4. Tư vấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình, cộng đồng.
5. Kiến nghị biện pháp chăm sóc thay thế và theo dõi quá trình thực hiện.
6. Hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định tại Điều 72 của Luật này.
Điều 54. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
1. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi Tiết Điều này.
Mục 2
CƠ SỞ CUNG CẤP DỊCH VỤ BẢO VỆ TRẺ EM
Điều 55. Các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật; có chức năng, nhiệm vụ thực hiện hoặc phối hợp, hỗ trợ thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ trẻ em theo cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp được quy định tại các Điều 48, 49 và 50 của Luật này.
2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tổ chức theo loại hình cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập.
3. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm:
a) Cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;
b) Cơ sở có một phần chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Điều 56. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập, đăng ký hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;