Thầy trò trong khám/XIV
Đàm từ trên cao rơi xuống, chìm tận đáy nước, đầu mắt choáng váng, ngột hơi muốn chết, song le tinh thần còn tỉnh, bèn kịp lấy con dao trong tay cắt bao vải cho rách ra; chỉ duy còn cục sắt níu dưới chơn, cựa quậy bao nhiêu, nó lại càng dằn nặng và càng chìm xuống bấy nhiêu. Va bèn cắt luôn cái giây nơi cổ chơn, cục sắt rời ra và chìm mất. Đàm hết sức vọt lên, ló đầu trên mặt nước. Thở được một chút, sợ lính tuần ngó thấy, lại hụp xuống, mà trốn đi. Một chặp, trồi đầu lên dòm, thì đã rời xa cách chỗ cũ năm mươi bộ rồi. Bấy giờ sắc trời thảm đạm, con trào cuồn cuộn trên mặt biển, ngó ngoái lại chỗ trên bờ hồi nãy thì thấy đá dựng chon von, ngọn đuốc khi mờ khi tỏ, mấy chú lính vẫn còn đứng đó chưa đi. Đàm lại lặn xuống đi một đỗi, rồi nổi lên, thì đuốc và người đã mất đâu cả rồi.
Đàm kíp muốn lội sang hòn cù lao Thiết-ba-lin, cách đó độ chín dặm, song trời tối đen không thấy đàng. May đâu đằng trước bỗng có đèn, nhấp nháng như sao, ấy tức là chỗ một cái chòi trông. Va nhắm chòi trông lội đến, về phía tay trái. Bụng mừng rằng bị cấm cố dầu lâu, song sức vẫn còn mạnh, nghề lội lặn vẫn không kém gì ngày trước. Thế nhưng lòng riêng nơm nớp, vì thấy đàng kia có chiếc thuyền con bơi lại, sợ rằng thuyền của lính tuần đâm ra mà bắt mình chăng. Va hết sức bơi tới đằng trước, xây lại đã không thấy khám Khu-đô nữa rồi, tính chắc mình sẽ được thoát nạn. Nghĩ đến đó, Đàm càng thêm mạnh sức, tưởng mình lội nếu chẳng sai đường, thì sau một tiếng đồng hồ nữa sẽ đến cù lao Thiết-ba-lin.
Ý Đàm định lên bờ nghỉ ngơi một lát, song vì gió và sóng to quá, lội vào không được. Va bèn phấn chí mà tự bảo mình rằng: Sức ta hãy còn, thì phải bươn tới luôn luôn, bao giờ hết sức sẽ chịu chết, cũng chưa muộn gì.
Bỗng chốc, sắc trời mờ ám, mây kéo đen mò, những đám mây ấy như là sa xuống giữa khoảng không, tiếp với những vầng sóng biển. Bấy giờ hai đầu gối Đàm rụng rời, xiết bao lo sợ, chợt thấy những tảng đá đứng lô xô, sắc đen đen và mốc mốc, thì té ra đã đến cù lao Thiết-ba-lin rồi. Đàm kịp vịn đá trèo lên, ngồi mà thở dốc, vào lúc nầy mà được những hòn đá ấy coi khác nào như nệm gấm gối thêu. Ngặt vì gió càng to, mưa càng lớn, trong mình mỏi mệt quá nên ngủ quên bao giờ không hay. Hơn một giờ đồng hồ, bỗng có tiếng lớn đùng đùng làm cho va giậc mình thức dậy. Mở mắt ra nhìn thì quả nhiên có chớp sáng lòe, và cơn sét dậy vang. Ngồi sững sờ một hồi lâu, mới biết mình thật đã ra khỏi ngục Khu-đô mà ở tại hòn cù lao Thiết-ba-lin rồi. Va bèn chọn nơi một hòn đá lớn, mẹp ở dưới, bị sóng tạt vào, ướt hết cả mình.
Nhớ sực mình không ăn không uống đã một ngày đêm rồi, kíp thò tay bụm nước mưa đọng trên khe đá mà uống lấy uống để, uống luôn một hơi rồi mới đứng dậy được.
Thình lình chớp nhoáng sáng một cái, thấy đàng xa có chiếc thuyền chài đương xiêu lơ giữa gió và sóng. Chớp nhoáng cái nữa, thuyền đã thấy dạt vào bờ. Chớp nhoáng lần thứ ba, thấy cột buồm gãy, buồm rách ra từng mảnh. Trong thuyền có vài ba người, người thì ôm lấy cột gãy, người thì níu lấy buồm rách, chới với giữa dòng. Giây lát chi đó, đứt chằng văng cột, rồi nghe một tiếng ầm, ấy là chiếc thuyền đã vỡ tan.
Khi ấy, trời lại tối mò, không thấy đàng sá nào cả cho đến tiếng kêu la cầu cứu của những người trong thuyền chài cũng không nghe nữa, chỉ nghe có tiếng gió và sóng ào ào như gầm như thét mà thôi. Một lát, gió hơi dịu, trời cũng sáng dần dần. Bấy giờ Đàm nghĩ bụng rằng trong vài ba giờ đồng hồ nữa, lính canh sẽ vào phòng mình, biết được cơ sự mình đi trốn, rồi thì bắn súng hiệu lên, mà mình còn ở lẩn quẩn đây, có lẽ rồi bị bọn họ túm cổ lại, chớ phải chơi sao. Vì khi nào trong khám Khu-đô có tù trốn thì họ thường bắn súng hiệu để báo tin các nơi chung quanh đó, chặn các con đường hiểm yếu mà bắt lại, cho nên muốn thoát thân được, thật cũng khó thay. Mà Đàm phần thì mình trần, phần thì bụng đói, ngó quanh ngó quất, vò võ một thân, nạn xưa chưa trút rạch lầu lầu, mà mối sầu đã tự đâu đưa đến! Va bèn ngước mắt lên trời mà khấn nguyện rằng: Tôi bị cầm trong ngục đã bấy nhiêu năm, nỗi oan ức biết cùng ai bày tỏ, nay liều thân vạn tử nhất sanh mà thoát nạn được đến chốn nầy, gặp phải cảnh sơn cùng thủy tận, tôi biết làm sao đặng, duy có nhờ Chúa đoái thương mà cứu giúp cho tôi.
Khấn xong, trông xa ngó thấy nơi bờ cù lao Bô-may, đối ngang với ngục Khu-đô, có vật gì đen đen giống như con vịt nước, Đàm ngờ là một chiếc tàu cứu cấp nào ở từ bến Mạc-xây mà đến. Đàm vốn là tay nhà nghề đi biển, cho nên con mắt hay trông xa. Bấy giờ va nghĩ rằng nếu mình lội theo chiếc tàu ấy, trong nửa giờ có thể đến được; song lại sợ nếu người ta tra gạn thì mình mới nói làm sao. Đương dùng dằng chưa biết tính bề nào, bỗng thấy chỗ thuyền chài vỡ lúc nãy có một cái mũ đỏ của lính thủy thường đội còn mắc lại trên đá, và có một đoạn cây trôi nổi một bên. Đàm tức thì lội ra, lấy mũ, đội lên đầu, rồi ôm lấy đoạn cây mà bơi, khi nổi khi chìm theo lượn sóng, rõ ra là một anh thủy thủ bị chìm ghe vậy.
Đàm vừa bơi vừa huýt gió, theo như kiểu lính thủy ra hiệu cầu cứu trong khi gặp nạn. Một chặp, quả thấy có mấy người ngồi chiếc thuyền cứu cấp bươn sóng mà chèo lại gần mình. Đàm bỏ quách khúc cây đương ôm, ráng sức bơi tới.
Khi ấy va đã mút hơi rồi, tay chơn đã bủn rủn, bèn cố gắng giơ cái mũ đỏ lên, huơi qua huơi lại; không ngờ càng dùng sức bao nhiêu thì mình càng thêm nặng mà chìm xuống bấy nhiêu. May mà người lính thủy trong thuyền cứu cấp chèo thiệt mau, đến sát trước mặt Đàm, nói tiếng Y-ta-ly để giục lòng Đàm mà rằng: « Đừng sợ! Đừng sợ! » Đàm bèn gắng sức trồi lên, song bấy giờ sức đã kiệt rồi, như là cục sắt 36 bồn còn đeo đâu dưới cẳng, làm cho va chìm tận đáy biển. Hai người lính thủy liền nhảy xuống biển nắm lấy tóc Đàm mà kéo lên, bỏ vào trong thuyền, thì Đàm đã ngất người rồi.
Một chặp lâu, Đàm mở mắt ra, nhận kỹ chiếc thuyền đi về hướng nào, biết rằng không phải đi trở về ngục Khu-đô thì lấy làm mừng lắm! Một người lính đem rượu hâm hẩm đổ cho Đàm, lại lấy bông biển mà chặm tay chơn cho, Đàm hơi bớt run, và cũng lần lần lấy sức lại.
Thiệt ra thì chiếc thuyền nầy không phải là chiếc thuyền cứu cấp. Chúa tàu tên là Can-kha, thấy Đàm, nói tiếng Pháp mà hỏi rằng:
-- Anh là người xứ nào? Khá nói thật cho tôi biết.
Đàm trả lời bằng tiếng Y-ta-ly:
-- Tôi là thủy thủ chiếc tàu Ma-đê-xi, tàu đi từ Xi-rân-gô về, ngang mũi Mô-cam, bị gió phải đắm, tôi xiêu lạc mà đến đây.
-- Các bạn anh ở đâu? Làm sao có một mình anh được sống?
-- Cả tàu chết hết! Tôi nhờ tấp vào trên đá, nên mới sống sót mà chờ cứu; song nếu không gặp các ông thì cũng đã bị chôn trong bụng cá hoặc là chết đói trên đá rồi! Các ông đẻ tôi ra một lần nữa, cái ơn ấy tôi biết lấy gì báo đáp cho cân!
Một người lính thủy nói rằng:
-- Khi tôi vớt anh, tôi cũng có ý dùng dằng không muốn vớt, vì thấy anh tóc dài, bộ tướng giống như đồ trộm cướp, chớ không phải con nhà đi biển. Đàm nghe vậy, bèn nhớ sực lại từ hồi mình bị giam rục đến nay chưa hề hớt tóc cạo râu, bèn kiếm lời đỡ gạt rằng:
-- Thật có như vậy. Song đó là vì tôi giữ lời hứa với vợ chưa cưới của tôi, hứa rằng nếu không gặp phải tai nạn gì thì không được cạo râu hớt tóc. Nay may mà thoát cơn nguy hiểm nầy, thì lời giao ước ấy đã được giải tháo rồi, phải không?
Người chúa tàu ngần ngừ rồi hỏi Đàm rằng:
-- Bây giờ anh muốn tôi xử trí cho anh cách nào?
Đàm thưa rằng:
-- Cái đó tự ý ông. Ông chúa tàu tôi và hết thảy bạn thủy thủ đều đã chẳng may gặp nạn, chỉ còn sót một mình tôi, bây giờ biết nương tựa vào đâu! Vả tôi từ nhỏ đi biển, vẫn thạo nghề cầm lái, nay tôi muốn ông cho tôi giúp đỡ các ông về việc ấy, chẳng biết ông có dùng được chăng. Ví bằng sau nầy tôi làm không được việc, thì khi tàu ghé bến Lai-công, ông sẽ cho tôi lên bộ, đi đâu mặc tôi; còn ông có cho tôi tiền công chút đỉnh thì để bỏ vào cái sở phí về sự ăn mặc cho tôi là đủ. Như vậy chẳng biết ông nghĩ thế nào?
-- Anh đã nói thật tình như vậy, tôi đây đâu nỡ chẳng nhận lời anh.
Chúa tàu nói như vậy rồi vô phòng lấy áo quần ra đưa cho Đàm mặc, và hỏi có cần gì nữa không. Đàm thưa rằng:
-- Nếu ông làm ơn cho tôi một ổ bánh mì và một ly rượu để tôi lót lòng một chút thì may lắm! Thưa thiệt cùng ông, đã một ngày đêm nay tôi chẳng ăn uống gì cả.
Chúa tàu nghe nói gật đầu, sai người lấy bánh và rượu cho Đàm, xong rồi, biểu kéo neo chạy.
Đàm tay cầm ly rượu, nhớ lại tình hình mạo hiểm vừa rồi, thoát thân được thì bao xiết là mừng, mà nghĩ nỗi gian nan trong dạ hãy còn nớp nớp. Bỗng nghe chúa tàu lớn tiếng kêu lên rằng: « Trong khám Khu-đô có việc gì mà đốt lửa ra hiệu như vậy? » Đàm ngước mặt lên nhìn thấy một luồng khói trắng xông thẳng lên giữa tường thành khám Khu-đô, kế nghe những tiếng nổ inh ỏi; người trong tàu đều làm thinh mà ngó nhau; bấy giờ chúa tàu mới hỏi Đàm rằng:
-- Họ làm gì vậy?
-- Đó chắc là trong khám có tù trốn, nên người ta ra hiệu cho xa gần biết mà giữ chừng.
Chúa tàu nghe Đàm nói mấy lời rồi cứ nhìn tròng trọc trên mặt va luôn; song Đàm cứ lặng yên, ngồi ăn uống như thường chẳng hề đổi sắc mặt, nên không ai hề nghi cho va hết.
Đàm ăn uống rồi, lại chỗ người coi lái mà nói với va rằng:
-- Anh cầm lái đã lâu, có lẽ nhọc mệt lắm, tôi xin cầm thế cho anh.
Người coi lái không trả lời mà đưa mắt ngó chúa tàu. Chúa tàu nói:
-- Va đã tình nguyện cầm thế cho anh thì anh cứ đưa cho va cầm thử đi.
Người coi lái bèn đứng dậy, giao lái cho Đàm coi. Đàm cầm lấy tay lái.
Trong khi ấy, Đàm thình lình buột miệng hỏi rằng:
-- Ngày nay là ngày mấy?
-- Ngày nay là ngày 28 tháng hai.
Chúa tàu đáp như vậy, Đàm lại hỏi:
-- Năm nay là năm gì.
Chúa tàu ra dáng sững sờ mà hỏi rằng:
-- Anh nói gì? Nói lại nghe thử nào.
Đàm nói:
-- Tôi chỉ hỏi năm nay là năm gì đó thôi.
-- Anh lại hỏi năm nay là năm gì a?
Đàm nghe chúa tàu hỏi vặn lần nữa mới biết là mình nói hớ, bèn cười gượng mà rằng:
-- Té ra tôi hồn vía đi đâu, đến nỗi hỏi vơ hỏi vẩn, mới rồi tôi hỏi năm nay là năm gì phải không?
Chúa tàu bèn trả lời:
-- Năm nay là năm 1829.
Đàm mới nhớ lại mình ở tù đã trải 14 năm, khi bị bắt mới 19 tuổi mà nay đến 33 tuổi; ngày tháng thoi đưa, việc đời thay đổi, chẳng biết cha già ở nhà có còn mạnh khỏe cùng chăng. Lại nghĩ đến nàng Mai-tây-đương; hoặc giả nàng tưởng mình đã quê người xương trắng mà đành đi gá duyên cầm sắt với ai rồi. Rồi nhớ đến bọn Đặng-cách-luân, Phất-nhĩ-nam và Phi-lập-phúc, thì lại bắt nghiến răng chằng mắt mà thề quyết thế nào cũng báo thù cho được.
Từ đó, Đàm ở luôn trong tàu, hằng ngày làm việc, thản nhiên như mọi người, chẳng có ai dò ra được va là một tên tù trốn. Vả lại, Đàm giỏi nghề cầm lái, các tay lái trong tàu không ai bì. Vì vậy trên chủ dưới bạn đều yêu kính va hết thảy. Thế nhưng Đàm dò biết tàu ấy là tàu buôn đồ lậu, sự trốn xâu lậu thuế vẫn chẳng phải là nghề nghiệp hay; song lỡ chơn trót đã vào đây, thì nấn ná qua ngày rồi sẽ hay, tưởng cũng chẳng lấy gì làm hại. Huống chi khi vui thì ở, khi buồn thì đi, có gì bó buộc mình đâu mà lo?