Thầy trò trong khám/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Có một điều rất lạ là cứ như lời sư nói, những đồ ấy đều nhờ ban đêm chong đèn mà làm nên. Đàm nhơn hỏi coi cái đèn, thì thấy trong đèn đầy những dầu. Hỏi làm thế nào cho có dầu thì sư nói mỗi khi ăn thịt, để mỡ lại mà chế ra. Hỏi lấy lửa ở đâu, sư đưa ra hai hòn đá lửa, một miếng vải đen, và nói rằng: Ta giả đò có ghẻ, xin lính canh một ít lưu hoàng, thế là đủ để lấy lửa rồi. Sư lại đưa Đàm đến coi một cái hang ở dưới giường, có đá đậy lại. Dỡ đá lên, thấy có một sợi đỏi[1] dài chừng ba chục thước ngó bộ bền lắm, có thể làm cái thang cho đôi ba người chung leo một lúc được. Sư nói rằng: sợi đỏi nầy là khi ở bên khám kia, ta đã xé áo lót mình, rút cốt nệm, bện lại mà làm ra đây. Rồi khi dời qua khám nầy, ta lấy mà đem lén theo, song chúng nó không biết. Đàm liền hỏi:

-- Vậy chớ ông tháo nệm mà rút cốt ra, họ lại chẳng biết sao?

Sư đáp:

-- Khi ta rút bớt cốt nó ra rồi, lấy kim may lại, không khác gì trước cả, thì làm sao họ biết được?

-- Nếu vậy thì ông lại có kim nữa?

-- Phải, có chớ.

Sư nói vậy, rồi trật áo đương mặc ra, lần nơi trước ngực một cây kim, dài mà nhọn, cũng làm bằng xương cá. Đít kim có lỗ, sợi chỉ xâu trong lỗ vẫn tòn ten. Đàm thấy vậy thì trong lòng khâm phục không biết ngần nào.

Sư sắp đặt các đồ vật ấy xong đâu vào đó, rồi biểu Đàm ngồi xuống mà hỏi rằng:

-- Đầu đuôi làm sao mà anh bị bắt, thử nói cho tôi nghe nào.

Đàm thưa rằng:

-- Tôi muốn nói cho ông nghe lắm, ngặt vì sự tôi bị bắt và bị tù, tôi không biết tại làm sao cả, tôi chỉ nhớ được ngày tháng mà thôi, thì nói làm gì!

-- Dầu vậy mặc lòng, phàm những người vô cớ mà bị tù, đại để là vì người ta hãm hại. Mà muốn biết tại làm sao mà hãm hại, thì có hai lẽ. Một là mình làm điều chi có lợi cho mình mà không có lợi cho kẻ khác, ấy là có thể chuốc họa vào mình. Một nữa là điều chi bất lợi cho mình mà có lợi cho kẻ khác, ấy cũng có thể chuốc họa vào mình. Hai cái đó ngó như chia ra mà kỳ thiệt là hiệp lại, ngó như trái nhau mà kỳ thiệt là nhơn nhau. Cứ đó mà truy tìm thì dầu cho việc khó biết mấy cũng tìm ra được. Nay anh thử nói cho tôi nghe anh có làm việc gì lợi cho anh mà bất lợi cho kẻ khác không?

Đàm ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói rằng:

-- Thân hèn mọn như tôi, vả lại còn ít tuổi, đã không có công danh to tát, cũng không có quyền chức cao sang, thì chỗ người với ta, có gì mà lợi cùng không có lợi?

-- Không phải vậy đâu. Cái câu anh nói đó không đúng với nguyên lý học chút nào hết. Anh hãy nhớ lấy lời nầy trước đã: Phàm việc gì cũng nhơn nhau mà thành ra. Vậy rồi tôi mới hỏi anh rằng: Anh có nói với tôi rằng anh đã được thăng làm chúa tàu Phan-long phải không?

-- Thưa phải.

-- Anh lại có nói với tôi rằng anh sắp kết duyên cùng một người thiếu nữ phải không?

-- Thưa phải.

-- Ấy đó, nội hai việc đó chắc là có bất lợi cho người khác. Anh thử kể chuyện thăng chúa tàu cho tôi nghe thử nào.

-- À, bấy giờ trong tàu có một người không ưa nhau với tôi, hay rầy lộn cùng nhau hoài, đến nỗi có một lần, tôi muốn bỏ va ở hòn cù lao kia mà đi trớt.

-- Người ấy tên là gì?

-- Tên là Đặng-cách-luân.

-- Khi chúa tàu Lý-khắc-lai hấp hối, trối lại cùng anh, có ai rình nghe không?

Đàm ngẫm nghĩ một lúc, rồi trả lời rằng:

-- À, phải rồi, đương khi Lý trao phong thơ cho tôi thì cửa mở hé, xảy có Đặng-cách-luân đi qua và dòm thấy.

-- Nếu vậy thì chuyện nầy có mối manh rồi: anh hãy nhớ lại hết các tình trạng trong khi bị bắt kể cho tôi nghe, tôi sẽ giải bày cho anh. Bức thơ nặc danh bới chuyện anh ra đó, anh có xem thấy không?

-- Tôi có thấy.

-- Có nhớ thì đọc nghe thử nào.

Đàm cầm trí lại, nhớ một chập mới ra, và đọc cho sư nghe. Sư gật đầu, rùng vai, thủng thẳng nói rằng:

-- Được rồi, đầu đuôi việc đã rõ hết ra rồi. Anh vẫn là người hiền lành thật thà, song việc anh làm có chỗ để cho người ta nghi ngờ anh.

-- Thưa phải. Tôi vì không phụ sự gởi gắm của Lý quân trong lúc hầu chết, cho nên mới đưa thơ đến cù lao Ên-ba đó thôi.

-- Ừ, tôi biết bổn tâm anh vẫn thế rồi, song anh ở Ên-ba cả ngày, điều đó làm cho người ta nghi anh, dầu rằng trong việc Nã-phá-luân âm mưu về nước anh vốn không hề dự biết đến.

Một lát, sư lại hỏi Đàm rằng:

-- Đặng-cách-luân hồi bình thường viết chữ có tốt không?

-- Va viết tốt lắm.

--Vậy thì cái thơ nặc danh đó chữ viết thế nào.

-- Chữ xấu quá.

-- Đó là hắn sợ người ta biết chữ mình, nên mới giả đò viết như vậy.

Sư vừa cười vừa nói câu ấy, rồi cầm cây viết xương cá, chấm mực mò hóng, viết lên trên vải và bảo Đàm rằng:

-- Chữ trong thơ đó anh coi có giống như vầy không?

Đàm xem thấy sững sờ, nói rằng:

-- Làm sao chữ ông viết giống hệt với chữ trong thơ nặc danh ấy như vậy?

-- Ấy chẳng qua là viết bằng tay trái thôi. Viết bằng tay mặt thì ai có riêng lối ấy, ngó thấy là biết ngay; còn viết bằng tay trái thì ai nấy giống nhau, không thể nhìn ra được.

Đàm hết sức kính phục mà rằng:

-- Tôi phải chịu ông là thần minh!

Sư lại hỏi qua việc khác mà rằng:

-- Trong việc anh lấy nàng Mai-tây-đương, có bất lợi cho người nào mà họ muốn phá đám anh không?

-- À! Có một chàng cũng tương đắc với nàng, tên là Phất-nhĩ-nam...

-- Ờ, nghe cái tên giống là người I-pha-nho.

-- Thưa phải.

-- Mà anh thử nói cái chàng Phất-nhĩ-nam ấy có thể viết bức thơ nặc danh đó được?

-- Hắn học hành có mấy chút, không thể viết được.

-- Vậy thì Đặng-cách-luân với Phất-nhĩ-nam hẳn có quen biết nhau chớ?

-- Thưa không; mà có! Ờ, tôi nhớ rồi. Ngày trước, lúc tôi với Mai-nương đi mời dự tiệc cưới, thì thấy hai người đứng trò chuyện với nhau trong quán rượu.

-- Vậy thì trong lúc đó, ngoài Phất-nhĩ-nam ra, còn có ai nữa không?

-- Thưa, còn có Cảnh-đặc, là người quen với tôi...

Nói đến đó, Đàm bỗng nhớ sực lại, liền tiếp rằng:

-- Tôi nhớ lại rồi, khi bấy giờ tôi có thấy những viết mực bày ra trên bàn; vậy thì tôi chắc bị bọn nầy hãm hại rồi.

Khi Đàm nói mấy lời đó, trợn mắt nghiến răng, giận dữ lắm; một chặp, ngó trên mặt sư mà nói rằng:

-- Ông xét việc như thần, nếu quan tòa đều như ông hết thảy, thì không ai bị oan ức hết. Nhưng mà tôi còn có nghĩ một chút, là, không biết làm sao người ta chỉ hỏi qua tôi một lượt mà thôi, rồi giải vào giam ở đây?

-- Có lẽ đó là vì người ta cho tội anh nặng lắm chăng. Nhưng mà tôi hỏi: người hỏi án anh hồi đó là ai?

-- Ấy là quan phó án tòa Mạc-xây.

-- Quan phó án ấy là trẻ hay già?

-- Người ấy trẻ lắm, độ 26, 27 là cùng.

-- Ông ấy đãi anh cách thế nào?

-- Tử tế lắm, ông nói với tôi một cách rất ôn hòa, không hề lấy thế quan mà hiếp tôi.

-- Thế rồi anh phun hết đầu đuôi việc anh ra cho ông ấy sao?

-- Thưa phải, ổng đốt phong thơ đi, ấy là đủ vững lòng tôi rồi. ổng nói rằng làm cho mất cái tang đem thơ đi, để tỏ lòng binh vực tôi vậy.

Sư ngẫm nghĩ một lát, nói rằng:

-- Lạ thật! -- Kế lại hỏi luôn rằng:

-- Phong thơ trả lời của Nã-phá-luân đó gởi cho ai?

-- Thưa, gởi cho ông Nô-đăng, ở Ba-lê, con đường Khảo-hoàng, số nhà 13.

-- Nô-đăng à?

-- Thưa phải.

-- Ta có một người bạn cũ, cũng tên là Nô-đăng, làm một tay cách mạng có tiếng. Vậy chớ quan phó án tên gì?

-- Tên là Phi-lập-phúc.

Sư nghe vậy, khanh khách cười hoài. Đàm chẳng hiểu làm sao. Sư rằng:

-- Anh khờ quá, lại còn không biết Nô-đăng là ai ư?

-- Nào tôi có biết đâu!

-- Còn lạ gì, Nô-đăng tức là cha quan phó án ấy mà.

Đàm nghe nói giật nẩy người, như vướng lấy giây điện, hai tay ôm đầu mà nói rằng:

-- Lạ hè! Nô-đăng là cha quan phó án ư! Có lẽ đâu!

-- Không, chính phải đấy. Nô-đăng là tên, Phi là họ, kêu luôn cả họ tên tức là Phi-nô-đăng mà.

Bấy giờ Đàm mới biết ra, như từ trong chiêm bao tỉnh dậy, vội vàng nói rằng:

-- Phải rồi! Phải rồi! Tôi vẫn gọi ông là thần, quả ông là thần thật.

Sư bèn nói:

-- Anh nghe nè! Nầy là cái chỗ khôn khéo mà tôi chỉ vẽ cho anh. Anh làm chúa tàu, lợi anh mà không lợi cho Đặng-cách-luân thì nó thù anh; anh lấy vợ đẹp, lợi cho anh mà không lợi cho Phất-nhĩ-nam, nó cũng thù anh; vì hai cái nguyên nhơn xa đó mà anh bị bắt. Anh bị cầm ở đây mấy năm rồi, biết được ngày đến mà không biết được ngày về, điều ấy bất lợi cho anh mà lợi cho cha con Phi-lập-phúc; vì cái nguyên nhơn gần đó mà anh mang án. Nếu anh không gặp Đặng-cách-luân thì có lẽ khỏi họa; lại nếu gặp Đặng mà không gặp Phất-nhĩ-nam, cũng còn có lẽ khỏi họa; lại nếu gặp Phất mà không gặp Phi-lập-phúc thì dầu anh bị án, song không đến nỗi giam rục ở đây. Cái nầy, mấy người ấy dắt díu với nhau rồi tự dưng xô anh xuống giếng. Lúc nãy tôi nói: Phàm việc chi cũng nhơn nhau mà thành ra, ấy là nghĩa thế, anh nghĩ lấy thì biết[2].

Đàm nghe bấy nhiêu lời, sửng sốt cả người, nói rằng:

-- Để tôi về phòng nghĩ lại.

Khi về rồi, không ăn cũng không nói, như dại như ngây, lính canh đem cơm tối vào, kêu mấy Đàm cũng không nghe; đưa cho, cũng không lấy. Tên lính lắc đầu cười chúm chím và bỏ đi.

Một lát chi đó, sư qua phòng Đàm, ngó thấy bộ tịch va như vậy, cười rằng:

-- Anh nghĩ gì mà dữ vậy? Ta định nói ra để mở mang cái chỗ tối tăm cho anh, không ngờ nhơn đó làm cho anh thêm lo phiền. Thôi, đừng nghĩ làm chi nữa; từ rày ta cũng không nói đến việc ấy nữa.

   




Chú thích

  1. Đỏi: sợi dây, sợi thừng buộc tàu thuyền
  2. Nếu đối chiếu bản dịch này với một bản dịch xuất bản gần đây (Bá tước Môngtơ Crixtô, Mai Thế Sáng dịch, Hà Nội, 2000, chắc là bản dịch sát và dịch thẳng từ bản chữ Pháp) thì ta có thể dự đoán rằng dịch giả bản chữ Hán (mà Phan Khôi dùng để dịch lại) hoặc chính dịch giả Phan Khôi đã chủ động diễn giải lại chứ không dịch bám sát từng câu. Đoạn sư Phan-lan (ở nguyên bản là linh mục Faria) lý giải tổng kết cho Đàm-đức-tư (ở nguyên bản là Dantes) về các nguyên do khiến anh phải vào tù, không thấy có trong bản dịch của Mai Thế Sáng nêu trên, nhưng lại in rõ kiểu biện giải luận lý (logique) của Phan Khôi