Trò miệng
Ở kinh đô có kẻ giỏi làm trò miệng[1]. Một hôm đãi tiệc quan khách đông đủ, giăng một tấm màn tám thước nơi góc đông bắc nhà bông[2]. Người làm trò miệng ngồi trong màn với một cái bàn, một cái ghế, một cái quạt, một cái thước gõ[3] mà thôi. Quan khách ngồi xúm xít.
Một chặp, nghe trong màn, cái thước gõ đập xuống một cái, ai nấy lẳng lặng, không dám làm ồn. Xa nghe chó sủa trong ngõ sâu, bèn có người đàn bà dựt mình dậy, vươn mình mà ngáp, người đàn ông thì nói mơ; kế tới đứa bé thức dậy khóc lớn, người đàn ông cũng thức dậy. Người đàn bà vỗ đứa bé, đứa bé vừa ngậm vú vừa khóc, người đàn bà thoa mà ru nó. Lại một đứa bé lớn nữa cũng thức dậy, nói cằn nhằn hoài. Trong lúc ấy, tiếng người đàn bà lấy tay vỗ đứa bé, tiếng ru ờ ơ, tiếng đứa bé ngậm vú mà khóc, tiếng đứa bé lớn cằn nhằn, tiếng người đàn ông nạt đứa bé lớn, đồng thời phát ra, đủ mọi điều thần diệu. Cả đám quan khách ngồi đó, chẳng ai là chẳng ngước cổ, nghiêng mắt, cười chúm chím, than thầm, cho là ngộ nghĩnh vô cùng!
Chưa bao lâu, tiếng ngáy của người chồng nổi lên; tiếng người vợ vỗ đứa bé cũng lơi lần cho đến hết vỗ. Rồi nghe tăm như có con chuột, lục cục lạc cạc, làm cho cái gì như cái chậu nghiêng đổ; người đàn bà ho lên trong chiêm bao. Bấy giờ quan khách có ý thơ thới một chút, ngồi hơi tỉnh táo.
Thình lình một người la to lên: "Lửa! Lửa!" Người chồng dậy, la to, người vợ cũng dậy và la to, hai đứa bé đều khóc. Tức thì có cả trăm cả ngàn người la to, cả trăm cả ngàn đứa bé khóc, cả trăm cả ngàn con chó sủa. Trong đó, những tiếng xô đổ ngã nhào, tiếng lửa nổ, tiếng gió ào ào, cả trăm cả ngàn đều dấy lên; luôn với những tiếng cả trăm cả ngàn người kêu cứu, tiếng hè hè kéo mái nhà xuống, tiếng cướp giựt, tiếng tạt nước vào, phàm tiếng gì đáng có trong lúc cháy nhà là đều có cả. Người ta dầu có trăm cái tay, tay dầu có trăm cái ngón, cũng không có thể trỏ vào đó được lấy một mối nào; người ta dầu có trăm lỗ miệng, miệng dầu có trăm cái lưỡi, cũng không có thể kêu tên đó lấy một chỗ nào! Lúc bấy giờ quan khách thảy đều đổi sắc mặt, rời chỗ ngồi, trật tay áo, lòi cánh tay, hai chưn phát run, hầu muốn mạnh ai nấy chạy. Bỗng dưng cái thước gõ đập xuống một cái, mọi tiếng đều dứt. Giở màn ra coi thì chỉ thấy một người, một cái bàn, một cái ghế, một cái quạt, một cái thước gõ mà thôi.
Lời người dịch: Bài nầy của Lâm Tự Hoàn, tức Lâm Thiết Nhai, một tay văn học có tiếng vào trào Thuận Trị nhà Thanh; đầu bài có chữ "kinh đô" đó tức là Bắc Kinh vậy.
Phàm là văn duy có lối tự sự (narration) là dễ hơn hết mà cũng là khó hơn hết. Dễ hơn hết là vì việc có sẵn rồi, nó xảy ra thế nào thì mình chép theo thế ấy, chớ không phải rút trong não mình ra như lối ngôn tình hay là thuyết lý. Vậy mà khó. Khó là chép làm sao cho y như sự thiệt, lại phải có thứ tự phân minh, lại phải cho gọn gàng sáng sủa, khiến người đọc đến cũng như chính mắt xem sự thiệt đã xảy ra. Văn tự sự như thế mới là văn hay. Bởi vậy, bất kỳ tiếng nước nào cũng cho lối tự sự là khó; người làm văn bắt đầu học làm nó liền, mà rút lại không mấy người làm hay được.
Như bài nầy, nhiều người thấy, chắc cho là một bài văn tầm thường, bởi vì kể một việc tầm thường, không có nghĩa lý gì cao xa cả. Ấy vậy mà tầm thường chừng nào, càng khó chừng nấy, cái khó thấy trong cái tầm thường, ai biết làm văn, đều nhìn nhận như vậy.
Bài nầy cốt tả một cuộc làm trò múa dối, hay là theo kiểu nói quen ở Sài Gòn thì là "hát thuật". Người làm trò chỉ dùng có một cái miệng mà làm nên nhiều thứ tiếng trong một lúc. Cái mục đích của bài văn chỉ có tả chỗ đó ra cho được mà thôi.
Cái mục đích ấy tác giả đã đạt đến được rồi. Là vì, không đợi xem nguyên văn, đọc bản dịch đây cũng thấy được cái thần tình của người làm trò ấy, cũng như là mình ngồi chen trong đám quan khách mà chứng kiến cuộc làm trò ấy. Xin độc giả chớ thấy một bài văn ngắn, kể chuyện tầm thường mà khinh; nó là một bài rất có giá trị, làm vai đàn anh trong lối văn tự sự. Tôi dịch ra đây, có ý để cho người học văn coi mà bắt chước.
P. K.
Chú thích
- ▲ Trò miệng, nguyên văn là khẩu kỹ 口 技, nghĩa là làm trò bằng miệng. Hình như bạn múa dối (tục kêu là mối rối) ở xứ ta cũng có làm trò nầy được thì phải. (nguyên chú)
- ▲ Nhà bông, nguyên văn là thính sự ( 廳 事 ), là cái nhà nơi quan thự để mà tiếp khách. Xứ ta, nơi dinh các quan tỉnh hoặc phủ huyện có cái nhà để tiếp khách, kêu bằng nhà bông, cho nên dùng mà dịch chữ thính sự đây. (nguyên chú)
- ▲ Thước gõ là cái thước dùng để mà gõ, nguyên văn là vũ xích ( 撫 尺 ). Nếu dịch là cái thước không mà thôi thì không được, vì thường thường cái thước để đo hoặc để gạch, nhưng cái thước ở đây không dùng vào hai việc ấy, chỉ để gõ mà thôi, nên phải dịch cho đúng là cái thước gõ. (nguyên chú).
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)