Bước tới nội dung

Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 9 & 10 (16 Juillet 1939), trang 769 – 775; số 11 (16 Aout 1939), trang 871 – 877.

Người ta hay nói tục ngữ luôn với phong dao. Nhưng hai thứ đó khác nhau cả về hình thức và về tinh thần. Nay hẵng xét về tục ngữ trước.

Tục ngữ hay ngạn ngữ là những câu ngắn, ghép từ bốn chữ giở lên đến mười mấy chữ là cùng, mỗi câu có một ý nghĩa dạy về luân lý thông thường, mà không rõ tác giả của nó là ai.

Thật thế, mỗi một thứ tiếng trên thế gian đều có những câu tục ngữ mà không biết ai đặt ra cũng không biết lưu hành từ đời nào. Người ta cho nó là những điều từng trải của cả một dân tộc đã được thể hiện ra bằng lời nói, và, sau khi lọc lõi, đã được công nhận là đúng rồi mới lưu truyền lại.

Không nên lẫn lộn tục ngữ với “thành ngữ”. Trong thứ tiếng nào cũng lại có những lời lập thành, tiện dụng trong khi nói hoặc viết, hình thức của nó không khác tục ngữ mà thực ra không phải tục ngữ. Những lời ấy có tên riêng là thành ngữ. Không gì tiện bằng theo cái nguyên tắc này để phân biệt hai thứ ấy: hễ câu nào có ý nghĩa về luân lý hoặc cạn hoặc sâu mới là tục ngữ; còn câu nào để diễn đạt một ý tưởng hình dung một trạng thái thì chỉ là thành ngữ mà thôi. Vậy những câu như: Bỏ chín làm mười; Nợ hư chúa Chổm; Trông như trông mẹ về chợ,... đều là thành ngữ không phải tục ngữ, vì chính nó không có dạy ta một luân lý nào.

Lại cũng không nên nhận cho “phương ngôn” tức là tục ngữ. Hai danh từ này khác nhau xa lắm, bởi nó là hai vật. Phương ngôn để chỉ những tiếng nói riêng của một xứ một miền đồi với “quốc ngữ” là tiếng nói chung của một nước. Vậy như trong tiếng ta, cha, mẹ là quốc ngữ, mà ở Bắc Kỳ cũng có gọi cha bằng bố, gọi mẹ bằng bầm, bằng u, Nam Kỳ cũng có gọi cha bằng tía, gọi mẹ bằng thế thì những tiếng bố, bầm, u, tía, má đều kể là phương ngôn của hai xứ Bắc và Nam Kỳ. Phương ngôn chỉ là một danh từ để phân biệt về tiếng nói như vậy thì rất không đáng đem mà hiểu làm một với tục ngữ vậy.

*

* *

Tục ngữ nước ta theo hình thức mà chia, có hai loại: một là những câu không vận, một là những câu có vận. Những câu không vận về phần ít, như: ngọt mật chết ruồi; nương đâu nát giậu đó; ăn trái nhớ kẻ giồng cây v.v... đại khái đều là những câu không quá mười chữ.

Những câu có vận lại chia làm hai: một là yêu vận, vận ở giữa lưng câu; một là cước vận, vận ở cuối câu. Như: ăn xưa chừa nay; ăn cây nào rào cây ấy; chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn: vận ở những chữ xưa, chừa, nào, rào, nhà, gà, đều ở giữa lưng câu. Lại như trèo cao té đau; chữ tài liền với chữ tai: đau ở cuối câu vần với cao, tai ở cuối câu vần với tài.

Tục ngữ dùng cước vận thuộc về phần rất ít. Hầu hết những câu có vận đều dùng yêu vận, nhất là những câu dài. Như: cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa; khôn cho người ta giái, dại cho người ta thương, đừng lương ương người ta ghét.

Tục ngữ có vận, cái đó hình như cũng là một cái đặc sắc của tục ngữ nước ta. Trong tiếng Tàu hay tiếng Tây tục ngữ phần nhiều không vận mà có vận lại là phần ít.

*

* *

Theo tính chất mà chia, tục ngữ có hai loại: một là quan hệ với luân lý, một là quan hệ với lịch sử. Loại trước thuộc về phần nhiều, loại sau chỉ là phần ít.

Trong loại tục ngữ quan hệ với luân lý lại có thể chia làm hai hạng: một là những câu bản lai nó là tục ngữ; một là những câu vốn là câu thơ mà về sau thành ra tục ngữ. Hạng trước tức là tục ngữ thường, không phải giải thích; chỉ giải thích hạng sau.

Trong tiếng Pháp có những tục ngữ vốn là câu thơ của thi nhân nào đó bởi truyền tụng lắm mà về sau thành ra, người ta gọi là “des vers passés en proverbes”, thì trong tiếng ta cũng vậy. Như câu chữ tài liền với chữ tai vừa kể trên và câu khi nên trời cũng chiều người nguyên là câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà bây giờ đã trở nên tục ngữ rồi. Lại câu thương người khác thể thương thân, người ta thường nhắc đến, ai cũng tưởng là tục ngữ bản lai chứ không ngờ nó vốn là câu trong Gia huấn ca của Nguyễn Trãi. Ấy cũng như câu dẫu xây chín cấp phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người, là một câu trong truyện Quan Âm Thị Kính mà ngày nay đã trở nên câu phong dao, đàn bà trẻ con dùng làm câu hát thường.

Còn những tục ngữ có tính chất lịch sử, tức là những câu được đặt ra do một việc nào đó xảy ra có quan hệ đến quốc gia xã hội, bắt đầu lưu hành ở nhất thời mà mãi về sau lưu truyền đến hậu thế. Những tục ngữ thuộc về hạng này không phải hiếm, chỉ vì sử sách thất truyền, nên bây giờ ta khó mà tìm ra lai lịch đó thôi.

Thôi kể ra đây một ít câu có quan hệ với lịch sử gần nay. Lúc Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc vào Nam khuyên Nguyễn Văn Huệ đem binh ra đánh Bắc, thì người Bắc đều mắng Chỉnh là thằng cõng rắn cắn gà nhà. Lúc Nguyễn Văn Nhạc cùng Văn Huệ là em ruột đánh nhau tại Quy Nhơn, Nhạc ở trên thành nói xuống với Huệ rằng: “Nồi da xáo thịt, lòng em sao nỡ!” Người ta cho hai câu tục ngữ ấy bởi hai việc trên lịch sử ấy mà thành ra.

Tuy vậy, hai câu ấy còn có thể ngờ được rằng nó vốn có từ xưa mà trong lúc đó được đem ra dẫn dụng; chữ đến những câu này thì mới tin được rằng quả bởi thực sự đương thời mà sinh ra.

Dưới triều Chúa Nguyễn Duệ Tôn,[1] Trương Phước Loan làm Quốc phó, nắm cả binh quyền trong tay, làm ra nhiều việc tham tàn bạo ngược, nhân dân trong xứ vì oán họ Trương mà không phục cả triều đình. Thừa dịp ấy, anh em Nguyễn Nhạc dấy binh đánh Phước Loan, nhân “bắt cóc” được Hoàng Tôn Dương đem về tôn làm minh chủ để hiệu lệnh trăm họ, nên người bấy giờ đều hướng về Tây Sơn mà không tự biết.

Mỗi khi quân hai bên kéo đi đánh nhau ở đâu, người ta bảo nhau rằng: Binh triều, binh Quốc phó; binh ó binh Hoàng Tôn, thế rồi câu ấy trở nên câu tục ngữ lưu hành trong một thời và, đến bây giờ còn chép trong sử sách (bình ó là binh không có huấn luyện kỷ luật gì, chỉ đông người la ó lên, như nói “binh ô hợp”).

Trong vòng ba mươi năm nay ở xứ ta cũng có hai việc lớn quan hệ về quốc gia, tức là vua Thành Thái bị phế và lăng vua Dực Tôn bị phạm, thì do đó đã sinh ra câu tục ngữ phế quân không Khả, đào mả không Bài. Bởi việc này gần đây có nhiều người biết rõ nên ở đây không cần tường thuật làm chi.

Những tục ngữ có tánh chất lịch sử ấy không có công dụng bằng những tục ngữ thông thường. Trong khi nói chuyện hay làm văn người ta có thể trưng dẫn những tục ngữ thông thường để làm chứng cho lời lẽ của mình được; nhưng đến tục ngữ có tánh chất lịch sử thì chỉ khi nào nhắc đến đoạn lịch sử có quan hệ với nó mới trưng dẫn được mà thôi.

Tôi muốn kết thúc đoạn trên này bằng một cái biểu phân loại cách sơ lược hầu cho tỉnh mắt độc giả:

TỤC NGỮ Hình thức Không vận Yêu vận
Có vận Cước vận
Tánh chất Luân lý Bổn lai tục ngữ
Lịch sử Thơ biến ra tục ngữ

*

* *

Phong dao tức là những câu hát người ta thường hát trong khi làm cỏ, hái dâu, chèo đò, giã gạo, ru em... Nó làm bằng thể lục bát, là một văn thể riêng của tiếng Việt Nam; ngày nay muốn tìm nguồn gốc của lục bát ở đâu ra mà tìm không được, rốt cuộc chúng ta phải nhận những câu phong dao là tổ của văn thể ấy. Cái danh từ ấy do chữ Hán: phong là phong tục, dao là hát. Vậy phong dao là những câu hát mà trong đó có ghi lấy ít nhiều dấu vết của phong tục trong một nước hoặc một miền.

Phong dao cũng như tục ngữ, không rõ ai là tác giả. Phần nhiều câu phong dao chuyên một mặt tả tình. Đại khái đời xưa có những người nhân việc gì cảm xúc, bèn đặt ra câu hát để tả tâm tình của mình; mà rồi câu hát ấy lọt vào tai những người khác cũng cảm được tâm tình của họ, thành thử đắp đổi truyền miệng cho nhau và lưu hành đến ngày nay.

Thử cử ra một câu làm lệ:

Ngó lên ngó xuống thì vui,
Ngó về quê mẹ ngùi ngùi nhớ thương!

Câu ấy chắc bởi người nào vì ở xa mẹ mà làm ra. Nhưng cái lòng nhớ thương ấy ai ai cũng có nên ai ai nghe đến câu hát cũng phải biểu đồng tình và lắp đi lắp lại, ngâm nga phúng tụng như của mình đặt ra. Vả, phong tục của một nước có chuộng điều hiếu thảo, người ta có đồng tình cho sự thương mẹ là một nết tốt thì câu ấy mới được nhận là câu hát hay mà lưu truyền lại chứ. Thế thì câu hát chẳng phải ghi dấu vết của phong tục là gì.

Trong hạng phong dao tả tình ấy, những câu nói về trai gái hay vợ chồng chiếm một phần lớn, chẳng khác trong Quốc phong của Kinh Thi bên Tàu những bài thơ tình chiếm số nhiều. Phong dao cũng có những câu dạy luân lý, nói chính trị, từ quốc gia triều đình đến sĩ nông công thương, hầu hết mọi phương diện trong xã hội, chẳng nhiều thì ít, không có một phương diện nào là thiếu sót. Lại có những câu hát trẻ con là thứ phong dao có vẻ tự nhiên và ngộ nghĩnh vô cùng. Chưa nói đến cái hay, chỉ nói cái nhiều, cũng đủ thấy chỗ đặc sắc của phong dao xứ ta.

*

* *

Ngoài những câu quan hệ với phong tục, luân lý, phong dao còn có những câu giống như tục ngữ, có tính chất lịch sử nữa. Ấy là bởi thuở xưa, khi nhân dân trong nước đang tha thiết về một ý nguyện gì hay muốn kỷ niệm một việc chi, có kẻ nhân đó đặt ra câu hát mà rồi câu hát ấy được lưu truyền mãi đến ngày nay. Chính trong một câu phong dao đã gọi sự lưu truyền như thế là “ngàn năm bia miệng”! Thử kể một vài câu:

Nhông nhông ngựa ông đã về,
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.

Truyền rằng lúc vua Lê Thái Tổ khởi binh đánh đuổi người Minh, từ Thanh Hóa kéo quân ra Hà Nội, đóng binh tại bãi Bồ Đề là nơi bờ sông Nhị Hà về mạn Gia Lâm ngày nay, nhân dân hoan nghênh quân đội của ngài, vui lòng cắt cỏ nộp để ngựa ăn hàng ngày nên mới có câu hát ấy.

Lạy Trời mau thổi gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm chạy ra!

Đó là câu hát của dân gian xứ Thanh xứ Nghệ về cuối đời Tây Sơn, vì không chịu được chánh lệnh hà khắc của Nguyễn Quang Toản nên mong vua Gia Long mau mau đem binh ra cứu vớt mình khỏi cảnh lầm than.

Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm...

Đó là câu người ta ghi nhớ công ơn ông Nguyễn Khoa Đăng, quan Nội tán dưới triều chúa Hiển Tôn,[2] đã làm nên những việc tiện lợi cho dân được nhờ.

Có những câu phong dao tất nhiên có quan hệ về lịch sử mà vì lâu ngày sự tích thất truyền, làm cho ta đọc đến không hiểu nói gì. Như câu:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,
Con bế, con bồng, con dắt, con mang.
Bò đem húc lộn bò vàng,
Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông.
Thằng bé chạy về bảo ông:
Bò đen ta ngã xuống sông mất rồi!

Câu này thấy chép trong sách Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh,[3] ngày nay người đàng ngoài cũng thường hay hát đến. Nhưng nghĩa nó thế nào thật chưa hề có ai cắt được ra.

Còn có một thứ câu hát lưu hành trong một thời, ý nghĩa giống như một câu sấm, như một lời tiên tri, mà về sau cũng thường hay ứng nghiệm. Những câu như thế không gọi phong dao mà gọi là “đồng dao”.

Đồng dao nghĩa là câu hát của trẻ con. Luận về đồng dao, trong một cuốn sách xưa của người Tàu có nói rằng: “Khi trong nước sắp có sự biến loạn thì ngôi sao huỳnh hoặc trên trời sa xuống biến làm đứa con nít, truyền những câu hát ám chỉ về sự biến loạn sắp xảy ra. Những con nít khác bắt chước hát theo, rồi câu hát dần dần truyền khắp...”. Ấy là lời hoang đàng, không thể tin được.

Nhưng những câu đồng dao mà về sau được ứng nghiệm thì trong sách thỉnh thoảng thấy cũng có chép.

Như lúc Hậu Lê trẻ con hay hát câu này:

Tây sang rồi Tây lại về
Giặc đến Bồ Đề rồi giặc lại tan

Câu ấy đến hồi cuối Cảnh Hưng đầu Chiêu Thống thì đã được ứng nghiệm. Anh em Tây Sơn kéo binh ra Thăng Long rồi lại kéo về, và Tôn Sĩ Nghị đem mấy muôn binh đến đóng tại bãi Bồ Đề thì bị Nguyễn Huệ đánh tan vỡ mà chạy.

Lại trước đây đây xứ ta có lưu truyền câu này:

Bao giờ sen mọc biển Đông,
Cha con nhà Nguyễn ẵm bồng nhau đi.

Thì người ta cũng cho là đã được ứng nghiệm. Nó chỉ vào việc vua Thành Thái và vua Duy Tân bị đày ra hải ngoại trong lúc đâu đâu cũng thấy có một thứ bèo mà tục kêu là “sen Nhật Bản”.

Nếu những câu đồng dao quả có ứng nghiệm thì nó cũng là một cái hiện tượng lạ giữa vũ trụ và ở trong phạm vi học vấn của chúng ta, chúng ta không có thể cho là dị đoan mà không nghiên cứu vậy.

II

Phần trước lược giải về tính chất của tục ngữ phong dao. Đây nhẫn sau gióng theo từng đặc điểm của văn học mà chỉ rõ ra tục ngữ phong dao cũng có đủ những đặc điểm ấy để chứng minh rằng nó chiếm một địa vị rất cao trong văn học.

Người Việt Nam ta thuở xưa không có một quan niệm chân xác về văn học; vả lại lúc bấy giờ cái công cụ dùng làm văn học là chữ Hán, không phải quốc âm; thế mà trong tục ngữ phong dao lại trình bày ra đủ các ngón kỹ thuật về văn học: há chẳng phải là một sự lạ? Cho được cắt nghĩa điều đó, nếu chẳng nói là bởi cái sức hoạt động tự nhiên của một thứ ngôn ngữ văn tự hay là bởi cái bản năng của một dân tộc thì chẳng còn biết nói làm sao.

Ngày nay mỗi lần chúng ta nhắc đến những câu tục ngữ phong dao mà chúng ta cho là hay thấm thía, là mỗi lần chúng ta lặp đi lặp lại nó không nhàm và cứ nắc nỏm khen người xưa khéo đặt, chúng ta khen hay nhưng không hiểu tại sao mà hay. Ở đây tôi có dịp giải thích rằng một câu tục ngữ, một câu phong dao mà hay, là tại nói có hàm súc ít nhiều ý nghĩa về văn học chữ không có gì khác.

*

* *

Muốn thấy rõ điều đó, trước phải biết qua thế nào là cái ý nghĩa văn học.

Chúng ta nói hay viết bằng một thứ ngôn ngữ văn tự nào, là để biểu cái tình của mình, đạt cái ý của mình. Bình thường, sự biểu tình đạt ý chí cần cho vừa đủ hiểu nhau là được. Nhưng khi nào ta biểu tình đạt ý bằng một cách có lý thú hơn, xuất sắc hơn, làm cho ngoài sự hiểu nhau lại còn sinh ra mỹ cảm nữa, ấy là khi ta đã bước sang địa phận của văn hóa rồi.

Cái ý nghĩa văn học là thế đó. Nó là sự biểu tình đạt ý khác với bình thường, có lý thú, xuất sắc, làm nẩy được mỹ cảm.

Thử lấy một cái lệ chứng cho dễ hiểu. Khi ông đọc một bổn nhật ký, thấy dưới một ngày mùa đông, tác giả chép: “Hôm nay trời lạnh lắm; mặt trời lặn lúc năm giờ rưỡi chiều, thì ông có cảm tưởng ra sao?” Tôi chắc rằng ông hiểu tác giả muốn nói gì rồi, nhưng dễ thường không có một cảm tưởng gì thoáng qua trong khi ông đọc câu ấy hết, vì câu ấy không đủ sinh cho ông một cảm tưởng. Trái lại, cùng một ý muốn đạt mà câu thơ Xuân Diệu trong tập Thơ Thơ vừa xuất bản: “Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm” nếu ông có đọc đến, ông phải lấy làm khoái chá lắm. Hẳn ông cũng như tôi, đến câu ấy, phải ngừng lại một vài giây mà khen lao tác giả.

Thế thì rõ lắm rồi. Câu của bổn nhật ký là sự đại ý theo bình thường còn câu thơ Xuân Diệu là sự đạt ý đầy lý thú, xuất sắc, cảm được ông và tôi, chính nó là văn học.

Thâm hơn nữa, câu nhật ký là chất mà câu thơ Xuân Diệu là văn. Chất, phải nói theo sự thực, mặt trời lặn thì nói “lặn”. Còn văn, có thể nói sai sự thực, miễn không hại thì thôi, nên không nói “lặn” mà nói “đi ngủ”. Chỉ có người ta mới đi ngủ. Xuân Diệu làm mặt trời hóa ra người ta, đồng loại với ông và tôi nên chúng ta dễ cảm hơn.

Cho mặt trời đi ngủ cũng như cho con cáo biết nói, hòn núi biết gục đầu, những đóa hoa biết hôn nhau: ấy là một kỹ thuật của văn học, người ta gọi bằng nhân hóa hay nhân loại hóa.

Trong tục ngữ phong dao cũng từng có một đôi khi nhân loại hóa như vậy.

“Cơm tẻ mẹ ruột”, làm hột cơm ra một người thân thiết nhất với chúng ta: “nói như nói với đầu gối”, làm đầu gối ra một người dại.

Lại như: “Non xanh bao tuổi mà già, vì chưng sương tuyết hóa ra bạc đầu”. Khi chúng ta đọc câu phong dao này, không tưởng hòn núi là hòn núi nữa mà tưởng hòn núi là một trang thanh niên: một trang thanh niên vì đã trải qua nhiều cảnh gian nan ưu hoạn, làm cho trán nhăn tóc bạc đi, người già trước tuổi.

*

* *

Văn học còn có một kỹ thuật nữa là làm cho trong một câu nói, lời ít mà ý nhiều. Tục ngữ phong dao thật đã đạt được mục đích ấy.

Như: theo thường tình, những kẻ nào đương ở trong vòng hoạn nạn khốn đốn mà khai ra sự hoạn nạn khốn đốn của mình thì thường là nói thêm, nói gian, không thật. Cái ý hơi phiền phức, dông dài, khó biểu thị lắm, nhưng tục ngữ chỉ tóm lại trong bốn chữ “tù van đĩ khóc” là đủ rồi. Lại, theo thường tình, những người giàu, những kẻ làm quan sang thì hay mần ngơ với những việc xảy ra chung quanh mình, vì sự phiền lụy đến mình, không muốn can thiệp tới. Cái ý ấy, tục ngữ cũng chỉ phát biểu bằng bốn chữ “Giầu điếc sang đui” là đủ rõ.

*

* *

Văn học còn có một kỹ thuật nữa là làm cho những ý trừu tượng hóa ra vật cụ thể. Cái kỹ thuật này hệ trọng lắm. Vì cái gì cũng vậy, hễ nói là trừu tượng thì người xem phải nhọc trí lắm mới hiểu: mà đã làm nó ra cụ thể thì xem qua khắc hiểu, vả lại có phần thích thú hơn.

Như thương hại một người kia không có quyền lợi gì mà nhỡ gặp phải tai vạ lại là tai vạ lớn (như chức lý trưởng chẳng hạn). Ấy là một ý trừu tượng khó làm cho người hiểu một cách thân thiết. Tục ngữ bèn làm ra cụ thể mà nói rằng “Quyền rơm vạ đá”. Nhờ chữ “rơm” và chữ “đá” là vật có trước con mắt và sự khinh trọng của nó phản nhau, làm cho cái ý rõ rệt ra và trở nên đẹp đẽ thêm. Câu “miệng hùm gan sứa” cũng thế, cũng là một câu làm ra cụ thể do cái ý trừu tượng rằng khinh bỉ một người nào đó nói lời bạo dạn mà kỳ thật nhát gan.

Văn học còn có một kỹ thuật nữa là dùng lối phản ngữ, nghĩa là nói trái lại, vốn khen mà chê, vốn chê mà khen, tức tiếng Pháp gọi là “ironie”. Cái lối phản ngữ này thường thấy trong nhiều câu phong dao.

Như:

Ở đời Kiệt, Trụ sướng sao,
Có rừng nem béo, có ao rượu đầy.
Ở đời Nghiêu, Thuấn khổ thay,
Giếng đào mà uống, ruộng cầy mà ăn.

Mới nghe qua, như là tác giả hâm mộ đời Kiệt, Trụ và hờn ghét đời Nghiêu, Thuấn. Nhưng trái lại, tác giả nói thế chỉ để cho độc giả hiểu rằng cái khổ ấy mới thật là cái sướng, còn cái sướng ấy thật ra chỉ là cái khổ mà thôi.

Dùng phản ngữ đến như câu phong dao này mới thấy tài tình:

Đồn rằng quan tướng có danh,
Cỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
Ban khen rằng ấy mời tài,
Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
Đánh giặc thì chạy vào tiên,
Xông vào trận tiền cổi khố giặc ra.
Giặc sợ, giặc chạy về nhà;
Giở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

Làm một ông tướng đánh giặc, chỉ vì “cỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai” mà “có danh”, thì cái danh ấy nó to tát và xứng đáng là dường nào! Ông tướng đã thế thì “ban hai đồng tiền” và “mổ gà khao quân” là sự tự nhiên lắm!

Cũng chưa bằng:

Ngồi buồn đốt một đống rơm,
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào!
Khói lên thấu đến Thiên Tào,
Ngọc hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?

Tôi không biết cái tâm tư, cái trí não của người tác giả câu này làm bằng gì mà nghĩ ra được cái điều rất nỗi oái oăm đến thế! Đốt rơm thì thơm sao được mà lại còn phải nói “chẳng thơm”! Ra gì thứ đốt rơm mà cũng động phiền đến “Ngọc hoàng phán hỏi”! Ai từng trông thấy những cuộc cách mạng không đáng gọi là cách mạng mà cũng bị pháp luật trừng trị cho thẳng tay, thì mới biết câu phong dao này dùng một lối phản ngữ có ý sâu sắc đến bậc nào!

*

* *

Văn học còn có một kỹ thuật nữa là bỡn chữ, tiếng Pháp gọi là “à jeu de mots” nghĩa là dùng những chữ đồng âm dị nghĩa hoặc dị âm đồng nghĩa mà đối chọi nhau để nẩy ra một ý ngộ nghĩnh. Lối này thì trong phong dao ta hay dùng đến lắm.

Như:

Trăng bao nhiều tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
Đầu năm ăn quả thanh yên,
Cuối năm ăn bưởi, cho nên đèo bòng.

Tác giả khéo vận dụng những chữ: trăng già, núi non, thanh yên, bưởi, đèo bòng mà thành ra câu hay, chứ kỹ thuật trong đó không có ý nghĩa gì cho lắm.

Nhưng cũng dùng lối bỡn chữ mà như câu này thì hay đến tuyệt đích vì ngoài sự dùng chữ khéo léo còn có ý vị sâu cay:

Bà già đi chợ Cầu Đông,
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Ông thầy xem quẻ đoán rằng:
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn!

Văn học sử ta ngày xưa chuyên trọng về mặt kinh điển và điển cố. Về mặt ấy, phong dao cũng không chịu bỏ sót, có nhiều câu cũng lấy ở kinh, truyện, sử sách mà làm ra. Như những câu:

− Ai về nhắn họ Hy, Hòa,
Nhuận năm, sao chẳng nhuận và trống canh?
− Em là con gái kẻ Đằng,
Bên Tề bên Sở, biết rằng theo ai!
− Chuổi cùn cắp nách khăng khăng,
Có ai hỏi đến thì văng ngàn vàng.

Câu thứ nhất lấy ở Kinh thư; câu thứ nhì lấy ở Mạnh Tử; câu thứ ba lấy ở Cổ văn, nguyên văn bằng chữ Hán là “Gia hữu tệ trửu, thưởng chi thiên kim”.

Trong văn học của Tàu và của ta thuở xưa vốn chưa hề có cái thể truyện ngắn hay là đoản thiên tiểu thuyết. Thể ấy có ở xứ ta mới vài mươi năm nay do văn học Pháp truyền sang. Ta nên công nhận rằng cái bài Sống chết mặc bay của ông Phạm Duy Tốn đăng trong Nam phong là bài thứ nhất của văn thể ấy. Ấy thế mà, lạ lắm! Trong phong dao ta cũng đã có một vài câu in hệt như văn thể ấy, chỉ khác một điều là nó có vần!

Có nhiều người còn chưa biết truyện ngắn là gì hay là hiểu lầm nó. Họ tưởng đâu kể một chuyện gì có đầu có đuôi mà viết chỉ độ vài ba trang giấy, thế là truyện ngắn đó. Không phải.

Truyện ngắn là dùng ít chữ kể lấy một việc gì hay một tình tiết gì của một người hay một xã hội hay một thời đại mà là cái có đặc sắc nhất để làm cho biểu lộ cái cá tánh của người ấy, của xã hội ấy hoặc của thời đại ấy ra. Đó là phần tinh thần của truyện ngắn: còn làm bằng tản văn hay vận văn, phần ấy chỉ là hình thức.

Nếu hiểu như thế thì trong phong dao ta đã có cái truyện ngắn này rất hay:

Em là con gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè.
Ông Nghè sai lính ra ne.
− Trăm lạy ông Nghè: tôi đã có con!
− Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau!

Đó, tác giả chỉ lấy một ít tình tiết của một cô gái quê trong khi đi bán rượu đem kể cho ta nghe, chứ không phải là một sự tích có đầu có đuôi gì cả. Thế mà những nỗi bất bình trong xã hội Việt Nam dưới thời đại Tự Đức giở về trước, quan lại hoành hành ra sao, phụ nữ chịu áp bách ra sao, có phải đã trình bày hết thảy ra cho ta thấy không? Có ai tưởng được rằng trong những câu hát đầu đường xó chợ của dân quê mà lại có được ngòi bút tài hoa lại còn “kinh tế” nữa đến như vậy!

*

* *

Sau một hồi nghiên cứu về tục ngữ phong dao, tôi thấy ra nó có cái địa vị trong văn học vững vàng mà rực rỡ, như trong bài này tôi đã nói. Vậy tôi muốn có nhiều người nghiên cứu thêm nữa, có lẽ sẽ phát kiến nhiều cái trọng yếu và quý giá hơn nữa chăng.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chúa Nguyễn Duệ Tôn tức Nguyễn Phúc Thuần (ở ngôi: 1765-1775)
  2. Chúa Nguyễn Hiển Tôn tức Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi: 1691-1725), còn gọi là chúa Quốc.
  3. Vương Duy Trinh (? - ?) quan chức triều Nguyễn, tác gia 2 cuốn biên khảo chữ Hán Thanh Hóa kỷ thắngThanh Hóa quan phong (soạn 1903, khắc in 1904)