Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 12 (17 Octobre 1936), trang 8.

PHONG TRÀO PHÁT-XÍT Ở PHÁP

Bị chánh phủ Dân đoàn giải tán, đảng phát-xít Quốc xã Pháp (Parti Social Française) do đại tá De La Rocque mới lập, vừa rồi lại có tin nổi lên. Ngày 3 Octobre, nhân một cuộc biểu tình của đảng cọng sản tại công viên Princes, 20.000 đảng viên quốc xã kéo đến phản đối. Có xảy ra nhiều cuộc xô xát, nhưng nhờ cảnh sát can thiệp, nên không có cuộc nào nghiêm trọng. Tin sau cùng cho hay rằng sáng hôm 8 Octobre, công quán của đảng quốc xã bị khám soát, các giấy tờ bị tịch biên để chuyển đệ lên quan dự thẩm tòa án.

NỘI LOẠN Ở TÂY-BAN-NHA

Tình hình mấy hôm nay rất nghiêm trọng. Có tin hôm 7 Octobre, kinh đô Madrid bị nghịch quân vây kín trong vòng 70 cây số, và ở đó nhân dân đương lo đi lánh nạn.

TÌNH HÌNH TRUNG NHẬT

Tình hình vẫn găng ở Hồng Khẩu, trong khu người Nhật Bản tại tô giới quốc tế, ở đó đội quân Đăng lục Nhật Bản tuần phòng nghiêm ngặt lắm. Ở Hạp Bắc, nhân dân đã bắt đầu kéo đi nơi khác lũ lượt, vì họ sợ rằng sẽ xảy ra một cuộc xung đột Trung Nhật tại Thượng Hải chăng; các quan chức Trung Hoa vừa mới ra lệnh cấm nhân dân không được ra khỏi Hặp Bắc nếu xét ra không có sự gì cần thiết.

ÔNG NGUYỄN VĂN TẠO CŨNG BỊ BẮT

Tin hai ông lảnh tụ lao động Tạ Thu Thâu và Nguyễn An Ninh bị bắt, số trước bản báo có đăng. Nay lại có tin ông Nguyễn Văn Tạo hôm 3-1-1936 vừa rồi cũng bị xét nhà và sau đó, bị đưa vào khám lớn, theo chân hai bạn đồng chí mình. Theo các báo trong Nam, ông Tạo bị bắt vì đã viết ra quyển “Đông Dương đại hội” mới xuất bản trong tháng trước. Ba ông Thâu, Ninh, Tạo sẽ do ba vị trạng sư Trịnh Đình Thảo, Albert Viviès và Jean Loye bào chữa.

HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT NAM KỲ KHAI MẠC

Ngày 7 Octobre vừa rồi, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ đã nhóm phiên thường lệ năm 1936. Sau khi nghe quan Thống đốc Rivoal đọc bài diễn văn khai mạc, hội đồng bàu ban trị sự. Cuộc tranh đấu không có gì hăng lắm. Ông Ardin, viện trưởng phòng thương mại đắc cử nghị trưởng; ông Lê Quang Liêm tức Bảy đắc cử phó nghị trưởng; ông Arborati đắc cử thư ký thiệt thọ. Tuy đã có nghị định của quan Tồng trưởng thuộc địa Moutet mở rộng ghế nghị trưởng hội đồng quản hạt cho người Nam, nhưng phiên nhóm vừa rồi, đồng bào của ta không có ai chịu ra tranh cái ghế ấy cả.

NGUYỄN TRI LÊN MÁY CHÉM

Nguyễn Tri, người làng La Thọ, tỉnh Quảng Nam, can vụ giết cô Aubin ở đường Arfeuille, Sài Gòn, bị kết án tử hình, trước đây các báo đều có đăng tin. Vì đơn xin chống án bên Pháp của Trị bị bác, nên ngày 5 Octobre vừa rồi tội nhân đã lên máy chém để trả nợ xã hội.

CÁC ĐẠO LUẬT LAO ĐỘNG SẼ ĐEM THỰC HÀNH Ở ĐÔNG DƯƠNG

Bộ Thuộc địa vừa thông tư cho phủ Toàn quyền hay rằng sắp có nhiều cuộc cải cách quan trọng về chế độ lao động ở Đông Dương: 1/ Kể từ ngày 1er Janvier 1937 sẽ đem thi hành đạo luật ngày 9 Septembre 1933 về tai nạn lao động. 2/ Sẽ có một bản nghị định hạn giờ làm việc của lao động: tử 1er Novembre sắp tới làm 10 giờ một ngày; từ 1er Janvier 1937 làm 9 giờ một ngày; từ 1er Janvier 1938 làm 8 giờ một ngày. 3/ Sẽ cấm ngặt sự bắt đàn bà làm việc ban đêm. 4/ Sẽ cấm ngặt sự dùng trẻ con dưới 12 tuổi trong các công xưởng hay các nhà buôn. 5/ Lao động bất kỳ thuộc về hạng nào cũng đều được lãnh thêm tiền 5 ngày nghỉ trong một năm, kể từ 1er Janvier 1937 và 10 ngày kể từ 1er Janvier 1938. 6/ Sẽ mở một cuộc điều tra tại mỗi tỉnh hay mỗi hạt để ấn định số tiền công ít nhất là bao nhiêu cho thích hợp với những sự cần dùng về sinh hoạt.     

LẠI MỘT VỊ “CHA MẸ DÂN” BỊ KIỆN

Vụ hói lộ ở Bình Thuận vừa liễu kết thì nay lại có tin ông Dương Ngọc Phụ, Tri phủ Vĩnh Linh (Quảng Trị), vì giữ chánh sách ăn của dân mà bị 72 làng tố cáo. Hiện họ đã đưa một lá đơn lên phủ Toàn quyền, một lá lên tòa Khâm, một lá dâng Hoàng thượng và một lá gởi về bộ Tư pháp. Ông Dương Ngọc Phụ đây vốn là một người học trò có chút ít chí khí, và đã từng dự vào lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, lúc còn tòng học ở Hà Nội.

VIỆN DÂN BIỂU TRUNG KỲ HỌP HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN

Sáng 10 Octobre vừa rồi, Viện Dân biểu đã nhóm phiên thường lệ năm 1936. Sau khi nghe bài diễn văn khai mạc của quan Thượng Lại Thái Văn Toản, khâm mạng đức Hoàng đế, viện bắt đầu bầu ban trị sự. Ra ứng cử nghị trưởng có bốn ông: Phan Văn Giáo, Phạm Văn Quảng, Võ Đình Thụy, Trần Bá Vinh. Ông Giáo được 13 phiếu, ông Quảng 19, ông Thụy 6, ông Vinh 5; 2 phiếu trắng. Vì chưa ai được số quá bán, phải bàu lại. Lần thứ nhì, ông Thụy xin nhường cho ông Quảng. Ông Quảng được 26 phiếu, trúng cử. Chức phó nghị trưởng có lẽ vì không lương nên cuộc tranh đấu có hơi tẻ. Có hai ông rời rạc ra ứng cử là Võ Hoành và Nguyễn Khắc Thành. Kết quả ông Võ Hoành trúng cử với 24 phiếu. Chức thư ký về tay ông Lê Thanh Cảnh với 23 phiếu. Ông Nguyễn Đơn Quế được 11 phiếu, ông Nguyễn Quốc Túy được 10 phiếu, không trúng cử. Buổi chiều, bầu chức phó thư ký, cố vấn và ủy viên ban thường trực. Ông Lê Viết Lợi được toàn viện giơ tay bầu làm phó thư ký.  Ba ghế cố vấn về các ông Bùi Huy Tín, Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Văn Tịnh. Ủy ban thường trực có bốn ông ra tranh: Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Đơn Quế, Võ Công Thành, Quang Cự. Ông Túy được 23 phiếu, trúng cử. Sau rốt, bầu đại biểu đi dự Đại hội đồng kinh tế. Ông Trần Bá Vinh được 24 phiếu, ông Phan Văn Giáo được 22 phiếu, đắc cử. Chức đại biểu dự khuyết về hai ông Võ Đình Thụy và Hoàng Huy Giao.