— Bẩm, có Thạch thiền-sư lại chơi, muốn vào yết-kiến tướng công và bốn vị phu-nhân.
Phùng-Ngọc cả mừng đem các phu-nhân ra đón rước mời vào vườn sau. Thi lễ xong, Phùng-Ngọc cười mà rằng:
— Chẳng hay lão-sư qua tới đây bao giờ?
Thạch thiền sư nói:
— Bần-tăng nhân qua Triệu-khánh, hỏi thăm đồ-đệ, nghe thấy hiền-hầu công-thành danh-toại, về ẩn ở đây, nên mới lại qua thăm.
Phùng Ngọc cả mừng, bày tiệc tray khoản-đãi, dâng rượu ba tuần rồi; Phùng-Ngọc lại cất chén khuyên mời mà rằng:
— Tôi mà sánh đôi với tiện-nội Trương-thị, là nhờ lão sư có tặng cho lời chú đó.
Thạch thiền-sư nói:
— Người ta gặp gỡ cũng đều có định-số cả, chớ bần-tăng có công cán gì đâu.
Phùng-Ngọc nói:
— Núi Đại-hám này cao ngất mà linh-dị lắm, thường thấy có vân-hà ẩn-hiện; trên núi thấy có cả trì-đài quán-các, quả bích-đào rủ bóng, tiếng bạch-khuyển xủa người, vụt-chốc lại không thấy đâu cả đó thực là nơi tiên-quật. Vậy tôi muốn dựng một ngôi bảo-sát ở núi này, để cung phụng lão-sư mong được thời-thường thỉnh-giáo, chẳng hay ý lão-sư nghĩ sao?
Thạch thiền-sư nói:
— Bần-tăng trụ-trì ở núi Trường-nhĩ đã quen, vả tháp-cốt của tiên sư cũng ở đó, bỏ đi chỗ khác không được. Cổ-nhân có nói: « Núi không cứ gì lớn nhỏ, tùy theo người mà thêm trọng.» Núi Trường nhĩ rất nhiều nơi di-tích, ngày trước hiền-hầu đã qua chơi. mới làm cho được hai bài thơ vịnh đá bàn cờ. nay muốn xin hiền-hầu cứ mỗi nơi danh-thắng ở núi ấy đều vịnh cho một bài, để cho bần-tăng này được đem về khắc vào đá, cho núi ấy được tăng-sắc lên thì hay lắm.
Phùng-Ngọc mừng mà rằng:
— Phiền lão-sư khai các nơi danh-tích ra, để chúng tôi cùng với tiện-nội mỗi người làm mấy bài, xin lão-sư chỉ giáo cho.
Thạch thiền-sư bèn lấy hoa-tiên khai ra các nơi danh-thắng, đưa cho Phùng-Ngọc xem thì là mười bốn cái đề-mục thơ.
Phùng-Ngọc nói: