Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí
1. Có chiến lược, quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí.
2. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại cho các cơ quan báo chí.
3. Đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thính, khiếm thị, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và các nhiệm vụ trọng yếu khác phù hợp với từng giai đoạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hỗ trợ cước vận chuyển báo chí phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về báo chí
1. Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí.
3. Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí.
4. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí.
5. Tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực báo chí.
6. Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và thẻ nhà báo.
7. Quản lý hợp tác quốc tế về báo chí, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam.
8. Kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí quốc gia.
9. Chỉ đạo, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động báo chí.
10. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí.
Điều 7. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.