việc, nên phải ráng bấm gan mà làm mặt dạn mày dày, dằng lòng nhẫn nhục, nét mặt tươi cười mà nói rằng: « Bấy lâu em vẫn biết thầy là người trung hậu quân-tử, phẩm hạnh đoan trang, thật em cũng hết lòng ái mộ; may sao thầy cũng có lòng thương tưởng cậy mai đến nói em đã đôi ba phen, ngặt vì bà Phủ là mẹ nuôi của em, ý không chịu gả, lại muốn để mà gả em cho Hoàng-hữu-Chí là một đứa xấc xược kiêu căng, thật là đáng ghét, nên em không biết liệu làm sao; vì em đã thọ ơn bà, em không dám cải. May đâu lại khiến cho nó làm đều nhục nhã mà phải bị tù, thật em mừng quá. Vậy nếu như thầy mà quả có lòng thương tưởng đến em, thì xin rán chịu phiền chờ đợi một ít lâu, chừng vài ba tháng nữa ông thân sanh của em ở Bắc mà về đây; chừng ấy nếu thầy cậy người đến nói, ắt ổng gả liền, vì bình sanh ổng cưng em lắm, hễ em ưng chỗ nào thì ổng cũng ưng theo chỗ nấy. Nay em mà ước hẹn với thầy đến đây là có ý để tỏ bày tâm-sự của em. Vậy nếu như thầy quả thật có lòng thương tưởng đến em mà tính cuộc trăm năm kết tóc, thì em xin thầy phải cho em một vật quí báu chi đặng để mà làm tin; được như vậy thì em mới tin hẵn lòng thầy, dầu cho đến mấy năm em cũng an lòng mà chờ đợi vậy. » Xuân-Lan và nói và cố ý ngó chừng chiếc nhẩn của Lê-xuân-Kỳ đương đeo trong tay mãi.
Lê-xuân-Kỳ hội ý, biết Xuân-Lan muốn chiếc nhẩn của mình, ngặt vì chiếc nhẩn ấy vốn của Cẩm-Lệ tặng cho, để làm dấu tích; không lẽ mà mình lại đam ra mà cho người khác. Ban đầu hãy còn dụ dự, tấn thối lưởng nan, sau bị thần ái-tình nó giục riết, phần thì tam hồn thất phách đã phưởng phất theo Xuân-Lan, cho nên bợm-ta chẳng còn chủ-trương gì nữa hết; liền cổi phứt chiếc nhẩn trong tay ra, trao cho Xuân-Lan mà nói rằng: « Nầy là cái núm ruột của tôi đây, ngặt vì tôi quá yêu cô, nên tôi phải cát ái,[1] để tặng cho cô làm tin; mai sau dầu sở nguyện được thành[2], thì lời ước hẹn xin cô chớ phụ. » Xuân-Lan ngửa tay vói lấy chiếc nhẩn rồi nói rằng: « Như vầy thì em mới dám tin được lòng thầy, vậy từ đây, non xanh chẳng mất, nước biếc hãy còn; một tấm lòng son, ngàn năm chẳng lợt. Nhưng