Bước tới nội dung

Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An
(Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn ra làm Hiệp trấn Nghệ An)

của Nguyễn Du

Ngô Nhữ Sơn tức Ngô Nhân Tĩnh, tự Nhữ Sơn, nguyên người Trung Quốc, sinh ở Gia Định, thành người Việt Nam. Ông học giỏi, hay thơ, thời Gia Long có đi sứ Trung Quốc, được nhân sĩ Trung Quốc ngợi khen. Tháng giêng năm Gia Long thứ 10 (1811), ông đang làm Tham tri Bộ Hộ ở Huế thì được bổ Hiệp trấn Nghệ An. Lúc bấy giờ Nguyễn Du đang làm Cai bạ ở Quảng Bình, có bài thơ này tiễn ông.

Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

Cẩm La giang thượng khấu chinh an[1],
Bái hội phi nan, tích biệt nan,
Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc[2],
Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan[3].
Nhân tòng đạm bạc tư vi chính,
Thiên vị kiềm lê bất phóng nhàn.
Bắc vọng Hồng Sơn khai đức diệu,
Thiên nhai cử tửu khánh hương quan.

Trên sông Cẩm La, ngựa đi dừng lại.
Gặp nhau không khó, từ biệt nhau thì lại khó.
Văn chương ông khác nào văn chương tám nhà cổ văn lớn của Trung Quốc làm tăng vẻ đẹp hai nước.
Mưa móc ông chở đầy xe sẽ thấm nhuần cả châu Hoan.
Tính đạm bạc của ông sẽ thể hiện vào chính sự.
Vì dân nghèo, trời chưa cho ông được an nhàn.
Trông về non Hồng ở phương bắc, thấy ngôi sao nhân đức hiện lên.
Từ phương trời xa, tôi nâng cốc chúc mừng quê hương tôi.

   




Chú thích

  1. Cẩm La: không rõ sông này ở đâu, có lẽ ở Quảng Bình, vì Nguyễn Du gặp Ngô Nhữ Sơn ở Quảng Bình.
  2. Bát đại kỳ văn: văn chương của tám nhà cổ văn lớn đời Đường Tống. Hoa lưỡng quốc: làm đẹp hai nước, chỉ nước ta và Trung Quốc.
  3. Năm ấy, dân Nghệ Tĩnh đói kém. Câu thơ này ý nói: Ông sẽ thi hành chính sách tốt, nhân dân Hoan Châu sẽ được nhờ như cây cối gặp mưa mọc được tốt tươi.