Bước tới nội dung

Tiếu lâm An Nam/Quyển thứ hai/44

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

44. — Râu quai nón

Một hôm, một ông Chánh-tổng râu quai nón, cưỡi ngựa đi làm thuế.

Đến một chỗ, đường nhỏ và lội, không thế nào đi ngựa được; phải giắt lên quán, để gửi nhà hàng. Nhưng mà ở trong quán chẳng thấy có ai; chỉ thấy một ông thầy bói ngồi đấy mà thôi. Ông Chánh mới buộc ngựa bên cạnh mà bảo rằng:

— Tôi gửi ông thầy con ngựa đây, nhé! Tôi vào trong làng gần đây, chốc nữa ra tôi sẽ lấy.

— Chứ ông là ai mà lại gửi ngựa tôi?

— Tôi là Chánh-tổng.

— À! Ông Chánh đấy ư! nhưng mà tôi giữ làm sao được? Ngộ chốc nữa có đứa nào đến bảo là ông Chánh, đòi ngựa, thì tôi biết làm thế nào?

— Ông thầy đừng ngại, tôi râu quai nón. Bây giờ tôi để ông xờ xem. Hễ chốc nữa tôi lại lấy ngựa, ông xờ lại, y như thế thì giả ngựa tôi; mà không, thì thôi, ông không cho lấy.

Ông thầy thuận. Ông Chánh đem râu lại cho mà xờ. Xờ, thấy râu tốt, khen mãi vuốt mãi lâu rồi mới buông cho ông Chánh đi.

Bấy giờ có một mụ mò cua sau lưng quán, nghe thấy thế, lập tâm để lấy con ngựa ấy. Nó đợi cho ông Chánh đi được một lúc lâu, rồi nó lại, bịt mũi, bắt chước tiếng ông Chánh, mà nói với ông thầy bói rằng:

— Nào, xin ông con ngựa, nào!

— Ông Chánh đấy, phải không?

— phải, tôi đây. Tôi đi làm thuế về đây.

— Vậy thì ông cho tôi xem râu, nào!

Mụ nọ lại gần, tốc ngược váy lên, cho ông thầy xờ râu. Ông thầy vuốt mãi, khen mãi:

— Phải ông Chánh đây. Quí hóa quá! Râu đâu mà lại có râu quí thế này!

Rồi lại vuốt râu mình mà nói rằng:

— Râu tôi cũng khá, nhưng mà so với râu ông thì còn kém sa!... Ứ, ừ! Ông này đã ăn mắm tôm! đã đánh chén ở trong làng rồi mới ra đây! Thế mà chẳng lấy phần cho tôi, công chình giữ ngựa từ nãy đến giờ; Tệ lắm, ông Chánh nhé!...