Sa-thị nói:
— Này con, ông con đã bảo con mà khỏi dậy, nếu đợi Phùng-Ngọc không thấy về, thời vào độ thượng-tuần tháng tư khí trời mát mẻ, cả nhà cùng đến trại Gia-quế sẽ nói với Lý công-chúa phát binh báo-thù hộ cho con.
Quí-Nhi nguyên không có bệnh gì chỉ vì đợi Phùng-Ngọc không thấy trở về, sợ lỡ mất cái cơ-hội tốt, không sớm đi xin binh báo thù, nếu chậm ra thì không kịp nữa, nên mới ưu-uất thành bệnh; nay nghe thấy bố chồng bằng lòng đem cả mình đến trại Gia-quế để thỉnh binh; tựa như cổi mối sầu-tràng. đau đớn biến đi đâu mất hết, vụt cái đứng trở dậy, khấu đầu lạy tạ Sa-thị. Sa-thị cả mừng mà rằng:
— Con nay thân-thể hãy còn yếu, đợi ít bữa nữa bổ-dưỡng cho khỏe-mạnh như thường đã, rồi mẹ sẽ nói với ông chọn ngày khởi-trình ra đi.
Sa-thị nói xong, bước ra ngoài cửa buồng sẽ nói cho Tư-trai biết. Tư-trai cũng lấy làm mừng thầm.
Tháng ngày thấm thoắt vụt như thoi đưa, chớp mắt đã đến đầu tháng tư rồi. Quí-Nhi không thấy Tư-trai nói nhắc đến việc đi đến trại Gia-quế nữa, trong bụng nghĩ thầm rằng dễ thường bố chồng nói dứ ta chăng. Nàng bèn chạy vào trong buồng lấy một tờ hoa-tiên viết ra một bài thơ, sai Tiểu-Thanh sẽ đem vào để ở trên án. Tư-trai trở vào thấy trên án có một tờ hoa-tiên đề thơ, nét bút ngay ngắn tươi tốt, trông như người gái đẹp bông hoa tươi, biết là chữ của nàng dâu viết, bèn cầm lấy thơ xem, thơ rằng:
Ơn sâu báo-đáp biết bao giờ?
Giọt lệ khôn cầm luống ngẩn ngơ.
Gối điệp buồn nghe chim gáy sớm,
Dây loan biếng gẩy nhện trăng tơ.
Đường hoa mưa rấp hồn vơ-vẩn,
Hiên trúc trăng tà bóng phất-phơ.
Đọc sớ nàng Oanh thêm tủi dạ
Soi gương càng thẹn vẻ ngây thơ.
Tư-trai xem thơ xong, than-thở mà rằng:
— Con dâu ta thực là tài đức vẹn toàn cả hai, vì ta có hứa với nó cùng đi đến trại Gia-quế; nay đã lâu rồi mà không nhắc đến