Bước tới nội dung

Trạng Lợn-Tựa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trạng Lợn  (1920)  của Mộng Quế Thư Hiên
Tựa

Phàm các đấng có danh tiếng ở đời, nghìn thu bia miệng, muôn kiếp thơm danh, tất có một cái tài lạ để cho người ta đáng khen, đáng truyền. Cho nên, kẻ nọ nói với người kia, đời này truyền sang đời khác không bao giờ mất được. Các bậc trạng nước Nam như là cụ Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng hai nước, cụ Trạng Trình biết việc về trước, thông minh rất mực, danh tiếng để đời, bút sử chép, miệng người truyền, vì tài giỏi mà được nên danh, học hành mà làm nên tiếng, cái lạ ấy ai ai cũng đã từng thấy. Đến như truyện ông Trạng Lợn lại thực là quá, dĩnh ngộ không phải như cụ Mạc mà đối đáp không khác gì bậc thông minh: uyên thâm không phải như cụ Trình mà bói toán tựa như người tinh, góp nhặt rặt những truyện của người mà thành ra cái tài của mình, thực là truyện lạ xưa nay có một. Các cụ truyền lại, người ta nhớ lại, song sóc ở miệng, văng vẳng ở tai, một câu gọi là trạng, hai câu gọi là trạng. Tôi dám chắc kẻ nói có người nghe, ai ai cũng phải lè lưỡi lắc đầu, cho là truyện lạ bậc nhất. Tôi vẫn có ý dịch những truyện lạ nước ta, may lại gặp được người anh em có một quyển sách chép truyện ông Trạng Lợn tường lắm, nhân chép đặt ra được 19 hồi, vậy xin in ra để anh em bà con khi buồn nói làm cái sự vui cười một lúc.

MỘNG QUẾ THƯ HIÊN
Khải Định tháng chín năm Canh thân (1920)