Thơ ngụ ngôn La Fontaine (1951)/17
Chuột-nhắt xưa nay quanh xó cửa,
Ra khỏi nhà bỡ-ngỡ một phen.
Về khoe với mẹ huyên-thiên:
— Con qua rặng núi đến miền biên-cương;
Con chạy nhặng khác dường chuột lớn,
Đi dong chơi hung-tợn khắp đường.
Nơi kia con gặp hai chàng;
Một chàng phúc-hậu đường-đường khôi-ngô.
Chàng kia thì tiếng to mà dữ,
Bộ hung-hăng, nghiêng-ngửa mặt mày:
Trên đầu cục thịt đỏ gay,
Hai tay vùng-vẫy như bay lên trời;
Xòe nan quạt, đuôi thời to tướng,
Khiếp, khiếp chưa! hình-dạng kỳ-khôi!
Chuột con kể chuyện lôi-thôi,
Tưởng chừng vật lạ xa-xôi đâu về!
Ai ngờ chú Hùng-kê chính đấy,
Chuột-nhắt ta nom thấy hãi-hùng.
— Hai tay phành-phạch vẫy-vùng.
Con xưa nay vốn thị-hùng mà ghê.
Đuôi quắp đít chạy về một mạch,
Miệng chửi thầm thề kệch đến già.
Ví chăng không gặp hắn ta,
Thì con hẳn tiếp được nhà hiền kia,
Lông bóng nhoáng, râu-ria đường-bệ.
Đuôi lại dài, tam-thể trên mình.
Lừ-đừ coi bộ hiền-lành;
Duy đôi mắt liếc long-lanh khác thường,
Cùng giống chuột nghe dường ái-mộ,
Y như ta cũng có hai tai,
Lại gần con đã kiếm bài,
Làm quen với hắn, một hai thân-tình,
Thằng nọ bất-thình-lình lên giọng:
Kéc-ke-ke! trong họng kêu ra.
Vội-vàng con phải lánh xa.
Thử-bà nghe nói, nghĩ mà sởn lông:
— Chết con ạ! chớ trông ngoài mã.
Bộ hiền-lành chính gã Miêu-nhi,
Xưa nay độc-ác gian-phi,
Cùng nòi nhà chuột, nó thì hại luôn.
Con gà nọ thì con há sợ:
Hắn cùng ta có nợ xưa nay.
Đã không làm hại nhà mày,
Mà thường giống chuột lại hay ăn gà!
Thằng mèo nó coi ta như gỏi,
Hại loài mình mòn-mỏi đã lâu.
Đỏ lòng, xanh vỏ có câu,
Con lên ghi lấy về sau đừng lầm.