Bước tới nội dung

Thư ngỏ kính trình quan lớn phủ đường Thừa Thiên

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư ngỏ kính trình quan lớn phủ đường Thừa Thiên  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 6 (19 Mars 1935), trang 1, 2.

Ngày 26 Février chúng tôi có gởi hầu quan lớn bức thơ xin ngài về sự lấy tin cho báo quán. Lâu quá không thấy trả lời; đến hôm nay, 16 Mars, mới nhận được phong thơ của viên Bang tá thành phố Huế người dưới quyền ngài gởi đến.

Đại khái trong thơ, viên Bang tá sao lá trát của Phủ đường sức cho viên ấy lại dặn viên ấy chuyển tường cho bản báo chủ nhiệm “tri tuân”.

Về nội dung trong lá trát, nghĩa là những điều Phủ đường định đoạt về sự thỉnh cầu của chúng tôi, nay hẵng để ra, chưa nói đến. Chỉ bởi một điều quan lớn không chịu trực tiếp giao thiệp với nhà báo chúng tôi mà chúng tôi viết bức thơ ngỏ này hầu ngài.

Trước hết, chúng tôi xin lỗi ngài về sự, muốn phân trần việc nầy, chúng tôi không viết thơ niêm cho ngài mà lại viết thơ ngỏ, đăng trên báo.

Rồi chúng tôi xin nói luôn sở dĩ viết thơ ngỏ là tại chúng tôi muốn cho công chúng và nhất là các cơ quan hành chánh khác đều biết một việc đáng tiếc đã xảy ra giữa ngài và chúng tôi.

Trong ngày chúng tôi viết thơ cho ngài đó, chẳng những viết cho một mình ngài mà còn cho nhiều nơi khác nữa, đại để như tòa Khâm, sở Liêm phóng, sở Cảnh sát cùng quan Công sứ Thừa Thiên… Thế thì trong vài ba hôm, ở đâu người ta cũng trực tiếp đáp phúc và nhận lời xin của chúng tôi cả. Bởi vì, theo phép lịch sự, một công nha đối với một báo quán, sự thơ từ đi lại như thế là thường. Mà, ta còn phải hiểu, một báo quán cũng là một đoàn thể của nhân dân, các quan nha dù có địa vị cao cũng không lấy cớ gì khinh nó được.

Chúng tôi từng thấy Ngự tiền Văn phòng đáp thơ cho một tiệm thuốc bắc, một cửa hàng chè tàu hay một nhà xuất bản sách mà trong thơ toàn là lời khiếm nhã cả, đủ biết đằng này, nếu quan lớn trả lời thẳng cho nhà báo chúng tôi, cũng chẳng phải là sự nhục cho Phủ đường hay là sự quá phận cho chúng tôi đâu. Vậy mà ngài lại sức cho viên Bang tá của ngài chuyển tường cùng chúng tôi tri tuân, thì, xin ngài nghĩ xem, điều ngài làm đó có hơi khó nghe một chút.

Hay là quan lớn nghĩ nhà báo Tràng An đóng tại đất Thừa Thiên, ngài phải coi chúng tôi như người dân thuộc quyền trị hạ của ngài, và ngài cũng giữ thể thống Triều đình nữa, nên không chịu hạ mình xuống giao thiệp cùng chúng tôi?

Nếu có phải vậy đi nữa thì cũng còn có chỗ phân biệt: Về phần cá nhân của chúng tôi, trong một trường hợp nào đó, quan lớn coi như người dân trị hạ còn được; chứ Nhà báo Tràng An[1] là một đoàn thể thành lập do pháp luật, nó cũng như cái viện Dân biểu bên kia sông, ở cạnh nách ngài đó, mà ngài có thể coi như trị hạ được đâu? Còn nói giữ thể thống Triều đình thì Triều đình ngày nay, chỗ gốc là chỗ Ngự tiền Văn phòng đó, đã đối đãi với nhân dân như vậy, nếu các quan còn nghiêm bề giai cấp quá, ấy là trái ý Triều đình chứ đâu có phải là giữ thể thống?

Còn một lẽ nữa làm cho quan lớn không có thể coi như dân trị hạ mà sức tri tuân được, chúng tôi xin nhắc luôn cho ngài: Vả chăng Bản báo chủ nhiệm, ông Bùi Huy Tín, có hàm Hường lô tự khanh, là hàm ấn quan, theo Hội điển, ngài phải “chiếu hội”, chứ “sức tri tuân” sao phải?

Chúng tôi còn chưa nói đến Bản báo chủ nhiệm có Bắc đẩu bội tinh… Nói điều này e rồi nó lớn chuyện quá. Thôi chúng tôi chỉ xin ngài lần sau đừng làm thế nữa mà phải gởi thơ trả lời thẳng cho chúng tôi như các quan nha khác.

Nay kính.
TRÀNG AN

   




Chú thích

  1. Chữ “Nhà báo Tràng An” được nhấn mạnh ở đây, là lưu ý viên quan này phải coi tờ báo như một pháp nhân (“một đoàn thể thành lập do pháp luật”), một cơ quan ngôn luận đặt tại địa phương phủ Thừa Thiên. Từ “nhà báo” ở xã hội người Việt thời gian này trỏ đơn vị báo chí (với tòa soạn và văn phòng trị sự), khác với cách gọi ngày nay, “nhà báo” trỏ đơn vị cá nhân người làm báo (phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên…)