kém gì tiếng khóc của Tần-Khanh, khi đứng trước mồ Mai-hương. Chàng đứng cách người ấy có chừng hai, ba thước; dưới vầng trăng sáng, trên từ mái tóc đường ngôi, dưới đến nếp quần vạt áo, mắt chàng trông đều rõ như vẽ, quả nhiên là một vị mỹ-nhân tuyệt sắc, tuổi độ ngoài đôi mươi... Tâm thần chàng bấy giờ đã như dại như ngây, vừa mê vì đẹp, vừa cảm vì tình, lại vừa thương cho sức vóc yếu-thơ, chịu sao nổi đêm hôm lạnh lẽo. Trong óc chàng nẩy ra không biết là bao nhiêu những cảm-tưởng lan man kỳ quái... Bỗng thấy « rầm » một tiếng, chàng mới như ngủ mê chợt tỉnh, thì ra nhìn mải quá, đến nỗi chạm trán vào mặt kính, suýt xầy cả da... Nhìn lại người con gái thì đã không thấy đâu nữa rồi, chỉ còn có gió đêm hiu hắt, bóng nguyệt tờ mờ, chiều trời đã quá canh ba; chàng bâng khuâng như mất lạng vàng, lại vào giường ngủ. Đêm ấy có ngủ được không tuy Mộng-Hà không bảo kẻ chép chuyện, song cứ ý riêng mà đoán, thì tưởng ta cũng nên đem chương thứ ba trong thơ Quan-Thư[1] mà ôn lại vì chàng...
Lạ thay! Người con gái sao lại đến đấy? đến đấy sao lại cất tiếng khóc? cất tiếng khóc sao lại thảm thiết nhường kia? Khóc mồ chăng? Khóc hoa chăng? Hay còn khóc về nông nỗi khác? Chắc hẳn nàng cũng cùng Mộng-Hà cùng giống tình-si, cùng hoa lê cùng phường mạnh bạc, tiếng khóc kia, chẳng qua, mượn cớ khóc hoa mà kỳ thực là mình tự khóc mình... May mắn thay cho Mộng-Hà! Mênh mang đất rộng trời dài biết đâu còn có kẻ cùng mình cùng chung một tấm tình mà sa đôi hàng lệ... Nước sông cuồn cuộn, mạch thảm chưa vơi; mảnh đá trơ trơ lời nguyền còn đó; duyên gặp gỡ trong đêm hôm ấy, hay đâu đã giắt ai vào giấc mộng-tình...
Các bạn xem chuyện, có biết người con gái ấy là người thế nào không? Nàng không phải là hồn hoa lê, mà chính là hình-
- ▲ Chương này có mấy câu nói kẻ nhớ gái mà suốt đêm dằn dọc.