về Tăng-giang. Về đến nhà, bà mẹ thấy chị dâu vẫn khỏe mạnh như thường thì giật mình hỏi lại Lý-Hoa. Ông bác, bà bác thấy mẹ con vô-cố đem nhau về, cũng xúm lại hỏi duyên cớ. Lý-Hoa thuật lại bức thư, và nói là tất nhiên có kẻ xỏ-lá lập mưu đánh lừa. Bà bác lại hỏi đến cháu dâu. Bà-mẹ kể đầu đuôi cho nghe. Bà-bác nói:
— Cái đó cũng chả ngại, kíp chầy rồi thế nào nó chả về đến nhà... Cùng nhau truyện vãn, hồi lâu, bà bác bảo dọn cơm ăn, song cơm nào mà nuốt cho trôi cổ được. Mãi đến tối, Lý-Hoa mới đem việc mình lập mưu lừa vợ về quê thưa rõ với mẹ. Thú thật rằng bức thư kia chính tự mình viết giả, song vẫn giấu lỗi cho vợ, chỉ nói là cách đề-phòng sẵn như thế để sau khỏi sinh ra lắm chuyện mà thôi. Hai ba hôm sau, ngày nào chàng cũng ra bến sông để đón vợ về, song con mắt đã mòn, mà người xa vẫn vắng. Hôm thứ tư chàng viết sang một bức thư, dục bảo thuê quanh lấy một người vú-già rồi cùng về, đừng nấn ná nữa. Thư đi năm ngày, cũng biệt vô âm-tín, chàng sốt ruột quá, xin phép mẹ lại sang Hương cảng xem sao.
Sang đến nơi, hỏi các người trong hiệu, hỏi vợ chồng Úy-nùng, lại hỏi hết cả những chỗ quen biết của Quan đoàn, đều không ai biết nàng ở đâu ả. Chàng bàng-hoàng, như ngây như dại, lại về hiệu tìm Tâm-vân. Tâm vân trông mặt chàng, giật mình mà rằng
— Tôi tưởng bác đem gia-quyến về quê, sao lại còn ở đây mà trông mặt ngơ-ngác thế! Lý-Hoa không nói, bấm ông lão ra chỗ vắng rồi thuật lại chuyện mình cho nghe. Tâm-Vân cười nhạt mà rằng:
— Tôi đoán chắc thế nào cũng có những việc quái ác như thế xẩy ra, cho nên dục bác đem bác gái về. Không ngờ nó lại tính trước được mình. Âu cũng là vận-niên bác năm nay không tốt. Thế bây giờ bác đã nghĩ có kế gì để tìm kiếm nó chưa? Chàng nói: