Thơ Tản Đà/19
Chơi Huế
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ;
Yêu em, anh cứ anh vô,
Kệ chuông nhà Hồ, mặc phá Tam-giang.[1]
Xe hơi đã tới đèo Ngang,
Ấy qua Hà-Tĩnh, đường sang Quảng-Bình.
Danh sơn gặp khách hữu tình,
Đèo Ngang ơi hỡi, là mình với ta.
Con cháu chúa, nước non nhà,
Không đi không lại nên ra lạ-lùng.
Dừng xe, lên đính ta trông,
Mặt ngoài bể nước, bên trong núi rừng.
Nhớ từ hoàng Nguyễn long hưng,
Cơ-đồ gây dựng cũng rằng từ đây.[2]
Giang san từ ấy đến nay,
Nào giăng mặt bể, nào mây trên ngàn.
Aỉ xưa bia cũ còn truyền[3]
Oai linh cảnh thắng, bàn-hoàn khách du.
Chiều xuân êm-ả như du,
Thuận xe lại cứ dậm cù như bay.
Càng vào mãi, càng sinh hay,
Càng trông cảnh vất đổi thay lạ nhường:
Nhỏ to mả trắng bên đường,
Xa xa mé bể cồn vàng thấp cao.
Dọc đường dân chúng biết bao,
Ruông tình hữu ái như rào trận mưa.
Rồng tiên cùng họ từ xưa.
Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau.
Nhận xem áo vải quần nâu,
Gái, giai, già, trẻ một mầu không hai.
Văn-minh giầy đã bán-khai,
Ngợ sao còn hãy như đời Hùng-vương.
Giời tây ngả bóng tà-dương,
Ô-tô lại đổi lên đường hỏa-xa.
Ấy từ Quảng-Trị Đông-Hà,[4]
Đi năm ga nữa vừa là tới Kinh.
Kinh-thành gái lịch giai thanh,
Cảnh thêm Hương-Thủy, Ngự-Bình điểm tô.[5]
Con người xứ Bắc mới vô,
Mừng nay được thấy Đế-đô một lần.
Hoàng-thành cung điện liên vân.
Dinh quan Khâm-sứ đóng gần một nơi.
Quan dân ở cả thành ngoài,
Quanh thành tám cửa sông dài bọc quanh.
Lại bao phố xá ngoài thành,
Trên cầu xe ngựa, ghe mành dưới sông.
Đông-Ba, Gia-Hội càng đông;[6]
Gịp cầu nhẹ bước xa trông càng tình.
Giòng sông trắng, lá cây xanh,
Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai!
Ngày xuân có lúc đi chơi,
Lăng chùa qua biết các nơi quanh gần.
Đế-kinh đã gội mưa nhuần,
Tiện theo đường sắt vô dần xứ trong.
Một đi thêm một lạ-lùng:
Xe chui hầm tối[7], bể trùng sóng cao.
Dưới đường sóng bể nhẩy reo,
Như mừng bạn mới, như chào khách xa.
Hải-Vân đèo nhớn vừa qua,
Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè.[8]
Tiết giời như đã sang hè,
Mà theo phận đất thời về Quảng-Nam.
Càng đi rộng, càng biết thêm,
Tu-Ran cảnh vật càng xem càng mừng.
Nước xuân sóng lục vô chừng,
“Lục ba xuân thủy” ai từng học chưa?
Vào nhà Tích-cổ xem qua,
Chiêm-Thành này tượng ngày xưa hãy còn!
Biết bao vật nhớn hình con,
Trạm rồng cột đá chưa mòn nét dao.[9]
Cảnh còn như rước như chào,
Tiếc thay! ai mới qua vào đã ra.
Đường về cũng thế mà xa,
Chiều hôm mười tám đến ga Hà-thành.
Chơi xuân kê lại hành-trình,
Ngày ba mươi tết hứng tình ra đi.
Tự Bất-Bạt, qua Việt-Trì,
Còn năm kỷ-vị, còn thì-tiết đông.
Canh-thân ăn tết Thăng-Long,
Sang ngày mùng bốn vào trong Trung-Kỳ.
Chơi xuân ta nghĩ cũng kỳ!
Gịp đâu may-mắn cũng vì có ai.[10]
Cám ơn hai chữ liên tài,
Còn tình, còn nghĩa, còn dài sắt son.
Còn giời, còn nước, còn non,
Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa.
Chơi cho biết mặt sơn hà,
Cho sơn hà biết ai là mặt chơi.
- ▲ Chuông nhà Hồ là một chỗ dữ giặc dã; phá Tam-Giang là chỗ dữ sóng nước. Ấy là hai chỗ nguy hiểm trong con đường vào Huế khi xưa. — Bốn câu này mượn dùng câu hát cổ mà đổi lại.
- ▲ Xưa từ khi đức Thái-tổ nhà Nguyễn ta vào trấn-thủ Thuận-Hóa, có câu rằng: 橫 山 一 帶,萬 代 容 身。 Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Nghĩa là: “một giải núi Hoành-sơn, muôn đời dung thân được”. Hoành-sơn tức là đèo Ngang.
- ▲ Trên núi này, chỗ đường xe ô-tô đi qua, có cửa ải và bia từ xưa để lại.
- ▲ Tỉnh Quảng Trị, ga Đông-Hà.
- ▲ Sông Hương-giang, núi Ngự-Bình là phong cảnh sơn thủy ở Huế.
- ▲ Đông-Ba, Gia-Hội là hai phố đông vui nhất ở Huế.
- ▲ Khoảng đường xe lửa ở Huế vào Tourane, có chui qua chín cái đường tối (tunnel).
- ▲ Núi Hải-Vân ở giáp giới hai tỉnh Thừa-Thiên và Quảng-Nam, khi ấy đi qua bên ngoài còn là mưa xuân mà bên trong đã như nắng hè vậy.
- ▲ Ở phố Tourane nay có nhà Tích cổ chứa những đồ vật của vua nước Chiêm khi xưa, trong có nhiều vật lạ, như những cái cột đá rõ nhớn mà chạm hình con rồng, hãy còn y-nguyên cả.
- ▲ Chuyến đi chơi này là cùng đi với ông Bùi huy-Tín.
Chữ ai đây là nói vào ông Tín.