Thề non nước (tập truyện ngắn)/Kiếp phong trần

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thề non nước của Tản Đà
Kiếp phong trần

Truyện ngắn Kiếp phong trần được in lần đầu tiên trong tập Truyện thế gian xuất bản năm 1922.

KIẾP PHONG TRẦN


Cô hai Đào từ ở bến Sáu-Kho cầm cái mùi-xoa lau nước mắt mà giở về, dẫu không nói. ai cũng đều biết rằng trong lòng cô trăm vòng tơ rối. Tuy vậy, cô dẫu buồn về nỗi biệt-ly, song cũng có một chút vui riêng về đường của-cải. Là làm sao? Ông Hai có cho lại cô thật là nhiều tiền của, trừ những đồ vàng ở trong mình không kể, lại còn như cửa nhà xe ngựa, nhất-thiết về tay cô hết cả. Cô ở Hải-Phòng mà đi về Hanoi, ngồi trong hạng ba xe lửa, nghĩ mình mặt nước cánh bèo, không có của thời cái thân không ra gì; có của mà ở đất Hà-thành, giữ được cho khỏi bị người ta lừa, tưởng cũng chưa đã dễ. Trong cùng toa bấy giờ, ai nói truyện gì với ai, cô cũng như không nghe thấy; xe dừng ở ga nào, đã đi đến ga nào, cô cũng như không biết. Cô chỉ ngồi tựa trong cửa kính, trông ra đường giây điện, nghĩ về của cải cơ-nghiệp ở Hanoi mà vấn-vương tơ lòng. Sau khi đã về đến Hanoi, ở nửa tháng, một tháng, quả không thiếu gì các khách tài-tình, trong vòng tuổi trẻ, ngoài trạc tứ-tuần, bướm lại ong qua, chào hoa hỏi liễu. Cô đã có một cái lòng sợ người ta đến lừa mình, cho nên nhất-thiết không có thề ước nặng tình gì với ai. Không bao lâu cô bán hết cả cơ-nghiệp ở Hanoi mà về quê, là ở về hạt huyện Thanh-Hà tỉnh Hải-Dương. — Cô hai Đào từ khi về quê, tậu trại làm nhà, vườn hoa cây cảnh, buổi chiều thời xe ngựa rong chơi, sung-sướng thay,

Cô đã giầu có như thế, mà tuổi xanh má phấn, càng thêm cho thiên-hạ động tình; thơ nhạn tin oanh, lại cũng không khác nào như khi cô ở Hà-thành vậy. Ai nghe cái truyện này, đến đây, thử dừng lại mà nghĩ về hậu-vận cô hai Đào, chắc một là lấy ông hậu sắp ra tri, hai là lấy ông tri mới hóa vợ, ba là làm bạn cùng một nhà thầu-khoán có đồn-điền. Vậy mà ai ngờ đâu.

Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên!
Treo tranh tố-nữ đứng bên ông tượng đồng!

Tiếc thay! như cô hai Đào mà lấy chồng tây đen thời ai đó chẳng buồn lắm ru? Nghĩ thiên hạ cũng không thiếu gì người lấy tây đen, song như những ai kia thời là bởi tham đồng bạc trắng, chỉ là « giời xanh quen với má hồng đánh ghen ». Thôi nhưng lấy ai thời cũng là chồng, tưởng cũng không phải vì cô buồn thay vậy.

Từ khi cô đã kết duyên Tần-Tấn với một chàng Ấn-độ ấy, vườn đào riêng đã có người chủ-trương. Lạ thay! chú tây đen từ ở bên Tây-Trúc mà sang làm rể ở Thanh-Hà, mà rồi đến có cả cái cơ-nghiệp ấy vậy!

Chú tây đen đã lấy cô hai Đào thời tức là có cái cơ-nghiệp ấy, nếu như thế thời cũng không lấy gì làm lạ; lạ rằng duyên thắm chưa xe được bao lâu, mà thằng đen đã ra lòng phụ-bạc! Bao nhiêu các văn-tự ruộng cấy đất ở, nhất-thiết sang tên đen cả. Không biết ở Ấn-độ xưa nay có bùa thuốc như ở trên Mường ta hay không? mà ở Thanh-Hà sinh ra cái quái-kịch đến như thế! Chàng Ấn độ đã chiếm-lĩnh được cơ-nghiệp ở Thanh-Hà ấy, rồi mới đuổi bỏ cô hai Đào. Than ôi! « duyên đâu ai dứt tơ đào! nợ đâu ai bỗng dắt vào tận tay! » Đến lúc ấy, cô ngồi nghĩ lại như khi đi tiễn ai ở Sáu-Kho, lại giở cái mùi-xoa ra mà chùi lau nước mắt, giọt nước mắt lúc này mới thật là chan-chứa tình thương-nhớ, hơn như mặt nước sông Hải-Phòng. Thôi, sự đã dĩ-nhiên rồi, trong tay cô đã không còn có một mảnh văn-tự nào nữa rồi, ôi thôi, cô hai Đào, ai cho cô còn được ngồi lâu ở trong cái nhà, ở trong cái trại đó mà ngậm-ngùi!

Ngậm-ngùi gạt lệ bước ra,
Chém cha mối lái! chém cha tơ-hồng!
Bảo rằng duyên thắm vợ chồng,
Bây giờ mới biết tượng đồng bạc đen!

Nhân lúc buồn, lại xấu hổ cô không tiện ở làng, mới sang chơi hạ huyện Vĩnh-Bảo tìm thăm một người chị em bạn cũ là cô Cúc hát ở đó.

Cô hai Đào sang chơi đến Vĩnh-Bảo thời ở Vĩnh-Bảo vừa mới đêm hôm trước sẩy ra một truyện cũng hơi lạ:

Khoảng hai giờ đêm, ở một làng gần huyện nghe có tiếng súng nổ. Tiếng súng ấy, người thật không biết thời ngờ là có cướp; người hơi biết thời bảo là súng của ông Cửu ở làng ấy đi tuần; song chỉ là một viên đạn vô tình ở trong bàn tổ-tôm, mà viên đạn vô tình ấy đã làm cho cái đời phồn-hoa của chị Cúc cháy xém ra gio vậy. Truyện ấy, trừ những người ở trong bàn tổ-tôm đêm hôm ấy thời không ai biết được rõ, cho nên có người nói rằng:

« Đêm hôm ấy, bàn tổ-tôm đương đánh, chị Cúc đã đi ngủ trước, nằm ở một giường bên cạnh. Ông Cửu đi tuần về, vào đập dậy cho vui mà chị Cúc ụ-ỵ chưa dậy; ông Cửu nhân súng đi tuần, cầm nhằm vào đầu để thị oai, không ngờ rằng ở trong súng đã có đạn, cũng không ngờ rằng đầu ngón tay có bóp cò. Ấy thời là một sự vô ý mà bỡn quá hóa thật ».

Lại có người nói rằng:

« Khẩu súng treo ở vách mà chị Cúc đứng dạy đụng phải, cho nên rơi xuống mà đến thế ».

Hai nhời nói. dẫu chưa biết nhời nào là thực hơn, song có nhẽ là chị Cúc đụng phải khẩu súng treo ở vách, chớ ai có đùa quá đến như thế. Thôi, sự đó, nếu có là nhà chánh-trị thời mới cần phải xét kỹ, còn như chép truyện thế gian thời không cứ là ông Cửu vô ý, hay chị Cúc vô ý, chỉ biết rằng cái đời phồn-hoa của chị Cúc đã vì một viên đạn vô-tình ấy làm cho cháy xém ra gio vậy.

Nỗi riêng khôn xiết thương mình!
Thương ai luống lại lệ tình tuôn rơi!

Con người ta trong lúc mình đã bĩ thời những người quen biết với mình thường cũng gặp phải cảnh bĩ cả; cái đó không biết tại làm sao mà thế, mà thật có như thế, tưởng cũng không cứ một mình cô Đào. Cô hai Đào ra chơi đến đấy, rồi vơ-vẩn không biết lại đi đâu, sau quanh quẩn tới Hải-Phòng, tình-cờ ở phố Khách gặp một người bạn cũ nữa là Liễu-nương. Hai người mới gặp nhau, trước còn bỡ-ngỡ, rồi mừng rỡ lạ thường. Liễu-nương mời Đào vào một cái gác con ở phố ấy, là một chỗ thuê để đi lại buôn bán, rồi đêm hôm ấy, hai người cùng ngủ ở đấy. Câu truyện vui không được mấy, sau cùng nhau kể hết tình-cảnh tâm-sự. Đào lại nói truyện Cúc cho Liễu nghe, hai người cùng khóc, Liễu với Cúc cũng cùng là chỗ chị em chơi với nhau trước cả.

Đào:

— Trong mấy chị em mình chơi với nhau khi trước bây giờ dễ chỉ có chị Lan thế mà còn sung-sướng hơn cả.

Liễu:

— Chị ấy nghe nói cũng khổ lắm.

— Làm sao?

— Kể chị ta lấy được ông Huyện ấy thời dẫu làm lẽ cũng đáng; nhưng gặp phải cái mụ vợ cả thật là tay đáo-để quá. Ai lại như tháng trước tôi vừa mới nghe truyện: chị ấy thời mới ở cữ được một đứa con giai, mới được độ nửa tháng; ông huyện ấy thời đâu lên tỉnh có việc quan vắng. Thế mà không biết vì cớ gì, nó nỡ lôi người ta ra, sai lột quần ra mà đánh!

— Như những thế thời tức lắm nhỉ.

— Tức thời có làm gì được người ta. Mụ này nguyên lại là lo cho ông ấy ra tri-huyện, cho nên nó mới hách quá đến thế.

— Nghĩ mình đã không ra làm sao, mà chị em lại cũng như thế cả, thật buồn quá.

— Như bây giờ mà nghĩ đến lúc chúng ta còn mười lăm, mười sáu tuổi, cùng chơi với nhau, rồi lại thư từ đi lại, thật là vui-vẻ quá.

— Như trong lúc ấy thời thật không nghĩ đâu rằng về sau này mà lại như bây giờ.

Hết cuộc truyện đêm hôm ấy, rồi đến sáng hôm sau thời hai người biệt nhau. Đào đi Hà-Nội; Liễu thời lại xếp hàng ra Hòn-Gai.

Liễu-nương nguyên lấy một người chồng khách ở Hải-Phòng, trong một hai năm trước thời kể cũng sung-sướng. Sau chú khách buôn bán thua lỗ, bỏ đất Hải-Phòng ra Hòn-Gai. Ở bể vào ngòi, cũng đã bực lắm. Ở Hòn-Gai được hơn một năm, chú khách lại lấy được một người vợ nữa, người ấy dở tàu dở an-nam, cũng chạc tuổi như Liễu-nương mà chỉ là hơi có của. Từ đấy, Liễu-nương dẫu không phải làm lẽ, nhưng cái thân-phận cũng không hơn gì cô Lan. Ở Hòn-Gai chỉ mỗi ngày hai buổi đứng ở trước bếp than; trong một tháng được có ngày nào đi lại Hải-Phòng cất hàng thời còn là lúc mát mặt, chuyến ấy ở Hải-phòng về, nhân gặp cô hai Đào mà sinh ra một mối thương-tâm vô hạn, suốt từ lúc bước chân xuống tầu cho đến tới Hòn-Gai, bồi-hồi ngao-ngán. đã vì thế, lại tại lúc tầu đến Hòn-Gai, giời đã tối, cho nên đồ hàng khuân về nhà, thiếu mất đi một hòm sà-phòng. Một hòm sà-phòng ấy không biết rằng rơi xuống sông, hay đứa nào chuyên mất: nhưng, than ôi! vì một hòm sà-phòng ấy mà Liễu tan-tác mày, thời những các chị em, ai nghe đến truyện này, thật cũng đáng « chém cha cái kiếp lấy chồng chung » vậy. Nghĩ cho đất Hòn-Gai đã là nơi lầm-than, lại có thêm riêng một cảnh lầm-than như chị Liễu, vậy thời « đời đáng chán hay không đáng chán? » tưởng cũng không cần phải cất chén quỳnh mà hỏi bạn tri-âm. Bởi thế cho nên mới lại có một cái bức tranh rất bi, rất thảm như ngày hôm sau vậy.

Vịnh Hạ-Long, tên chữ tây gọi là « Baie d’Along » là một nơi danh-thắng thứ nhất của nước ta, người các nước đến chơi cũng lấy làm một cảnh thiên-sảo. Ấy chỉ là một chỗ thừa-lương của các bực quí-tộc phú ông tao-nhân mặc-khách, mà thảm đâu Hạ-Long vịnh đó là mồ hồng-nhan!

Ai xem truyện này đến đây, cũng đều đã biết rằng Liễu-nương tự tử ở đó. Tâm-sự Liễu-nương thế nào, chỉ một mình Liễu-nương biết; tình-cảnh Liễu-nương thế nào, người xem truyện đã biết. Nay kẻ chép truyện chỉ riêng nghĩ cho cô hai Đào, không biết rằng lưu-lạc đi nơi nao, nếu lại nghe thấy cái tin Liễu-nương tự-tử ở vịnh Hạ-Long này thời chắc lại không biết bao nhiêu nước mắt vậy.

Than ôi! Lấy chồng tây đen như cô Đào thời như thế! đi hát như cô Cúc thời như thế! làm lẽ như Lan thời như thế! lấy khách như cô Liễu thời lại như thế! Không biết có phải là cái kiếp phong-trần hay không? mà sao hồng-nhan bạc-mệnh đến như thế! Bởi thế, cho nên thế-gian có câu ngâm:

Thế-gian[1] ngâm rằng:

Cái kiếp phong-trần ngán biết bao!
Xuân lan thu cúc,
Đông liễu tây đào.
Hóa-công độc-địa làm sao!
Mà đem bạc-mệnh buộc vào hồng-nhan.
Giấm chua dầm tưới cho lan;
Lửa nồng cúc đã gio tàn sắc kim;
Bể sâu cành liễu buông chìm;
Hoa đào ngọn nước, con chim phụ tình.
Thế-gian lắm sự bất-bình.
Muốn lên hỏi tại giời xanh nỡ nào.
Xuân lan thu cúc,
Đông liễu tây đào.
Cái kiếp phong-trần ngán biết bao!

   




Chú thích

  1. — Vở tiểu-thuyết này, nguyên chép ở trong « truyện thế-gian. »