Trang:Linh Nam dat su 2.pdf/66

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 64 —

thấy vô số người quây-quần lại trỏ chân trỏ tay vòng quanh lại hỏi bọn lam-lũ ấy. Tư-trai bèn chạy đến gần nghe xem nói chuyện gì, thì thấy một người nói: « Tôi từ tháng mười năm ngoái bị giặc bắt đi, quân giặc nó bảo tôi viết thư về nhà bảo nhà đem nghìn bạc đến chuộc; nhưng tôi biết rằng quân giặc vô-đạo, dẫu cho nó nghìn bạc, vị tất nó đã tha cho; bởi thế nó khảo-đả kìm-cặp bắt ép tôi viết thư, tôi nhất định không viết; nó lại đem trói chân tay tôi-lại bỏ vào chuồng lợn; rồi nó lại lấy dây trói chân tôi treo ngược lên sà nhà, tưởng chừng không thể sống được. May sao chúa Mán đem binh đến đánh, giết chết thằng đầu đảng giặc, tôi mới được tha; lại nhờ chúa Mán cấp tiền lộ-phí cho về nhà, chúa Mán ấy thật là cha mẹ tái-sinh ra lũ chúng ta đó!» Tư-trai nghe nói, rẽ mọi người ra, giơ tay vái một cái mà hỏi rằng:

— Các ông là người bị-nạn ở trại Hỏa-đái được tha về, dám hỏi các ông có biết một người ở thôn Mai-hoa châu Huệ là người nhà thân-gia với tôi tên là Trương Thu-cốc, chả biết có được tha về không?

Người bị nạn ấy nói:

— Chúng tôi là phải quân giặc trại Ô-cầm nó bắt, cách xa trại Hỏa-đái nên không được biết. Nhưng ngay trước lũ chúng tôi ở Long xuyên, thấy có chúa Mán kéo quân về họp tập ở trước quan-ải, người đi tiễn-đưa đến vài nghìn người, nếu người nhà thân-gia ông mà không việc gì, thì tất là đã trở về rồi.

Tư-trai nghe nói cả mừng, vội vàng chạy lại nói cho Quí-Nhi biết mà rằng:

— Ta mừng cho con, ta nghe mới rồi có đến vài nghìn nạn-dân được tha, thì tất là thân-ông cũng không việc gì; bây giờ không phải đến trại Gia-quế nữa, cứ về ngay thôn Mai-hoa, thì cha con hẳn là được đoàn-viên gặp nhau.

Quí Nhi thở-dài nức nở mà thưa rằng:

— Cứ như tin ông nghe, phàm người bị giặc bắt, đều phải nó khảo-đả kìm-cặp, đủ vành thảm-độc; như thế thì cha mẹ con tuổi già mình yếu, thể nào sống được. Nay quân giặc đã bị tiễu-diệt, nạn-dân đã tan về cả rồi, như thế thời hài-cốt cha mẹ tôi còn biết đâu mà thăm-được nữa!