hẳn thân mình, cố chết để cứu-vớt người khác ở trong cơn nguy-khốn. Mạc-Biên Địa-Thuận dẫu là nhà triết-học, cũng chỉ cùng là một con người, từ lúc thụ-sinh, đã nhận cái chất của giời cho, rễ ràng mầm nhú, không làm mất đi được. Nay bị cái tình-cảnh thương thảm ở thế-gian, thứ-tự tiếp-súc, ngấm dần vào cái mầm cái rễ ấy, máu nhiệt-thành xông lên, sức triết-lý không cầm lại được nữa. Tức-thời chạy vội ra bến bể, kéo cái thuyền con vẫn buộc ở trên cát, đem thả xuống bể, đập mạnh rầm bơi ra. Chiếc thuyền con mảnh yếu mà đi lên trên làn sóng to, quả có như ý được hay chăng? Mạc-sinh đương trong cơn nhiệt-thành, cũng không kịp tính đến; đến lúc cái thuyền bị sóng đè lấn mà mới hiểu sự-thế thực không hợp, Song chiếc thuyền con đã vào làn sóng nhớn, Mạc-sinh cũng không được có quyền chủ-trương. Thuyền phút chốc dâng cao lên, quay lóc ở trên ngọn sóng cao hàng trượng; phút chốc hút thấp xuống, xoáy tít ở dưới luồng nước sâu. Thuyền cách bờ đã vài mươi trượng, người vú ở trong thở hộc chạy ra, cố gọi bảo quay vào. Song thuyền càng theo sóng càng ra xa, Mạc-sinh cứ cầm vững lái, trông vào cái tầu đương đắm mà cho đến. Sóng nhớn đưa mạnh, thuyền con đi nhanh, không mấy chốc đã tới gần cái tầu bị nạn ấy. Ngẩng đầu lên để trông, đèn lửa trong tầu vừa đã tắt hết cả, tối đen như mực, tình-cảnh ở trong ấy không biết ra làm sao. Đương trong lúc nghi ngại, chợt như có cái gì chạm vào ở cạnh thuyền, thò cánh tay xuống xem thời hình như là người. Hết sức vớt lôi lên thời ấy là người con gái ấy. Lúc ấy lại bẻ lái quay lại, lại theo sóng gió đưa vào cho đến bờ, thuyền dạt lên trên bãi cát. Vội ôm người con gái nhẩy ra. Vú già cũng vui mừng chạy đến.

Đương cơn gió bão, cưỡi chiếc thuyền con mà cợt bỡn với bể, vậy mà được sống mà về, lại cứu được người mà đem về. Ấy hoặc là người ta đều có số mạnh ru? Hay là lòng giời giúp người có lương-tâm, có can-đảm mà cho được thế ru? Những sự hú-họa mà thành công, dẫu không thể trông gương mà bắt-chước; song người ta nghĩ đó mà cũng không nên rút-rát sợ chết cho lắm, sức can-đảm đã yếu thời lương-tâm cũng khó mạnh mà lúc đã chết thời có khi chết đuối ở đọi đèn. Mạc-sinh ngồi nghỉ thở một lúc, rồi xem đến người con gái thời như đã chết; để tay vào bụng, chỉ thấy còn hơi động. Bấy giờ cùng người vú cố khiêng về đến nhà; vú vội đốt lửa, để người con gái nằm ở cạnh, lấy khí nóng cho hồi sức. Mạc-sinh giao công-việc coi-sóc cho người vú, rồi lên gác, kéo chăn để nằm ngủ. Đương lờ-mờ ngủ, thấy có tiếng gõ cửa gọi, tỉnh dạy, hỏi là ai. Ở ngoài nói rằng:

— Đã sống lại rồi.

— Thế à?

— Một người con gái ít tuổi, trông xinh lắm.

— Thế à?

— Ông xuống ngay mà xem.

— Thôi, biết rồi, hãy cứ đi ngủ đi.