Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 8 (19 Septembre 1936), trang 7.

NƯỚC TÀU THỐNG NHẤT HẲN

Lâu nay Trung Hoa tiếng là thống nhất dưới chính phủ Nam Kinh, nhưng kỳ thực còn có phái Tây Nam chưa chịu thống thuộc hẳn.

Tháng trước ở Quảng Đông, Trần Tế Đường đã bị cách chức và Tưởng Giới Thạch đã xuống đó sửa sang mọi việc. Nhưng ở Quảng Tây, Bạch Sùng Hy và Lý Tôn Nhân lại phản kháng Nam Kinh, không chịu phục tùng.

Ta phải nhận rằng họ Tưởng xử trí hay lắm. Nên vừa rồi có tin Bạch và Lý đều tuyên bố rằng sẽ ủng hộ Tưởng Giới Thạch và phục tùng Nam Kinh. Quân đội Nam Kinh đem xuống vây Quảng Tây từ trước thì vừa rồi đã rút về.

CÓ TIN STALINE, QUỐC TRƯỞNG NƯỚC NGA, BỆNH NẶNG

Có tin của người Đức truyền đi như sau nầy: Nghe đâu ông Staline, quốc trưởng nước Nga lâm bệnh nặng, chưa biết sẽ nguy lúc nào. Đã mấy tháng nay, ông Staline ở luôn trong điện Kremlin, không đi đâu cả.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG Ở PHÁP

Tin Paris, 9 Septembre. – Tại Lille, 30.000 thợ dệt đình công, vì vấn đề tiền công. Tại Marseille, các thợ luyện kim đình công, cũng vì vấn đề tiền công.

Ông Fernaud Laurant (Nghị viên), định chất vấn chánh phủ về cái thái độ của chánh phủ đối với những cuộc đình công có tính cách “đặc” chánh trị, do những duyên cớ chánh sách ngoại giao mà phát sinh ra, và các việc thợ thuyền chiếm giữ các công xưởng trái với những lời đoan kết của ông Tổng trưởng bộ Nội vụ.

NƯỚC PHÁP ĐỐI VỚI CUỘC NỘI LOẠN TÂY BAN NHA

Cuộc nội loạn ở Tây-ban-nha vẫn kịch liệt. Đối với cuộc nội loạn ấy, Tổng lý nội các nước Pháp, ông Léon Blum quyết giữ thái độ trung lập. Đảng cọng và liên đoàn lao động yêu cầu chánh phủ Pháp giúp chánh phủ Tây-ban-nha để trừ nghịch đảng. Ngày 7 Septembre có nhiều thợ đình công để tỏ ý yêu cầu ấy. Nhưng ông Léon Blum vẫn không đổi thái độ và có tuyên bố: nếu chánh sách trung lập của nước Pháp bị nguy ngập, ông sẽ cầu cứu với hai nghị viện và các nhà có quyền bảo cử.

DÂN ĐỨC TỰ HÙNG

Vừa rồi đảng Quốc xã nước Đức có mở một hội nghị thường năm tại tỉnh Nuremberg. Cuộc hội nghị ấy khiến cho cả thế giới đều phải để ý. Trong hội nghị, nhà độc tài Hitler diễn thuyết, có nói rằng: “Sau bốn năm giữ chánh quyền, năm 1936 đã rửa sạch cái quốc sỉ của dân Đức”.

Quốc sỉ đó là chỉ về tờ hòa ước Versailles mà người Đức cho là bất bình đẳng. Năm 1936 đã rửa sạch quốc sỉ ấy, nghĩa là nước Đức đã phá hủy hiệp ước Locarno và kéo quân vào khu phi chiến sông Rhin ngày 17 Mars, rồi tiếp đến việc tăng hạn cưỡng bách tòng quân trong tháng Août.

QUAN TOÀN QUYỀN ROBIN VỀ PHÁP

Ngày 13 Septembre 1936, quan Toàn quyền Robin đã đáp tàu “Président Doumer” về Pháp. Ngài sẽ hưu trí và ở luôn bên ấy.

VỀ NHỮNG CHUYỆN RẮC RỐI Ở CÁC TỈNH QUAN HỆ VỚI VIỆC BÀY TỎ NGUYỆN VỌNG CÙNG ỦY BAN ĐIỀU TRA

Vì những tin rắc rối ở các tỉnh, làm trở ngại cho sự phát biểu ý kiến của nhân dân trước khi Ủy ban Điều tra sang Đông Dương mà các báo đã đăng, như ở Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, v.v… nên Tiểu ban tạm thời về việc tổ chức cuộc Toàn Kỳ hội nghị có cử ông Chủ tịch Phạm Văn Quảng đến hỏi quan Khâm sứ Trung Kỳ, thì ngài lấy làm lạ mà nói rằng trong dịp nầy chính phủ vẫn để cho nhân dân có thể bày tỏ hết thảy ý kiến, nguyện vọng cùng Ủy ban Điều tra; nếu quả có những sự ngăn trở nói trên thì ngài sẽ nghiêm trị những người gây mối.

Tổ chức tạm thời Tiểu ban cậy đăng

TÙ TRONG LAO BAN-MÊ-THUỘT NHỊN ĂN

Ngày 24 Août, tại nhà lao Ban-mê-thuột, có một tên tù nhân vì làm lụng nhớp nhúa, ra bể nước rửa tay, bị viên sếp lao nắm tay thoi vào ngực, người tù đau quá, kêu to lên, rồi hết thảy tù đều la lên. Hôm sau viên sếp đem lính vào phòng tịch ký các đồ dùng của tù nhân, như ca súc miệng, thuốc đánh răng, rồi bắt hết thảy phải quỳ, không được làm việc, có kẻ bị bỏ buồng tối và bị cùm. Họ bèn nhịn ăn để yêu cầu quan trên chú ý đến sự khổ của họ.

CÁC NHÀ TIỂU NÔNG ĐÔNG PHÁP SẼ ĐƯỢC VAY TIỀN

Hôm 9 Septembre, quan Tồng trưởng Thuộc địa Moutet đã đệ trình quan Đại Tổng thống phê chuẩn một đạo mạng lịnh nói về thể lệ cho vay số tiền dưới 5000 $ cho các nhà tiểu nông trong cõi Đông Pháp. Nguyên trước kia cũng đã có đạo luật định về việc ấy, nhưng số tiền phải là 5000 $ giở lên. Nay cải định dưới 5000 $ để các nhà tiểu nông có thể vay được.

THẦY GIÁO ĐÌNH CÔNG Ở MỘT TRƯỜNG TƯ SÀI GÒN

Vừa rồi ở Sài Gòn, trường tư Quốc Bảo, do ông Châu Bạc Hải làm hiệu trưởng, vì trả lương cho thầy giáo không xứng đáng nên họ đình công. Sau được nhà chức trách can thiệp vào vụ nầy, buộc ông Hải phải trả thêm lương cho các thầy giáo, vụ ấy bèn liễu kết.

THỢ ĐÌNH CÔNG Ở MỘT HÃNG TÂY LÀM NƯỚC MẮM

Cũng ở Sài Gòn, tại hãng làm nước mắm của ông Granval, các thợ có yêu cầu thêm lương và bớt giời làm việc mà không được nên họ rủ nhau đình công. Số thợ đình công phỏng chừng một trăm người, đều là người An Nam cả. Sau khi đó, ông chủ hãng liền gọi một số thợ Hoa kiều để thay vào. Sợ có xảy ra việc gì chăng, nên khi bọn thợ Hoa kiều vào làm việc rồi, lính cảnh sát và lính kín gác xung quanh hãng rất nghiêm nhặt.

VẬT GIÁ Ở ĐÔNG PHÁP

Về tháng Juillet trước đây ở Sài Gòn giá mua bán gạo bắp cao hơn mấy tháng trước; còn giá các hàng nhập cảng vẫn như thường. Ở Hà Nội, Sài Gòn về tháng Juillet, giá các thực phẩm có hạ hơn trước một ít, và trong tháng Août cũng vẫn hạ.

LỄ KHÁNH THÀNH ĐƯỜNG XE LỬA SUỐT SẼ CỬ HÀNH NGÀY 1er OCTOBRE TẠI ĐÈO CẢ

Đường xe lửa đi suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn đã làm xong. Lễ khánh thành sẽ sẽ cử hành vào ngày 1er Octobre, buổi chiều, tại Đèo Cả (Đại Lãnh). Chánh phủ có mời các quan chức và người các giới dự cuộc lễ này. Những người được mời dự lễ ở Đèo Cả xong, sẽ ngồi xe lửa chạy thẳng vào Sài Gòn ngay chiều hôm ấy. Rồi ở Sài Gòn còn mở các cuộc vui giúp lễ khánh thành trong một tuần lễ nữa. Dự lễ khánh thành xong, các quan khách từ phía Bắc cũng sẽ được ngồi xe lửa trở về trong hai chuyến xe riêng vào ngày 3 và 4 Octobre, ai muốn đi chuyến nào tùy ý.

MỘT ĐIỀU THAY ĐỔI VỀ CHẾ ĐỘ HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT

Lâu nay ở Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, chỉ có người Pháp mới được ngồi ghế nghị trưởng. Rồi ở dưới nghị trưởng có hai phó nghị trưởng và hai thơ ký, người Nam mới được chia nhau với người Pháp mỗi chức một ghế. Quan Tồng trưởng bộ Thuộc địa Moutet cho rằng làm như thế là bất công nên đã ban một đạo mạng lệnh thay đổi chế độ ấy. Từ nay về sau, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ chỉ có một ghế nghị trưởng và một ghế thơ ký. Trong khi bàu các chức ấy hễ ai nhiều thăm thì được, không cứ người Pháp mới được làm như trước. Ấy là một điều cải cách thứ nhất của chánh phủ Bình dân đối với thuộc địa Nam Kỳ mà anh em trong ấy lấy làm hoan nghinh lắm.

VỤ HỐI LỘ PHAN THIẾT ĐÃ ĐEM RA XÉT

Vụ hối lộ ở Phan Thiết mà các quan tỉnh can vào thì đã đem về Huế tra xét. Quan tuần Mai Hữu Loan, quan án Trương Ký, ông kinh tịch Trần Đinh, ông huyện Lê Thương Văn đều đã có mặt ở kinh. Hoàng thượng xuống dụ lập một hội đồng xét vụ ấy. Hội đồng gồm có ông Hồ Đắc Ứng, ông Trương Như Đình, ông Đặng Văn Hường và do quan công sứ Gey Quảng Ngãi làm chủ tịch. Hội đồng đã bắt đầu hỏi các bị cáo nhân hôm 4 Septembre tại Cơ mật viện. Họ đều khai y như trước đã khai với các quan đi điều tra. Nghe nói hội đồng còn xét lại hồ sơ mấy hôm nữa mới xong rồi trình lên hội đồng Thượng thơ thẩm nghĩ.

NHÂN DÂN CÁI BÈ ĐEO GIẤY THUẾ THÂN NƠI NGỰC

Nhân ở Sài Gòn có người phát khởi ra Đông Dương đại hội là hội để hoan nghinh phái bộ Điều tra nước Pháp sắp gởi sang xứ ta. Nhân dân ở Cái Bè là nơi phụ cận Sài Gòn vừa rồi đều hưởng ứng, lập ủy ban để điều tra nguyện vọng của nhau. Từ ngày họ tỏ ra dấu hưởng ứng cứ bị lính hỏi giấy thuế thân luôn. Bất kỳ ai đi ra đường cũng bị đón hỏi giấy cả, có người trong một ngày bị hỏi đến mấy chục bận. Lấy làm phiền, họ bèn ghim giấy thuế thân trên áo, nơi ngực, hễ bị hỏi là chìa ra.