Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 28 (20 Février 1937),  trang 8.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

Đã lâu chúng tôi ngừng đăng những tin tức về nội loạn Tây-ban-nha, ấy không phải vì sự chém giết nhau đã dứt, nhưng vì những điện tín về các mặt trận tiếp được thường trái ngược nhau, khó mà dò được sự thực. Nhưng cứ theo hãng thông tin Havas luôn trong mấy ngày gần đây thì loạn quân hiện bị thất bại nhiều nơi. Tại Madrid họ ra sức tấn công vào khu vực Công viên và xóm Đại học đường, ssong thảy đều bị vệ binh bình dân đánh thối lui. Thủ tướng Largo Caballero đến thanh tra các mặt trận tỏ vẻ lạc quan lắm và hết lòng tin cậy nơi nhuệ khí của chiến sĩ. Tại Malaga, loạn quân cũng bị bại trận.

TÌNH HÌNH THIỂM TÂY

Như trong mấy số trước đã đăng, sau việc khởi nghịch của Trương Học Lương ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây lại nằm vào một tình thế rất nghiêm trọng. Các tướng Cọng nổi lên và kéo quân vào chiếm các nơi trọng yếu. Điện tín ngày 5 Février lại cho hay rằng tại đó một chánh phủ Cọng hòa Sô-viết vừa mới tuyên bố thành lập. Chính phủ Nam Kinh đã phái quân đội mình lên miền Bắc để dẹp loạn, và cứ như tin viên lãnh sự Trung Hoa ở Hà Nội nhận được hôm 7-2-1937 thì quân ấy đã kéo vào Tây An phủ.

HAI NHÀ VÔ ĐỊCH TÊ-NÍT XIÊM ĐẾN SÀI GÒN

Thành phố Sài Gòn mấy hôm trước Tết có được hân hạnh tiếp hai nhà vô địch tê-nít Xiêm là Sanoh và Muang Roeng. Nhân dịp nầy tổng cuộc quần vợt trong ấy có tổ chức mấy cuộc tranh đấu giữa hai cây vợt ngoại quốc và mấy cây vợt An Nam. Nhưng vì tổng cuộc đã tuyển lựa một cách thiên vị, cố loại các nhà vô địch như Chim, Giao, Nữa, Nhánh ra ngoài, mà chỉ cử những đại biểu tầm thường, nên bị công chúng phản đối, tẩy chay, không thèm đến dự các cuộc tranh đấu. Luôn mấy trận đánh tại sân quần C.S.S., số khán giả, mỗi lần chỉ trên dưới ba chục người, và các cây vợt đã biểu diễn trong một không khí ghẻ lạnh. Cố nhiên là phần thắng về hai nhà vô địch Xiêm, tuy rằng nghệ thuật của họ không có gì đặc sắc.

TẾT Ở HUẾ

Quang cảnh kinh đô mấy ngày trước Tết rất náo nhiệt, nhất là ở các con đường Paul Bert, Gia Long; nhưng cũng như mọi nơi, đến ba ngày mồng một, mồng hai, mồng ba, vì là ai ở nhà nấy, nên các đường phố trở nên rất buồn vắng. Lại thêm bắt từ mồng hai trời đổ mưa phùn lai nhai mãi, nên cảnh tượng càng thêm ảm đạm, không có chút gì là cảnh xuân.

ÔNG GODART Ở BẮC

Trong số trước chỉ đăng vắn tắt tin ông Justin Godart,[1] vị lao công đại sứ của chính phủ bình dân Pháp phái sang Đông Dương, từ Lào theo đường bộ ra Bắc, đến Hà Nội ngày 2-2-1937. Nay xin theo các báo, thuật rõ lại cuộc đón rước ông tại đó. Nhân dân thành phố Hà Nội, được tin ông Godart sắp ra Bắc, đã lo tổ chức cuộc nghênh tiếp ông từ lâu. Hôm 1-2-37, là ngày người ta cho hay rằng ông đến nơi, ngót hai vạn người đủ các giới lũ lượt kéo nhau ra ga Hàng Cỏ, sắp hàng rất có thứ tự đợi; song lâu mà vẫn không thấy bóng ông đâu; mãi gần chiều mới biết tin kia sai và qua ngày mai ông mới đến bằng ô-tô nên công chúng đành kéo nhau ra về. Ngày mai, 2-2-37, số người đi đón tăng lên trên ba vạn người, đứng rất thứ tự từ ga Hàng Cỏ dọc theo lề đường Gambetta, mỗi giới đều có mang dấu hiệu riêng: nào thợ may, thợ giày, thợ cạo, nhân viên công sở xe điện, học sinh, nữ khán hộ, v.v… cho đến dân cày các tỉnh lân cận cũng phái đại biểu về dự cuộc đón tiếp. Sự trật tự ấy không phải nhờ cảnh sát, sen đầm mà có, nhưng chính tự công chúng khéo bảo nhau và khéo nghe nhau. Nhưng cuộc tiếp đón có tính cách bình dân ấy đã phải hỏng ngay. Số là ông chánh sở Liêm phóng Arnoux, vì thấy trước ga Hàng Cỏ số đông người quá mà trước phủ Thống sứ là nơi sẽ có cuộc nghênh tiếp ông Godart theo đúng nghi tiết đã định lại vắng ngắt, nên muốn chia một nửa công chúng về trước phủ. Công chúng không bằng lòng và nhất định đòi đứng đón cả ông Godart ngay trước ga Hàng Cỏ. Cảnh sát đàn áp, công chúng, dưới lời hiệu triệu của các nhân viên báo Le Travail, đều bỏ ra về, không đón nữa. Lúc xe ông Godart đến nơi, quang cảnh trước ga và phố Gambetta đều lạnh tanh, chỉ lưa thưa vài trăm người hiếu kỳ, không có tổ chức, đứng trố mắt nhìn.  

Tại phủ Thống sứ, sau khi nghe nhạc chào và bài đít-cua của quan thủ hiến xứ Bắc Kỳ, vị lao công đại sứ về nhà riêng, ở tại phố Carreau, an nghỉ. Qua ngày mai, ông đi thăm vài nơi trong thành phố, rồi đi viếng các mỏ, các tỉnh lân cận. Ngày 6 và 7, ông trở về Hà Nội tiếp khách và đại biểu các giới. Đồng nghiệp Le Travail được tiếp ngót hai giờ đồng hồ. Ông Godart còn đi khảo sát một vài nơi nữa, xong, sẽ vào Trung Kỳ. Chừng nội hạ tuần tháng nầy, ông đến Huế. Ở Huế mấy hôm nay đã thành lập một ban tổ chức việc đón rước ông. Ban ấy, hôm 9-2-37, đã xin lên yết kiến quan Khâm sứ; ngài tỏ ý hoan nghênh và cho phép nhân dân đi đón vị lao công đại sứ, miễn là đón trong vòng trật tự.

QUAN TOÀN QUYỀN BRÉVIÉ ĐẾN HÀ NỘI

Ở Huế, đáp chuyến xe tốc hành ra Bắc hôm 5-2, quan Toàn quyền Brévié đến Hà Nội chiều 6-2. Ngoài cuộc nghênh tiếp ngài rất long trọng do chính phủ tổ chức, lại còn có cuộc nghênh tiếp của nhân dân thành phố tuy đơn sơ nhưng mà rất cảm động. Cũng như hôm đón ông Godart, họ sắp hàng đứng hai bên vệ đường rất có thứ tự, đợi cho xe ô-tô quan Toàn quyền chạy ngang là giơ nắm tay chào theo lối Chiến tuyến Bình dân, và hô to những khẩu hiệu. Cuộc tiếp đón nầy do một nhóm Pháp Nam có các ông Vũ Văn An, Brochot, Charles Larrivé, Trịnh Văn Phú, v.v… đứng ra tổ chức. Đoàn xe quan Toàn quyền đi khỏi, công chúng sẵn dịp, liền kéo ngay lại trước nhà ông Godart ở phố Careau gần đó, hoan hô ông, tuy lúc ấy ông không có ở nhà, để tỏ mối cảm tình đối với vị đại biểu của chính phủ Bình dân. Xong, ai nấy ra về, rất trật tự.

BAO GIỜ ỦY BAN ĐIỀU TRA SANG ĐÔNG DƯƠNG

Cái tin chính phủ Bình dân Pháp đặt ra ba Ủy ban điều tra về tình hình chính trị, kinh tế ở các thuộc địa đã thành sự thực, trong một số trước đã có đăng. Ba ủy ban: một đi khảo sát ở bắc Phi châu, một đi khảo sát ở trung, nam Phi châu và Mỹ châu, và một sang Đông Dương và các thuộc địa Úc châu. Các báo Pháp qua chuyến tàu kỳ rồi thấy đăng tin đã có hai ủy ban đáp tàu “Baufra” đi từ hôm 5 Janvier 1937. Ủy ban thứ nhất do ông Nouelle, nghị viên xã hội, làm Ủy trưởng, đi điều tra ở Côte d’ Ivoire và la Guinée; ủy ban thứ nhì do ông Quinson, nghị viên xã hội, làm Ủy trưởng, đi điều tra các miền Soudan, Haute Côte d’ Ivoire, v.v… Về ủy ban điều tra sang Đông Dương, chưa thấy nói đến. Vậy bao giờ xứ nầy mới được hân hạnh tiếp ủy ban ấy?

VẤN ĐỀ TỰ DO NGÔN LUẬN Ở THUỘC ĐỊA TẠI PHÁP

Vừa rồi tại Pháp, Ủy ban thuộc địa do ông nghị xã hội Nouelle làm hội trưởng, có cương quyết xin chánh phủ để cho báo giới các xứ thuộc địa được hưởng quyền ngôn luận tự do như ở chánh quốc và yêu cầu chánh phủ bỏ hết những sắc lệnh sửa đổi lại luật ngày 29 Juillet 1881, làm cho báo chí ở thuộc địa phải nằm dưới một chế độ quá hẹp hòi. Chưa biết chính phủ sẽ nhứt định ra sao.

   




Chú thích

  1. Báo chí Việt Nam đương thời thường viết tên nhân vật này là Justin Godard, chỉ đôi khi mới viết là Justin Godart, như ở tin này trên Sông Hương. Các tài liệu ở Pháp viết là J. Godart.