Thế nào là phụ nữ giải phóng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thế nào là phụ nữ giải phóng  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6732 (20. 5. 1932)

Chung quanh cuộc tranh luận của hai bà Phan

Mới rồi trong Hội chợ Phụ nữ, bà Phan Văn Gia có diễn thuyết về vấn đề phụ nữ giải phóng. Kế sau đó, bà Phan Thị Bạch Vân lại có viết trên báo nầy một bài mà không biểu đồng tình với bà Phan Văn Gia về những lời trong bài diễn thuyết kia.

Chúng tôi không lấy làm lạ gì mà thấy bà Bạch Vân không biểu đồng tình. Bởi vì cái bài diễn văn của bà Phan Văn Gia, chúng tôi được đọc kỹ mà thấy có nhiều chỗ chưa rõ.

Thử nói ra đây vài điều đại khái. Cái đề của bài ấy cốt trọng tại sự giải phóng; mà trong bài của bà, bà chẳng cho ai biết hai chữ "giải phóng" là nghĩa thế nào. Cứ nói giải phóng trơn, mà không cắt nghĩa rõ ràng giải phóng ra làm sao, thì thật là khó nghe quá. Thử soát hết bài diễn văn của bà Phan Văn Gia mà coi, thật không có chỗ nào định nghĩa giải phóng cho rõ; đọc bài của bà, chẳng ai hiểu được giải phóng là đi gì.

Lại một điều nầy nữa. Đọc cả bài diễn văn của bà Phan Văn Gia, cũng không hiểu ý kiến của bà đối với sự giải phóng ra sao. Khoan nói đến giải phóng là đi gì, chỉ tựu một sự cần mà diễn giả phải cho thính giả biết ý kiến mình thế nào, có đành giải phóng hay không, thì trong bài của bà cũng không thấy được.

Vì cớ ấy bà Phan kia có bài hỏi lại, là phải lắm. Nhờ đó, mới rồi bà Phan Văn Gia có trả lời trên Trung lập một bài, chúng tôi mới rõ được ý kiến bà đôi chút.

Tuy vậy mà chữ giải phóng là nghĩa thế nào, cũng chưa được cắt nghĩa nhứt định. Cứ như cốt ý bà Phan Văn Gia thì đàn bà chỉ nên hết bổn phận làm mẹ làm vợ mà thôi. Như thế thì đàn bà ngày xưa có khác gì đàn bà ngày nay đâu? Sao còn gọi là giải phóng?

Ấy vậy mà coi công việc chính bà Phan Văn Gia làm, thì lại thấy là bà ấy đã tự giải phóng cho mình rồi. Đàn bà An Nam xưa nay chưa hề đăng đàn diễn thuyết bao giờ. Thế mà bà Phan Văn Gia đã làm việc ấy. Thế là bà giải phóng cho bà rồi đó, còn gì nữa?

Việc làm của bà thì vậy mà lời nói của bà thì hình như đối với sự giải phóng không mấy thích. Ấy có phải là điều mâu thuẫn chăng? Chúng tôi lại tưởng là không có mâu thuẫn (contradiction).

Ấy chỉ tại sự định nghĩa chữ giải phóng không rõ, thành ra dầu nói nhiều lời cũng không vỡ lẽ được; và có lẽ nhơn đó nhóm lên một cuộc nghị luận cãi cọ nhau, chẳng bao giờ rồi!

Bởi vậy chúng tôi muốn xen vào mà bàn cái nghĩa giải phóng là thế nào để giúp cuộc biện luận của các bà.

Phụ nữ ta ngày xưa chỉ lo việc tề gia nội trợ, làm mẹ, làm vợ, có hai cái bổn phận ấy mà thôi; mà muốn cho làm tròn hai cái bổn phận ấy, cũng không cần học nữa. Phụ nữ thuở xưa không được dự biết đến việc nhà ngoài, chớ đừng nói quốc gia xã hội, đừng nói ra mà làm một việc "vì công chúng" như là diễn thuyết cho cả ngàn người nghe.

Đời nay có nhiều phụ nữ không chịu bó buộc mình vào cái khuôn khổ hẹp hòi ấy nên mới cầu giải phóng. Giải phóng nghĩa là phải đi học như đàn ông, không những làm vợ làm mẹ mà thôi mà cũng làm người nữa, nghĩa là đàn ông làm người thế nào thì đàn bà làm người thế ấy; đàn ông được diễn thuyết, đàn bà cũng được diễn thuyết.

Chúng tôi tưởng cái nghĩa của chữ giải phóng là như vậy. Giải phóng tức là "cởi trói", chớ không gì khác.

Theo nghĩa giải phóng đó thì thấy ra như bà Phan Văn Gia ý cũng muốn giải phóng mà giải phóng có chừng có đỗi. Học thì được, ra diễn thuyết cho công chúng nghe thì được, nhưng choán cả nghề của đàn ông mà làm thì bà không thích. Chúng tôi hiểu vậy, chẳng biết có đúng không?

Còn bên bà Bạch Vân thì không nói rõ ra, song nếu chúng tôi không lầm, thì bà nầy có ý như là giải phóng hết cả.

Chúng tôi viết bài nầy chỉ có ý muốn định nghĩa chữ giải phóng mà thôi, chớ không có ý xen vào cuộc nghị luận của các bà, cho nên chúng tôi không tỏ ý kiến của mình gì cả.

Có một điều nên hiểu nữa, là chữ giải phóng theo nghĩa trên đó, không phải bảo rằng hết thảy đàn bà đều làm như vậy đâu. Chẳng qua nói rằng trong đám đàn bà, từ xưa không ai được phép làm người như đàn ông, thì ngày nay nếu có ai làm như vậy cũng sẽ được phép. Vậy chớ không phải bảo rằng mỗi người đàn bà đều được giải phóng làm như đàn ông hết đâu.

Đàn ông chúng tôi đây mà cũng đến trong một ngàn một vạn người mới có một người ra gánh vác việc quốc gia xã hội. Thế thì bên các bà nếu có giải phóng là giải phóng có người, khỏi sợ rằng bỏ con không ai cho bú.

Thấy bà Phan Văn Gia như có ý sợ rằng hễ đàn bà giải phóng thì bỏ cả bổn phận gia đình nên hôm nay chúng tôi chỉ xin phép nói sơ một câu đó thôi.

T. R.