c) Đối với vay ngân quỹ nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị vay vốn kèm theo các hồ sơ liên quan, gửi Bộ Tài chính quyết định;
d) Đối với vay từ các nguồn tài chính khác trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Chương VIII
BẢO ĐẢM KHẢ NĂNG TRẢ NỢ CÔNG
Điều 54. Bảo đảm khả năng trả nợ công
1. Việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
2. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
3. Việc chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
a) Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
b) Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;
c) Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.
4. Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Điều 55. Quản lý rủi ro đối với nợ công
1. Quản lý rủi ro đối với nợ công là việc nhận diện các loại rủi ro đối với danh mục nợ công, xác định mức độ ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp, bảo đảm khả năng trả nợ công.