Thầy trò trong khám/V
Phi-lập-phúc đã bỏ Đàm-đức-tư vào ngục Khu-đô rồi, nội ngày đó lên thành Ba-lê, để ra mắt hoàng đế nước Pháp. Vì trong ý va nghĩ rằng mình mau chơn nhạy miệng, đem cái âm mưu của nghịch đảng mà tâu cho vua trước hơn ai hết thảy, như vậy thì vua sẽ quyến cố mình một cách đặc biệt hơn. Va vốn không thù oán chi với Đàm, chỉ vì chút công tham vinh cố sủng, nên làm hại Đàm để làm lợi cho mình mà không gớm tay. Lại có một điều nầy đáng lo lắng cho va, là sự đốt thơ đó mà người ta biết được thì cha con va cũng chẳng ngồi yên được, vậy thì giam rục Đàm trong khám Khu-đô lại là kế để mà thoát tội cho cha con va nữa.
Phi đi dọc đường xảy gặp Mai-tây-đương. Nàng khóc lóc kêu van, hỏi tin tức Đàm thế nào và nhờ Phi ra tay tế độ. Phi vừa trừng trộ vừa quát tháo mà rằng:
-- Nó là một tên tù trọng tội, ta không có thể nào cứu nó được.
-- Vậy thì xin ngài bảo tôi một lời mà thôi, là: Anh ta đã chết rồi hay còn sống?
Mai-nương khóc và hỏi, thì Phi đáp như vầy rồi cứ việc thẳng đường đi về Ba-lê:
-- Vụ đó đã giải về Ba-lê rồi, không phải thuộc về phận sự ta nữa, vậy thì nó chết hay sống, ta làm sao biết được?
Mai-nương đã tủi lại tức, nghẹn cả họng, chẳng biết than thở cùng ai, lủi thủi đi về, như ngây như dại. Vừa đến ngã ba, bước lên một chiếc xe, Phất-nhĩ-nam ngó thấy, cũng lên theo với nàng, quì xuống bên cạnh, bợ lấy tay nàng mà hôn, thế mà nàng chẳng hề biết tới. Khi về nhà rồi, vật mình xuống nằm liền, trong lòng đau xót muôn phần, cho nên mắt chẳng thấy tai chẳng nghe gì hết. Sáng ra, thấy Phất-nhĩ-nam, nàng mới chưng hửng mà rằng:
-- Ủa, té ra anh ở đây sao?
Phất thở ra mà đáp rằng:
-- Ta đến đây hôm qua, có điều tại em không thấy đó thôi!
Lúc đó, ông thân Đàm cùng Mai-nương cứ hằng ngày ngó mặt nhau mà than khóc, chẳng ai hề biết Đàm đi đâu. Duy có Mã-lạc-nhi biết Đàm đã bị cầm tù ở ngục Khu-đô, thì chạy đã đủ vành, cậy với bao nhiêu người có thế lực ở Ba-lê tìm phương cứu gỡ, song bấy giờ họ đều nghĩ rằng Nã-phá-luân không tài nào về nước được, mà Đàm mắc tội vì âm mưu với Nã-đảng, là việc quan trọng lắm, nên không ai dám vì Đàm mà hở một lời. Mã-lặc-nhi dầu hết lòng thương Đàm, cũng phải chịu phép.
Còn Cảnh-đặc thấy Đàm-đức-tư vô tội mà gặp phải tai bay họa gởi như vậy thì lòng va dửng dừng dưng, cả ngày chỉ uống rượu giải phiền, bưng kín miệng bình, không khi nào giở chuyện ấy ra mà nói. Chỉ có Đặng-cách-luân là vui vẻ lắm, đã thỏa lòng trả oán, lại vững chãi cái ngôi chúa tàu Phan-long, sung sướng đến đâu! Đôi khi va ngó thấy ông thân Đàm đi tha thưởi dọc đường, tìm dò tin tức thì cứ lấy cặp mắt mà cười ngầm.
Phi-lập-phúc đi rút đường lại trong ba ngày thì đến Ba-lê. Đầu hết vào ra mắt quan thủ tướng Bạch-lan-khắc, mách chuyện Nã-phá-luân toan trở về nước Pháp làm vua lại, Bạch-lan-khắc liền đem việc ấy vào tâu. Vua còn chưa lấy làm tin. Bạch mới dựng chứng lên mà rằng ấy là lời của Phi-lập-phúc nói đó. Vua nghe tiếng Phi đã lâu, liền đòi vào.
Phi-lập-phúc đi đường dài ngày, mình mẩy dơ dáy, chưa kịp tắm rửa gì hết, nghe vua đòi thì vào chầu ngay. Vua ban chuyện vui vẻ hồi lâu mới hỏi đến việc Đàm-đức-tư, thì Phi tâu rằng: -- Nã-phá-luân đã sắm sẵn ba chiếc tàu binh, mới rồi đã lìa khỏi cù lao Ên-ba. Khi Đàm- đức-tư biệt mà đi thì Nã có dặn miệng về nói với tên gian đảng kia trong nước, bảo làm nội công, đặng toan bề khôi phục, song cái tên của đứa gian đảng ấy thì Đàm-đức-tư nó đã quên mất.
Số là, có một ông đại thần bình nhựt hay nói với vua rằng Nã-phá-luân đã mất cả thế lực rồi, không đủ sợ nữa. Đến hôm mà Phi-lập-phúc vào yết kiến đó, chính ông đại thần ấy cũng được tin chắc rằng Nã-phá-luân ở Ên-ba xuống tàu về nước ngày 26 tháng 2, và ngày 1 tháng 3 sẽ đến đất An-ti-bê, bèn vội vàng đem tin ấy vào tâu với Pháp hoàng. Vua nổi giận đùng đùng, quở cho ông đại thần đó một chặp, may nhờ có Phi-lập-phúc xin giùm mới thôi.
Trong lúc đó, lại có tin báo rằng quan Đại tướng Khuê-nãi-nhĩ bị ám sát ở đường phố Thánh-gia-cơ, kẻ hành thích là người trong Nã đảng, tuổi chừng trên dưới năm mươi, da xám, tròng mắt đen, lông mày sưa mà râu tóc thì rậm, mặc áo xanh màu chàm, trên nút chỗ ngực có găm bông hường, giết xong thoát thân ngay, lính đuổi theo đến đường phố Khảo hoàng thì mất tích. Phi nghe tin ấy thì sảng sốt, vì biết trong trí rằng đó là Nô-nhĩ-đích cha mình. Phi đứng dậy xin lui ra, vua ân cần hỏi rằng:
-- Ngươi về đây vẫn ở chung với ông thân nguơi chớ?
-- Tâu hoàng thượng, chúng tôi không ở chung.
-- Vậy thì ngươi có tới thăm ông thân ngươi không?
-- Tâu hoàng thượng cũng không.
Pháp hoàng bèn ban khen rằng:
-- Ngươi có lòng ái quốc đến nỗi đành lòng từ bỏ cả cha mình, như thế đáng gọi là trung thần thật.
Lại truyền ban cho Phi một cái bửu tinh để tỏ dấu yêu quý. Phi cảm kích bội phần, đến nỗi rơi nước mắt, tay cầm cái bửu tinh hun lấy hun để hầu tỏ lòng trung ái của mình.
Khi Phi bước ra, vua còn phán dụ thêm rằng:
-- Ngươi hãy nhớ lời! Nầy, ngươi dầu chẳng ở Ba-lê hầu hạ một bên ta, song cứ ở Mạc-xây mà dốc lòng trung thành và làm việc cần mẫn, thì công trạng ngươi sẽ lớn lắm và ta sẽ nhớ đến ngươi luôn.
Phi cúi đầu và nói rằng:
-- Nếu vậy thì kẻ hạ thần nầy xin đi về ngay.