Bước tới nội dung

Trang:Duoi hoa (Ngoc le hon) 1.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 20 —

« cánh bằng bay bổng, nhẹ bước đường mây ». Học một buổi, Bằng-lang đã nhận được mấy chục mặt chữ ngay. Chàng thấy nó học có khiếu, lại càng yêu quí bội phần, ôm ấp vuốt ve, tuy thầy học mà chẳng kém gì mẹ-đẻ. Bằng-lang đang độ thơ ngây, thấy chàng chiều thì sinh « mợn » không còn biết sợ hãi gì nữa. Câu « sớm ra cưỡi ngựa Bồ-Đề, dưới đèn tối đến mân mê trêu thầy » của Vi-Trang ngày trước, thật đã khéo tả được cảnh thầy trò Bằng-lang...

Con côi mẹ góa, cây có một cành; Lê-nương yêu quí Bằng-lang thế nào, không nói chắc ai cũng rõ. Khi Mộng-Hà mới đến, Thôi-ông tỏ ý muốn cho Bằng-lang theo học, Lê-nương tuy vững dạ song lòng vẫn lấy làm lo. Lo vì sao? Lo vì Bằng-lang nhỡ ham chơi nhác học, quen thói dông-dài; Mộng-Hà lại ít tuổi hung càn, không quen tính trẻ; bảo ban chẳng ăn lời lại ra oai đánh đập quá tay, cố ép học hành quá sức; bắt nhặt bắt khoan, từng ly, từng tý, thì chỉ tổ hại trẻ mà thôi. Bởi vậy, nàng vẫn nghi ngại vì chàng, có biết đâu chàng đã khéo thể lòng nàng, bao nhiêu điều nàng đoán phỏng đều không đúng cả. Cứ tối đến, sau khi Bằng-lang vào học rồi, nàng lại phấp phỏng lo âu, sai con hầu đến đứng rình ngoài cửa. Sau biết chàng hết lòng chăm chút Bằng-lang, coi chẳng khác gì con đẻ thì nàng lấy làm mừng lắm. Hay đâu vì cớ thương con, mà từ đấy nàng sinh ra bụng mến chàng, Thường tự nghĩ: người đâu mà tử tế thế, tính nết đã hiền hòa như vậy, học hành chắc tài bộ hơn người: được thầy ra thầy, thôi cũng may cho con trẻ. Kế lại nghĩ: Tình cảnh người ấy thực cũng đáng ai ngại: lưu lạc giang hồ, bơ vơ đất khách; trách con tạo trêu ngươi chi thế? ôm dạ sầu biết ngỏ cùng ai. Bóng chiếc thẩn thơ, đèn khuya le lói; bao nhiêu chí khí, mòn mỏi hết rồi! Đời mà đến thế thì thôi, trông ai thêm lại ngậm ngùi cho thân. Lạ thay