Trang:Co xuy nguyen am.pdf/69

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 62 —

Thí dụ câu song-quan:

Suối liêm mấy kẻ đầm đìa,
Đường lợi đua nhau chen chúc.

Cách-cú — Sau dần dần đặt câu dài đối nhau, gọi là cách-cú, nghĩa là trong một câu đoạn trên bốn chữ, đoạn dưới sáu bảy chữ; hay là trên sáu bảy chữ, dưới đặt dài độ tám chữ, hay ngoại mười chữ cũng được.

Thí dụ câu cách-cú:

Có trung hậu cũng là trung hậu bạc; nào đoái hoài phường khố rách áo ôm?
Chẳng nhơn ngãi gì hơn nhơn ngãi tiền; phải chiều chuộng kẻ vàng trăm bạc chục.

Hay là trên đặt dài độ bảy tám chữ, mà dưới đặt ngắn độ bốn chữ, cũng gọi là câu cách-cú.

Thí dụ:

Chẳng biết ăn cây nào, rào cây nấy; thấy bở thì đào.
Chẳng biết mất của ta, ra của người; cứ mềm thì chọc.

Gối-hạc — Còn như đặt dài mỗi vế đến ba đoạn, mà ba chữ trên đầu câu hơi chấm đậu lại, thì gọi là câu gối-hạc.

Thí dụ câu gối-hạc:

Khi đắc thế, thời đất nắm nên bụt; nghe hơi khá, xăm xăm chen gót tới: đến ngỡ đàn ruồi!
Lúc sa cơ, thời rồng cũng như giun; xem chiều hèn, xanh xảnh rẽ tay ra: nhạt như nước ốc!

Đó là lối đặt câu: bát-tự, song-quan, cách-cú, gối-hạc, đại khái như vậy.

Nhưng cũng có câu đặt ngắn hơn độ ba chữ; hay là đặt dài hơn, độ ba bốn đoạn, cũng chẳng qua những lối đó mà thôi, quí hồ xếp được cho nhiều tiếng phương-ngôn, tục-ngữ đối nhau, mà tùy ý đặt lời cho êm, hạ vần cho luyện, thì là được.