Trẻ con trong thành phố về mùa lạnh
Bốn đứa độ chừng mươi hai tuổi tụ nhau đánh bài tam cúc ở trước một cửa hiệu kia hồi chín giờ tối, đứa nào đứa nấy đền run cầm cập, tha thít lại tha thít.
Tọc mạch coi thử: ba đứa, mỗi đứa mặc được hai cái áo vải cộc; còn một đứa, chỉ mặc độc một cái, thì nó cũng run già hơn.
Đừng tưởng chúng đánh bài tam cúc có ăn tiền: “Không, lạnh quá, ‒ một đứa nói, ‒ chúng con vọc chơi cho ấm!”
Tưng tưng sáng, một con bé nhà ai không biết, đứng dựa một cái máy nước, nó lấy nước được rồi, nhưng gánh đôi thùng lên vai không nổi, vì nó run quá.
Trong một cửa hàng bán nước mắm, vừa mở mắt, thằng quít còn để chỏm bị chủ đánh khóc om sòm. Hỏi tại cớ gì. Tại nó uống trộm nước mắm. Hỏi nó uống nước mắm làm gì. Thưa: ‒ “Tôi lạnh quá!”
Thằng nhỏ thạo đời lắm đấy! Lạnh, uống nước mắm vào thì ấm.
Đó là một vài cái tình trạng tôi thấy giữa thành phố Hà Nội từ hôm trời bắt đầu lạnh tới nay. Chắc còn nhiều nữa, nhưng may cho con mắt tôi chưa thấy!
Thương hại! Đáng thương hại!
Cha mẹ chúng nghèo quá, lo cái ăn còn chưa đủ, có đâu đến cái mặc? Những đứa đi lêu lổng, đánh khăng đánh đáo, nói tục nói tĩu, các ngài đáng đạo cô bác chúng, thấy thì mắng: “Đáng kiếp quân thất giáo! Trời rét thét tới đi, cho chúng biết thân!” ‒ cũng phải ; nhưng mà, kia kìa! Con bé gánh nước, lũ trẻ biết việc làm ấy, chúng nó cũng chịu lạnh như quân kia.
Lạnh không áo mặc là bởi nghèo, mà cho đến thất giáo cũng bởi nghèo, cái nghèo là cái tội, đáng thương hại! Đứa trẻ lêu lổng chịu rét đã đành, mà cho đến đứa trẻ biết làm việc cũng chịu rét, tổng chi đều đáng thương hại cả!
Người ta hay nói đến hai chữ “quốc dân”, có lẽ là nói mỉa! Chứ một phần đông người hồi nhỏ bị lạnh làm mất sức lớn đi, thì đến lớn làm thế nào cho đẫy đà vạm vỡ đáng gọi là “quốc dân” được?
Người ta cũng hay trông mong về tiền đồ của nước nhà, tương lai của dân tộc. Nhưng cứ như thế này thì trông mong làm chi vô ích. Một cái xã hội mai sau mà hôm nay đã bị lạnh làm hao mòn sức lực rồi, thì đừng nói đến mai sau sẽ ra sao mà còn chẳng biết nó có chịu đựng cho đến mai sau hay không nữa!
Một chỗ Hà Nội đây, ta thấy thế, cũng đủ biết cả xứ Bắc Kỳ, cả nước Nam.
Phải làm thế nào chứ.
Vừa rồi trong Sài Gòn gặp ngày lễ Noël, một nhà báo Tây kia tổ chức một cuộc phát đồ chơi cho trẻ con Tây nghèo. Ban đầu họ ước chỉ được hai trăm thức đồ chơi là đủ. Không ngờ các người phú hào và các nhà buôn Pháp cho đồ chơi hoặc cho tiền sắm đồ chơi đến được năm trăm thức. Các cậu bé Lang Sa nhà khó được một bữa rất thích.
Người Tây thế tất đến sự chơi của trẻ con họ; còn mình, sao lại đến không thèm đoái tới sự sống của trẻ con mình?
Có bảo tồn cái sự sống ấy thì mới có “quốc dân” mai sau, mới có tiền đồ của nước nhà, mới có tương lai của dân tộc; bằng chẳng vậy, cũng nên dẹp mấy câu ấy đi, đừng nói tới.
Ta rủ nhau tổ chức một cuộc phát áo quần cho trẻ con nghèo trong thành phố xem nào. Có lẽ nào người Pháp làm một việc về sự chơi thì được mà ta làm một việc cho sự sống lại không được? Có lẽ nào phú hào thương gia Pháp biết cho trẻ con họ được cái vui, còn phú hào thương gia ta lại không cho trẻ con ta được cái sống?
Còn bốn tháng mới hết mùa lạnh. Làm sao cho trẻ con ta được ấm áp qua bốn tháng ấy để mà sống, để mà lớn?
P. K.