Bước tới nội dung

Thơ ngụ ngôn La Fontaine (1951)/45

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Ông Cụ già và ba người Trai trẻ
Ông Cụ già và ba người Trai-trẻ

Cụ tám-mươi đương trồng cây cối,
Có ba chàng trẻ tuổi cười rằng:
— Làm nhà họa có nên chăng;
Trồng cây thì thật lố-lăng, lẫn rồi!
Khoan đã! cụ già ơi, con hỏi.
Quả ai ăn, cụ nói con hay?

Họa may Bành-tổ lên đây,
Chứ như đại-lão, phỏng ngày còn bao!
Làm chi thế công-lao cho uổng.
Thóc người ăn, cày ruộng hơi đâu!
Thôi thôi, cụ bấy tuổi đầu
Chi bằng ngồi khểnh vuốt râu ngắm đời;
Hối những sự lầm sai thuở nhỏ
Còn ước xa đã có chúng tôi.
Rằng:
— Con cũng quá buổi rồi.
Phàm chưng muôn việc của người làm ra
Kiên-nhẫn khó xong mà dễ hỏng.
Cái chết đâu vẫn ngóng bên ngoài.
Thọ là ai, yểu là ai?
Lão già, con trẻ vắn dài khác chi.
Nào đã biết ai đi tới đó?
Bóng hào-quang ai ngó sau cùng.
Sớm còn tối mất lẽ chung,
Vững gì cái mạng mà mong lâu dài.
Bóng cây này dẫu ai nghỉ mát,
Con cháu nhà có thoát đi đâu.
Như già có chí lo sau,
Cháu con ăn quả về lâu thiệt gì.
Ngẫm cái sướng phúc di vạn đại,
Ấy cũng là lão hái quả rồi.
Quí hồ còn sống ít hồi,
Một ngày là một được ngồi hưởng vui.
Cũng có lẽ Trời xui hiểm-hóc,
Trên mồ bay, Ác mọc lão nom.

Cụ già khéo nói chính môm:
Một chàng qua bến, ngã tòm xuống sông.
Còn một cậu lập công với nước,
Phải đầu tên mũi mác chết toi.
Cậu ba nhân lúc thư rồi,
Leo cây chiết giống sẩy rơi vỡ đầu.
Cụ già nghĩ đến câu chuyện thế,
Khắc phiến bia mà để trên mồ,
Gọi là một tiếng Ô-hô!