Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/69

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 67 —

Bóng ngọc nào đâu, hương thừa còn đó. Chàng cầm mảnh giấy cháy thừa, ngắm-nghía hồi lâu, lại nghĩ-ngẫm hồi lâu mà vẫn không hiểu là nàng dụng ý thế nào. Một cơn mừng rỡ, biến thành một mối nghi-ngờ, trong dạ băn-khoăn, không sao yên được. Cơm tối bưng lên, nhưng chàng không sao nuốt trôi cổ. Ăn xong lại hết sức ngẫm-nghĩ, hồi lâu chợt như nghĩ ra mà rằng: « Hôm nay ngày nghỉ, nàng biết ta không đến trường cho nên sang đây thăm ta, hoặc lại muốn nói chuyện câu gì, không ngờ mà ta lại đi vắng. Câu thơ bớt lại đó là có ý than thở về nỗi nhà gần người xa, tựa như oán ta sao đi vắng mà lại không báo tin cho biết. Ta thực khờ quá, cớ gì lại chiều ý học-trò, nghe lời lão Lý, lúc đi cũng cứ lùi-lũi chẳng hề báo tin cho nàng biết, khiến nàng phải uổng phí một chuyến sang thăm. » Nghĩ đến đấy, chàng đập án mà kêu lên rằng: « Hại quá! Bực quá! Không sau không trước, một đến một đi! Ngày xuân dễ mấy lúc tình cờ mà nỡ bỏ hoài đi mất! Hỡi các duyệt-giả! Như Lê-nương vốn giống con nhà, chẳng may góa-bụa, nào phải đâu những tuồng trăng gió vật-vờ! Tuy rằng cùng với Mộng-Hà cũng có dây-dướng họ-hàng, thì theo lễ mà đến thăm nhau cũng chẳng hề chi. Thế như trong ngoài ngăn cách, họ mạc xa xôi, lẽ đâu đang lúc ban mặt ban ngày, dám làm sự đi thầm đi vụng; dù không thẹn dẫn thân đến hiến, sao không e miệng thế chê cười. Lê-nương dù say đắm Mộng-Hà đến đâu cũng quyết không đến nỗi khinh xuất như thế. Chẳng qua nàng sang chơi đấy là đã biết rõ chàng không có ở nhà. Thế mà chàng lúc ấy như dại như ngây, vẫn đinh-ninh nàng định đến thăm mình, chỉ vì một cuộc đi chơi làm cho lỡ mất. Thở ngắn than dài, buồn ngơ tiếc ngẩn, nhân làm hai bài thơ để gửi ý rằng:

I — Nga-hồ phơi-phới cánh buồm cao,
      Mình đến ta đi lỡ biết bao;
      Bút thảo tiên thơ tình muốn gửi,
      Tro thừa mảnh chữ ý làm sao?
      Đầy nhà thoang-thoảng mùi hương đượm,
      Tưởng mặt bâng-khuâng ngọn gió vào;
      Ai rõ tình nhau trong cảnh ấy,
      Thần-hồn khôn siết nỗi lao-đao!