Bước tới nội dung

Tản Đà tùng văn/Tình lụy/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Tình lụy, V của không rõ, do Tản Đà dịch

V

Một hôm, Mạc-sinh dạy sớm, lấy chiếc thuyền con ra chơi bể, quanh vào, ngồi chơi ở trên hòn đá. chợt có một người ở đâu đến thời là Đại-Giải-sinh. Mạc-sinh nghĩ riêng trong bụng rằng: « Cái thằng này, nó cứ lẩn-khuất ở đây mãi, thật đáng ghét đáng chán. » Giả làm như không biết, đứng dạy để đi ra thuyền định về. Đại-Giải-sinh vội đi đến trước mặt, nói rằng: « Xin ông hãy đứng lại một chút. Tôi có câu chuyện muốn được thưa với ông.

Mạc-sinh làm ra bộ chán ghét, hỏi lại rằng: Có câu chuyện gì?

Đại-Giải-sinh chỉ êm-dịu nói rằng: Xin ông hãy nghe cho. Ông cũng không nên cự-tuyệt tôi quá.

Mạc-sinh nhất-định trong bụng, không nghĩ lại gì cả, nói rằng: Câu chuyện ngu-si vô-ích, tôi đây không muốn nghe làm gì.

Đại-Giải-sinh tức lắm, nói rằng: « Ngu-si à?! » Rồi lại đấu-dịu ngay mà nói rằng: Trong thế-gian thật ít thấy có người như ông. Tính-cách người Tô-cách-lan, tôi dẫu không biết được hết, nhưng thật cũng không thấy có ai như ông. Hai người đánh cá vớt tôi lên, chẳng qua là những người ở nơi quê mà tình-tính dễ chịu; ông là người trong hạng sĩ-phu sang-trọng mà ăn nói cục-cằn, thật không ai ngờ đến như thế.

Mạc-sinh không đợi nói hết nhời, cự lại rằng: Tính-khí tôi thế nào, là giời sinh ra tôi như thế, có việc gì đến anh! Bảo thật anh: tôi trông thấy mặt anh, thật tôi chán quá! ghét quá!

Đại-Giải-sinh nghe câu nói ấy, ngẩn người ra một lúc, lại nói rằng: Ông thật có một cái tính lạ. Tôi không thể nào mà hiểu được cái tính-chất của ông. Nhưng tôi nghĩ kỹ ra thời tất vì cái cớ con Thọ-Mỹ mà ông coi tôi như cừu-địch đến thế. Quả thế thời ông nhầm. Nay tôi muốn đem hết sự-tình từ trước mà nói để ông rõ; song những nỗi khổ-tâm, liệu không phải một vài câu nói có hết được. Nghĩ ra thời thực cũng có vì ông làm ngăn-trở, khiến cho tôi phải sầu-bi. Tôi nếu vì muốn được người con gái mà cùng ông quyết một phen sống chết, cũng không có khó gì; song tôi là người biết điều, tôi không làm sự phi-lý như thế. Vả chăng ngài lại là một vị ân-nhân cứu vớt được Thọ-Mỹ cho tôi thời tôi lại nên phải cảm ơn ngài lắm, không dám có bụng nghĩ hơi làm hại đến ngài. Nay chỉ muốn kêu với ngài, mong ngài xét cái khổ-tình của tôi, giao giả người con gái ấy về cho tôi. Mong ngài suy cái bụng từ-bi đã cứu-vớt Thọ-Mỹ mà cứu vớt lấy Đại-Giải-sinh là tôi ở trong bể sầu khổ. Cái ơn sâu của ngài, không bao giờ tôi dám quên.

Ôi! Đại-Giải-sinh là một người con giai mạnh-bạo, đứng ở trên chỗ ghềnh to thác nhớn, xem sóng gió như đất bằng, chết đến cổ mà cũng như thường vậy; vậy mà nay vì tình sinh lụy, đến nỗi phải cúi đầu mềm dạ, thảm-thiết kêu van. Mạc Biên-Địa-Thuận chỉ cứ không nghĩ lại chút nào, một mực giả nhời rằng: Ông nói cũng có nhẽ của ông. Nhưng tôi thời bất-luận thế nào, quyết không đem người con gái ấy giao về cho ông được. Người con gái ấy sợ ông mà phải nương vào tôi, tôi dẫu không biết rõ ở trong có tình-tiết gì ra làm sao, song tôi là một người con giai, đã định lòng nhận cứu người ta thời không lại bỏ người ta được. Nếu không phải người con gái ấy tự bằng lòng thời không khi nào tôi để người ấy lọt vào trong tay ông. Người đàn-bà đó với tôi tuyệt không có quan-hệ, tôi nguyên không muốn để lâu ở trong nhà làm gì, sắp phải tìm hỏi nhà người ta ở đâu mà đưa cho người ta về. Vậy xin ông hãy về trước ở nước ông mà đợi. Ở đây chỗ đất ngoài biên-ải, chỉ những sóng bể cùng bãi cát, ông ở lâu, nghĩ cũng vô-vị lắm. Ông nên về ngay đi, sau lúc ông về, tôi sẽ đem người con gái này dao về cho dinh Lãnh-sự NgaTô-cách-lan, sẽ đưa về đến tận nước Nga cho ông. Sau này có hẳn thuộc về ông hay không thời tự ở người ấy với ông mà tôi không biết đến đấy nữa. Ông là một người con giai chững-trạc như thế mà đi làm những cái bộ dơ-nhuốc như thế, như tôi nghĩ thời thực đáng xấu-hổ. Còn như nói cho cùng thời tôi dẫu vì sự này mà chết, cũng làm cho trọn cái nghĩa-vụ của tôi đã nhận bảo-hộ người con gái ấy.

Mạc-sinh nguyên trong lúc ngày thường, ý-kiến thế nào thời nhất-định như thế. Anh chàng ta đã cho là phải, không bao giờ chịu bỏ ý mình mà theo người. Lại đến như hiểu vỡ chỗ sống chết, thật là cái bổn-lĩnh nhớn của hắn trong một đời người. Cứ cái bổn-lĩnh ấy, cho nên ngôn-luận rất là nghiêm-chỉnh, không thể ai dám nhàm. Đại-Giải-sinh lúc ấy không biết làm thế nào, chỉ lại nói rằng: Cố chết để bảo-hộ người con gái ấy, quyết không giao giả về cho tôi, ý ông như thế là thế nào thế? Hay là ông sợ rằng người con gái ấy nếu vào trong tay tôi thời sẽ bị tôi làm tàn-nhẫn? Quả vậy thời xin ông không phải lo quá đến như thế. Tôi vì yêu người con gái ấy mà đến không tiếc cả thân-mạnh, thế thời còn có bụng nào đãi người ấy tàn-nhẫn. Xin ông đừng lo quá như thế. Còn ngoài ra thời cũng không có cái nhẽ gì, cái cớ gì mà nói nữa.

Mạc-sinh nghênh mặt mà nói rằng: có nhẽ gì, cớ gì hay không, ta cũng không cần biết làm gì.

Mạc-Biên-Địa-Thuận chỉ cứ cả vú lấp miệng, còn như khúc, trực, thị, phi, không xét chi đến cả. Đại-Giải-sinh tức giận quá, đi gần lại nói rằng « Phải rồi! Tôi biết bụng anh rồi! anh định làm như thế, tôi không thể im đi được. » Lúc bấy giờ, Đại-Giải-sinh nắm chặt nắm tay mà hai hàm răng nghiến vào nhau, như sắp muốn chẹn cổ Mạc-Biên-Địa-Thuận mà cho một cái chết, nghĩ cho kẻ kia tổn phí mất bao nhiêu nhời nói, Mạc-Biên-Địa-Thuận chỉ cứ bỏ mặc bên ngoài tai. Tự Đại-Giải-sinh ngờ cho Mạc-Biên-Địa-Thuận đích có ý muốn cướp sống người con gái ấy. Yêu thời sinh ghen, sự ngờ đó tưởng lòng ai cũng vậy. Mạc-sinh thấy tình-trạng như thế, trong túi nhân có đem súng lục, rút ra cầm ở tay. Đại-Giải-sinh cũng lại thò tay vào túi áo để lấy, cái đó là súng lục hay dao nhọn chưa biết; nhưng chỉ quyết là sắp sẵn khí-giới để giữ miếng. Đến lúc rút tay cầm một cái ra thời không phải súng, cũng không phải dao, chỉ là một cái điếu hút thuốc lá. Bỏ thuốc vào điếu, đánh lửa, hút. Mạc-sinh trông thấy cách cử-động bình-tĩnh như thế, cũng cảm phục kính sợ

Hút thuốc xong, êm cơn giận, lại ngọt nhời nói rằng: « Tôi, họ là Đại-Giải-sinh, đã thưa ông biết tên thời là Hữu-Quất, là người ở Hối-lan-đắc nước Nga. Tôi vẫn làm nghề đi buôn tầu, cho nên thường đi ra ngoài, trong thế-giới gặp chỗ nào cũng là nhà cả. Trước chỉ chuyên buôn bán ở A-kham-khắc-nhĩỐc-tư-đắc-lợi-á, đi lại vô thường, dẫu không lấy chỗ nào làm chỗ ở nhất-định mà thường ở A-kham-khắc-nhĩ nhiều hơn, A-kham-khắc-nhĩ gần là một nơi cố-hương thứ hai của tôi. Trong khi tôi ở đấy, cùng người con gái này biết nhau, đã cùng nhau thệ-ước làm vợ chồng, duy chỉ chưa làm lễ cưới. Tôi nhân vì việc buôn đi Na-uy, chuyến buôn ấy được lãi hơi khá, xuống tầu về nước để định ngày kết-hôn. Khi tầu về gần bờ thời nghe người đồn nói Thọ-mỹ đã đương cùng một người con giai làm lễ cưới ở nhà thờ. Tôi bấy giờ người như phát điên, đem ngay tám người thủy-thủ, ngồi một chiếc thuyền nhỏ bơi vào bờ, chạy thẳng đến nhà thờ, cướp Thọ-mỹ đem chạy. Từ đấy bỏ A-kham-khắc-nhĩ mà đi. Trong khi ở tầu, tôi để Thọ-mỹ ở vào cái buồng riêng của tôi mà tôi thời cùng ở với tám người thủy-thủ. Nghĩ rằng Thọ-mỹ xưa đã cùng tôi có thệ-ước, nay có nhẽ theo nhời ước cũ thời đi đến cõi đất nước Anh hoặc nước Pháp, làm lễ kết-hôn. Mỗi ngày dương buồm mà đi, đến Na-uy, lại đến Đức-ý-chí; không ngờ người con gái đó chỉ cứ khăng-khăng một dạ, ngày đêm nhớ kẻ kia không quên.

Ngày độ nọ phải trận gió làm hại, đã tan nát mất chiếc tầu của tôi khốn-khổ trong nửa đời người mới kiếm được; lại người con gái đó cũng mất. Tôi dẫu sống xót, nỗi khổ không biết là nhường nào, Sau được thấy ông nói người con gái đó hãi còn sống và ở tại nhà ông, lúc ấy tôi vui mừng quá thể, không còn nghĩ gì nữa mà tự-tiện chạy ngay đến. Đến đấy thời tôi lại thương tâm quá về nỗi Thọ-mỹ đã quên hẳn tình trước, lại nương vào ông là một người không từng quen biết mà để chống với tôi. Nghĩ như con rắn độc, con thú dữ, được tôi lấy nhiệt-thành sử-đãi, cũng còn nên biết cảm; Thọ-mỹ con người như thế mà không có cảm-động chút nào, đối với tôi lại đem lòng chán ghét. Tôi cũng không biết nhân-quả ra làm sao. Nhưng dẫu người ấy muốn chán tôi, ghét tôi đến thế nào mặc lòng, tự tôi thời không thể quên được.

Mạc-sinh nghe nói, nghĩ cũng thương về nỗi ngu, bảo lại rằng: Ông làm gì mà phải thế. Bỏ đi thời đã sao, chỉ vì một người con gái mà phí nhời đến bao nhiêu. Được thỏa lòng yêu thời làm gì! Chẳng được thỏa, cũng có làm gì! Như dại như ngây, làm những cái bộ-rạng xấu-xa, nghĩ thật không đáng một đồng xướch. Vả chăng việc ấy không có thể nào mong cho hòa-hợp, tự ông đã không tỉnh ra, tôi phải bảo cho ông cái cách để mà tỉnh.

— Là cách gì?

— Chỉ có tự-tử đi.

— Ông bảo tôi tự-tử à?

— Phải lắm.

Mạc-sinh cứ nói tự-do không cần gì. Đại-Giải-sinh thời không xiết nỗi tức giận, nhưng cũng cố đè nén đi mà nói rằng: Tôi không phải có sợ chết mà không tự-tử được. Nhưng ông thử nghĩ nếu ông sử vào cảnh tôi, đương thế này mà chết, chết có nhắm mắt được không?

— Ông ngu quá lắm! thật tôi không ngờ đâu đến thế. Người như ông thời còn đủ nói chuyện gì nữa. Thôi, tôi đi đây.

Mạc-sinh nói xong, đi ra xuống thuyền Đại-Giải-sinh vội theo sau nói rằng: Những nhời của tôi đã nói với ông hết cả rồi. Mong ông nghĩ lại cho tôi được xong cái việc ấy.

Mạc-sinh làm như không nghe tiếng, vội ẩn thuyền ra cho mau, một mình nói riêng rằng: « Người như thế, thật không thể nào dạy được nữa. »

Thuyền đi đã xa, trông lại Đại Giải-sinh, còn ngây người đứng trơ ở trên bờ, như mất trí khôn.